Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Hãy điềm đạm khi khen chê! Và đừng hiếp đáp cảm xúc

Hãy điềm đạm khi khen chê!
Và đừng hiếp đáp cảm xúc

Có một nhà thơ lâu năm viết nhiều. Tôi tạm gọi là vậy chứ không dám gọi họ là nhà thơ “lớn” hay nhỏ. Điều đó cần thời gian sàng lọc và tùy thuộc về độc giả.
Nhà thơ nọ nói rằng:
1. Bây giờ nhà thơ nhiều quá! Ai cũng làm thơ được, ai cũng in thơ được.
Tôi nghĩ: Nếu được vậy là điều đáng mừng chứ đâu phải đáng lo mà thốt lên có vẻ đầy hoảng hốt vậy! Làm thơ được chứng tỏ trước hết là người biết chữ, là người có tâm hồn, có cảm xúc và dĩ nhiêu ít nhiều có năng khiếu. Nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nhu cầu giải bày là nhu cầu chính đáng. Thời 1945 có  95% dân số nước ta mù chữ. Bây giờ nhiều người biết chữ là dấu hiệu đáng mừng, viết được là điều rất đáng khích lệ.
Còn diễn đàn đâu thơ văn đâu phải là mâm cỗ mà sợ nhiều người qúa ăn hết phần của mình đi. Quan niệm “ít ngài dài đũa” không có trên văn đàn chữa nghĩa. Ai viết cứ để họ viết, không ai có quyền cấm họ cả. Chuyện phán xét hay dở theo cảm tính cần phải khách quan, đừng mang tính chê bai dè bửu xem như một thú “dìm hàng”, là một thói xấu nhằm hạ thấp người khác nhằm mục đích gì? Có phải đè người khác xuống để mình nổi lên không?  
Như chúng ta đã biết, viết đôi khi chỉ là giải tỏa cảm xúc, viết vì đam mê, viết vì sự thôi thúc ở bên trong, chứ không phải viết để kiếm danh lại càng không phải viết để kiếm sống. (Số sống được nhờ nghề viết rất ít, đếm trên đầu ngón tay). Thực tế cho thấy, nhất là thời buổi này (trừ những người làm báo trong biên chế, dù gì cũng là nghề của họ. Viết cũng giống như những ngành nghề  được tuyển dụng đúng mục đích công việc. Và họ được trả lương. Nhưng cũng không phải thích gì viết nấy. Hiện nay, có một số người viết (nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình,… tự xưng hay bạn bè quý mến đặt cho). Nước sông không phạm nước giếng thì ai viết cứ viết. Mỗi người đều có một góc nhìn, chiều sâu trí tuệ, tư duy thẫm mỹ và cảm quan nghệ thuật khác nhau. Tất cả những đóng góp của họ cung cấp nhiều nội dung, nhiều thể loại, tạo nên sự phong phú đa dạng. Họ cống hiến cho bạn đọc một cách tự nguyện và hoàn toàn miễn phí.
Mỗi người một phong cách. Có người xoáy vào thời sự nóng hổi, có người luôn tả phong, hoa, tuyết, nguyệt (dạng ngâm ngợi này ngày càng ít đi vì bạn đọc không mấy mặn mà) có người chọn lối vào trữ tình, v.v... Người có vốn Hán việt nhiều, hay dùng điển tích điển cố hướng đến sự hàn lâm. Có người văn phong bình dị. Với họ càng hướng đến sự hiện đại bao nhiêu thì phải cần đơn giản bấy nhiêu. Họ sử dụng ngôn ngữ thông thường, đầy hơi thở của cuộc sông, dung dị, dễ hiểu. Đối tượng phục vụ của họ là đại đa số công chúng. Đó là mục đích hướng đến.
Tôi rất tâm đắc với câu thơ của nhà thơ, nhà giáo Mai văn Hoan, có thể xem đây như một tuyên ngôn của ông:
“Cứ nói điều gan ruột
Hay dở có thời gian”
Trên FB, mỗi người có một trang cá nhân của họ. Có thể xem như “nhà” của họ. Ở đó họ chia sẻ tâm tư tình cảm, bộc lộ vui buồn và thể hiện cá tính. Bạn phây (fb friends) nếu hợp, thích thì đọc, không thích có thể lướt qua. Nếu không hợp gu có thể rời đi. Bởi vì “bách nhân là bách tính” Thích hay không còn phụ thuộc vào cảm quan nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ, tùy vào khả năng đọc hiểu. Khả năng cảm thụ thẫm thấu,… của mỗi người cũng khác nhau. Do đó có sự khen chê khác nhau. Bài viết (văn hay thơ) có thể hay với người này nhưng chưa hay với người khác tùy vào tâm trạng, hoàn cảnh nữa. Có thể hôm nay đọc chưa thấy hay, thời gian sau đọc lại kỹ hơn cũng thấy thú vị. Có thể ở thời điểm hiện tại đọc rất thích nhưng bẵng đi một  vài năm sau đọc lại thấy không hay nữa. Có thể lắm chứ!
