Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Ngoại giao văn hóa gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên toàn cầu

Ngoại giao văn hóa gia tăng sự
nhận diện Việt Nam trên toàn cầu

Nhân dịp đầu năm mới 2023, nhìn lại những gì đã đạt được trong công tác ngoại giao văn hóa trong năm vừa qua và xác định phương hướng cho thời gian tới, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khẳng định: Ngoại giao văn hóa gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên toàn cầu.
Bốn điểm lớn nổi bật của ngoại giao văn hóa năm 2022
Đánh giá về những kết quả nổi bật của công tác ngoại giao văn hóa (NGVH) năm 2022, nhất là trong việc phục vụ phát triển, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định: Sau một năm triển khai Chiến lược NGVH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2021, công tác NGVH của Việt Nam có nhiều điểm sáng, có thể được khái quát thành 4 điểm lớn.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: BNG.
Đầu tiên, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân. Năm qua, chúng ta đã chú trọng đưa nội hàm văn hóa vào các hoạt động của Lãnh đạo cấp cao thăm các nước và trong việc đón tiếp lãnh đạo các nước tới Việt Nam; đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện khu vực, quốc tế lớn ở trong nước, tiêu biểu như SEA Games 31 hay ở nước ngoài, Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc, Áo, Ấn Độ.
Thứ hai, thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục tại các diễn đàn quốc tế, tiêu biểu là tại tổ chức UNESCO. Năm 2022 Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, lần đầu tiên cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên 3 cơ chế quan trọng của UNESCO. Chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu UNESCO năm qua cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Truyền thông thế giới nhân dịp này đã đưa nhiều tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp NGVH phục vụ phát triển bền vững đất nước. Với cương vị là cơ quan đầu mối, Bộ Ngoại giao đã tham mưu, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới, với các mô hình tiên tiến từ đó tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển. Năm 2022, Việt Nam vui mừng có thêm 04 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh và nhiều địa phương cũng tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, ngoại giao văn hóa lớn
Thứ tư, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, triết lý, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.
Điểm mới trong công tác NGVH năm nay xuất phát từ việc cụ thể hóa phương châm của Chiến lược là “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, do vậy đã thu hút sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, nhân dân ở trong và ngoài nước, tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai NGVH.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 đã góp phần truyền tải sống động, hiệu quả chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đồng thời lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao văn hóa góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia
Đánh giá về vai trò của ngoại giao văn hóa (NGVH) trong quảng bá hình ảnh đất nước hiện nay, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết: Những năm gần đây, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nguy cơ, thách thức cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước bối cảnh đó, các nước dù lớn hay nhỏ đều tăng cường công tác NGVH trong đối ngoại nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia.
Ngày nay, vai trò của NGVH với Việt Nam được xác định rõ trong “Chiến lược NGVH đến năm 2030”, đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.
Vai trò của NGVH cũng tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII, cụ thể là “đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt cuộc cách mạng khoa học - công nghệ sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, thì các nước ngày càng coi trọng vai trò của NGVH trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được. Các nước châu Phi, Mỹ La-tinh ngưỡng mộ, coi Việt Nam “2 lần Anh hùng” - Anh hùng trong Đấu tranh giải phóng dân tộc và Anh hùng trong Đổi mới và phát triển. Nhiều Lãnh đạo quốc tế trong trao đổi với Lãnh đạo ta nêu: Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác; Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.
Bốn điều cần làm để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam”
Trong tình hình mới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã nêu ra 4 điều cần làm để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương… để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là tri thức, công nghệ và đầu tư, cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.
Thứ ba, các hoạt động ngoại giao văn hóa phải được triển khai ngày càng sáng tạo, bài bản với sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương, kiều bào ở nước ngoài theo phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Trong đó, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những “Đại sứ văn hóa Việt Nam” trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở sở tại.
Thứ tư, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, NGVH cần tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Cần tăng cường kết hợp sức mạnh mềm của văn hóa với chiến lược truyền thông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.
16/1/2023
An Bình
Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...