Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Ván cờ lúc nửa đêm

Ván cờ lúc nửa đêm

Stalin bất ngờ dừng lại sau lời phát biểu của người thư ký riêng. Lãnh tụ luôn có thói quen đi đi lại lại và hút thuốc bằng tẩu tại các hội nghị. Trong phòng chỉ một mình Stalin hút thuốc. Người im lặng không nói câu nào, rồi lại rảo bước tiếp đến bên cửa sổ của phòng họp và nhìn rất lâu về phía ngôi sao hồng ngọc lấp lánh trên đỉnh tháp Kremlin. Tất cả mọi người đều hướng cả về phía Stalin và nín thở chờ đợi.
Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng
Nhà văn K. giật mình thức giấc vì tiếng chuông điện thoại. Ông quờ quạng với tay tìm công tắc chiếc đèn bàn để ở đầu giường. Ánh sáng khiến cho tiếng chuông bớt đi vẻ khẩn cấp và chứa đựng điều gì đó bất thường.
– Ai mà còn gọi vào giờ này không biết nữa? Người vợ càu nhàu, giọng ngái ngủ.
– Này mình ơi, điện thoại nối với Kremlin – Giọng ông lạc cả đi – Chắc có chuyện gì rồi đây!
Hai tiếng Kremlin như dội xuống đầu hai vợ chồng một xô nước lạnh giá. Người vợ ngồi bật dậy hết nhìn chồng lại nhìn lên chiếc điện thoại màu đen kiểu dã chiến để trên bàn. Cả hai đờ đẫn một lúc, rồi như chợt tỉnh ra và cùng xô cả lại bàn. Người vợ cầm ống nghe lên và áp vào tai chồng. Bốn mắt họ nhìn nhau không chớp đầy vẻ kinh hoàng. Trong cái tĩnh mịch của đêm ngoại ô Matxcova, trong căn phòng treo rèm nhung ấm áp, giọng nói từ trong ống nghe vọng ra nghe rõ cả tiếng thở và tiếng gõ của máy chữ trong phòng thư ký ở bên kia đầu dây:
– Đồng chí Stalin cần gặp đồng chí ngay bây giờ, 10 phút nữa sẽ có xe tới đón. Không được chậm trễ.
Người vợ tưởng nghe nhầm, chỉ một ngón tay lên trời và lắp bắp thốt ra mấy câu rời rạc, nghe như tiếng nấc: – Người… người cho gọi… anh, phải không?
Nhà văn K. сầm lấy ống nghe từ trong tay vợ và khẽ gật đầu.
Trong đời ông chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự.
Lãnh tụ tối cao, người cha của các dân tộc, giữa đêm hôm triệu ông tới nhà riêng.
– Hay là mình nằm mơ ? Ông nói to lên – Đây có phải giấc mơ không?
– Mơ gì mà mơ, tôi còn đang đứng sờ sờ trước mặt ông đây này – Bà vợ hiểu nhanh ra tình thế và giằng chiếc ống nghe vẫn còn tút tút trong tay chồng, đặt lại vị trí cũ.
– Tại sao đồng chí Stalin lại cho gọi vào giờ này nhỉ? Bà hỏi vọng ra từ đằng sau cánh cửa tủ đựng quần áo – Anh cứ mặc ấm vào đề phòng mọi trường hợp bất trắc…
Nhà văn K. hấp tấp thắt lại chiếc cavat. Óc tưởng tượng của nhà văn vẽ nên hết cảnh này đến cảnh khác. Cảnh sau còn khủng khiếp và rùng rợn hơn. Mấy giọt mồ hôi lạnh đã rỉn ra trên chiếc trán hói bóng. Bạn bè ông không ít người cũng bị gọi đi giữa đêm hôm. Chỉ có đi mà không quay lại.
– Anh nghĩ, chắc là lại về việc cuốn tiểu thuyết lịch sử của anh vừa được tặng giải thưởng Stalin, có thể Người thay đổi lại quyết định– Nhà văn K. vừa nói vừa định với tay lấy cái tẩu thuốc bằng gỗ sồi để trên bàn viết của mình, nhưng rồi ông lại vội rụt tay lại không cầm vì ngại rằng Stalin cũng hút thuốc bằng tẩu.
