Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Nhà tiên tri đã viết như thế

Nhà tiên tri đã viết như thế

Igor Frolov là nhà văn Nga, sinh năm 1963 tại thành phố Aldan, nước Cộng hòa tự trị Xakha thuộc Liên bang Nga. Tốt nghiệp đại học Hàng không Ufa, phục vụ trong quân đội ở Afghanistan (với 500 chuyến bay chiến đấu, được thưởng Huân chương chiến công hạng 3). Hiện làm Trưởng ban thư ký tạp chí “Khoảng không Belski”, thành phố Ufa. Frolov đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Truyện ngắn “Nhà tiên tri đã viết như thế” lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2011 mang tên Iuri Kazakov do các báo và tạp chí văn học Nga bình chọn.
Tháng bảy năm 1987, một chiếc máy bay bị mất tích trên bầu trời Afghanistan. Chiếc AN-26 cùng với phi đội cố vấn, bay từ thủ đô Kabul đến Zarandz, dọc đường dừng lại ở Shindand, rồi bay tiếp theo đúng hành trình về hướng Kandagar, nhưng sau đó bị mất liên lạc.
Để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, phi đội tại căn cứ Shindand đã cử hai chiếc trực thăng MI-8 bay song song cách nhau vài cây số, tạo thành một chiếc lưới vô hình rà theo hướng biên giới với Iran. Trên đường bay qua vùng sa mạc, chiếc lưới chỉ phát hiện ra những bộ khung xe cháy dúm dó chìm lấp trong biển cát, nhưng không phát hiện ra chút dấu tích gì của các thiết bị bay.
Khi đến gần Zarandz, những người tìm kiếm được thông báo, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, chiếc AN-26 đã bay qua biên giới và hạ cánh xuống Iran. Sự phản bội, cướp máy bay, hay lỗi của hoa tiêu dẫn đường - chưa thể khẳng định. Hai chiếc trực thăng tìm kiếm được lệnh tách ra theo hai hướng Tây và Đông để xác định chiếc AN-26 đã bay qua biên giới tại khu vực nào. Chiếc trực thăng chỉ huy mang số 10 bay về hướng Tây được khoảng hai mươi phút thì gặp một ngôi làng nhỏ với khoảng mươi hộ dân.
Chiếc trực thăng chỉ huy hạ cánh, chiếc thứ hai cũng đáp xuống cách đó một đoạn. Các sĩ quan phản gián, của ta và của họ, cùng với trung đội súng máy tiếp cận dân làng đang đổ xô ra xem máy bay và xin dầu hỏa. Kỹ thuật viên máy bay, vừa nhìn thấy đám trẻ con với xô chậu ùa tới liền vội đóng cửa buồng lái và xua tay lia lịa. Anh không thể cho chúng, dẫu chỉ một cốc nhỏ - lượng nhiên liệu còn lại chỉ vừa đủ để quay về, thậm chí chỉ đến căn cứ Farakhrud.
- Chỉ huy, chỉ huy, cho xin dầu, cho xin dầu! - lũ trẻ vây lấy anh và la hét ầm ĩ. Anh cố kéo tay chúng ra khỏi chiếc quần bay, đẩy đống xô chậu kêu loảng xoảng, đưa mắt chờ đợi các sĩ quan phản gián, nhưng họ còn mải trò chuyện với người lớn trong làng. Đột nhiên, như trong bức tranh của họa sĩ Ivanov, một bóng hình mảnh mai, đơn lẻ bỗng xuất hiện giữa khu đất bằng, chậm rãi bước về phía đám trẻ đang la hét và dừng lại cách chúng một đoạn. Cô gái, trong chiếc quần rộng màu tím hoa cà, chiếc áo váy xanh lá cây, đội chiếc mũ đỏ để lộ ra các bím tóc nho nhỏ, đầu hơi cúi, hai hàng mi chớp chớp, cặp mắt đen tuyền như nã đạn liên tục vào chàng kỹ thuật viên. Đôi môi thoa chút son của cô nổi bật trên khuôn mặt xinh xắn màu bánh mật, giống như bông hồng thắm trong khu vườn lúc chiều tà. Cô gái cầm chiếc bình tráng men trắng in hình con dê nhỏ, cứ như là cô đến gặp anh để xin sữa dê vậy.