Dù thế nào đi nữa, mình thích hay không thì khi khen chê cần tế nhị. Nếu góp ý có tính xây dựng chứ đừng hiếp đáp cảm xúc của người ta.
Có người đọc xong phang một câu:
- Thơ không có vần điệu
2. Thơ không có chất thơ
Tôi hỏi: Theo anh thơ cần phải có chất thơ là như thế nào
Người đó trả lời:
- Thơ là thơ thôi!
Cách trả lời như không trả lời. Rất chung chung vô thưởng, vô phạt. (người nghe có quyền nghĩ rằng anh không đủ kiến thức,… để trả lời.
Khi góp ý không chỉ ra được cái hay, cái chưa hay cho người ta thì không có sức thuyết phục. Và khi góp ý, cần đúng lúc, đúng nơi. Có ý tôt, góp ý xây dựng thì người nghe sẽ tiếp thu, sẽ tôn trọng và cố gắng khắc phục. Còn phang kiểu ta đây giỏi hơn, cho bàn dân thiên hạ thấy thì chẳng khác nào tạt vào mặt họ gáo nước lạnh làm cụt hứng là hiếp đáp cảm xúc. Và nên tự hỏi lại mình có cái quyền ấy không? Mà chắc gì lời bạn nói đã đúng, người làm thơ đó chắc gì đã sai nên đừng chủ quan theo ý mình.
3. “Trường văn trận bút” là có thật
Vừa qua tôi có đọc một vài bài viết của các người viết với nhau (họ là nhà văn, nhà thơ viết lâu năm) thì buồn vô han. Có người nghĩa hiệp kiểu “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”, nhưng cũng có người lại thấy chưa ưa ý thì sửa lưng. Có người sau khi bị chê thì nhảy dựng lên viết bài chửi lại thậm tệ với ngôn ngữ rất chợ búa và có phần mất vệ sinh. Đừng biến tranh luận thành tranh cãi, và cãi cùn. Nếu đủ sức hãy tranh luận văn minh và thuyết phục.
Có người gần đây viết bài đăng trên diễn đàn báo chí rằng: “ Muốn làm thơ, viết văn chí ít cũng nên gia nhập môt tổ chức, hội thơ văn uy tín nào đó. Vậy là một ý chủ quan nữa. Tôi không nghĩ vậy và cũng có nhiều người viết chân chính không nghĩ vậy. (Qua thăm dò ý kiến của nhiều người trong giới cầm bút). Bởi vì chiếc áo đâu có làm nên thầy tu. Không phải cứ có mặt trong hội này nhóm nọ là viết hay đâu. Đi chung với nhà thơ, để rồi bỗng chốc mình trở thành nhà thơ, sinh hoạt với nhà văn để mình trở thành nhà văn là điều không thể, phải có thật lực. Năng khiếu và rèn luyện. Dĩ nhiên môi trường sinh hoạt có đem đến cho người viết những thuận lợi nhất định nhưng thật lực là cơ bản, vẫn cứ phải dựa vào bản thân là chính. Thậm chí Trên thế giới, hay trong nước không có một trường lớp nào có thể dạy làm thơ hay viết văn để trở thành nhà văn lớn hay thơ lớn cả.
Thậm chí có những giải thường công bố xong thì lãnh gạch đá không ít rồi đi vào quên lãng.
Chính vì vậy, thơ dở tự nó sẽ chết, mọi người yên tâm, đừng lo thơ nhiều. Cứ để họ giải bày cảm xúc. Đó là quyền của mỗi người không ai có thể cấm đoán hay mạt sát, dè bửu. Độc giả cho thơ sống thì thơ sống, độc giả quay lưng thì thơ chết chứ không một tác giả nào có quyền ấy. 
Nhân đọc một vài bài viết trong thời gian gần đây của giới viết lách, tôi xin góp đôi lời thiển cận. Là góc nhìn của cá nhân tôi - một người viết (Thích thì viết) không phải nhà văn, nhà thơ gì cả.
Sài Gòn, 31/3/2023
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vàng và máu

Vàng và máu Phần 1 Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách ...