Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Từ nguyên mẫu cuộc sống đến sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao

Từ nguyên mẫu cuộc sống đến sáng tạo
nghệ thuật trong bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao

Được sáng tác từ năm 1956, đã hơn nửa thế kỷ từ khi bài thơ “Núi Đôi” ra đời, nhưng bài thơ đã và vẫn đang làm rung động tâm hồn không biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Bài thơ “Núi Đôi” được nhà thơ Vũ Cao sáng tác từ một chuyện tình có thật, bối cảnh có thật. Theo lời tác giả, trong bài thơ duy nhất chỉ có câu “Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” là chi tiết hư cấu.
Nhà thơ Vũ Cao.
1. Từ nguyên mẫu cuộc sống: “Núi Đôi” là địa danh có thật. Đó là ngọn núi ở thôn Xuân Đoài, làng Xuân Dục, Sóc Sơn, Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, làng Xuân Dục giáp ranh giữa vùng bị giặc chiếm và vùng tự do. Xuân Đoài nằm bên trái con đường qua núi Đôi bị thực dân lập “vùng trắng”, bắt dân dỡ nhà, dọn về làng Lương Châu gần đó. Giặc Pháp cũng xây hàng loạt lô cốt ở núi Đôi để kiểm soát cả đường sắt lẫn đường bộ.
Nhân vật trữ tình và đối tượng trữ trong bài thơ là những con người có thật. Đối tượng trữ tình “em” là liệt sĩ Trần Thị Bắc. Chị Bắc là chị cả trong gia đình có năm anh chị em. Chị tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Giặc nghi ngờ chị theo cách mạng, chúng bắt bố chị lên đồn trên đỉnh núi Đôi tra tấn. Bố chị chỉ khai con gái cả là “Gái” và gọi ông Nhuận – con trai thứ ba – là Bắc để giấu tên chị hoạt động kháng chiến.
Liệt sỹ Trần Thị Bắc, hình mẫu của nhân vật cô du kích trong bài thơ “Núi Đôi”.
Thời gian chị Bắc được cử đi học lớp y tá ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã quen và yêu anh vệ quốc quân Trịnh Khanh người cùng quê. Họ ước hẹn sau khi chiến thắng trận Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) sẽ cưới nhau. Trước trận đánh đó, chính trị viên đại đội Trần Quốc Tuấn đã viết thư tay thay cho công văn đồng ý để anh Khanh về làm đám cưới với chị Bắc. Ngày cưới, mẹ chị gánh người con trai thứ ba (ông Nhuận) lên vùng tự do để dự đám cưới. “Phòng hạnh phúc” của anh chị không có giường mà chỉ là một ổ rơm. Cưới được hai hôm thì anh Khanh chuyển căn cứ, chị Bắc về quê làm quân bưu và địch vận.
Đêm 21/3/1954, chị Bắc dẫn đoàn cán bộ ra vùng tự do để chuẩn bị trận đánh lớn. Qua núi Đôi, đến ngòi Đầm Sen thì họ gặp phục kích. Bị giặc bắt nhưng vừa hô to, vừa chống trả để đồng đội phía sau kịp lánh. Giặc bắn một tràng tiểu liên vào ngực chị. Sau đêm bi thương ấy, đồng đội đưa chị lên chôn dưới chân gò Cầu Cồn (nay thuộc xã Minh Tân, Sóc Sơn).
Nhân vật trữ tình “anh” là anh vệ quốc quân Trịnh Khanh, người cùng quê. Sau khi cưới hai hôm, anh chia tay vợ đi làm nhiệm vụ. Ở chiến trường, anh đã nhận được hai bức thư. Một bức thư của vợ kèm theo một chiếc đồng hồ và một chiếc khăn len kỷ vật. Một bức thư khác của gia đình báo tin vợ anh đã hy sinh. Người lính vệ quốc nén nỗi đau của mình vào các trận chiến. Anh đi hết chiến trường này đến chiến trường khác.
Hòa bình lập lại, anh trở về quê, không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ vợ ở gò Cầu Cốn. Gia đình chị Bắc coi anh như con trai cả trong gia đình.
2. Đến sáng tạo nghệ thuật
Năm 1956, nhà văn Vũ Cao, lúc ấy đang là bộ đội thuộc sư đoàn 312 đóng quân ở huyện Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi. Những ngày đóng quân ở đây, ông được nghe kể về câu chuyện tình xúc động, bi thương giữa cô du kích với người chiến sĩ vệ quốc quân. Câu chuyện tình cứ ám ảnh, thôi thúc tạo cảm hứng mãnh liệt giúp nhà thơ tạo nên một thi phẩm sống mãi với thời gian.
Theo chúng tôi, nguyên mẫu là cái cớ, là sự gợi ý để tạo cảm hứng sáng tác còn thành công của bài thơ chủ yêu từ sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Vũ Cao đã có những sáng tạo đặc sắc trong bài thơ “Núi Đôi” là:
Thứ nhất: Hóa thân hoàn hảo:
Khi làm bài thơ này, Vũ Cao đã hóa thân vào nhân vật trữ tình Trịnh Khanh một cách xuất sắc. Mặc dù, Vũ Cao chưa gặp anh Trịnh Khanh nhưng thi nhân đã có sự đồng cảm sâu sắc, vì thế cách kể chuyện rất tự nhiên:
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi.
Tâm trạng đau đớn khi nghe tin người yêu mất cũng rất chân thật:
Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn thửa
Em sống trung thành, chết thủy chung!
Chỉ ba từ “tin sét đánh” đã lột tả hết nỗi đau đớn, bàng hoàng đến tột cùng của nhân vật trữ tình khi nghe tin người yêu mất. Vừa nghe tin em mất, trái tim anh đã chảy máu, tâm trí quay cuồng. Sau phút choáng váng ấy, anh mới kể cho độc giả biết về sự hy sinh anh dũng của em. So sánh với tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam khi nhận được tin tương tự, thì tâm trạng của “anh” trong bài thơ “Núi Đôi” thật hơn, gây chấn động tâm hồn người đọc mạnh mẽ hơn.
Tâm trạng người nhận được tin đau buồn cực độ một cách đột ngột phải ngất đi, gào lên một cách đau đớn. Nhưng nhân vật trữ tình trong bài “Quê hương” quá tỉnh táo. “Anh” giãi bày tâm trạng khi nhận được tin “sét đánh” (không tin đó là sự việc ấy) và kể cho độc giả biết em chết ra sao (giặc bắn quăng mất xác) và nguyên nhân bị giặc bắn (em làm du kích) rổi mới bộc lộ sự đau xót tột cùng (đau xé lòng anh):
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người! 
Câu thơ: “Đau xé lòng anh, chết nửa con người!” phải đặt ngay sau khi nghe tin em mất mới là đúng là tâm trạng của người khi biết tin “sét đánh bên tai” chứ không thể tỉnh táo kể lại một cách rành mạch, dài dòng: “không tin đó là sự thật”, “giặc bắn em rồi, quăng mất xác”, “chỉ vì em là du kích, em ơi” được.
Trong văn học Việt Nam trước đó, chỉ có Nguyễn Trãi đã nhập vai xuất sắc khi thay Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo”. Toàn bài Cáo là lời của chủ tướng, từ việc nêu nguyên lý chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”; niềm tự hào dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” đến bộc bạch lòng yêu nước, căm thù giặc cao độ, quyết sống mái với chúng:
“Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình,
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống.”
Không hề có dấu vết của sự viết thay. Cứ như là lời tuyên bố của chính Lê Lợi về cuộc kháng chiến gian khổ nhưng đã thành công. Từ đây, “Bốn phương biển cả thanh bình”.
Theo “Sự thật sau những tác phẩm để đời-Ky4: Núi Đôi – sự thật đẹp như huyền thoại” (Vũ Tuấn – Báo Tuổi trẻ ra ngày 17/10/2019), ông Khanh-nhân vật chính trong câu chuyện – khi nghẹn ngào đọc khổ thơ: “Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em!”, cũng thốt lên: “Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế!”
Thứ hai: Tài hư cấu, tưởng tượng:
Cũng như những tác phẩm văn học nghệ thuật khác, bài thơ “Núi Đôi” là sáng tạo nghệ thuật bằng hư cấu, tưởng tượng của nhà thơ Vũ Cao. Dù có nguyên mẫu đời sống là chuyện tình bi thương, cảm động của anh vệ quốc quân với cô du kích nhưng đó chỉ là cái cớ, là sự gợi ý để tạo cảm hứng sáng tác.
Đầu tiên, Vũ Cao mượn lời anh vệ quốc quân (chưa hề gặp) và nhắc lại lời cô gái, lời dân làng qua ngôn ngữ của người kể chuyện: “Em vẫn đùa anh sao khéo thế/ Núi chồng núi vợ đứng song đôi!”; “Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm, nhất trong làng/ Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?” để kể lại mối tình đẹp nhưng đau thương, tang tóc do chiến tranh gây ra.
Tiếp đến, là sự tưởng tượng về tuổi tác, sự trẻ trung nhất làng của đôi nam nữ: “Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng”. Trong hai câu thơ đầu, gọi đôi nam nữ (cô gái 17 tuổi và chàng trai đôi mươi) “trẻ nhất làng”, chính Vũ Cao cũng không hiểu vì sao lại viết như thế. Ông kể: “Quả thật hồi đó trong làng còn có cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cùng trang lứa với họ. Có lẽ tôi đã quá cảm động trước chuyện tình đẹp như mơ và cũng đầy tình tiết bi kịch của đôi lứa ấy mà ‘thậm xưng’ lên như vậy. Tuy nhiên, nói trẻ nhất làng thì cũng có khía cạnh không ngoa. Người ta tiếc cho cuộc tình không thành ở lứa tuổi 17, lứa tuổi nhiều sức sống nhất, yêu tha thiết nhất, thế mà giặc Pháp xâm chiếm quê hương, giết cô du kích” (“Chuyện tình bi tráng của nguyên mẫu cô du kích trong bài Núi Đôi” – Vietnamnet ngày 11/9/2013).
Cuối cùng, câu chuyện tình trong bài thơ có nhiều chi tiết được hư cấu. Ngoài đời, liệt sỹ Trần Thị Bắc và anh vệ quốc quân Trịnh Khanh đã tổ chức đám cưới, nên duyên vợ chồng. Còn trong bài thơ, họ đang là đôi tình nhân, vừa yêu nhau đã phải chia ly: “Mới ngỏ lời thôi, đành lỡ hẹn/ Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau”.
Ba tháng sau ngày cưới, ông Khanh nhận được tin vợ hy sinh nhưng trong bài thơ, nhân vật trữ tình về đến làng mới biết vợ mất: “Mới tới đầu ao, tin sét đánh/ Giặc giết em rồi, dưới gốc thông”. Chính chi tiết này đã giúp cho cảm xúc của nhân vật trữ tình dâng trào, mãnh liệt và thăng hoa.
Bài thơ “Núi đôi” được Vũ Cao sáng tác vào năm 1956, trong thời gian đóng quân ở huyện Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi. Từ đó đến nay, đã có hàng triệu độc giả thuộc lòng bài thơ, hàng ngàn nhà nghiên cứu, phê bình văn học, thầy cô giáo bình rất hay về bài thơ. Chúng tôi viết bài này như một nén tâm hương dâng lên linh hồn liệt sỹ Trần Thị Bắc và các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân!
 
14/1/2020
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...