Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Nguyên Hùng bay về phía bão

Nguyên Hùng bay về phía bão

Bay về phía bão - Tập thơ mới của Nguyên Hùng được NXB Văn học xuất bản năm 2013 mang cái tên khá gợi. Gợi vì nó mang trong mình sự ẩn chứa tiềm sâu và đa diện. Bay về phía bão là bay về quê hương anh, một mảnh đất miền Trung khô cằn ràn rạt gió Lào mà ở đó “những nụ cười”  héo trên môi người, những gương mặt luôn “phảng phất lo âu”. Bởi nơi ấy là nơi mẹ cha anh “nằm dưới cỏ”. Nơi ấy có cả tuổi thơ “thuở nào canh bến đợi thuyền cha”... Nghĩa là nơi những yêu thương đang tích tụ chờ anh về để được chia sẻ.
Bay về phía bão, về nơi mà vì nó lòng anh luôn thấp thỏm không yên một nỗi khắc khoải, lo âu về những bất trắc có thể đến bất ngờ cùng một nỗi nhớ cồn cào, da diết.
Như bao người làm thơ khác, Nguyên Hùng trải lòng vào những câu thơ dành cho quê hương, cho mảnh đất mình đã chôn rau cắt rốn, đã hít thở bầu không khí ngập hương đồng gió biển, lấm láp chân đất đầu trần mà lớn lên. Với Nguyên Hùng, hình ảnh quê hương được cụ thể hóa bằng “sông dài rộng, con đò ngang thì bé”. Ở con sông ấy, “con sông mặn nồng câu ví dặm” bên bến sông ấy, nơi chiều chiều anh vẫn ngồi đợi cha về từ biển khơi đầy bất trắc, đã cùng bạn bè ngụp lặn và chứng kiến “Những mái chèo sấp ngửa sớm khuya”. Mái chèo sấp ngửa là hình ảnh ẩn dụ về những người dân lam lũ quê anh, những người mà trong cuộc sống thường phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh. Và dòng sông ấy chở trong dòng chảy của  nó tuổi thơ anh, nguyên vẹn trong anh, rất thật:
Lũ về làng xóm thành sông
Nhà thành ốc đảo giữa không bến bờ
Mái tranh sóng đánh vật vờ
Dầm mình trong nước, trẻ thơ đến trường
Những câu thơ sống động mặc dù thật u ám. Và không thể không viết cái u ám đó bởi đấy là sự thật của quê anh, của đất miền trung chưa nắng đã khô cằn, chưa mưa đã lụt:
Ơi miền Trung đất quê hương
Bao giờ nghèo khó mới buông lưng còng?
Tiếng thơ bật lên như một tiếng kêu nấc nghẹn sau bao kìm nén!
“Giữa trong xanh da diết một cánh buồm” – Cánh buồm đó là tâm hồn anh neo lại chốn quê, trở thành điểm điểm sáng soi đường cho anh trên những nẻo đường mưu sinh và trở về khi mỏi bước.
Thơ Nguyên Hùng khá đa chiều, đa diện và trường biểu cảm của anh cũng nhiều rộng mở. Anh quan tâm đến những điều lớn lao như hòa bình thế giới, thiên tai, bình yên bờ cõi. Nhưng cũng có nhiều bài thơ trong tập có khi là cái cười hóm hỉnh, thậm chí có cả cái tếu táo ở những bài ngắn anh viết về bạn bè, người thân, không phải để chê trách mà đó đơn thuần chỉ là thể hiện “cách yêu” của riêng mình, còn phần lớn những bài “nghiêm túc” thường Nguyên Hùng thể hiện cái nhìn sâu đằm và gợi những liên tưởng tinh tế.
Là người trọng tình, những bài thơ Nguyên Hùng viết về kỉ niệm luôn đau đáu một nỗi niềm nào đó. Với anh những dáng dừa bên bờ biển Quy Nhơn như những dáng người đang nghiêng về phía biển ngóng cánh buồm xa. Sự liên tưởng ấy gợi nhớ đến những người dân chài chiều chiều vẫn đứng ngóng người thân trở về sau những ngày lênh đênh trên sóng. Những người vợ người mẹ ngóng về phía chân trời xa đang ẩn chứa những cơn bão dữ đợi người thân. Hình ảnh “biển xô đường cong nửa vầng trăng”, “sao đèn chài níu hai đầu núi” là những hình ảnh làm cho câu thơ trở nên sống động và có hồn.
Nói đến Nha Trang là nói đến Biển. Vậy mà trong một bài thơ khác, Nguyên Hùng viết “Nha Trang không biển” ?! Thì ra biển Nha Trang không còn đơn giản là vùng sinh thái vô tình nữa mà đã hóa thân biến thành một cái gì thật cụ thể. Cái cụ thể ấy ở đây là người anh yêu, là những gương mặt bạn bè mà có nhiều khi vội công việc không gặp được, “chưa kịp gặp nhau đã vội lên đường” , không thể có được “chút thời gian dành riêng tặng bạn bè”, không được được ôm bạn hàn huyên về bao nỗi đam mê thì có thể coi như không gặp biển rồi.
Anh đến Huế và Huế trong mắt anh hiện ra như một bản nhạc tươi trẻ và sống động:
Cầu Trường Tiền vắt ngang làm khuông nhạc
Mỗi bóng người qua - một nốt nhạc ngân dài…
Nhưng khi trong nghĩa trang Trường Sơn, bên những ngôi mộ nơi những chiến sỹ đã hy sinh cho đất nước, câu thơ anh lại trở nên nghẹn đắng:
Khi ngã xuống
Các anh còn rất trẻ
Chưa một ngày vui
Chưa một mối tình
Và chính điều đó làm cho: Bia đá cũng rưng rưng. Bia đá rưng rưng hay chính lòng thi sĩ? Hẳn phải là cả hai!
Ở bài Huế và em:
Em đưa anh về thăm chốn cũ
Tìm lại tuổi xanh áo trắng phượng hồng
Em và Huế đang ngược thời thiếu nữ
Anh xin làm bến đợi phía cuối sông
Một khổ thơ hay, chặt về tứ, đẹp về ngôn từ và hình ảnh.
Tập thơ có nhiều bài thơ viết về một nàng thơ nửa thực nửa hư ảo, khi đọc bài “Thơ gửi ECA” tôi cảm nhận được trái tim của tác giả đang loạn nhịp, cảm xúc nội tại trùm lấp những ghen hờn nhung nhớ:
Em của anh ai người đưa đón
Đêm đêm đành mang nhớ gửi trời xa
Câu thơ giản dị chân thật như tình yêu chân thành:
Anh sẽ cùng em mọi chân trời góc bể
Để được làm tất cả vì em...
Em ở đây có thể là nàng thơ hay người thật thì câu thơ đầy bản lĩnh đàn ông này mấy người có được.
Trong bài “Tết này em có lạnh không?”, viết cho người bạn gái đã hai mươi năm tha hương xứ người, những câu thơ của Nguyên Hùng đau đáu:
Tuyết rơi phủ trắng đất trời
Gốc quê còn nhựa bật chồi xanh non?
 Vâng, câu thơ đọc lạnh người, hỏi em rằng bao nhiêu  năm ăn cơm trời Tây em có còn nhớ quê mình không bằng một câu thơ “Gốc quê còn nhựa bật chồi xanh non” vô cùng bái phục, thế mới biết khi đã đặt hết lòng mình cho tình yêu quê hương câu thơ từ máu thịt chảy ra cũng đậm đầy ưu tư chất Nghệ. Rồi với cà xứ Nghệ mặn giòn, với những lát cá măng, cá thửng cháy vàng tuổi thơ ngày xưa của chúng mình em có còn nhớ không? Hỏi là hỏi thế thôi nhưng Nguyên Hùng biết bạn mình nhớ lắm, như mình ngày xưa cũng
“Bảy mùa đi dưới tuyết rơi” nên càng:
Thương em ngày lẫn vào đêm
Thương mình từng cũng lấm lem đất người…
Chiều mưa bên mộ cha mẹ những câu thơ chắt từ trái tim đau của người con hiếu thảo:
Mưa xiên đồng vắng gió lùa
Lời thương khấn mãi vẫn chưa cạn lòng
Khôn thiêng... ngọn lửa chợt bùng
Thương cha nhớ mẹ... rưng rưng trời chiều.
Bài Trường xưa, có thể nói là bài gợi nhất của Nguyên Hùng khi ngoái về kỉ niệm. Những chi tiết thơ: mái tranh vách đất, mẹ cha nghèo gom góp dựng nên; nuộc (nút) lạt; chân tãi bùn non trên cát làm nền…
Và:
Khóa học ba năm hơn ba kỳ sơ tán
Lúc trú hầm lúc nương náu nhà dân
Khi chạy lũ, khi chìm trong lửa đạn
Mỗi chữ thầy cho rơi nhặt mấy lần
là hình ảnh phổ biến của những ngôi trường sơ tán thời chiến tranh chống Mỹ ở miền bắc cùng lứa học sinh hồi đó:
Sân trường xưa nơi luyện bài nghiêm nghỉ
Nơi tập bò toài thay những trò chơi
Những năm sáu bảy mươi, đất nước đang chiến tranh khốc liệt và chưa thể ai tiên đoán hay định vị được thời điểm yên bình. Câu thơ thật hiện thực, thật đau. Nó như vết dao rạch lên mặt bàn kỉ niệm của không ít người đã từng qua những năm tháng đội mũ rơm tới trường, lấy bài học quân sự thay trò chơi, ngồi học trong những căn hầm chữ A và bên ngoài là tiếng bom dội, sau mỗi tiếng bom đất cát từ mái hầm rơi đầy trang sách.
Một mảng thơ không thể thiếu và không thể không nhắc tới  đó là mảng thơ tình của Nguyên Hùng. Anh có nhiều bài thơ tình hay. Cái hay được bộc lộ bằng sự mê đắm và cái mê đắm ấy đã truyền sang được người đọc bằng cả những nỗi đau và những niềm vui. Nhiều bài thơ như dẫn người đọc vào chính cuộc đời thực của anh. Làm người ta đắm chìm vào câu chữ để cùng anh bồn chồn, thắc thỏm đón đợi những bước đi đầy bất trắc của số phận.
Ngược dòng dĩ vãng là những câu thơ đằm kỉ niệm:
Ta chia tay - Em nhường anh tất cả
Kỉ niệm vui buồn một thủa bên nhau
Thuyền anh ngược theo dòng sông nhớ
Tìm lại bến xưa nơi gửi nụ hôn đầu          
Còn bây giờ, sau những thảng thốt:
Lẽ nào mình phải chia xa
Lẽ nào mình sẽ thôi là của nhau?
Thì trước một thực tế không thể cứu vãn, anh ngơ ngác:
Bạc đầu rồi vẫn trắng tay
Ta là ai của hôm nay giữa đời?
Câu hỏi không lời giải đáp. Đến khi đó thời gian và không gian nơi anh chỉ còn là một khoảng trống:
Những ngày có em đã lùi về dĩ vãng
Những ngày không em đang lặng lẽ buồn trôi
Khóc nhớ em nước mắt giờ đã cạn
Anh vắt tim mình từng giọt thẫm rơi rơi

Anh lại về đây tưởng niệm một thời
Đã theo em đến nơi nào xa lắm
Đông đang về, tình xưa còn đủ ấm
Ủ hồn người ẩn ức những niềm đau
Và anh nói với con:
Con ơi bây giờ
Mẹ đã rất xa
Ba - cái bóng nhạt nhòa
Nửa quen nửa lạ…
Đọc những câu thơ mà như nhìn thấy những giọt nước mắt vỡ! Có thật đau nỗi đau mất mát người thân mới có được những câu thơ như thế. Nó làm cho cả người đọc cũng rưng rưng.
 “Văn là người!” - Mỗi nhà thơ nhà văn trong tác phẩm của mình thường bộc lộ bản thân và những mối quan hệ riêng tư hay xã hội qua những trang viết. Những nhân vật văn học trong thơ văn cũng thường lấy từ những bóng hình nhà thơ đã gặp ngoài đời với tất cả căm ghét hoặc yêu thương. Chính những điều đó đã mang lại cho nhà thơ, nhà văn những trang viết sống động, có sức thuyết phục cao đồng thời tạo nên chất gắn kết qua những sẻ chia, đồng cảm giữa người viết và bạn đọc. Trên mỗi trang thơ “Bay về phía bão” Nguyên Hùng đã làm được điều đó.
Trân trọng và xin chúc mừng anh.
Tp. HCM, 9/5/2013
Mai Trân
Theo https://nguyenhungvabanbe.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Nguyễn Lãm Thắng Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng còn có các bút danh danh khác là Nguyễn Du Lãm, Nguyễn Trần Bảo Nghi, N...