Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Đào Hoa Thi

Đào Hoa Thi *

Hoa đào, xưa nay vẫn được xem như là biểu tượng của mùa xuân, chẳng những ở sắc hương đặc biệt, mà còn bởi ở cốt cách tinh thần của hoa nữa. Đào hoa (Hoa đào) là chùm thơ thuộc nhóm Hoa mộc môn, hay Môn hoa mộc, trong mảng thơ Nôm rất giàu tình ý của Nguyễn Trãi. Đào hoa thi, tức là thơ viết về hoa đào. Lục thủ dụng thỉ vĩ liên hoàn cách, tức sáu bài dùng cách thủ vĩ liên hoàn
I                
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,
Cành xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa,
Kín tiễn mùi hương dễ động người
Tốt tươi một đóa hoa đào đang kỳ sung mãn. Hoa xuân mơn mởn trên cành xuân, đâu như của nhà hàng xóm bên kia tường hắt ánh hồng như đang mơ màng cười với gió đông, cười với xuân rưng rức tươi non? Hay cái tươi non sắc xuân của đào hoa mơn mởn, khiến tường xuân cũng nhuốm ý xuân, rạo rực ý xuân? Hai câu thơ mở đầu đã thấy màu xuân tràn trề sức sống, viên mãn. Mùa xuân cười với hoa, hay hoa cười với xuân? Không thể mặc định, và cũng không nên mặc định! Chỉ biết là “cành xuân mơn mởn thấy xuân cười”…
Kìa như:
Đông phong ắt có tình hay nữa,
Kín tiễn mùi hương dễ động người.
Gió đông (đông phong), gió từ phương đông, từ biển thổi vào, bắt đầu mùa xuân thì thổi vào, còn gọi là gió xuân, ấm áp.
Thôi Hộ đời Đường viết: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Nguyễn Du chuyển ngữ sang câu lục bát dân tộc rất uyển chuyển: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Truyện Kiều). Vậy “hoa đào” và “gió đông” là tương giao tương hợp. Cho nên, chả trách chàng Gió đông kia đã có tình có ý riêng tư với hây hây má đào mơn mởn rồi chăng! Thật quý hóa và kín đáo (kín tiễn) e lệ làm sao, đáng yêu làm sao cái mùi tình yêu tỏa ra từ bẽn lẽn đào hoa, khiến thi nhân, và cả những người yêu hoa nữa, phải bồi hồi, phải động lòng xao xuyến, phải ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Thật là “Kín tiễn mùi hương dễ động người”!
                 
II
Động người hoa khéo tỏ tinh thần,
Ít bởi vì hoa, ít bởi xuân.
Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lối,
Bù trì đã có khí hồng quân.
Nhan sắc đào hoa xao xuyến, lay động lòng người (động người). Ấy là hoa đã phô phang, khéo tỏ hết cái nội lực tinh thần sung mãn của hoa, dâng hiến đủ đầy nguyên khí của hoa, chân thành mà đắm đuối. Một phần (ít bởi), vì chính hoa, tức chính cái bản thể hoa, vốn đã hồn nhiên tươi đẹp như thế. Quả là, trời đã ưu ái ban cho đào hoa hương sắc ấy. Nhưng cũng một phần bởi xuân (ít bởi xuân), bởi hơi xuân, như một tác nhân, như một người tình, tri âm, tri kỷ, khiến cho hoa càng lộng lẫy thêm lên, rưng rức thêm lên như gái bén hơi trai vậy!
Này, bảo nhỏ cho hay rằng:
Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lối,
Bù trì đã có khí hồng quân!
Chim xanh (thanh điểu) là sứ giả của Tây Vương Mẫu, ở mãi tận trên Thiên đình kia. Ta bảo với sứ giả (rỉ sứ chim xanh) thường được Tây Vương Mẫu sai đi săn sóc cho hoa đào, để đào mau kết trái, cho Tây Vương Mẫu có trái đào Tiên mà bày yến tiệc ở Dao Trì. Nghe nói đấy là ngày hội đào Tiên náo nhiệt chưa từng có, thuộc vương quốc của Thần Tiên. Này! Bảo với chim xanh đừng có “chuốc lối” mà lăm le bén mảng vào khu vườn cấm của ta mà săn sóc (bù trì) cho hoa đào nhá! Chả mượn đến hắn đâu. “Đã có khí hồng quân” đây rồi, có ta đây rồi!
 Hóa ra là một mối tình tay ba, quyết liệt và đáo để. Chim xanh đừng có ghé qua vườn hồng, chớ nên bén mảng đến lãnh địa đã có kẻ chiếm hữu là ta đây! Đó cũng là một lời tuyên chiến trong cuộc giao tranh giành lấy hây hây mắt phượng mày ngài, giành lấy cái đẹp viên mãn. Thật là những câu thơ tình tuyệt diệu, tinh tế mà vô cùng kín đáo!...
 
III
Khí hồng quân hãy xá tài qua,
Chớ phụ xuân này chớ phụ hoa.
Hoa có ý thì xuân có ý,
Đâu đâu cũng một khí dương hòa
“Hồng Quân”, tức cái máy xoay vần của Tạo Hóa, sáng tạo và cai quản muôn loài. "Hồng Quân" do đó là biểu tượng tối thượng của Tạo Hóa, của Thiên Đình. Nhưng mà "Khí hồng Quân" hãy nên biết, "hãy xá tài qua", hãy nên cảm thông mà bù trì cho hoa, cho cả xuân nữa (chớ phụ xuân này chớ phụ hoa). Đấy là những lời trách khéo, nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần chân thành, vị tha và tha thiết.
Hai câu cuối bài, lại nói về mối quan hệ tương giao hòa hợp giữa hoa và xuân, rằng “Hoa có ý thì xuân có ý”, đồng thời khẳng định quan hệ bền chặt tương giao tương hợp ấy sẽ tạo ra sự ấm áp tràn đầy: “Đâu đâu cũng một khí dương hòa”!
 
IV
Khí dương hòa há có tư ai?
Năng một hoa này nhẫn mọi loài.
Toan kể chỉn còn ba tháng nữa,
Gặp xuân mựa để má đào phai!
“Khí dương hòa há có tư ai”, nghĩa là “khí dương hòa” đâu có thiên vị riêng tây gì với ai đâu? Nào có lòng này lòng khác với ai đâu? Chỉ có hoa đào là quý, là đáng yêu nhất đấy thôi, là đặc sắc hơn tất cả các loài hoa, vì hoa biết nở vào đầu mùa xuân, là "Năng một hoa này nhẫn một loài" thôi đấy!...
 Cho nên:
“Toan kể chỉn còn (chỉ còn) ba tháng nữa”, là đến cuối xuân rồi, là hết xuân rồi, nên chi phải “gặp xuân mựa để má đào phai”! Nghĩa là phải “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ” (Xuân Diệu - Vội vàng), kẻo xuân đến xuân đi không trở lại, “chớ nên để má đào phai”, uổng phí hoài xuân sắc! Đó là một sự thôi thúc, giục giã của lòng ham sống, muốn sống muốn yêu hết mình, vội vàng gấp gáp.
 
V
Má đào phai hết bởi xuân qua,
Nẻo lại đâm thì liền luống hoa.
Yến thửa Dao Trì đà có hẹn,
Chớ cho Phương Sóc đến lân la!
Xuân qua rồi, thì còn đâu là má đào xuân sắc nữa, tất sẽ phai tàn thôi. Nhưng nếu hoa còn trổ, còn nở muộn, (lại đâm) thì cũng chẳng hay ho gì lắm đâu, thì cũng chẳng còn gì là tốt đẹp nữa đâu? Thế là sao? Là bởi vì hoa đã “luống” rồi, ví như nhan sắc rực rỡ kia cũng đã sắp phai tàn.
Yến tiệc ở Dao Trì đã định sẵn rồi (đã có hẹn), không thể thay đổi được. Thế nghĩa là không thể chống lại quy luật, không thể bất tuân phép tắc của Tạo Hóa. Vậy nên, chớ để cho cái gã "Đông Phương Sóc" kia nó lân la đến gần mà ăn cắp mất đào Tiên đem về dâng cho Hán Vũ Đế! Theo sách Hán Vũ cố sự, thì cái “tay” Đông Phương Sóc ranh mãnh nhanh tay nhanh mắt kia, đã không dưới ba lần ăn cắp đào Tiên của Tây Vương Mẫu, thế nên chớ có dại gì mà cho hắn đến "lân la" gạ gẫm là phải! Đó là lời cảnh báo cho hoa đào, chớ để những thằng cha dẻo mồm dẻo miệng lân la tán tỉnh, hỏng việc như chơi.
Những hình ảnh thơ ở đây thật hồn nhiên ý vị, hóm hỉnh và sâu sắc. Thi nhân có ý nhắn gửi điều gì với “người đẹp” của mình chăng? Và với cả vị “Tây Vương Mẫu” bí mật nào đó chăng?
 
VI
Phương Sóc lân la đã ở cơ,
Ba phen trộm được há tình cờ.
Có ai ướm hỏi Tiên Vương Mẫu
Tin khá tin thì ngờ khá ngờ!
 Cái tay kẻ trộm tinh quái có tên là Đông Phương Sóc kia, đã “lân la” mấy lần thó được đào Tiên, là bởi Tây Vương Mẫu chủ quan mất cảnh giác mà "đã hở cơ" để hắn đột nhập vào thế giới huyền diệu của tự nhiên, để thực hiện âm mưu đen tối của hắn đấy thôi! Hắn "ba phen trộm được" đào Tiên đem về cho chủ, đâu phải là chuyện tình cờ (há tình cờ)? Thế thì:
Có ai nhắn hỏi Tiên Vương Mẫu,
Tin khá tin thì ngờ khá ngờ!
“Nhắn hỏi”, là nhắn hỏi lên vị Tiên Vương Mẫu đang ngự ở trên cõi xa vời kia, rằng “Tin khá tin thì ngờ khá ngờ”! Đối với người đáng tin thì nên tin (tin khá tin), còn như đối với người đáng ngờ thì nên ngờ (ngờ khá ngờ), chứ đừng nên ngờ người đáng tin, mà tin người đáng ngờ!
Phải chăng, Tây Vương Mẫu là nhân vật được thể hiện như một ẩn dụ, ví như là Thái Tổ Lê Lợi chăng? Còn như gã Đông Phương Sóc, một tay kẻ trộm xỏ xiên, xiểm nịnh, phải chăng là hình tượng để chỉ những kẻ gian thần đang tác oai tác quái trong triều? Vậy thì hoa đào chẳng phải là một hình ảnh có tính biểu tượng, để thi nhân ký thác tâm sự sâu kín của mình hay sao? Có thể ước đoán bài thơ này Nguyễn Trãi viết sau vụ các công thần khai quốc Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn bị giết oan, Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam, vì bị nghi ngờ có liên can đến Trần Nguyễn Hãn?
Một bài thơ liên hoàn trong liên kết tổng phổ sáu bài thơ bốn câu, như vẫn thấy ở một số bài thơ thuộc nhóm “Môn hoa mộc”, hay “Môn thời lệnh” của Nguyễn Trãi. Tình ý mỗi bài mỗi khác, nhưng quán xuyến trong một chủ đề, rất nhiều ý tưởng thầm kín được giấu đằng sau những hình ảnh thơ, những hình tượng thơ hàm ẩn phong phú, chuyển hóa sinh động không ngừng.
Chú thích:
* Lục thủ dụng thủ vĩ liên hoàn cách.
28/1/2023
Vũ Bình Lục
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...