– Hay là mình từ chối nhận, chứ không cũng nhiều kẻ ghen ghét gièm pha – Bà vợ khoác chiếc áo pantô dạ đen lên vai chồng, nói– Mà chẳng nhẽ lại gấp đến mức nửa đêm gọi điện mời đến bàn việc?
– Em không biết chứ, Lãnh tụ của chúng ta thường làm việc suốt đêm, người đọc tất cả các tác phẩm được Hội nhà văn đề cử. Mà đã biết thực hư thế nào đâu? Từ chối một giải thưởng như thế thì chẳng khác nào ký vào bản án tử hình… Em lấy chiếc áo khác đi, áo này của Hội nhà văn Pháp tặng, không nên, lấy cái áo cũ lót lông gấu Xibiri ấy…
Ánh đèn pha ôtô bất ngờ chiếu loáng loáng vào cửa sổ phòng ngủ.
– Xe đã đến rồi ! Nhà văn K. bồn chồn thốt lên.
Hai vợ chồng lặng lẽ ôm hôn nhau. Người vợ bật khóc và gục đầu vào ngực chồng. Có thể, đây là cuộc chia tay mãi mãi.
– Em sẽ thức và cầu nguyện mong Chúa phù hộ cho anh được an toàn.
– Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, thì đây là lời cuối cùng anh muốn nói: Anh yêu em! Tất cả đều là phù phiếm, chỉ có tình yêu với em làm sự tồn tại của anh có ý nghĩa.
Nhà văn K. hôn thật mạnh vào môi vợ rồi quay ngoắt đi như muốn che giấu sự yếu đuối của mình. Người vợ loạng choạng ngã quì xuống tấm thảm và đưa tay ôm lấy mặt. Tiếng bước chân gấp gáp của chồng trên thang gác nhỏ dần và cuối cùng là tiếng cánh cửa thông ra sân đập đánh rầm một cái, chắc bị bão tuyết thổi bật ra. Người vợ nhỏm đứng dậy và chạy đến bên cửa sổ, đúng lúc cái bóng cao gầy cúi gập xuống để tránh gió của chồng mất hút vào trong chiếc xe Pabeđa màu đen. Ánh đèn pha chém loang loáng vào khoảng rừng thông đen sẫm bên kia hàng rào.
Đâu đó, vọng lại tiếng chó hú nghe hoang dã như trong khu rừng nguyên thuỷ chứ không phải đặc khu thơ mộng Peređelkino dành cho tinh hoa của giới văn sĩ Liên Xô.
– Sao lại đi đường này? Không đến điện Kremlin à? Nhà văn K. đột ngột hỏi khi thấy chiếc xe rẽ sang hướng đại lộ Mozaiski.
Người lái xe im lặng không trả lời. Chiếc gáy chắc nịch, phẳng lỳ của anh ta không động đậy, chỉ có đôi mắt với hàng lông mày rậm gần như giao nhau kiểu Gruzin nhìn qua gương chiếu hậu hơi nhếch lên như ra chiều muốn nói: “ Đồng chí cứ yên tâm, mọi cái đã được trù liệu cả rồi”.
Ông im lặng ngả đầu ra phía sau và nhắm mắt lại, cố gắng hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh. Ông đã đọc được câu trả lời trong sự im lặng đó. Gần hai chục năm nay, kể từ khi Alilueva vợ của Stalin tự sát, lãnh tụ tối cao không bao giờ ngủ đêm tại căn hộ của mình trong điện Kremlin mà thường sống và làm việc tại nhà nghỉ ngoại ô bên bờ sông Xetun.
