Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Nghịch lý văn chương

Nghịch lý văn chương

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Xuân Diệu đề xuất thuyết Chân, chân, chân! Thật, thật, thật!. Một lần, Xuân Diệu bảo tôi: Anh Chế Lan Viên rất phản đối thuyết này!...
1. Thuyết Chân, chân, chân... được Xuân Diệu đề cập lần đầu ở tiểu luận Sự giản dị và phong phú trong thơ (22-11-1967), sau khi đăng báo đã in vào quyển Công việc làm thơ, phê bình và tiểu luận của Xuân Diệu, Nhà xuất bản Văn học, 1984. Nhà thơ viết:
Phong cách lớn, bút pháp lớn, theo ý tôi, trước hết lấy chân thật làm nền tảng, thơ phải:
Chân, chân, chân!
Thật, thật, thật!
Thật là sự có thật ở trong cuộc đời, ở trong sự sống; chân là tính có thật ở trong lòng người, tâm hồn người....
Nhà thơ Xuân Diệu
Bàn luận cho thấu đáo về thuyết này, chắc phải cần nhiều thì giờ. Nhưng có thể nói, một trong những điểm cốt lõi mà Xuân Diệu muốn ở đây là: phải đưa hiện thực đời sống vào thơ càng nhiều càng tốt, càng cụ thể càng hay.
Ở mặt tích cực của nó, chủ trương này rất có tác dụng. Chẳng hạn, dân gian ta có thành ngữ Sống dai như đỉa; khi nói về cảnh khô hạn trên một cánh đồng, nhà thơ Xuân Diệu viết trong bài Con kênh, con máng, con mương:
Con đỉa vắt qua mô đất chết!
thì quả đã tạo được một ấn tượng mạnh về mức độ tai hại của hạn hán. Tuy nhiên, ở mặt trái của nó, nếu đi quá đà, sẽ dẫn đến một hiệu quả tiêu cực. Lúc ấy, thơ biến thành văn xuôi, không thấy chất thơ đâu nữa. Chẳng hạn, như những câu này, nhà thơ viết trong Bài thơ Những đồ hộp hoa quả:
Dưa chuột phải non xanh, cùi dày, hạt nhỏ
Không lấy cong queo, xây xát, bầm dập, sâu thối, vàng úa, ong châm.
Một hộp dưa chuột: nước, cái bao nhiêu;
Màu quả phải ánh vàng, không được quả này đen, quả kia trắng;
Trong một phân khối, chỉ cho phép còn mấy vi trùng!
Không được một sợi tóc rơi vào, một hạt cát sẽ thành đá nặng.
Nhà thơ Chế Lan Viên chắc phản đối cái Chân, chân, chân! Thật, thật, thật kiểu này chăng? Nếu thế thì theo tôi, Chế Lan Viên đã đúng!
2. Nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) có lần bảo tôi: Mình không nhớ một nhà văn nào ở một nước Bắc Âu nói câu này thật hay, chúng ta ai cũng biết mà không nói được: Trẻ con đi từng đoàn, thanh niên đi từng đôi, người già đi một mình!.
Nhà thơ Thanh Tịnh.
Nhà thơ Thanh Tịnh vốn là người ưa suy nghĩ, không chịu dừng lại ở một câu, một ý có sẵn. Về sau, ông lại tìm ra cách nói của mình để diễn đạt ý của câu trên bằng ba chữ đ (tuy không được hay lắm):
Trẻ con đi đoàn, thanh niên đi đôi, người già đi độc!
3. Quyển sách tuyệt hay Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân thỉnh thoảng có những chuyện... ngoại lệ lý thú. Chẳng hạn, sau khi viết về nhà thơ T.T.KH, tác giả tâm sự:
Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân....
Nhà văn Hoài Thanh và tác phẩm Thi nhân Việt Nam
Một trường hợp ngoại lệ đặc biệt hơn, khác tất cả các nhà thơ khác trong sách, là... tung tích nhà thơ Đoàn Văn Cừ, mà tác giả tìm đến mấy lần.
- Lần thứ nhất, khi những dòng viết về nhà thơ này mới đăng báo, chưa đưa vào quyển sách nói trên, tác giả đã... thông báo trước cho người đọc về Đoàn Văn Cừ:
Cứ mỗi lúc xuân về người lại gửi trên báo một chuỗi cười ngũ sắc. Tiếng cười ta còn nghe văng vẳng thì người đã biến đâu rồi và ta đành chờ mùa xuân khác. Thế rồi báo chết, tăm tích người cũng mất. Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy.
- Lần thứ hai, lúc đưa lời giới thiệu và chọn thơ Đoàn Văn Cừ vào Thi nhân Việt Nam... tác giả lại viết:
Khi quyển sách này đưa in chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về Ô. Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Vậy xin mạn phép ông trích mấy bài thơ. Ông ở đâu, làm ơn cho chúng tôi biết.
- Lần thứ ba, lúc quyển sách tái bản, tác giả lại chú thích:
Vẫn chưa biết Ô. Đoàn Văn Cừ ở đâu!
Kể cũng lạ, trong khi tất cả các nhà thơ khác đều được tác giả Thi nhân Việt Nam... hoặc gặp trực tiếp, hoặc trao đổi qua thư từ.
Về sau, tôi đem chuyện này hỏi chính nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Trong thư đề Một ngày giữa Xuân Mậu Dần, 1998, nhà thơ trả lời: cả mấy lần tôi đều không biết về tin đó. Bởi lẽ rất dễ hiểu, là tôi ở quê xa, rất hẻo lánh, có bao giờ được đọc báo từ Hà Nội!
Tôi quên mất, không hỏi ông hoặc hỏi nhà phê bình Hoài Thanh xem, về sau tác giả Thi nhân Việt Nam... biết địa chỉ nhà thơ Đoàn Văn Cừ, hoặc gặp nhà thơ lần đầu vào dịp nào, ở đâu.
3/8/2015
Hồng Diệu
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...