Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Hai mươi năm Hàn Quốc học ở Việt Nam

Hai mươi năm
Hàn Quốc học ở Việt Nam

Cuối tuần qua, tại trường Đại học KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm Hàn Quốc học ở Việt Nam - Nhìn lại để phát triển”. Hội thảo được trường này phối hợp tổ chức cùng Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thu hút sự tham gia của gần 100 học giả, nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện, trường đại học nổi tiếng của Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cao, đây là cơ hội để những người trong cuộc cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, học hỏi các mô hình thành công của các nước về Hàn Quốc học và tìm phương hướng phát triển trong tương lai. Những thành tựu của ngành Hàn Quốc học đã đáp ứng ngày càng hiệu quả về nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực, cũng như tài nguyên nghiên cứu Hàn Quốc học trong mối quan hệ hợp tác đang phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt - Hàn.
Quang cảnh buổi Hội thảo (ảnh: Xuân Tiến)
Năm 1992, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. 18 tháng sau, ngành Hàn Quốc học đã được mở tại hai trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM và Hà Nội. Từ đó đến nay, ngành này đã không ngừng phát triển. Hiện cả nước đã có 15 trường đại học và cao đẳng đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học. Bên cạnh đó, đã có 6 Trung tâm Sejong và nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Hàn ở nhiều trường đại học; Viện nghiên cứu Đông Bắc Á cũng thành lập Trung tâm Hàn Quốc học. Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc được thành lập năm 2011 là hội nghiên cứu đất nước học đầu tiên ở Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã nâng lên tầm hợp tác chiến lược, do vậy những nghiên cứu mang tính chất truyền thống về lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo... rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu mang tính thời sự và tính thực tiễn cao hơn, về những vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại của Hàn Quốc.
Tại Hội thảo, các học giả, nhà khoa học hai nước đã tập trung thảo luận về các vấn đề như Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn; Nghiên cứu về Hàn Quốc và so sánh Việt Nam – Hàn Quốc trong các lĩnh vực: Lịch sử, Kinh tế, Chính trị, Xã hội, Địa lý, Văn hóa, Văn học, Nghệ thuật, Quan hệ đối ngoại… Đặc biệt là các vấn đề Hàn Quốc học ứng dụng ở Việt Nam như: doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; hôn nhân quốc tế Việt – Hàn; làn sóng Hàn Quốc ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Tuy vậy, cần quan tâm hơn nữa đến việc hợp tác giữa các Viện nghiên cứu và học thuật của Việt Nam và Hàn Quốc cùng các nước Châu Á, liên kết mạng lưới học thuật, nghiên cứu giữa các giáo sư, giảng viên, các nhà nghiên cứu Việt Nam, Hàn Quốc và các nước Châu Á nhằm phát triển Hàn Quốc học tại Việt Nam trong quan hệ với khu vực.
21/7/2014
Xuân Tiến
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...