Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Một dòng chảy của thi ca Việt

Một dòng chảy của thi ca Việt

Nếu lấy mốc 1932 được xem là khởi đầu của Phong trào thơ mới 1932-1945 thì còn mười năm nữa đến 2032 vừa tròn một trăm năm. Càng ngày càng thấy rõ tầm vóc của Phong trào Thơ mới là cuộc cách tân thi ca lớn nhất thế kỷ 20 đã chính thức đưa thi ca Việt Nam bước vào thế giới hiện đại.
Trong khoảng một trăm năm đó, Thi ca Việt Nam bày tỏ đầy nhân ái tâm trạng, niềm vui, nỗi buồn, băn khoăn và khát vọng cùng là khí phách của người Việt Nam, làm thay đổi căn bản diện mạo của Thi ca Việt Nam so với chín thế kỷ trước đó trong sự tiếp nối đến hài hòa của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn. Một trăm năm ấy xuất hiện nhiều thế hệ thi sỹ tài danh. Đến năm 2032, có thể nhìn thấy rõ bốn chặng đường. 1932-1945. Thơ của khát vọng tự do cá nhân trong cô đơn và hoài niệm. 1946-1990. Thơ của thời kỳ chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước. Thơ của những bài ca ra trận mà dân tộc như một người lính, khoác chiến bào khói lửa anh hùng và giàu đức hy sinh. Khoảng mười năm cuối cùng của thế kỷ 20. 1990-2000. Như là kết quả của thời kỳ đổi mới, khát vọng tự do của con người cá nhân được nén lại trong thời kỳ bom đạn lại lặng lẽ trở về trên những dòng thơ nhiều tâm trạng băn khoăn trăn trở niềm yêu thương mất ngủ của lửa bên cánh cửa những ngôi nhà ở tuổi đôi mươi. Chặng đường tiếp theo 2000 đến 2032 còn đang đi tiếp với chừng mươi, mười lăm năm đầu người ta nói đến một cuộc khủng hoảng thơ. Xã hội ít nhiều bớt đọc thơ như trước. Từ 2015 đến nay manh nha xuất hiện nhân tố đi tìm những cá tính và phong cách thơ khác biệt cho ngày mai.
Gắn liền với bốn chặng đường lịch sử đó, các thế hệ nhà thơ tài danh lần lượt xuất hiện. Gọi họ là tài danh bởi trước hết họ là những phong cách thơ độc đáo khác biệt, có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến thực tiễn sáng tác thơ; những thi phẩm của họ góp phần đổi mới sáng tạo thơ gắn với những giai đoạn cụ thể. Thơ của nhà thơ tài danh thể hiện triết lý nhân sinh tiêu biểu cho mỗi giai đoạn sống của người Việt Nam, cái giữ phần quan trọng làm nên tầm vóc của một vẻ đẹp thơ v.v...
Phong trào Thơ mới 1932-1945 có bốn mươi bốn người được giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam. 1941. Hầu như hai phần ba những người đó tiếp tục đường Thơ cho đến hết thế kỷ 20. Trong số đó có năm người tiêu biểu. Chế Lan Viên. Hàn Mạc Tử. Xuân Diệu. Huy Cận và Nguyễn Bính.
Chế Lan Viên siêu thực kỳ dị mà trong sáng lạ thường; ngay từ thời đó đã ghi dấu ấn vào lịch sử thi ca, trước khi có những thành tựu khác. Quyển Điêu tàn đột ngột xuất hiện giữa làng Thơ Việt như một niềm kinh dị. Giữa đồng bằng văn học thời đó, thơ Chế Lan Viên được Hoài Thanh hình dung đứng sững như một cái tháp chàm chắc chắn. Lẻ loi. Bí mật. Người ta trèo lên đó trầm ngâm nghe gạch rụng.
Mạc Tử nghĩa là văn chương. Khi chàng xuất hiện có người bảo thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Chế Lan Viên bảo rằng mai sau mọi cái đều tan đi, còn lại chút gì đáng kể là thi sỹ họ Hàn. Họ Chế viết: Hằng triệu năm anh qua trái đất có một lần. Hiếm có ai, Hoài Thanh phải đi từng tập một để bình rồi kết luận Xuân như ý là tập thơ hay nhất. Không phải ở những bài thơ kì dị mà Hàn Mạc Tử đi qua kỳ dị để tìm ra những vần thơ trong sáng bậc nhất của thi đàn Việt Nam: Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
Nếu nói Phong trào Thơ mới là sự gặp gỡ Đông - Tây thì Xuân Diệu và Huy Cận là hai trường hợp điển hình. Hoài Thanh miêu tả Xuân Diệu Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân. Người ta rất thích cái duyên của Xuân Diệu trong vẻ đài các của điệu thơ và cảm xúc rạo rực, bồng bột, khao khát yêu đương mà hiếm có nhà thơ nào đạt được trong sự không phân định đâu là Đông đâu là Tây. Long lanh tiếng sỏi vang vang hận. Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người.
Huy Cận những năm 1932-1945 cổ điển mà trang nghiêm trong nỗi buồn nhân thế. Đặc biệt thành công ở những bài lục bát.
Thơ Nguyễn Bính quê mùa đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong mỗi chúng ta khi xã hội đang đà đô thị hóa những năm nửa đầu thế kỷ 20. Người ta gọi thơ Nguyễn Bính là hồn xưa đất nước.
Chỉ có hai trong số năm người kể trên tiếp tục đi xa những chặng đường thơ thế kỷ. Chế Lan Viên mạnh mẽ tiến về phong cách thơ trí tuệ đặc sắc. Huy Cận tìm lại lửa thiêng với cảm quan vũ trụ khi gặp gỡ những vị La Hán chùa Tây phương và trò chuyện với Kim Tự Tháp. Sau 1945, Xuân Diệu không còn là Xuân Diệu nữa. Nguyễn Bính quê mùa cái phần hương đồng gió nội đã vợi đi ít nhiều.
Chặng đường gần nửa thế kỷ từ 1946 đến 1990, thi ca lấy âm hưởng chiến tranh và hòa bình làm chủ đạo. Năm mươi năm phát triển rực rỡ nhất của thi ca thế kỷ 20 khi thi ca là tiếng sáo thổi hồn thời đại của một Việt Nam đầy máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Cảm hứng chủ đạo của thơ nửa thế kỷ trải qua bốn cuộc chiến tranh là bài ca ra trận, cảm hứng anh hùng ca về người lính như là hình tượng trung tâm từ rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm, Lột sắt đường tàu rèn thêm đao kiếm, áo vải chân không đi lùng giặc đánh đến anh bộ đội lái xe không kính ở Trường Sơn. Người lính giải phóng quân đứng giữa đường băng Tân Sơn Nhất, máu anh phun như đạn lửa cầu vồng. Rồi người lính trên dải biên cương phía Bắc nước chấm đại dương, bát canh toàn quốc. Những người lính đợi mưa trên đảo Sinh Tồn không cạo đầu để tóc lên như cỏ, ước ao bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt ở giữa biển khơi nước mặn đến vô cùng. Hàng triệu người lính ngã xuống trên các dòng sông đất nước để mấy chục năm sau hòa bình vẫn còn tiếng gọi mái thuyền xin chèo nhẹ, bởi dưới sông còn đó bạn tôi nằm... Những người đi lính hiền như đất, Tháng Năm ra trận vào lúc Một sớm sông Hồng 17 tuổi, Hoa gạo rơi trong nỗi nhớ nhà… Các anh đi từ thuở Những cánh diều để chỏm. Rồi cũng đến lúc Bộ đội về làng tiếp tục Bài ca vỡ đất. Và người lính ấy nghẹn ngào chia sẻ với hậu phương Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy, cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc. Chưa bao giờ các thể thơ được phô diễn vẻ đẹp trong đạn lửa. Bốn chữ. Năm chữ. Sáu chữ. Bảy chữ. Tám chữ. Đến lục bát cũng không thể khiêm nhường được nữa. Xuất hiện thơ tự do không vần. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các thể thơ trong một bài thơ. Trường ca sử thi bước vào mùa thu hoạch lớn. Thơ vốn có thế mạnh ở cảm xúc trữ tình thì thơ thời chiến tranh đã xuất hiện khuynh hướng chính luận... Những bài thơ luận đề sang sảng vang lên... Đó là thời đại những người áo vải đứng lên làm những thành đồng. Nhà thơ đi trước cuộc đời như ngọn lửa, và thơ chỉ sống một phần cho mình ba phần cho nhiệm vụ.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu nhất phải kể đến Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu. Một số bài thơ báo hiệu những khuynh hướng sáng tác mới của Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Quang Dũng v.v... Tố Hữu viết từ trước 1945. Thơ ra công khai khởi đầu từ 1945-1946. Tố Hữu là người thành công hơn cả trong vai trò là người diễn ngôn chính trị bằng thơ. Thơ Tố Hữu đằm thắm, dễ hiểu, dễ nhớ và có sức động viên lớn. Nguyễn Đình Thi nổi bật là người lĩnh xướng sáng tác thơ tự do không vần. Người chiến sỹ là tập thơ trong số không nhiều tiêu biểu cho thơ của thời kỳ này. Có những câu thơ thật gợi: Nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi, Bây giờ em đang ở đâu? Đêm khuya nhớ người bộ đội, Bâng khuâng bên bếp lửa nào. Thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi được cả nền thơ tiếp nhận.
Hoàng Cầm ngay từ 1948 đã thành công ở những bài thơ tài hoa, tiêu biểu là Bên kia sông Đuống với sự kết hợp nhuần nhuyễn các thể thơ trong một bài thơ khiến thơ trở nên vô cùng linh động, thơ viết về chiến tranh mà dạt dào tình thương mến gắn với những sắc màu văn hóa dân gian đặc sắc với đám cưới chuột tưng bừng rộn rã và cô hàng xén khuôn mặt búp sen cười như mùa Thu tỏa nắng, cùng với Lá diêu bông và mưa Thuận Thành ướt át cỏ bồng thi sau này.
Chính Hữu cùng xuất hiện với Hoàng Cầm, nhưng đi theo khuynh hướng khác hẳn - khuynh hướng chính luận trong thơ thể hiện ở chắt lọc ý tưởng sâu sắc với cấu tứ thơ chặt chẽ, mỗi bài thơ như được tạc ra cẩn trọng Đồng Chí. Tháng năm ra trận.
Lớp nhà thơ viết giấy khai sinh cho mình bằng những khúc tâm tình của một thời đạn lửa ác liệt thật đông đảo. Phạm Tiến Duật. Hữu Thỉnh. Bằng Việt. Nguyễn Khoa Điềm. Thanh Thảo. Như một cuộc diễu hành bài ca ra trận vang lên bởi Thu Bồn. Nguyễn Đức Mậu. Vũ Quần Phương. Trần Đăng Khoa. Xuân Quỳnh. Ý Nhi. Lưu Quang Vũ. Phạm Ngọc Cảnh. Anh Ngọc. Nguyễn Duy. Hoàng Nhuận Cầm v.v…
Phạm Tiến Duật là người lĩnh xướng của phong trào thơ chống Mỹ cứu nước. Hình tượng người lính bình dị lái xe không kính, người lính coi kho, cô thanh niên xung phong Thạch Kim Thạch Nhọn... tràn ra mặt đường chiến trận bằng một ngôn ngữ thơ đặc sệt tiếng hàng ngày với sự phong phú biểu cảm của chất tự sự. Bằng Việt và Nguyễn Khoa Điềm tiếp nối những gì mà Chế Lan Viên và Chính Hữu đã khai mở làm nên cái trang trọng như đi qua mỗi cuộc đời thường, thấy ở đó nỗi lo nhân loại của Bằng Việt hay Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm của Nguyễn Khoa Điềm. Họ làm rõ thêm cái triết lý sống về tình yêu tổ quốc của người Việt Nam trong chiến tranh. Hữu Thỉnh, Thanh Thảo có thành tựu cả trong đoản thi. Nhưng có lẽ hai trường ca Đường tới thành phố và Những người đi tới biển quy tụ nét sáng tạo độc đáo lý giải nguồn cơn của chiến thắng bằng những chặng đường gian khổ chiến tranh. Thơ của họ có tính biểu tượng cao và không ít những tình huống thơ tinh tế như anh mang màu lính đi tầm tã, thăm quê không kịp ghé sương chiều của Hữu Thỉnh hay Rồi tới lúc chúng con thay áo khác, nhưng khi cởi áo ra, con không còn gì thay được - của Thanh Thảo.
Khi tiếng súng chiến tranh vừa tắt hẳn, Thế kỷ 20 người Việt Nam chỉ còn lại mười năm 1990-2000. Người ta vẫn làm thơ về chiến tranh nhưng chủ yếu chỉ là những tiếng vọng của ký ức. Một thế hệ các nhà thơ trẻ ra đời. Họ như là sản phẩm của cả thời hậu chiến và công cuộc đổi mới. Khuynh hướng trở về với khát vọng tự do cá nhân, sự băn khoăn, trăn trở trước sứ mệnh làm người. Một cành lau trắng Nguyễn Lương Ngọc đang nghiêng về sắc xám, có lẽ nó ngả màu vì sợ những hình như. Một Dương Kiều Minh ánh sáng đổ lênh láng miền châu thổ, con già đi như đất của người. v.v… Người đọc chăm chú dõi theo bước đi tìm tòi cách tân của Mai Văn Phấn. Nguyễn Bình Phương. Trần Quang Quý. Inrasara. Tuyết Nga v.v… Trong số họ có người nhận được giải thơ ở trong nước và nước ngoài…
Bỗng đâu xuất hiện một kẻ lãng du kì dị. Khác hẳn với tình yêu lứa đôi thanh khiết của trăng thu và phù du của chủ nghĩa lãng mạn thời thơ mới. Nguyễn Quang Thiều hiện sinh mà siêu thực trong giấc mơ giản dị chỉ là đi tìm bản ngã của thế hệ mình Những u mê trôi kín cả chiều vàng, ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối cùng hắt qua khe cửa khi ánh hoàng hôn thế kỷ đã nhạt nhòa trên những trang thơ còn viết dở. Chẳng cao sang gì, thế hệ Thiều chỉ mong để lại cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như tiếng nấc, âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn.
Bước vào thế kỷ 21, trong khoảng mươi, mười lăm năm, người ta nói đây đó một cuộc khủng hoảng Thơ. Tôi không biết chữ khủng hoảng Thơ đã phù hợp hay chưa? Thơ mười năm đầu thế kỷ 21 với hai trăm mười lăm tác giả, ngoại trừ lớp thi sĩ đã thành danh từ thế kỷ trước, thật khó xác định những phong cách thơ độc đáo. Hữu Thỉnh năm 2012 nhận xét có ba cái cũ: véo von, kể lể, sa long hóa và ba cái yếu: Yếu về khát vọng, yếu về tầm vóc, yếu về dấu ấn cá nhân. Sáu cái đó cộng lại thì còn gì là nền thơ nữa? Đã xảy ra trước đó và ở giai đoạn này nhiều thử nghiệm về thể loại thơ văn xuôi, thơ Hai Kâu... đều chưa đưa đến kết quả mong đợi. Mấy thế hệ nhà thơ khát khao bước vào cuộc đổi mới thơ trên nhiều bình diện. Chủ đề. Cấu tứ. Cảm xúc. Ngôn ngữ… Thậm chí muốn thơ bước ra khỏi biên giới của thơ như vẽ thơ bằng hình thù kỳ dị, ghép âm là lạ không có nghĩa liền nhau gọi là ngón thơ con âm v.v… Tiếc thay chưa đưa đến mùa sáng tạo.
Nhưng mùa hạ năm 2022, xuất hiện tập Mạch rồng của những người lính trơn thi ca thế kỷ 21. Có tới gần hai mươi thi nhân trong số ba trăm mười bảy người viết nhiều câu thơ sắc nét, với một lối thơ của những người có học. Nghiêng về triết luận suy tưởng làm sáng lên hy vọng những phong cách thơ độc đáo kịp xuất hiện trong khoảng thời gian 2022 đến 2032. Độ mười năm.
Điều gì đã đưa đến khủng hoảng Thơ hồi đầu thế kỷ 21? Đôi khi chẳng phải gì to tát mà chỉ là Thơ không còn nghe thấy tiếng đập nhẹ nhàng của đời sống giống như Chế Lan Viên hình dung. Mùa đông vào thành phố chẳng ai hay. Phố ta ở lá bàng già quá nửa, lá rụng thình lình nào ai kịp trở tay. Chỉ vậy thôi mà. Nhà thơ thích ồn ào thì còn nghe được gì nữa nhỉ?
Một trăm năm thơ đang lặng lẽ đi qua. Một số ít ghi dấu ấn vào lịch sử thi ca bởi thân phận và tài năng đặc biệt. Ai mà quên được Tản Đà lưu lại với hậu thế như là cái gạch nối say đầy phong nhã của chân trời cũ và hừng đông mới. Bởi thời cuộc Non xanh xanh, nước xanh xanh, nước non như vẽ bức tranh tình, non nước tan tành, giọt lụy tràn năm canh. Và phải nhiều thế kỷ chúng ta mới có được một thần đồng Trần Đăng Khoa với những bài thơ giàu trí tưởng tượng của cậu bé lên mười thời chiến đến kiến cũng hành quân và băng đạn vàng như lúa đồng để trưởng thành người lính thơ giữ đảo.
Trong sự sum vầy hòa hợp của mái nhà dân tộc, các nhà thơ miền Nam 1954-1975 có hai người vượt qua được ảnh hưởng đậm đà của Phong trào Thơ mới 1932-1945, đưa thơ nhuốm vào và bước tới chủ nghĩa hiện sinh trong thơ. Thanh Tâm Tuyền. Tô Thùy Yên. Người đọc còn nhớ mãi buổi chiều vỡ vào chuông giáo đường của hai thi sỹ tài năng ấy.
Có người bảo, chín thế kỷ trung đại nhiều nhà thơ tài năng. Nhưng chỉ còn lại ba đỉnh cao vượt trội. Nguyễn Trãi. Nguyễn Du. Cao Bá Quát mà một trăm năm này chưa có ai sánh kịp. Nhưng mỗi thời đại thi ca đều có nhân vật của riêng mình. Một trăm năm 1932-2032, người bảo ba. Người bảo năm. Người bảo bảy. Người bảo chín. Xin để lịch sử trả lời. Nhưng dù ba, năm, bảy hay chín có một điểm chung đều nêu tên Chế Lan Viên. Đó là phong cách thơ có độ mở rộng nhất và cũng đa diện nhất nếu không muốn nói trường cảm xúc về tâm trạng thời cuộc xung mãn nhất. Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Di cảo... như phủ bóng tràn trề ngây ngất những là trăng lên bầu trời thế kỷ.
Có lần anh tự nhận mình là Trương Chi mặt rỗ hoa mè. Tôi không biết anh có phải là nhà thơ lớn nhất hay không? Nhưng tôi biết anh là nhà thơ chân thành nhất khi đến cuối đời đã tự nhận Còn nợ xương máu, Áo cơm, Một ngụm nước khát lòng. Một hạt muối đêm công đồn, cái hôn khi ra trận. Và Chế Lan Viên đã đánh thức lòng thế kỷ từ buổi những tháp chàm gầy mòn vì mong đợi 1937 để năm mươi năm sau, 1988, khi ngọn tháp gầy mòn ấy đã đổ, anh chỉ ký thác đời mình vào bài thơ nằm giữa cỏ mà thôi. Những đứa trẻ cùng với dế trong vườn tìm thấy gạch tháp nghìn năm đó... và anh mơ nếu có luân hồi anh sẽ về, sẽ đọc, sẽ nâng làn cỏ lạ lên môi... Nhưng chắc chắn là không có luân hồi, Chế Lan Viên ơi! Anh xứng đáng là một tượng đài kỳ lạ của một trăm năm thơ ấy. Tổ quốc và nhân dân sẽ thay anh nâng lên làn cỏ lạ và gửi yêu thương vào đó như là cái đẹp nhất của con người với lòng trân quý và kính trọng nhân cách giản dị và phẩm giá tuyệt vời của các nhà thơ ở thời đại chúng ta.
22/1/2023
Khuất Bình Nguyên
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...