Tiếng động cơ ô tô đều đều và không gian mênh mông phủ tuyết trắng xóa bên ngoài khiến nhà văn K. có thời gian trấn tĩnh và đánh giá sự việc đang xảy ra bằng cái đầu đã bớt đi choáng váng. Ông nhớ lại và cố gắng rà soát từng lời nói cũng như cử chỉ của mình trong cuộc họp cách đây hai ngày tại Kremlin giữa Stalin, Bộ chính trị và đại diện của giới văn nghệ sĩ toàn liên bang. Ông cố thử hình dung và đặt địa vị mình vào Lãnh tụ tối cao để thử tìm xem mình có điều gì thất thố phạm thượng không, nhưng cuối cùng ông cũng chỉ biết thở dài và len lén đưa tay lên làm dấu thánh vì sợ anh lái xe trông thấy. Cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông về người anh hùng nông dân khởi nghĩa Stepan Razin được Hội đồng giải thưởng và chính Stalin đánh giá cao, quyết định trao giải nhất. Nhà văn K. cảm thấy yên tâm khi nhớ lại những lời khen ngợi của Stalin đối với cuốn sách: “Một cuốn tiểu thuyết lịch sử hoành tráng”. Người ông nổi da gà, nước mắt dâng trên bờ mi khi được nghe những lời khen hiếm hoi đó từ cửa miệng của lãnh tụ tối cao, của người Cha các dân tộc. Ông khiêm tốn cúi đầu nhìn xuống cuốn sổ tay để trên bàn và cảm nhận thấy những ánh mắt ghen tỵ của đồng nghiệp đang nhìn về phía mình. Một sự ghen ty cũng dễ hiểu trước một vinh dự quá sức tưởng tượng chẳng khác nào một trận mưa sao dội xuống đầu.
Nhưng đến cuối buổi họp, đột nhiên xảy ra một sự việc bất thường.
Pôkrebusev – Thư ký riêng của Stalin, một người đàn ông nhỏ thó, đeo kính không gọng, dơ tay xin được phát biểu ý kiến.
“Thưa đồng chí Stalin, chúng tôi vừa nhận được thông tin: nhà văn K. trong thời gian làm việc tại công trình thủy điện trên sông Amua đã có những vi phạm nghiêm trọng, không xứng đáng một công dân Xô-viết”.
Thật chẳng khác nào một tiếng sấm giữa bầu trời quang.
Cả hội nghị lặng cả đi đến mấy phút, không ai thốt ra được câu nào, thậm chí đến cử động mạnh trên ghế cũng cảm thấy bất tiện. Mọi ánh mắt lại đổ dồn về nhà văn K. nhưng không phải là ánh mắt của năm phút trước đó. Nhớ đến đây, nhà văn K. cảm thấy tức ngực khó thở và phải yêu cầu lái xe hạ kính cửa xe xuống để cho làn gió lạnh lùa vào, cuốn theo những giọt tuyết buốt như kim châm phả vào mặt. Hai ngày hôm nay, đầu óc ông luôn luôn bị giày vò bởi suy nghĩ: kẻ nào đã chơi xỏ ông và dựng chuyện âm mưu hất ông ra khỏi giải thưởng lớn năm nay. Hắn là ai?
Stalin bất ngờ dừng lại sau lời phát biểu của người thư ký riêng. Lãnh tụ luôn có thói quen đi đi lại lại và hút thuốc bằng tẩu tại các hội nghị. Trong phòng chỉ một mình Stalin hút thuốc. Người im lặng không nói câu nào, rồi lại rảo bước tiếp đến bên cửa sổ của phòng họp và nhìn rất lâu về phía ngôi sao hồng ngọc lấp lánh trên đỉnh tháp Kremlin. Tất cả mọi người đều hướng cả về phía Stalin và nín thở chờ đợi.
– Tha bổng? Stalin như tự nói với chính bản thân mình nhưng vì bầu không khí quá căng thẳng và lặng ngắt như trên pháp trường trước giờ hành quyết, nên giọng nói trở nên vang to và rất nghiêm khắc – Hay là không ?
Lãnh tụ tối cao cứ chậm rãi đi đi lại lại dọc hai dãy bàn họp và nhắc đi nhắc lại: Tha bổng hay là không? …Tha bổng hay là không?
Hai vế của câu nói đó chẳng khác nào hòa cùng nhịp với chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường.
…Tha bổng… hay là không?… Tha bổng… hay là không?
Nhà văn K. chỉ còn thiếu chút nữa thì gục xuống mặt bàn vì thần kinh căng thẳng quá sức chịu đựng. Hơn ai hết, ông hiểu rằng đó là ranh giới giữa một bên là giải thưởng cao quí và một bên là tù đầy, thậm chí là cái chết. Quả lắc đồng hồ chao đi chao lại. Số phận một con người đang được định đoạt… Giữa sống và chết thật quá mong manh.
Cuối cùng, Stalin dừng lại ở bên cửa sổ, gõ mạnh cái tẩu thuốc bằng sừng hươu Bắc cực xuống bậu cửa khiến tàn thuốc lá bắn tóe ra và chậm rãi tuyên bố: Tha bổng!
Nhà văn K. đổ gục xuống bàn trong tiếng vỗ tay vang dội của cả hội nghị…
Chiếc xe Pabeđa giảm tốc độ khi đến gần đồi Poklon im lìm bị tuyết phủ trắng xóa. Gió ở đây không còn lồng lộn lên nữa vì xung quanh là rừng thông dày che chở. Ngôi nhà gỗ hai tầng huyền thoại, bí ẩn lờ mờ hiện ra phía trước mặt khiến trái tim nhà văn K. đập rộn lên trong lồng ngực. Người ta vẫn chưa dỡ bỏ lớp ngụy trang từ thời chiến tranh. Nhà văn K. bất giác đưa tay lên chỉnh lại chiếc cavat, có lẽ vì cảm thấy bị chèn ở nơi cổ. Người lái xe nháy đèn ba lần, cánh cổng tự động mở ra. Nhà văn K. bước xuống xe và đi theo một người lính bảo vệ Gruzia. Anh ta không nói câu nào, chỉ giơ tay ra hiệu. Đây là lần đầu tiên ông được Lãnh tụ tối cao mời đến khu nhà nghỉ ngoại ô nhưng không được biết vì nguyên cớ gì. Người bảo vệ nhẹ nhàng mở cửa tầng dưới và đứng sang một bên để nhà văn K. bước vào. Cánh cửa gỗ nặng trịch sau lưng ông đóng sập lại. Một nỗi kinh hoàng vụt chạy suốt cơ thể như một luồng điện. Đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất nên chỉ sau một phút đứng phủi tuyết bám trên mũ và áo khoác ông trấn tĩnh lại được ngay. Xung quanh yên tĩnh và vắng lặng không một bóng người. Trong lúc ông cởi áo khoác ngoài treo vào trong tủ, chỉ có một chú mèo lông đen hai mắt sáng quắc đi từ phòng thư viện để ngỏ cửa nhẹ nhàng tới cọ mình vào chân ông. Nhà văn K. lưỡng lự một chút và cảm thấy bối rối vì không thấy có người phục vụ ra đón. Ông cúi xuống bế chú mèo lên tay và vuốt ve bộ lông dày mượt để kéo dài thời gian chờ đợi. Đúng lúc đó, từ trên tầng hai đưa xuống giọng nói trầm trầm pha âm sắc Gruzin của Lãnh tụ tối cao mà hàng triệu người dân Xô Viết đã quen từ hơn hai chục năm qua đài truyền thanh :
– Anh cứ vào phòng thư viện đi! Tôi xuống ngay bây giờ.
Chỉ mấy câu nói đó thôi đã trả lại cho nhà văn K. lòng tự tin và tinh thần sảng khoái, chẳng khác nào trút khỏi vai một bao lúa mỳ nặng. Ông tự nguyền rủa mình đã quá yếu bóng vía, thần hồn nát thần tính nghĩ ra đủ các tình huống để hù dọa chính bản thân. Qua âm điệu của giọng nói đó thì không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Quyết định trao tặng giải thưởng cao quí không thay đổi !
Bước chân của ông đi vào phòng thư viện cũng vững chắc và tự tin hơn rất nhiều, thậm chí còn hơi nhún nhẩy. Ông cảm thấy không ai may mắn hơn mình. Các bạn đồng nghiệp mà biết được sự việc đêm nay chắc không khỏi ghen tỵ. Có lẽ, Lãnh tụ tối cao muốn đàm thoại với một nhà văn nổi tiếng về tác phầm đoạt giải hoặc về công tác Hội nhà văn… Ngồi trên chiếc ghế Xôpha bên cạnh chiếc bàn gỗ hình bầu dục thâm thấp, ông đưa mắt nhìn bao quát toàn bộ phòng thư viện rộng rãi, bốn bức tường dát toàn sách. Một số cuốn sách đang được đọc dở để trên bàn làm việc gần cửa sổ, trên đivan và trên bệ lò sưởi đang bập bùng lửa cháy. Trái tim ông muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi ánh mắt chợt bắt gặp cuốn tiểu thuyết lịch sử của mình để trên bàn làm việc của Lãnh tụ tối cao.
“Stalin bình sinh cũng là một nhà thơ có tài khi còn học ở trường dòng, tâm hồn nghệ sĩ không thể tàn lụi được” – nhà văn K. suy nghĩ – “Song, có lẽ cách mạng là con đường ngắn nhất và chắc nhất để đạt được sự bất tử. Phàm là con người, ai mà chẳng muốn sống mãi với thời gian. Bản thân mình đây, cầm bút viết cũng mong mỏi những con chữ viết ra không chỉ cho ngày hôm nay mà còn cho hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau đọc…”
Nhà văn K. đứng dậy khỏi ghế và đi lại gần bên lò sưởi. Ông bỏ một khúc củi ngắn vào trong lò, nhưng dụng ý là tới gần bàn làm việc để nhìn gần hơn đứa con tinh thần của mình đang nằm ngay ngắn trên bàn. Và thậm chí, người đọc còn đánh dấu trang đọc dở bằng một con dao găm kiểu Cozac, nhỏ nhưng sáng loáng.
Tiếng kẹt cửa khiến ông giật mình quay lại, trong tay vẫn còn cầm một khúc củi khô định cho vào lò.
Stalin đứng ở trong khung cửa, mỉm cười. Nhưng, ánh mắt vẫn lạnh.
Lãnh tụ tối cao mặc bộ đồ dân tộc Gruzin giản dị nên mất đi dáng vẻ oai phong đường bệ. Nhà văn K. kinh ngạc khi thấy Stalin cắp dưới nách một hộp cờ vua. Hiểu ngay được ánh mắt ngạc nhiên đó, Stalin vừa bước lại bàn vừa nói :
– Muốn giải lao trong lúc căng thẳng, mời văn sĩ dùng một ván cờ, được không ?
Nhà văn K. bị bất ngờ nên chưa kịp phản ứng gì, chỉ còn biết thả khúc củi xuống ngay dưới cạnh chân và quay trở lại ghế.
Stalin bày bàn cờ của mình xong thì đứng lên đi đến bên tủ để lấy đồ uống và ít bánh ngọt để trong chiếc đĩa bằng gốm đã được chuẩn bị sẵn.
– Tôi cho phục vụ đi nghỉ sớm nên chúng ta tự phục vụ lấy nhau nhé?
Mấy ngón tay của nhà văn K. bày quân lóng ngóng, run run.
Stalin rót rượu ra hai chiếc cốc nhỏ. Rượu vang đỏ như máu.
– Nào chúng ta cụng ly một cái, ai đi trước nhỉ ? Thôi, nhường cho khách đi trước.
Stalin đưa ống tay áo lên quệt ngang miệng sau khi uống cạn cốc rượu. Nhà văn K. đặt cốc rượu xuống và đi nước cờ đầu tiên. Mặc dù là một tay cờ có đẳng cấp nhưng ông cũng hiểu rằng đây là ván cờ mà số phận của ông bị buộc chặt vào. Nó là ván cờ khó nhất từ trước đến nay, và có lẽ cho đến cuối đời. Ông phải chơi thua nhưng không được để lộ ra rằng mình cố tình thua…
Stalin đưa tay đẩy quân cờ đi nhưng hình như cũng đang có điều gì đó suy nghĩ rất lung. Bởi vậy, mặc dù đã gần nửa tiếng trôi qua, ván cờ hầu như diễn ra trong im lặng. Nhưng rồi đột nhiên, sau một lần đi con mã, Stalin bỗng bật cười khẽ và lẩm bẩm một mình :
“ Thật là một giấc mơ kỳ quái!”
Nhà văn K. ngẩng đầu lên vì không hiểu Chủ nhà nói gì. Stalin vẫn chăm chú nhìn vào bàn cờ như mải suy nghĩ.
Mấy phút trôi qua trong im lặng.
Stalin lại lúc lắc đầu, thở dài một cái và nói to hơn: “Một giấc mơ không thể hiểu nổi!”
Nhà văn K. đã nghe rõ câu nói nhưng đâu dám hỏi kỹ hơn, ngay lúc đó, Stalin tự rót cho mình một cốc rượu nữa và giải thích:
– Đêm hôm qua, tôi nằm mơ một giấc mơ rất lạ: Anh đứng cách tôi không xa và chĩa thẳng khẩu súng lục vào người tôi. – Nói xong, Stalin ngửa cổ lên uống một ngụm hết cốc rượu và hướng ánh mắt lạnh lùng, soi mói vào khuôn mặt của khách.
Nhà văn K. cảm thấy đông cứng người lại.
Ông bối rối nhìn xuống bàn cờ vì chưa biết nên trả lời ra làm sao.
“Tại sao Lãnh tụ lại kể điều này ra với mình? Hay trả lời rằng chuyện mộng mị cũng là lẽ thường tình, đôi khi con người ta còn nằm mơ làm tình với cả bố mẹ mình ấy chứ! Hay, chuyển sang giọng đùa cợt? Nhưng vẻ mặt của Stalin rất nghiêm nghị, đâu phải là chuyện đùa…” Những ý nghĩ đó làm cứng hàm nhà văn K.
Cuối cùng, ông chỉ còn biết khẽ nhún vai ra chiều ý nói: “ Thưa đồng chí Stalin kính yêu, tôi chẳng biết nói như thế nào cho phải phép trong trường hợp này cả!”, rồi đưa tay lên vuốt nhẹ vầng trán cao lấm tấm mồ hôi của mình.
Stalin ngả người ra ghế, ánh mắt vẫn không rời khuôn mặt lúc tái lúc đỏ của nhà văn nổi tiếng K.
“Tôi cũng bất ngờ với chính giấc mơ của mình” – Nói xong, Stalin đứng dậy và bước tới gần lò sưởi, cúi xuống cầm thanh củi lúc nãy nhà văn K. bỏ rơi trên sàn và ném vào trong lò. Những tàn lửa đỏ rực bắn tóe ra xung quanh.
– Thưa đồng chí Stalin, đồng chí đang chiếu tướng tôi ạ? Nhà văn K. chỉ vào con xe trên bàn cờ và thốt lên với vẻ hân hoan như thể đã tìm ra lối thoát cho tình thế.
– Tôi chiếu tướng anh lâu rồi, anh không nhận ra đó thôi. Uống nốt cốc rượu đi rồi đi ngủ, quá nửa đêm rồi, anh ở lại đây thôi, bên ngoài đang bão tuyết đấy.
Stalin đích thân tự tay lấy những tấm khăn trải giường đã được xếp ngăn nắp ở trong tủ con và trải lên chiếc đivan duy nhất trong phòng thư viện. Rồi lấy gối nhồi lông chim và trước khi để lên phía đầu giường còn giũ giũ đập đập cho phẳng đều.
– Anh nằm đây ngủ, còn tôi ngủ phòng bên cạnh – Nói xong, Stalin bất chợt sải những bước chân dài đến bên cửa sổ và vén rèm chăm chú nhìn rất lâu qua cửa kính. Nhà văn K. vẫn đứng im như chôn chân xuống dưới sàn vì quá xúc động. “Thật là một vinh dự ngoài sức tưởng tượng – Lãnh tụ tối cao tự tay trải giường! Không có hư cấu văn học nào có thể nghĩ ra được tình huống tương tự”.
Stalin quay lại và bước về phía cửa dẫn sang phòng bên cạnh, vừa đi vừa nói với mình nhưng cũng đủ cho khách nghe thấy:
– Đã bảo cấm không được dọn tuyết ở phía ngoài cửa sổ, thế mà vẫn có kẻ không nghe lời… Nói đến đây, Stalin dừng lại và nói to với nhà văn K. – Đây là kinh nghiệm khi còn hoạt động bí mật, tuyết lưu giữ dấu vết của những kẻ có mưu đồ xấu.
Stalin đặt tay lên nắm đấm cửa, không quay đầu lại, hỏi to:
– Anh ngủ không ngáy đấy chứ ?
Rồi, chẳng đợi câu trả lời, Chủ nhà đóng sập cánh cửa lại sau lưng.
Nhà văn K. thở dài một cái rõ to và ngồi phịch xuống ghế. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, ván cờ chỉ diễn ra vẻn vẹn bốn nhăm phút thế mà ông có cảm tưởng rất lâu. Đây là ván cờ có một không hai trong đời ông. “Phải lấy một quân cờ trên bàn kia làm kỷ niệm” – Ý nghĩ láu lỉnh đó nảy ra trong đầu khi ông đã cởi quần áo ngoài ra và tắt đèn. Trong bóng tối mờ mờ của ánh sáng từ ngoài cửa sổ hắt vào, ông dò dẫm quay trở lại đivan. Khi đi ngang qua bàn lấy tay nhón đúng con xe mà Stalin đã chiếu tướng nước cuối cùng, ông bỏ con xe vào trong túi áo ngực và dón rén đi lại nằm xuống, cố gắng không để gây ra tiếng cót két.
