Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

A.X. Pushkin và tiếng thơ tranh đấu cho tự do

A.X. Pushkin và tiếng thơ
tranh đấu cho tự do

A.X. Pushkin viết nhiều thể loại khác nhau, nhưng trước hết là thơ. Nhà thơ A.X.Pushkin- mặt trời của thi ca Nga đã để lại hơn 800 bài thơ trữ tình có giá trị phản ánh cuộc sống nội tâm vô cùng tinh tế, phong phú với những hình thức đa dạng. Có thể nhận thấy thơ trữ tình A.X.Pushkin thể hiện nổi bật một chủ đề rất thời sự đó là chủ  đề tự do. Đây là chủ đề mà A.X.Pushkin tập trung nhiều nhất trong thơ ca của mình. Tư tưởng cách mạng, tư tưởng tự do đã thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ trẻ A.X.Pushkin. Tiếng hát tự do là chủ đề quán xuyến toàn bộ sáng tác của A.X.Pushkin. Trong văn học Nga, A.X.Pushkin và Lermontov là hai nhà thơ lớn nhất viết về tự do.
Thời đại của A.X.Pushkin là thời đại đầy thế lực bạo tàn bóp nghẹt tự do, đây cũng là thời đại của cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Nga. Tư tưởng cách mạng, tư tưởng tự do đã thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ trẻ, thêm vào đó suốt cuộc đời A.X.Pushkin, nhất là những năm tháng cuối đời, A.X.Pushkin đã bị trở thành người tù của chế độ chuyên chế (người tù giam lỏng), do đó khát vọng tự do là ước mơ của cuộc đời A.X.Pushkin, là tiếng ngân vang trong phần lớn thơ ca ông.
A.X.Pushkin coi tự do là một điều kiện tiên quyết (không thể thiếu được, là tất yếu). Và tự do của mỗi con người phải gắn liền tự do của dân tộc. Ban đầu, A.X.Pushkin hy vọng nếu có một ông vua anh minh thì có thể đưa đến tự do nhưng về sau A.X.Pushkin nhận thức được chỉ có thức tỉnh, chỉ có đứng dậy đấu tranh thì mới giành được tự do.
Trong thơ A.X.Pushkin, chủ đề tự do được diễn tả rất sinh động. Có lúc nhà thơ diễn tả cuộc sống của mình như một con chim tự do bây giờ phải sống trong cái lồng chật hẹp, như trong bài Người tù (1822):
“Bay bay đi, ta loài chim tự do
Bay về nguồn nước vô cùng trong sáng”.
Từ tự do của một dân tộc, của mỗi con người, A.X.Pushkin quan tâm đến tự do của những sinh linh bé bỏng nhất: con chim trong lồng…Bài Con chim nhỏ). Có khi tự do lại được hình tượng hoá thành giông tố như bài: Hỡi sóng cả (1823) - viết theo bút pháp lãng mạn, miêu tả xã hội như một ao tù chật hẹp:
“Gió, gió đâu cuốn ao tù thành thác
Phá tan tành đập chắn âm u
Giông tố đâu hình ảnh của tự do
Hãy phủ lên mặt nước tù u uất”.
Nước Nga được ví như một ao tù lắm bờ ngăn vách chắn, phải phá bờ ngăn vách chắn đó, muốn vậy phải có giông tố. Đồng thời có lúc khát vọng tự do lại được diễn tả bằng hình ảnh buồm căng gió lộng, buồm cuộn sóng dâng trong bài Ánh mặt trời đã tắt (1820). Hình ảnh biển cuộn sóng dâng được diễn tả nhiều lần trong bài thơ thể hiện khát khao mãnh liệt. Tình cảm của tác giả bắt đầu từ sự mất tự do. Trong bài Gửi biển (1824), tác giả mượn thiên nhiên để nói lên khát vọng của mình. Đối với A.X.Pushkin, biển là hiện thân của sức mạnh tự nhiên (thiên nhiên), là vẻ đẹp tự hào, là sinh lực đầy tự do. Từ biệt biển trở về đất liền, nhà thơ cảm thấy thế là hết, mình không còn được từ do nữa: Hỡi thiên nhiên, tự do thôi từ biệt…
Chủ đề tự do được biểu hiện tập trung và mãnh liệt nhất trong bài Tụng ca Tự do, 1817). Ở bài tụng ca này A.X.Pushkin ca ngợi những người chống lại vua chúa, ca ngợi tự do. Bài thơ là bản tuyên ngôn nghệ thuật của A.X.Pushkin. Ông tuyên bố rõ lý tưởng cách mạng của người thanh niên quý tộc:
“Ta muốn ngợi ca tự do cho trần thế
Ta muốn đập vào những tật xấu gian tham
Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng…”
Mà muốn có tự do thì không còn cách nào khác là đấu tranh:
“Ôi! Nhìn bất cứ về đâu ta cũng thấy;
Những gông cùm, xiềng xích với roi da
Và lệ sầu thê thảm cuộc đời tù
Và tình cảnh tan hoang vòng pháp luật…”
          Tác giả chỉ ra con đường cách mạng tất yếu phải đập tan chế độ này. Chủ đề ca ngợi tự do được A.X.Pushkin lồng ghép với chủ đề chống chế độ chuyên chế Nga hoàng. Đặc biệt trong thơ ca Nga, các nhà thơ khác có chống chế độ chuyên chế nhưng chưa ai chỉ đích danh tên vua bạo ngược để lên án mạnh mẽ như A.X.Pushkin:
“Hỡi tên vua chuyên quyền bạo ngược
Ta căm người và ngôi báu của ngươi”
Trong hoàn cảnh như vậy, đấu tranh cho tự do là nhân đạo, là đúng đắn. Tác giả khẳng định rằng cuối cùng nhân dân sẽ thắng mọi thế lực bạo tàn:
“Ta thấy trước với niềm vui cay độc
 Cái chết của ngươi, của cháu con ngươi
Thế gian sẽ thấy trên trán tên bạo chúa
Dấu vết của người đời nguyền rủa…”
“Tự do” chính là bản tuyên ngôn của các nhà cách mạng: lật đổ chế độ Nga hoàng. Bài thơ mang một sức mạnh cổ vũ lớn lao trong cuộc đấu tranh giải phóng con người bằng một niềm tin mãnh liệt. Kết thúc bài thơ ông viết:
“Tự do nhân dân và cuộc sống thanh bình
Sẽ là kẻ đứng canh muôn đời bên ngôi báu”
Nhân loại gọi A.X.Pushkin là “thi sĩ của tự do”. Cảm hứng ngợi ca tự do được A.X.Pushkin theo đuổi đến cuối đời, nó chi phối các cảm hứng và các chủ đề khác trong thơ A.X.Pushkin. Nhiều bài thơ không trực tiếp nói đến tự do nhưng cũng có những tư tưởng chi phối của tự do. Có thể khẳng định trong thế kỉ bạo tàn thì chủ đề tự do trong thơ của A.X.Pushkin vừa mang giá trị nhân văn vừa giàu tính chiến đấu, điều đó làm nên vẻ đẹp riêng của thơ ca A.X.Pushkin.
10/9/2015
Nguyễn Thị Kim Hồng
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình quê hương Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: Làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam Kỳ, hai người mới tìm đượ...