Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Giang Nam, những miền đất đã hóa tâm hồn

Giang Nam, những miền đất
đã hóa tâm hồn

Nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với thi phẩm “Quê hương” từ những năm 1960. Đến nay, Giang Nam đã có hơn 60 năm trọn tình với nàng thơ. Dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến và đã bước sang tuổi 85 nhưng với nhà thơ, tình yêu văn chương cứ mãi còn day dứt nồng nàn. Đọc thơ Giang Nam, nhất là giai đoạn kháng chiến 1945 – 1975, người đọc bao thế hệ dễ nhận ra có một mạch ngầm quê hương âm thầm chảy mãi.
Theo hồi ký Sống và viết ở chiến trường (Nxb Văn học 2004) thì Giang Nam bắt đầu sáng tác thơ vào năm 1946. Khởi bút đầu đời là những câu ca dao viết về quê hương Ninh Hòa, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Những câu thơ tuy đơn giản nhưng thể hiện được tình yêu quê hương của một người thanh niên 17 tuổi sớm bước vào con đường cánh mạng. Năm 1948, Giang Nam chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng và cống hiến trọn đời mình cho đất nước. Một điều trùng khớp như mối nhân duyên là Giang Nam làm thơ cùng lúc với làm cách mạng, ông được xem là một trong những nhà thơ tiêu biểu của chiến trường Nam Trung bộ. Thơ Giang Nam giàu chất tình giữa bộn bề hiện thực kháng chiến, trong đó hình ảnh quê hương là một mạch ngầm xuyên suốt chảy mãi không ngừng.
Trước năm 1975, khác với một số cây bút viết về quê hương nổi tiếng như Hữu Loan, Vũ Cao, Tế Hanh, Lê Anh Xuân; quê hương trong thơ Giang Nam chính là vùng đất Khánh Hòa đậm nét, yêu thương. Đó là quê cha đất tổ, quê mẹ dấu yêu, nơi có “rẫy lúa”, “nương khoai” bên “Dòng Krông-nô nước phù sa cuốn đỏ”; nơi từng in kỉ niệm với “Con mương nước, gốc dừa xiêm”, “chiếc cầu tre gập ghềnh như sắp đổ”; nơi có “Tháng sáu mặt trời lên đỏ lựng - Trăm dòng sông hối hả cuốn phù sa” và âm thanh “Tiếng xa quay dịu dàng tha thiết” của những người dân quê thuần phác, lam lũ. Bức tranh quê đó đầy ắp màu sắc, ánh sáng và âm thanh khiến những ai từng đọc thơ Giang Nam đều rưng rưng một nỗi làng quê. Quê hương trong thơ Giang Nam còn đi vào nỗi nhớ dung dị trong lần theo mẹ “những ngày đông phiên chợ”, trong hình ảnh của “nội ra vào thấp thỏm”  đợi cháu về hái mận chín trên cây. Ẩn sâu hơn, quê hương còn là vị “ngọt của múi sầu riêng chín”, vị “khế chua mỉm cười nhắm mắt”, một “gia tài vô giá” nào là những đồ chơi “con gà đất”, “đồng xu” với cô bạn nhỏ hàng xóm năm nào và cả những buổi đến trường, chăn trâu, những ngày “trốn học đuổi bướm cầu ao” giữa thiên nhiên quê hương mộc mạc, thuần khiết. Quê hương trong thơ Giang Nam còn in dấu những địa danh như: Phú Cốc, Vạn Giã, cầu Sông Cạn, sông Đồng Bò, dòng Cù Huân, đỉnh Ổ Gà, hòn Dữ, hòn Hèo, hòn Lớn, hòn Tre, Đá Bàn, Dốc Mõ, đèo Rù Rì, biển Cửa Bé. Ở đó, có cảnh đẹp biển Nha Trang bên “dòng thùy dương sóng vỗ rất hiền”. Và chính “chất mặn đã làm nên đảo, nên dừa” để sau này đi xa Giang Nam lại tự hào và đôi lúc thảng thốt hiểu rằng “Mỗi chặng đường xa biển càng hiểu biển nhiều hơn”.  
 Từ sau tháng 7.1954, Giang Nam được bố trí ở lại miền Nam đến sau ngày đất nước giải phóng. Dù thoát ly tham gia kháng chiến nhưng trái tim Giang Nam vẫn thao thức hướng về quê hương. Ngày rời xa quê, Giang Nam xúc động: “Quê hương ơi, tạm biệt - Ta đi đây thôi nhé, ta đi đây! - Nhớ thương nhiều, từ bến nước đồi cây - Từ khung cửa, mảnh trời, từ góc vườn, đám bí” (Đi để trở về). Nhà thơ Vũ Nho từng phát biểu: “Con người bao giờ cũng có nhu cầu tình cảm, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi miền đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì vậy mà trên suốt đường công tác, Giang Nam vẫn giữ cho mình một góc nhỏ quê hương. Suốt ba mươi năm chưa về thăm quê, nhà thơ tự vấn với lòng mình “Hăm ba năm rồi - Ba chưa về quê nội - Nơi ba lớn lên giữa những cây xoài, cây ổi - Nơi ba biết yêu - Tiếng nội hát buồn buồn” (Con có về thăm quê nội). Hai mươi ba năm mải miết đi xa, trái tim nhà thơ luôn thổn thức “Con có về thăm nơi ấy thay ba - có thấy nội con đêm đêm còn khóc”. Hình ảnh của nội, của con, của cả người thân quyện vào hình ảnh quê hương tạo thành nỗi nhớ trong ông như “cây cổ thụ rễ sâu bám chặt xóm thôn, ăn vào lòng đất”. Cho nên, với Giang Nam quê hương Khánh Hòa luôn là máu thịt, kể cả trong lúc hành quân “Dừng chân bên bờ suối - Nhai lá thay cơm, nhường nhau hạt muối - Mơ thấy quê hương trong giấc ngủ chập chờn”.
Ngoài vùng đất Khánh Hòa, hình ảnh quê hương trong thơ Giang Nam còn là tiền tuyến miền Nam, nơi nhà thơ gắn bó gần nửa cuộc đời. Chính không gian và bối cảnh chiến trường Nam bộ, Giang Nam đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình trong thơ toàn diện và sâu sắc hơn. Các địa danh như Sài Gòn, Củ Chi, Long An, Bến Lức, Bến Tre, Cà Mau, Cửu Long, Thới Lai, Thạnh Phú, Cù lao Minh, Hiệp Hưng, Bình Khánh, Hàm luông… xuất hiện nhiều trong các tập thơ. Trong số những “vùng đất nhớ”, “dòng sông nhớ” , dòng sông Vàm Cỏ đã tạo cho nhà thơ có nhiều ấn tượng đẹp với những vần thơ khỏe, vui tươi và giàu sức sống: “Ôi Vàm Cỏ, dòng sông bất khuất - Như Thu Bồn, như Cửu Long giang - Hai mươi năm, hai lần kháng chiến - Vẫn khỏe vui tưới mát cánh đồng” (Qua sông Vàm Cỏ). Những địa danh, vùng đất hiện lên trong thơ Giang Nam không khô khan trần trụi mà mang tư thế dáng dấp trữ tình và tầm vóc lịch sử thời đại. Đặc biệt, hình ảnh vùng đất Củ Chi đã chiếm một vị trí quan trọng, trở đi trở lại nhiều lần trong thơ. Nó thành một phần máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn thơ Giang Nam để khi người đọc bắt gặp, họ dễ dàng liên tưởng tới sức mạnh kiên cường vững chãi của một vùng đất thép.
Ngoài những địa danh, quê hương Nam bộ trong thơ Giang Nam còn là những con người chiến đấu kiên trung. Năm 1964, khi một đêm vượt Cửu Long giang đặt chân lên mảnh đất Bến Tre anh hùng, Giang Nam viết: “Bến Tre ơi, Bến Tre – Quê hương chung của những người chiến đấu – Phú Túc, Thới Lai, Mỏ Cày, Thạnh Phú – Những tên xóm thôn mãi mãi sáng ngời” (Đất anh hùng). Cũng như Lê Anh Xuân, Giang Nam xem cây dừa là biểu tượng của quê hương. Hình ảnh dừa lồng vào con người, biểu tượng cho con người, cho tiếng vọng lịch sử của cha ông từ ngàn năm truyền lại làm nên một dáng đứng Bến Tre hùng dũng kiên cường. Ngoài biểu tượng sự vật, quê hương còn là những người con anh hùng như: Huỳnh Việt Thanh, Võ Thị Thắng, Mai Thị Non, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Hạnh… Rộng hơn, nhân vật anh hùng còn là những người đại diện cho một cộng đồng, một đội quân, một tập thể như những em du kích, bà mẹ Củ Chi, cô gái giao liên, cô gái trong đội quân biệt động Sài Gòn, hai em nữ sinh Tân An…Giang Nam viết về họ như dựng lên một bức tượng đài của người chiến sĩ Nam bộ trong tư thế hiên ngang được tạc vào thơ vinh quang và ngời sáng. Chính những con người anh dũng vô song, chính tầm vóc của miền Nam, của dân tộc ta trong thời đại đánh Mỹ đã nâng cánh cho hồn thơ Giang Nam vút cao hơn. Đọc thơ Giang Nam ta thấy không hề có hình ảnh của cá nhân, một quê hương riêng lẻ nào mà tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất nhà thơ đều dành cho cả quê hương đất nước. Cái tôi tình cảm nhà thơ đã hoà chung với cái ta dân tộc. Không thể giải thích được tình yêu đó có tự nơi đâu, chỉ biết một điều rằng: phải yêu và gắn bó với Nam bộ lắm mới làm được điều như vậy. Giang Nam đã dâng đời những thi phẩm mà người Nam Bộ nói riêng, người trong cả nước nói chung đều cảm nhận được và mến yêu.