Nằm nhắm mắt thế thôi, chứ có mà tiêm thuốc mê ông cũng không chợp mắt nổi. Cách ông một cánh cửa mỏng là một con người mà cả đất nước và còn rộng hơn thế nữa, sủng kính, thậm chí sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống của mình vì Lãnh tụ. Trong lòng ông nổi lên sự đua tranh giữa nỗi sợ và lòng tự hào. Ông biết rất rõ Stalin làm bất cứ điều gì đều có tính toán kỹ lưỡng, không bao giờ có chuyện vô tình cả. Việc mời ông giữa đêm hôm đến tận nhà để đánh một ván cờ, rồi lại kể cho nghe một giấc mơ chẳng biết có thật hay không, rồi việc mời ngủ lại, trải giường giũ gối…tất cả những cái đó để nhằm mục đích gì? Hay muốn qua ông gửi tới giới văn nghệ sĩ, trí thức thông điệp gì?Ông lật đi lật lại mọi khả năng có thể xảy ra và chợt rùng mình ớn lạnh vì ý nghĩ có ai đó đang theo dõi trong bóng đêm. Ông chợt giật mình vì từ phòng bên vọng sang tiếng tắt công tắc đèn khô khốc và vang to trong đêm yên tĩnh. Dải ánh sáng dưới chân cửa biến mất. Stalin cũng đã đi ngủ.
Cũng không rõ bao nhiêu thời gian đã trôi qua, có thể là hai hoặc ba tiếng. Bỗng từ phòng bên, lại vọng sang tiếng bật công tắc đèn. Dải sáng dưới chân cửa xuất hiện. Tiếp theo đó là tiếng bước chân và tiếng bản lề cửa kêu rít. Ánh điện từ phòng bên hất sang làm phòng thư viện sáng hẳn lên.
“Lạy chúa tôi, nếu Người biết được mình không ngủ tức là lương tâm không trong sạch” – nhà văn K. trộm nghĩ và vội nhắm mắt lại. Toàn thân cứng đờ.
Căn cứ theo tiếng bước chân, Stalin đang bước lại gần đivan. Lãnh tụ tối cao đứng ngay bên cạnh vị khách văn sĩ của mình và từ trên nhìn xuống, chăm chú quan sát khuôn mặt sáng sủa thông minh đang thiếp đi trong giấc ngủ.
“Cố gắng làm sao không động đậy mi mắt, không được động đậy mi mắt” – Vị khách thầm nghĩ trong bụng và tưởng tượng ra chỉ một tích tắc nữa thôi, Stalin sẽ phát hiện ra rồi đặt tay lên ngực túi áo có quân xe của mình… thế là hết! Quân cờ nhỏ bé nhưng chẳng khác nào một tảng đá lớn đè lên ngực trái .
“Chỉ có Chúa mới biết được, Stalin sẽ làm gì khi biết mình giả vờ ngủ” – nhà văn K. nghĩ trong khi nghe rõ tiếng đập thình thịch của trái tim trong lồng ngực, hai bên thái dương và cả tận dưới ngón chân cái.
“ Nếu có thể chết được ngay lúc này còn hơn là để Lãnh tụ biết mình giả dối”.
Stalin nhìn chăm chú một lúc khuôn mặt của nhà văn tài năng vào bậc nhất văn đàn Nga, thở dài một cái rõ to và nặng nề, rồi quay gót đi về phòng mình. Cánh cửa khép lại, bóng tối an bình ập xuống. Tiếng công tắc điện ở phòng bên vang lên. Tất cả lại chìm trong im lặng.
Nhà văn K. bật khóc và khẽ đặt tay lên ngực trái, nắm chặt lấy quân cờ trong lòng bàn tay nhớp mồ hôi.
Ông không lau đi những giọt nước mắt mặn chát lăn trên má và cứ nằm im như thế cho đến khi bầu trời bên ngoài cửa sổ hửng sáng…
Vũ Tuấn Hoàng
 
 
6/7/2020
Vũ Tuấn Hoàng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...