Mải nhìn cô gái, chàng kỹ thuật viên quên bẵng mục đích việc đến đây, nơi biên giới giữa Afghanistan và Iran, anh chỉ biết, cô gái cần dầu hỏa để thắp đèn vì ở đây chưa bao giờ có điện. Có cảm giác, cô gái với chuỗi hạt trên chiếc cổ mảnh mai kia là người của quá khứ đã được cỗ máy thời gian sau lưng anh mang đến. Anh đặt hai tay lên ngực rồi giang ra, tỏ ý rất lấy làm tiếc, rằng anh rất vui được gặp cô, nhưng…Rồi anh đẩy lũ trẻ ra, nhảy vào khoang máy bay, lấy trong chiếc túi lựu đạn ra ba gói kẹo caramen, chạy lại đưa cho cô. Cô gái giơ tay nhận gói kẹo, áp lên ngực, mắt nhìn sang bên.
- Không được lòng thòng với phụ nữ ở đây! - từ trong ca bin, người chỉ huy hét lên. - Họ sẽ ném đá vào chúng ta cho đến chết đấy! Khởi động máy bay đi, quân ta đang về rồi…
Và họ bay đi.
Trên đường về, sĩ quan phản gián cho biết, dân ở đây đã nhìn thấy chiếc máy bay AN-26. Nó bay rất thấp về hướng thành phố Zabol của Iran, cách biên giới khoảng ba mươi km, chắc chắn là để hạ cánh, vì cả hai động cơ vẫn làm việc bình thường, không bốc khói hay bị cháy.
Về đến nhà, họ được biết, chiếc AN-26 bay về phía Iran là do lỗi dẫn đường, người hoa tiêu đã nhầm lẫn. Anh ta cũng là người duy nhất trong phi hành đoàn hi sinh khi máy bay bị đội đặc nhiệm Iran tấn công. Hai bên sẽ có các cuộc hội đàm để đưa máy bay và phi hành đoàn trở về.
Buổi tối, chàng thượng úy - kỹ thuật viên viết thư cho bạn. Có cảm giác như người bạn cách xa vạn dặm của anh đang sống trong một thế giới ảo thanh bình nào đó - hàng ngày vào thư viện đọc Goethe, Mannov, Borgen, Borges, nghe hòa nhạc, xem triển lãm với tâm hồn thanh thản và ca hát: “Hỡi cô gái, chỉ gặp thoáng qua mà giờ cách xa vạn dặm”. Anh bạn không thích cuộc sống quân ngũ, và cũng chẳng biết cách mặc quân phục, đi đều vung tay. Anh ta thông báo về ban nhạc mới xuất hiện với các ca khúc ồn ào về nước Mỹ, về Kazanov và đủ thứ hoa lá cành nữa. “Ở nhà mọi thứ thay đổi rất nhanh. - anh bạn viết. - Trong khi cậu, không biết đang làm gì ở đó, thì ở đây, đạo diễn Riazanov chuẩn bị quay bộ phim “Nghệ nhân và Margarita”. Trong thư viện, mình đọc Freud và Nietzsche mà chẳng nghe thấy tiếng bước chân của ai ngoài hành lang vắng ngắt!”.
Trong thư trả lời, như để chứng minh, mình cũng không lãng phí thời gian vô ích, chàng kỹ thuật viên đáp lại bằng cái nhìn của một du khách đang thám hiểm đất nước kỳ dị. Anh kể về những phong tục tập quán, về tình bạn kỳ lạ giữa những người đàn ông ở đây khi người này có thể điều khiển người kia chỉ bằng cái ngoéo tay, về những người phụ nữ gầy gò, về những đứa trẻ bạ gì ăn nấy. Anh còn viết về những loại côn trùng to tướng vì ở đây vắng bóng các loài chim. Nơi đây cũng không có tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc, mà thay vào đó là tiếng lạo xạo của cát bị gió cuốn lên, còn ban đêm, trong cơn mơ, nghe tiếng cát đập rào rào vào bức tường gỗ dán cứ tưởng là mưa đá…
Chàng kỹ thuật viên máy bay cũng viết về chiến tranh, nhưng rất tế nhị để không làm tổn thương tâm hồn yêu chuộng hòa bình của người bạn đang chúi mũi vào những tờ giấy ố vàng với những chữ cái tượng hình mà nhà tiên tri Iran cổ đại Zarathustra đã viết. Người bạn gửi cho anh những ghi chép dài đến mấy trang với nét chữ nhỏ li ti. Anh đọc thư bạn, ngẫm nghĩ, rồi sau khi đã ngộ ra, liền viết thư trả lời. Anh kể về bầu trời có mây trắng bay, về những rặng núi đỏ sẫm trên quê hương của nhà tiên tri, và về cái nóng như hỏa ngục ngự trị khắp nơi đây. “Chỉ có những cái họng của lò đúc mới có thể hít thở nổi cái nóng khủng khiếp này, - anh viết. - vậy mà bọn mình, cũng như các con mãnh thú bằng thép cũng phải hít thở bầu không khí đó. Nhưng bọn mình đã quen rồi và nó cũng chẳng làm phiền nữa, ngược lại, có lúc còn muốn nóng hơn, cứ như là trong huyết quản của bọn mình không phải là máu đang chảy mà là lửa đang cháy phần phật… Buổi sáng, bọn mình cất cánh khi trời còn trời se lạnh, rặng núi phía đông in hình trên nền trời tím, những cơn gió nóng vẫn còn chưa thổi qua khe núi nên cứ mặc cho gió lùa qua cửa máy bay như chiếc khăn tay phương Đông luồn qua chiếc nhẫn cưới. Bọn mình bay trên cánh đồng hoa anh túc dập dờn như sóng, thấp đến mức bánh xe của máy bay chạm cả vào chúng…”
Anh chàng kỹ thuật viên máy bay đã viết cho bạn mình như vậy. Nhưng cũng có thể, không phải viết cho bạn mà là cho chính mình - cho tương lai.
Vậy là tối hôm ấy, trong bức thư, anh kể về việc các kỹ thuật viên máy bay đi tìm chiếc máy bay bị mất tích, về cô gái với chiếc bi đông đựng đầy sữa cừu, và cô gái đã trao bi đông sữa cho anh, một thiên thần da trắng từ trên trời hạ xuống bằng chiếc máy bay trực thăng…
Mười năm sau. Chàng cựu kỹ thuật viên máy bay viết một truyện ngắn về mặt trời, về cái hồ nhỏ mặt nước lao xao, về con rắn đực trườn vào và bị con rắn cái nuốt chửng. Sau khi đọc xong cái truyện ngắn, người bạn hỏi:
- Có phải cậu viết về cô gái Afganistan mà cậu đã chạm trán ở gần biên giới Iran?
- Chạm trán với cô gái? - Anh chàng cựu kỹ thuật viên ngạc nhiên hỏi lại. - Lạy chúa tôi, cậu lấy chuyện ấy ở đâu ra thế?
- Ở đâu ra à? Chính cậu đã viết trong thư còn gì nữa. Nào là, cô ấy là con gái của một lái buôn vải, và trong khi cha cô ấy trò chuyện với các sĩ quan về chiếc máy bay mất tích gì đó, thì cô ấy cho cậu uống sữa cừu, đưa cậu vào cửa hàng của cha, hai người cùng hút thuốc lào, rồi vui vẻ với nhau trên tấm vải tuyn, sau đó cô ấy cắt một mảnh bảy mét tặng cậu, chính là cái mảnh vải mà hai người đã vui vẻ trên đó để làm kỷ niệm, rồi cậu, bằng mọi cách đã mang tấm vải về, treo lên của sổ nhà mình! Mình đã đọc đi đọc lại bức thư ấy rất nhiều lần, đến mức thuộc lòng, có thể trích dẫn ra từng câu. Cậu sợ cô ấy sẽ sinh ra một thằng bé tóc hung, rồi hai mẹ con sẽ bị dòng họ ném đá cho đến chết. Cậu còn viết, làn da cô ấy thoang thoảng mùi khói, giống như mùi lông mèo, và tên cô ấy là Kteis, tiếng Khazaria có nghĩa là “mèo”. Sau khi đọc xong bức thư, mình nghĩ, nếu có lúc nào đó cậu nhắc đến cô gái thì mình sẽ tin vào câu chuyện hoang đường ấy, nhưng cậu đã không nhớ, thằng đểu ạ!
- Thật khủng khiếp! - chàng cựu kỹ thuật viên máy bay bật cười nói. - Tiếc là mình không có đủ trí nhớ để làm một kẻ nói láo thực sự. Mình chỉ nhớ một điều, đó là mình đã tặng cô ấy ba gói kẹo. Còn Kteis, không phải là mèo đâu.
6/8/2013
Igor Frolov
Đào Minh Hiệp dịch
Nguồn: Tạp chí THẾ GIỚI MỚI, tháng 8/2011
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...