Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Háo hức xem Ngọc, xem Sài Gòn

Háo hức xem Ngọc, xem Sài Gòn

Đến hẹn lại lên, Tp.HCM tưng bừng đón chào Hội sách lần thứ VIII năm 2014 với hơn 200.000 tựa sách được phát hành. Độc giả choáng ngợp và hồ hởi. Riêng tôi, đã kịp tìm cho mình một cuốn quen mà lạ, lạ mà quen: “Ngọc của Sài Gòn”, cuốn sách mới nhất của nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, do nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ Tp.HCM ấn hành.
Từ “ngọc của Sài Gòn”…
Đã là cuốn sách mới phát hành, sao lại quen quen lạ lạ? Hẳn rằng ai cũng sẽ thắc mắc. Nhưng hẳn rằng khi thưởng thức cuốn sách này, ai cũng sẽ có cảm nhận lạ lạ quen quen như tôi. Như chính tác giả của nó, cuốn sách biết cách gây ấn tượng cho độc giả khi khoác lên mình tấm bìa xanh rất nhã. Như là sự cố ý trong một lúc tình cờ. Sài Gòn ba trăm mười sáu tuổi vẫn xanh, vẫn điệu đàng nhẹ nhàng. “Ngọc của Sài Gòn” cũng xanh xanh vào đời.
Cảm nhận về Sài Gòn đối với mỗi cá nhân là những biểu hiện, những ký hiệu, những hình ảnh khác nhau. Nhà văn Minh Ngọc tò mò và tự sưu tập cho mình một chuỗi những cảm nhận đó qua những tâm sự của bạn bè quanh chị. Đó có thể là “phố cảnh hiện đại, hoa lệ, con người lịch lãm, hào hoa, dù lúc nào cũng ào ạt dòng người tứ xứ đổ về”. Đó có thể là “vở Đời Cô Lựu ở rạp Hưng Đạo của nhà hát Trần Hữu Trang”. Đó có thể là “những ngôi nhà có mặt tiền đá mài đá rửa của những năm 70”… Và với chính chị, thì đó “còn là những bộ não đầy chất lãng mạn bất thường của đất địa này nay từ nơi khác trôi về. Như Nguyễn An Ninh, Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Trần Tấn Quốc, Sơn Nam…”. Như một nhà xã hội học thực thụ, sau khi lấy số liệu, chị tổng hợp, phân tích nghiên cứu và đưa ra một chiêm nghiệm khiến người đọc phải giật mình suy ngẫm: “Xưa, người ta vẫn gọi nó là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ngọc xưa vẫn còn đó nhưng chúng tôi vẫn tin, nó có thể tan nhưng không nát, hiện đang phân tỏa thành từng viên nhỏ, có thể quý hơn, sang hơn, nhưng cũng bí-ẩn-một-cách-phơi-lộ hơn. Bạn có thể nhặt được nó hay không, ngoài chuyện cơ duyên còn là do chính tâm bạn xác định ngọc của đời bạn là gì”.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc và cuốn sách “Ngọc của Sài Gòn”
(ảnh: Trần Xuân Tiến)
đến “Minh Ngọc của Sài Gòn”
Như có lần tác giả của “Người đàn bà thất lạc” chia sẻ với báo giới, nếu như với điện ảnh, sân khấu, chị nghĩ mình đang bước trên con đường đi đến những giấc mơ thì với nghề viết (chị coi là nghiệp hơn là nghề) thì chị dễ được là bản thân chị hơn. Và có lẽ vì vậy mà khi đọc Ngọc của Sài Gòn, ta như đang hồi hộp đón nghe chị trò chuyện tâm tình. Chị trải lòng với ta, người đọc thân thiết, hay có thể đã từng quen biết, và phần nhiều hơn là có thể chưa từng quen biết chị. Với tôi, may mắn được hai lần xem chị giảng thuyết và biểu diễn tại trường đại học (thưở tôi còn là sinh viên) thì những câu chữ trải lòng của chị trong “Ngọc của Sài Gòn” tựa như những nét bút vô hình mà hữu ý làm đậm hơn chân dung về chị trong suy nghĩ của tôi.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc trong một buổi giao lưu với sinh viên năm 2012
Những nét bút ấy ra sao? Trong giới hạn của bài viết ngắn này, tôi khó lòng mô tả cho toàn vẹn. Chỉ xin trích ra đây, một chia sẻ của chị ở trang 48: “bị bắt gặp đang mượn nhân vật để “khóc lẻ loi một mình” giữa bao khán giả xa lạ, đó cũng là một niềm vui”. Một kiểu“sống trong hồn người khác” như thể chị chẳng có nơi nào để giải thoát những tâm sự cô đơn của chính mình. Tôi tự hỏi, một người phụ nữ yếu đuối và… mau nước mắt như thế, sao có thể tạo lập cho riêng mình liên tiếp những thành công đáng nể được đông đảo khán giả, độc giả trong và ngoài nước hâm mộ? Và rồi tôi băn khoăn. Và rồi hình như, câu trả lời được ẩn ý ở trang 28. Phải vậy chăng?.
29/3/2014
Trần Xuân Tiến
Theo http://vanchuong.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Độc đáo Trần Hùng

Độc đáo Trần Hùng Nhà thơ Trần Hùng sinh ngày 4.12.1957, quê nội ở Hà Tây nay thuộc Hà Nội, nhưng ông sinh ra ở Yên Bái quê ngoại trong mộ...