Mặc dù đang công tác chiến đấu ở miền Nam, chưa một lần đặt chân ra miền Bắc nhưng dường như trái tim của nhà thơ luôn hướng về miền Bắc thân yêu. Viết về miền Bắc, trước hết Giang Nam thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn của mình, của đồng bào miền Nam với dân quân ở miền Bắc kính yêu. Giang Nam xem miền Bắc như quê hương, như hậu phương đã đóng góp cả sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Có thể đó là những chàng trai, cô gáI đã “giao lại mẹ, em ruộng mùa cày dở”, những đồng chí hải quân, pháo binh, công nhân phải “Súng khoác vai, ba lô nặng lên đường” theo tiếng gọi của tiền tuyến, phải “thức mấy trăm đêm”, phải “làm việc bằng hai” để toàn tâm toàn sức cho miền Nam. Giang Nam viết về họ với thái độ ngợi ca, cảm phục: “Những chuyến ra đi xanh rờn lá ngụy trang - Sao trên mũ và tiểu liên quàng trước ngực - Những chuyến ra đi không bao giờ chấm dứt - Như sông Mã, sông Hồng cuồn cuộn phù sa” (Những chuyến ra đi).
Quê hương miền Bắc trong thơ Giang Nam còn là màu sắc nước non rộng lớn. Miền Bắc hiện lên như một bức tranh nhiều gam màu. Ở đó có màu “Đỏ dải lụa sông Hồng”, màu “Xanh những cành cam có bầy ong về hút mật”, có màu “Trắng cánh cò bay lả mênh mông”, có “Một thung lũng Điện Biên tím màu hoa mua bình dị”, nơi có “Năm sắc cầu vồng đã làm nên Tổ quốc ta hùng vĩ”. Không những thế, sức sống của miền Bắc còn giàu giá trị vật chất của “sông Hồng, sông Lô, Hồ Gươm, Đống Đa” và những giá trị văn hóa tinh thần như “thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi”, có cả hình tượng của “mười hai cô gái Truông Bồn mở đường trong đêm tối” và cao hơn hết là “Màu cuộc sống thiêng liêng từ thuở những vua Hùng”.
Điều đặc biệt là trong số các nhà thơ miền Nam cùng thế hệ, ít có cây bút nào viết về miền Bắc hay như Giang Nam. Vì sao Giang Nam lại viết về miền Bắc nhiều và hay như vậy. Chính Giang Nam đã từng tâm sự: “Thực tế bắt mình phải viết, không viết thì trong lòng thấy không yên. Nó như món nợ thiêng mình phải trả với đồng bào, đồng chí, với bà con miền Bắc”. Có lẽ trách nhiệm, tấm lòng, trái tim mến yêu miền Bắc đến cháy bỏng nên “Mỗi tiếng nói hậu phương cũng trở thành chông súng”. Chính vì thế, thơ Giang Nam đã nối được nghĩa tình của dân tộc khi cả hai miền còn đang bị chia cắt, bền bỉ giữ vững thế trận và chiến thắng kẻ thù. Với Giang Nam, miền Bắc đâu chỉ là hậu phương, miền Bắc còn là máu thịt, là một phần cơ thể, là lẽ sống của ông. Vì vậy, ông gởi trọn tình yêu và niềm tin tưởng của người con miền Nam với miền Bắc.
Đọc thơ Giang Nam, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng, “việc Giang Nam nhắc đến những địa danh đất nước như vậy là điều nên làm. Trong thực tế, có những nơi ta chưa hề đi đến bao giờ mà ta lại thấy rất quen, mỗi lần nhắc đến bỗng như sống lại cả một trời kỷ niệm. Trái lại có những mảnh đất đáng lẽ phải rất quen vì cha ông ta đời này sang đời khác đã gửi vào trong đó bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu xương máu nữa, thế mà ta lại thấy hững hờ xa lạ. Ấy chỉ vì nó chưa được nhắc đến trong văn thơ. Món nợ lâu đời ấy đối với quê hương chúng ta phải liệu mà thanh toán. Và Giang Nam là một người nhiều khả năng góp phần thanh toán.
Suốt một đời cầm bút của mình, Giang Nam đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong đó mảng thơ viết về quê hương trong những ngày cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến là một minh chứng, một thành công đáng trân trọng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong một lần gặp Giang Nam thời đất nước còn chiến tranh đã từng nhận xét:“Thơ cần chân thật, tự trong lòng mình viết ra”. Và Giang Nam là người đã làm được điều đó.
30/5/2013
Đào Tấn Trực
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ ...