Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Bài thơ tôi yêu thích

Bài thơ tôi yêu thích

Trước mùa nước đỏ sông Tiền, trước cuộc sống lam lũ vất vả của người dân nơi miệt đồng bằng Cửu Long, trái tim tác giả lại nhớ về một nơi xa lắm, nơi mà "sông Hồng dâng trong ngực", nơi có "cầu Thăng Long" cùng bao "cuộc hẹn hò" còn đằm lại trong "khúc sông sâu". Rồi cứ trải theo chiều dài đất nước, những con sông, những miền quê lấp lánh hiện ra...
TRƯỚC SÔNG TIỀN MÙA NƯỚC ĐỎ 
Tôi đã qua nhiều suối nhiều sông
Để được dừng lại đây ngắm Cửu Long
xé dòng xòe ra chín ngả
Hẳn thiên nhiên muốn chia đều cho con người
- tất cả
Lòng ưu ái của đất trời, từ mỗi hạt phù sa…
Tôi yêu con sông nước chảy hiền hòa
Không bãi không đê, chỉ có hai bờ đất
Là hai miệt vườn xanh chạy dài tít tắp
Thuyền buông neo, trái chín đã sẵn chờ…
Nhưng lòng tôi thầm tiếc đến sững sờ
Dòng nước đỏ mải đi làm ngọt biển
Mà vườn Ba Tri phù sa chưa đến
Ruộng Gò Công còn nhiễm mặn chua phèn…
Chiều tạnh giông. Trước sóng đỏ sông Tiền
Tôi như thấy sông Hồng dâng trong ngực
Cầu Thăng Long nối đôi bờ mơ - thực
Bao cuộc hẹn hò in bóng khúc sông sâu
Như thấy núi cao sỏi đá cũng tươi màu
Đất miền Trung xanh nụ cười trẻ lại
Nước từ nay theo bàn chân trai gái
Gột cái nghèo muôn thuở bám ông cha…
Tôi cũng nghe đâu đây từ suối nhỏ Tà Sa
Đến hùng vĩ Sông Đà,
                     mênh mông Đồng Nai thượng
Những dòng sông đang ngày đêm chuyển mình
                           sản sinh dòng năng lượng
Cho mọi nẻo đường ánh điện lóa trăng sao…
Bỗng bên tôi những đợt sóng dội vào
Tàu rẽ nước hay dòng sông trăn trở? 
(Tiền Giang, 1984 - Nguyên Hùng).
Thế là tôi lại gặp dòng sông thời thơ trẻ. Dòng sông đã gắn bó với tôi, gia đình tôi và có lẽ là cũng với rất nhiều kiếp con người. Một đời người, nam phụ lão ấu, dù gái hay trai, có mấy ai không có kỷ niệm về sông. Có một ai đó đã từng nói: Cuộc đời là một dòng sông. Và dòng sông ấy, dòng sông của hiện thực đã cùng dòng sông trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ cùng dòng sông cuộc đời cứ đan vào nhau mà chảy. Những ký ức về dòng sông quê, những kỷ niệm về con sông quê và tất cả những gì con sông quê cho ta đã và đang và sẽ còn chảy mãi trong kiếp con người. Chính từ những liên tưởng ấy, Nguyên Hùng đã làm nên con sông cho riêng mình, con sông đời trong thi ca.
Tôi cứ tự hỏi. Tại sao Nguyên Hùng lại viết về con sông Tiền mùa nước đỏ mà lại không viết về con sông Tiền vào các mùa khác trong năm. Mùa nước đỏ là mùa lũ, mùa nước nổi của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nơi mà người dân phải xác định cả đời sống chung với lũ. Màu đỏ của dòng sông có phải chăng chỉ có  phù sa bồi đắp cho bãi bờ ruộng mật bờ xôi hay cái màu đỏ ấy còn là màu của nước mắt người bao kiếp rồi phải lam lũ khốn khó, vất vả tảo tần vì lũ, vì mưu sinh.
   Tôi đã qua nhiều suối nhiều sông
   Để được dừng lại đây ngắm Cửu Long
                                 tự xẻ dòng xòe ra chín ngả
   Hẳn thiên nhiên muốn chia đều cho con người - tất cả
   Lòng ưu ái của đất trời, từ mỗi hạt phù sa…
Tác giả đã đi nhiều nơi, đã qua nhiều miền đất như chính tác giả khẳng định, nhưng có lẽ, trước cái mênh mông của đất trời, của sông nước nơi sông Tiền, nơi miền quê "không bãi không đê, chỉ có hai bờ đất", nơi có những con thuyền neo đậu vào mùa hoa trái của miệt vườn Nam Bộ. Trù phú lắm, dịu mát lắm nhưng để có được nó con người ở đây đã phải đánh vật với lũ, dầm mình trong lũ, ngâm da trong lũ. Vào mỗi mùa nước nổi, anh bạn tôi làm phóng viên thường trú nơi đồng bằng sông Cửu Long thường điện về báo trong tiếng nói lo lắng và thảng thốt: Mùa nước nổi lại về rồi anh ạ.
Vẫn biết vào mùa nước nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người dân nơi đây lại vào mùa đánh bắt cá linh cùng bao nhiêu phù sa cho một mùa sau. Nhưng tôi cũng được biết. Mùa nước nổi không chỉ có thế mà việc mưu sinh của người dân nơi đây cũng bập bênh như con nước vơi đầy. Nhưng với tôi, mùa nước nổi, mùa lũ về vẫn vẹn nguyên trong ký ức những vất vả khi phải cùng cả nhà đưa căn nhà thuyền vào tránh trong các con ngòi, con lạch nhỏ để lánh nạn. Những ngày ấy, cha tôi lúc nào cũng chỉ đánh độc chiếc quần đùi ngồi mũi thuyền ngó ra con sông Cả chờ cho nước rút. Còn mẹ tôi lại phải tính toán, cân đong đo đếm gạo muối, rau dưa cho những bữa cơm sau. Vào mùa này, những người dân vạn chài như gia đình tôi là mùa thắt lưng buộc bụng. Bát cơm chỉ đơm lưng lưng đã thấy giật mình. Bởi thế, mỗi khi mùa nước nổi về, anh bạn gọi ra, bức thông điệp của anh lại gợi nhớ về những ngày mưu sinh kiếm sống lam lũ khi xưa.
Đối lập với cuộc sống trù phú, đầm ấm và hạnh phúc của cuộc sống đủ đầy trước "hai miệt vườn xanh chạy dài tít tắp; thuyền buông neo trái chín đã sẵn chờ" cũng là chút thảng thốt giật mình của những điều mà bước chân tác giả cũng đã đi qua. Sự thảng thốt về sự đối lập của hai cuộc sống. Một nơi là ruộng mật bờ xôi, một nơi là chua phèn, nhiễm mặn. Dòng sông mải miết trôi, tưởng mình sẽ làm cho đôi bờ xanh mãi, cho sự viên mãn của người. "Dòng nước đỏ mải đi làm ngọt biển" để "vườn Ba Tri phù sa chưa đến, ruộng Gò Công còn nhiễm mặn chua phèn". Cái sự mải miết đi đã vô tình bỏ quên nơi mà con người trông đợi, nơi bãi bờ mong ngóng, nơi khao khát chờ để được phù sa bồi đắp, để được lọc mặn, thau phèn. Trong cuộc đời con người, có khi nào ta mải miết đi, mải miết nhìn và mải miết muốn dâng hiến vì sự cao sang, đẹp đẽ, thánh thiện nào đó mà lãng quên nơi đất mặn chua phèn, nơi cuộc sống "vạt áo trước ngắn, vạt sau cắt dài", nơi kiếp người bùn đất thấp hèn? Đấy có phải là trăn trở của tác giả và cũng là cái tình gửi đến với người.
 
Trước mùa nước đỏ sông Tiền, trước cuộc sống lam lũ vất vả của người dân nơi miệt đồng bằng Cửu Long, trái tim tác giả lại nhớ về một nơi xa lắm, nơi mà "sông Hồng dâng trong ngực", nơi có "cầu Thăng Long" cùng bao "cuộc hẹn hò" còn đằm lại trong "khúc sông sâu". Rồi cứ trải theo chiều dài đất nước, những con sông, những miền quê lấp lánh hiện ra. Sông Đà, sông Đồng Nai và cả dòng suối nhỏ Tà Sa nơi đèo heo hút gió, nơi thâm sơn cùng cốc nào đó, nơi mà từ những giọt nước nhỏ lắm, lách mình trong từng khe đá, trong từng thớ đất, tích tụ dần, từng giọt, từng giọt để làm nên con suối, dòng sông. Bởi thế, để dòng sông cũng có những trăn trở với đời, với người và với nhân gian. Lời nhắn nhủ cùng sông. Sông rộng, sông dài là sông nhờ có từng giọt, từng giọt nước ấy. Cũng như cuộc đời, sẽ đẹp hơn, sẽ tốt hơn nếu biết chắt chiu từng giọt mật của đời, biết chia ngọt sẻ bùi, biết đau cái đau của người. Sông ơi, hãy lắng lại phù sa cho bãi bờ tươi tốt. Người ơi, hãy gạn đục khơi trong cho cuộc đời đẹp hơn. Hạt phù sa tinh khôi cho đời người tinh khôi!
Mỗi mùa nước về, cùng với những lo toan của cuộc sống thường nhật, con người còn phải đối đầu với biết bao vất vả mà cuộc sống lam lũ tảo tần. Sông vào mùa lũ, vào mùa nước nổi biết nơi đâu khúc cạn khúc sâu mà dò, mà qua. Lòng người trăn trở và "dòng sông trăn trở". Không trăn trở sao được khi cái đói cái nghèo chưa "gột cái nghèo muôn thuở bám ông cha".
Bài thơ viết trước một dòng sông vào mùa nước nổi nhưng trải ra theo bước chân tác giả qua bao miền quê khác cùng bao con sông khác với biết bao kiếp mưu sinh lận đận áo cơm. Mỗi câu thơ là một lời tự sự, là nỗi trăn trở, là lời thảng thốt về kiếp con người. Con sóng cuộc đời cứ dồi mãi vào bến bờ người, dồi mãi vào nỗi vất vả của người. Với lối viết kể, mỗi câu thơ như một lời thầm thĩ, nhắn gửi với người đọc. Bài thơ trải ra, mênh mang và man mát buồn. Đấy có phải chăng là nỗi lòng tác giả gửi gắm, chia sẻ với những kiếp người đang lận đận áo cơm, với cuộc đời, với dòng sông đời người, đời mình.
Sông Tiền ơi, mùa này nước đỏ!
Sông Tiền ơi, mùa nước nổi lại về!. 
Hà Nội, 21/12/2007
Phạm Thanh Khương
Theo https://nguyenhungvabanbe.com/
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Mắt trong” và hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng Bùi Việt Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở ...