Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Có một Cervantes rất khác

Có một Cervantes rất khác

Tuy là nhà văn nổi tiếng bậc nhất ở trên thế giới, thế nhưng ở tại Việt Nam ngoài Don Quixote, thì Cervantes không được biết đến quá nhiều qua tác phẩm khác. Mới đây 4 trong số 12 truyện ngắn thuộc về tuyển tập Novelas Ejemplares (tạm dịch: Tuyển truyện mẫu mực) đã được ra mắt, góp phần giới thiệu một Cervantes mới hơn, lạ hơn, nhưng vẫn giữ được phong cách đặc trưng.
Theo đó Tuyển truyện mẫu mực được ông viết trải dài từ năm 1590 đến 1612, và được xuất bản ở tại Madrid vào năm 1613. Sở dĩ có tên gọi đó vì đây là các mẫu truyện hướng về đạo đức, đính kèm mục đích nêu gương, giúp mở ra những chân trời mới về các sự kiện xung quanh người đọc. Tuy được viết ra 4 thế kỷ trước, thế nhưng những tác phẩm này vẫn không lỗi thời, mà ở đâu đó nó càng cho thấy sức sống bền bỉ và cõi hỗn mang của thế giới này.
Gồm 4 tác phẩm: Đám cưới giả, Tú tài thủy tinh, Rinconete – Cortadillo và Lão già ghen ở Estramadoure, qua tính giễu nhại, châm biếm cũng như khả năng sử dụng từ ngữ đã thành đặc trưng, Cervantes đã cho thấy rằng “không phải tất tật những thứ lấp lánh thì đều là vàng”, từ đó “thử lửa” cũng như tố cáo những sự ranh ma, ẩn sâu dưới đó là thói lọc lừa, đểu giả cũng như lươn lẹo và đầy bòn rút.
Nhà văn Cervantes
Mẫu hình phi - con người
Có thể thấy Tuyển truyện mẫu mực ít nhiều mang theo tính cách của Cervantes. Là một tác giả trải qua rất nhiều biến động thời cuộc, do đó motif nhân vật mang tính phiêu lưu ở nhiều vùng đất liên tục trở đi trở lại trong tác phẩm này. Các mẫu hình nhân vật như Tomás Rodaja (Tú tài thủy tinh), Felipo Carrizales (Lão già ghen)… đều có những chuyến hành trình vô cùng phức tạp, để thông qua những cảnh quan vô cùng quyến rũ của Ý, Flanders, Bỉ… phong tục xã hội cùng với cuộc sống thường ngày của các nhân vật đã được tái hiện một cách sắc nét.
Từ góc nhìn xa là những địa danh, Cervantes thu hẹp khoảng cách, để rồi phản ánh xã hội Tây Ban Nha một cách trung thực và đầy sống động. Điều này có thể thấy rõ ở truyện Tú tài thủy tinh cũng như Đám cưới giả, về hai chú chó có thể chuyện trò vô cùng mới lạ. Xã hội mà Cervantes cố gắng khắc họa là chốn xô bồ của những tội lỗi, nơi mà miệng đời gặm nhắm mang đầy dao găm.
Đó là nơi chốn của thói lọc lừa, a dua, buôn chuyện, mồi chài, lươn lẹo, bòn rút… mà “chỉ có ngủ thì mới có thể quên hết ganh tị” như người tú tài sau bao vật đổi sao dời đã đúc kết lại. Cervantes xoáy sâu vào cõi đời này bằng cách thêm vào yếu tố huyền ảo, như để triệt tiêu “chủ nghĩa anh hùng”, mà người bình thường muốn chỉ trích nó thì không thể nằm cùng trong dòng chảy đó, vì thế họ buộc quăng mình sang lộ trình khác, từ đó trở thành một đường biên giới không thể xâm phạm.
Hình tượng phi-con người ấy có thể thấy được ở Tomas Radajo với cốt truyện về thứ “hảo độc nữ” hay “bùa mê tình yêu” mà anh mắc phải khi đã lừa dối một người phụ nữ. Từ đó trở thành mấu chốt, câu chuyện thay đổi, Cervantes mang đến một vị thế mới để nhân vật này có thể phán xét như kể bề trên, của người thanh khiết mà cũng đồng thời vô cùng mỏng manh. Radajo từ bỏ thân xác có phần nặng trịch và đầy trần thế, đê đến gần hơn với loại tinh thần “lên đồng”, từ đó cho phóng chiếu góc nhìn dưới sự vô luân và đầy hỗn loạn.
Tăng tiến hơn cả chính phương án trên, Cervantes đi theo khuynh hướng của những triết gia cổ đại khi cho con vật quyền có thể nói. Như sự châm biếm cũng như giễu nhại lên đến đỉnh cao, ông có ý gì khi cho loài vật vốn dĩ được xem thấp hèn chê trách loài người bởi thứ ương dở, phô trương quyền lực và đầy nhơ nhớp? Chú chó Berganza trong Đám cưới giả theo đó chỉ có thể là sự khinh bỉ lên đến cùng cực, đứng trên đòn bẩy của một xảo thuật vô cùng tinh vi và đầy dấu ấn.
Tuy thế dẫu cho nửa sau Cervantes quay về với thời trung cổ của trò phù thủy, của thói giết chóc và những không gian liên tục xoay chiều… thì đây chỉ như mục đích mang đến tiếng cười, tạo sự ăn khách cũng như lo âu. Nó không hàm ẩn mang tính cổ tích rằng Berganza hay Scipion là những con người đã bị nguyền rủa, và nếu dù là mang theo ý đó, thì đây cũng là linh hồn triệt từ thân xác, như chính Tomas Rodaja đã nói trên kia. Như vậy dễ thấy dù thuộc trường hợp nào đi chăng nữa, Cervantas luôn cố gắng tách loại con người và phi-con người ra thành hai nửa, không dính dấp nhau, không kế thừa nhau… từ đó cho thấy sự hết thuốc chữa ở giống loài này.
Mặc thế ông vẫn không quên để lại một sự hy vọng như trong truyện ngắn Riconette và Cortadillo. Tuy là con người bằng xương bằng thịt và có hơi thở, nhưng đây là hai đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh và nhận thức được cuộc đời của mình. Đứng trước “công đoàn móc túi”, cả hai đều nhận thấy được những tấn trò đời. Chúng dè bỉu và đầy khinh khi những giả hiệu ấy, để đến cuối cùng trong truyện ngắn này, chúng chọn một hướng đi khác, một cuộc đời khác… đã được cắt ngắn như cuộc đời mở.
Do đó dù có là người hay không còn nữa, Cervantes dường như bi quan trước một đời sống nơi con người ta chìm trong giả hiệu và đầy gian dối. Tuy vậy tài tình là ta không hề cảm thấy cảm thức bi quan, mà ông luôn nắm được cách thu hút độc giả, từ đó tạo ra tiếng cười và những không gian vô cùng nổi trội, làm nổi bật lên được tác phẩm này và những giá trị vô cùng trường tồn, mang tính gương mẫu phát tiết từ đó.
Văn chương
Ngoài các giá trị nặng về hiện thực, thì tuyển tập này cũng cho thấy được một sự phản ánh tương đối chính xác đối với thẩm mĩ cùng với nghệ thuật ở giai đoạn này. Trong các truyện như Tú tài thủy tinh hay Đám cưới giả, vai trò của các nhà văn – nhà thơ luôn luôn ẩn hiện, và thường theo hướng không được tích cực.
Như trong Tú tài thủy tinh, mượn Tomas Rodaja như một góc nhìn hoàn toàn siêu thực, Cervantes đã nói về nhãn quan của bản thân mình đối với nghệ thuật thơ ca. Rằng khi được hỏi mình nghĩ thế nào về các nhà thơ, Tomas đã trả lời rằng họ hiếm đến nỗi chẳng thấy họ đâu, “thành thử cứ như chẳng có nhà thơ”. Tuy thế anh luôn sùng kính và tin vào thứ khoa học thơ ca, bởi nó chứa đựng những khoa học khác, từ khoái lạc, đam mê cho đến tỉnh thức, gọt giũa và tính thẩm mĩ.
Còn với thơ dở và sự ngu đần, ông cũng không ngại “chứng kiến bọn họ bình giá lẫn nhau”. “Nói gì đây về những tiếng sủa ấy, mà đám chó to hiện đại hướng về những chó dữ cổ xưa và nghiêm trang? Và cả về những kẻ thì thào chống lại vài tinh thần xuất chúng và tuyệt hảo, nơi người ta thấy ngời lên ánh sáng đích thực của thơ ca?”
Từ đây có thể thấy được một mối quan tâm vô cùng thường trực của Cervantes đối với sức mạnh của tiểu thuyết, thơ ca, cũng như vai trò của nó đối với người đọc. Điều này tương đồng với ETA. Hoffmann, tác giả kinh điển của văn chương Đức, khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mối quan tâm chính yếu của Hoffmann cũng là âm nhạc. Điều này vô tình thấy được ở một truyện khác – Tin tức về vận mệnh gần đây của chú chó Berganza, khi Hoffmann đã dùng cốt truyện 200 năm trước của Cervantes để viết tiếp phần hậu truyện mà hai chú chó nói chuyện với nhau.
Nhìn chung Hoffmann vẫn dùng cốt truyện và những dụng ý thuộc về nguyên mẫu, thế nhưng bối cảnh, khuynh hướng cũng như trọng tâm đang dần thay đổi. Nếu Cervantes triệt tiêu thời khắc, mở đầu truyện ngắn bằng vở melo không hề liên quan, thì Hoffmann quan tâm hơn đến không gian nghệ thuật, khi tiếp nối mạch siêu thực trước bằng chuyện phù thủy, cũng như đêm đen và lớp sương mù mà từ nơi đó Berganza hiện ra.
Tuy thế qua cuộc hành trình từ khi vào đến quân đội cho đến làm xiếc, ở nhờ nhà dân Digan cho đến người Moor, thì mối quan tâm về âm nhạc mới là chính yếu ở nơi Hoffmann. Thông qua Berganza, nếu Cervantes nói về nghệ thuật thi ca, nói về những nhà văn “rởm”, thì Hoffmann cho thấy gần hơn ý thức cao độ về nền nghệ thuật đã bị vấy bẩn thông qua đôi mắt tinh thần, với hai nhân sư đang đối đầu nhau, với sự ghen tị dẫu là mẹ – con cũng như những buổi tiệc trà đậm mùi hương xa.
Là sự tiếp nối chung một tinh thần, cả hai tác giả vô cùng kinh điển đã cùng gặp được nhau ở một nút thắt, và rồi từ đó mở về hai hướng, nhưng đều bao trọn một không gian chung chính là con người và sự trưởng giả của dòng giống này. Bằng cách xây dựng Tuyển truyện mẫu mực, Cervantes thêm một lần nữa cho thấy ý thức phá vỡ phạm vi và những khuôn khổ có phần bình thường. Về mặt nội dung, đây là áng văn đi sâu vào những thói quen lọc lừa. Về mặt nghệ thuật, ông đã cho thấy một phương pháp viết vô cùng phức tạp mà cũng tự nhiên, không hề cũ kỹ vượt qua thời đại, và lột tả được cuộc sống con người.
6/3/2023
Ngô Thuận Phát
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...