Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Về bên kia núi

Về bên kia núi

Câu chuyện về thân phận những người đàn bà, ở một nơi mà tác giả gọi là xó rừng, được kể qua một giọng độc thoại buồn, rưng rưng những giọt nước mắt không rơi ra được, nhưng tinh khiết và trong veo. Niê-Thanh Mai có trong văn mình cái mãnh liệt của người dân vùng cao nguyên, thế nhưng cái mãnh liệt ấy lại được kìm nén rất giỏi khi cô diễn tả những day dứt và trăn trở của cuộc sống, những tình yêu vô vọng… để đến cuối chuyện, nỗi buồn không vỡ òa trong vài câu chữ, mà thấm dần thấm dần vào lòng người đọc…
Nhà văn Niê Thanh Mai
Em mặc yên bằng bàn tay gân guốc của mẹ. Yên cứng và còn thơm mùi hồ. áo tròng qua cổ, cổ tay em nhỏ và mềm ngọ nguậy dưới lớp áo đen thẫm. Áo mới, em theo chị đi dự lễ tối nay.
Chị Xuân đẹp. Chị mặc yên mặc áo một mình. Cứ xoay trước xoay sau trước mặt bà để bà khen. Bà già rồi, nhưng bà muốn nhìn thấy ngày xưa từ dáng tròn mây mẩy hồn nhiên như lá của cháu gái. Vì vậy mỗi khi mặc yên mới, áo mới chị Xuân lại làm bà rơm rớm nước mắt. Nước mắt bà lăn từ những nếp nhăn xếp đều đặn trên mặt. Em thấy thương bà.
Chị Xuân không muốn ở mãi một xó rừng.
Chị nói với em điều đó khi chị em cặm cụi lên rẫy buổi sớm. Con đường mòn gập ghềnh và dốc. Mùa khô gió bốc từng nắm bụi ném vào mặt người. Mặt em lấm lem, mặt chị cũng thế.
Chị ném những quả bắp to bằng bắp chân trẻ con của em vào bao, bực dọc. Trưa chị không ăn cơm, em ngồi một mình với nắm cơm gạo trắng. Cơm ăn với muối vừng. Chị ngồi mãi ở gốc cây muồng, mông lung nhìn về cuối chân trời. Chung quanh chị hoa vàng rụng kín. Em thấy chị lau nước mắt vào chiếc yên cũ kỹ và sờn hết gấu.
Em thấy anh Plin nhìn chị. Ánh mắt anh sáng lấp lánh như vòng đồng bắt gặp ánh nắng buổi sớm. Anh nhổ củ mì cho em bằng đôi tay rắn như gỗ rừng, củ mì gãy đôi, sữa trắng lấm lem đất.
Anh nhặt cây khô nướng củ mì cho em ngay bên bìa rẫy. Em bẻ một nửa cho chị, nhưng chị không ăn. Chị bảo không thích ăn củ mì, chị thích ăn xôi nếp với thịt gà chấm muối ớt xanh. Câu nói của chị làm mắt anh hơi tối lại. Ngày hôm sau anh mang đến rẫy một con gà rừng. Gà bọc trong đất sét, trắng nõn khi anh lôi ra từ đống than hừng hực. Chị nhấm nhấm chiếc đùi gà rồi bỏ xuống, xách gùi đi bẻ đọt mây. Chị bảo chị không thích nữa. Em thương anh Plin. Nhìn theo dáng khập khiễng của anh, em thấy chạnh lòng.
Chỉ có em mới biết chị muốn gì.
Chị không nói chuyện với mẹ. Chỉ thì thầm hát với em.
Những hôm trời mưa, em nằm gọn trong lòng chị. Tay vân vê những sợi tóc dài mượt đen bóng vì gội bằng bồ kết rừng. Em nghe chị hát. Giọng chị trong trong và ngọt như nước đầu nguồn tuồn trong ống lồ ô. Chị hay mân mê yên mới trong tay. Em thấy chị dệt túi mới, may áo mới. Mặt chị ngời ngời sáng.
Chị muốn lên phố. Bạn chị lên phố ba năm, quay trở về làng bằng đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắt, chênh vênh như người ta chơi trò cà kheo. Áo xanh lông két, váy mềm lòe xòe bay bay khi bạn chị leo lên cầu thang.
Em nép sau cửa buồng nhìn chị gói quần áo vào túi xách. Hớn hở. Khi chị xách túi bước xuống cầu thang thì quay lại nhìn em, ngùi ngùi. Chị thơm em thật lâu ở má trái, má phải. Nước mắt chị thấm ướt má em. Vậy mà chị vẫn đi.
Chị giúi vào tay em tờ giấy nghệch ngoạc. Em nhỏ quá chẳng biết chị viết gì. Chỉ thấy mí trở về ngã xuống sàn nhà. Từ hôm ấy câm lặng cho đến khi em lớn.
Mí giận em. Nếu chị với em đều là núm ruột của mí có lẽ lại khác. Chị Xuân là con gái mẹ lớn. Mẹ lớn về với ông bà ngay sau khi sinh chị Xuân được hai giờ đồng hồ. Không có người chăm sóc trẻ con, không có người dỗ nó khóc lúc nửa đêm gần sáng, không có người bón nước cháo lúc nó đói. Cha nối dây với mí của em. Rồi cha mất, chị Xuân ở với mí. Mí không xem chị Xuân là con chồng. Nhưng người làng mấy ai hiểu hết lòng mí.
Em lớn và biết mặc váy áo một mình. Em tự dệt váy cho mình. Mền cũng tự em dệt cho mình. Bà không còn ngồi bên khung cửi nữa. Chân bà run và yếu, bà không đủ sức duỗi chân để dệt áo cho bà nữa. Mí đi rẫy suốt và trở về đến nhà vào lúc chiều tối, khi ánh nắng là những vệt mờ xa tít ở chân trời. Mí chẳng bao giờ nói chuyện với em, cũng chẳng nói chuyện với bà. Mí nhìn em bằng cái nhìn sẫm buồn.
Em chẳng có bạn cùng lứa. Bạn em là những đứa trẻ con, tóc vàng hoe và cháy khét. Chẳng đứa nào mang dép. Chúng có những chiếc quần đùi mỏng thếch, áo thun nhàu nhàu mùi đất.
Chiều nào em cũng tắm gội cho chúng. Em lôi từng đứa xuống suối, vò đầu vò tóc và kỳ cọ. Chúng bám lấy vai em, hò hét om tỏi. Tắm xong chúng trèo lên trên bờ, lúp xúp trên những tảng đá và hát. Chúng chờ em giặt quần áo cho bà.

Em nhìn thấy Plin một mình.
Plin ngồi trên tảng đá với con chó nhỏ. Con chó có lông vàng và gầy tong teo. Anh thổi sáo bằng hai tay, bằng cả đôi mắt nhắm nghiền, một chân vung vẩy và mái tóc xoăn xoăn mềm.
Em đứng chôn chân nhìn. Cách Plin khoảng hai chục bước chân. Bỗng thấy trong lòng mình một cảm giác rất lạ lùng.
Tiếng sáo kéo em lên lưng chừng không gian. Từ trên đó nhìn xuống dưới mọi thứ thật nhỏ bé và thơm. Mùi cỏ, mùi bùn, mùi hoa lan nép mình dịu dàng trên những thân cây.
Khi em mở mắt thì Plin đang nhìn em. Ánh mắt anh buồn và mệt mỏi. Từ ngày chị đi, anh cứ ngồi mãi chỗ này mỗi buổi chiều. Anh đợi chị quay về bằng cây sáo sáu lỗ với những âm thanh da diết. Chân anh lấm đất, đầu anh khét mùi nắng nhưng hai tay anh lúc nào cũng ôm cây sáo.
Em mỉm cười rồi quay lưng đi, suýt vấp vào con chó vàng gầy tong teo đang quấn dưới chân.Ừ.
Bà đã ngủ một giấc trưa. Và không tỉnh dậy nữa.
Mí khóc vật vờ và dai dẳng. Người ta lôi cái trống lớn nhất, đánh bên phía bịt da con trâu đực. Sầm sầm và buồn. Trống báo tin làng có người mất. Chỉ chốc lát nhà em đã đông nghịt là người, đàn bà trong làng vừa leo lên cầu thang đã khóc, khóc từ cầu thang lết dần vào nhà. Những tiếng khóc buồn miết vào không gian não nùng.
Em ngồi ở bậc cửa sau, luôn phải nép người sang một bên cho người phụ nữ lo cơm nước đi lên đi xuống. Em không khóc, em mân mê chiếc yên mới tự tay em dệt mà bà chưa kịp mặc lần nào.
Người ta đưa bà đến nghĩa địa. Ðến ở chung với những người đã chết. Người đi đưa đông. Nhưng không có chị. Chị không biết tin nên không về. Không ai biết chị ở đâu để báo tin. Em vùi xuống đất một chiếc ché mới, nắm ba nắm cơm gạo nếp đặt vào đó. Em khóc khi mọi người về hết. Em ngồi một mình cho đến khi không còn nhìn thấy mặt người. Plin đến đưa em về, ngọn đuốc của anh chập chờn ma quái đã mang em khỏi nghĩa địa của bà.
Bà trở về nhà đêm ấy.
Bà đi vào từ nhà trước và ngồi xuống bếp lửa. Bà bảo sao không vùi khoai vào bếp cho nhà có mùi thơm. Không khí trong nhà chết chóc quá. Bà mặc chiếc áo mới, yên mới. Cổ tay đeo đầy vòng đồng. Gót chân bà nứt nẻ và thâm sì. Bà bảo đau chân, đau cả lồng ngực nữa. Bà không thấy cháu gái về nên không đi đâu được. Bà nhớ cháu gái của bà, cháu xinh và người tròn đầy mây mẩy.
Em tỉnh dậy khi mồi hôi ướt đẫm. Bà không có ở đây, chỉ có mí ngồi thờ thẫn bên bếp. Dáng mí còng và tội nghiệp. Gian nhà nhỏ xíu thơm thơm mùi khoai lang nướng. Có lẽ mí cũng nghe lời bà. Bà chẳng bao giờ ăn khoai nướng nhưng thích mùi thơm của nó. Em sờ lên má mình, thấy má ướt. Em đã khóc khi đang vùi trong giấc ngủ chập chờn.
***
Em không ngủ được vì tiếng giã gạo của mí mỗi đêm. Em nghe cả tiếng hát ư ử buồn buồn phía dưới sàn nhà. Nhà thênh thang và buồn. Em đi tìm Plin.
Ừ.
Em nói với Plin rằng muốn đi tìm chị.
Plin nhìn vào mắt em. Không nói. Nhưng em biết Plin đang hỏi em có biết chị ở đâu không mà đi tìm. Em khóc, nước mắt làm khuôn mặt em mờ đi và nóng hổi. “Em không biết, nhưng em phải đi tìm chị về”.
Em chạy vào nhà. Em bỏ quần áo vào túi xách. Mí nhìn thấy không hỏi gì. Em đứng tần ngần trước mí, chào nghèn nghẹn. Mí không hỏi em đi đâu, vì sao lại đi. Em chạy xuống cầu thang, vừa chạy vừa khóc. Em hay khóc thế có khi nào em không còn thấy đường trước mặt nữa không.
Em đi một mình trên phố. Em mặc áo vải hoa và quần tây. Em nhớ mùi hồ của yên, cái cấn cấn của tay áo em tự dệt. Nhưng em phải mặc quần áo người Kinh để đi tìm chị cho dễ. Em xuống chợ. Mỗi sáng gùi một gùi măng lấy lại của người cùng làng. Em mong gặp chị vì em chẳng biết chị ở đâu.
Chợ đông và ồn ã. Em không biết rao. Ai dừng lại ở hàng em, em cười và dịu dàng mời mọc. Tiếng em nhỏ. Em hay nhìn sâu vào mắt những người phụ nữ ngồi trên xe, bịt mặt kín mít.
Họ mua hàng và luôn miệng kêu đắt. Có khi nào trong số đó có chị của em. Em bị xe đô thị hốt hai lần, cả hai lần em đều níu gùi lại cật lực và khóc. Họ sửng sốt nhìn em. Họ không biết em chẳng tiếc gì những cành măng trong gùi. Em chỉ sợ không gặp được chị khi vắng một buổi chợ.
Nhưng em không gặp chị. Chị không đi chợ và không mua hàng của em.
Em không gặp chị. Có lẽ chị của em đã đi mất rồi.
Em đứng một mình giữa trời nắng. Khóc và thấy trống rỗng.
Em phải về làng. Mí chắc không vui. Nhưng em chẳng biết làm sao.
***
Em vào sâu trong chợ. Em muốn mua cho mí một cái gì đó. Em cũng sẽ mua cho Plin một cái mũ. Plin vẫn để đầu trần. Tóc xoăn và cháy nắng. Nhìn Plin hoang dã. Em thương cái hoang dã ấy của Plin.
Em nhìn mọi thứ bằng con mắt lạ. Rụt rè và không dám dừng lại ở bất cứ hàng nào. Mọi người nhìn em cũng bằng con mắt lạ. Nhưng họ quên ngay em sau đó và đổ xô đến cuối chợ xem một đám cãi nhau. Tiếng gào thét ầm ĩ. Hình như hai người đàn bà đang túm tóc nhau. Họ hét vào tai nhau những tiếng tục tĩu lanh lảnh. Em nghe như tiếng hét của chị.
Ðó là chị của em.
Chị dừng cuộc vật nhau bằng bộ dạng tơi tả. Tóc chị rối tung. Quần áo có nhiều vết toạc. Em nép vào tường. Mép tường nham nhở. Em nhìn chị từ xa xa sau những vết nham nhở ấy. Chị của em. Có lẽ không. Chị em mặc yên mới, áo mới chứ không nhàu nhĩ như thế kia. Tóc chị em không xù và vàng rực như thế kia. Chị em không bao giờ nói với ai nặng lời, nhăn mày với ai quá một ngày.
Em rời mép tường nham nhở. Rón rén đến gần đám đông bằng bước chân run run. Em sẽ ôm chị và khóc tức tưởi nhé. Em sẽ bảo chị về nhà. Mí không mắng chị vì chị bỏ nhà đi lâu đến thế. Em sẽ nói với chị rằng Plin đang đợi chị. Mà có khi không phải chị đâu. Em muốn thế. Em run run nghĩ thế.
Lô nhô người. Họ xúm quanh người ngồi bệt dưới đất một cách hiếu kỳ. Nhìn quay vai của những người đang xúm đông ấy, em thấy vết sẹo dài và nhỏ như sợi chỉ vắt ngang trên thái dương bên trái. Dấu vết của lần cành cây rơi xuống khi chị và em đi rẫy về gặp giông.
Chị nhìn em.
Chị có thấy không mà mắt thảng thốt thế kia.
Chị có nhận ra em không mà xoay người phủi đất cát dưới mông mà quay lưng đi thẳng một mạch thế kia.
Chị quên mặt em hay chị không muốn em thấy chị như thế này.
***
Ðám đông tan ngay sau đó. Chỉ có em đứng thẫn thờ giữa lối đi. Có người đi ngang mắng em sao đứng nghênh ngang giữa đường. Chị không xuất hiện để bênh em.
Có lẽ chị đi thật rồi.

Em trở về làng vào một buổi sáng.
Em đã đi bộ suốt đêm trên con đường nhấp nhô đá. Hai bàn chân em tê buốt. Nhưng không buốt bằng khi em nhớ về chị. Má em nóng rát vì nước mắt.
Mí ôm chầm lấy em. Mí sờ soạng khắp người em như kiểm chứng rằng em có phải bằng xương bằng thịt hay không. Ðứng thật gần mí, em mới phát hiện ra mí già đi nhiều quá. Khóe mắt không đếm nổi có bao nhiêu vết chân chim.
Mí không hỏi em có tìm thấy chị hay không? Em cũng không nói rằng em đã gặp chị và không nói được rằng chị nhất quyết không trở về làng. Chị không muốn sống cuộc sống của mí, của em. Chị muốn là người thành phố. Chị bảo có thể sống khốn khó nhục nhã ở đây cũng được. Chị quen rồi.
Em nhìn thấy Plin trên đường ra suối. Plin ôm chầm lấy em, cái ôm của Plin chặt và nóng ấm. Em gục vào ngực Plin và khóc tức tưởi. Nước mắt em thấm ướt một vạt áo. Plin thầm thì “Em ơi đừng khóc. Em đừng đi tìm chị Xuân nữa. Chị Xuân trở thành người dưng của làng mất rồi. Chị Xuân không trở về nữa đâu”.
“Chị đi mãi vì làng mình nghèo phải không Plin”.
“Anh không biết. Nhưng làng hết nghèo thì chị Xuân cũng không trở về nữa đâu em à”.
Em im lặng. Chị không về Plin có đau lòng không. Plin yêu chị.
Em im lặng. Chị không về mí có đau lòng không. Vì mí luôn thấy có lỗi khi chị rời bỏ làng.
Nhưng chị không về, trái tim em nhói buốt. Mí tưởng rằng em không tìm được chị. Mí vẫn đợi cửa chị mỗi khi đi ngủ. Mí chờ chị rời phố phường và về bên kia núi. Em thương mí. Và em thương em.
NIÊ THANH MAI
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...