Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Nhìn lại con đường hiện đại hóa mà văn học Việt đi qua

Nhìn lại con đường hiện đại hóa
mà văn học Việt đi qua

Sáng ngày 22/4/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành buổi tọa đàm khoa học, giới thiệu công trình Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954.
Sách dày 827 trang do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành
Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 là công trình chuyên khảo do PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng 14 đồng nghiệp đủ mặt trẻ/ già, Nam/ Bắc, trường/ viện, cùng một lòng yêu văn học Nam Bộ là Lại Nguyên Ân, Lê Tiến Dũng, Đoàn Lê Giang, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Công Lý, Võ Văn Nhơn, Lê Ngọc Phương, Huỳnh Như Phương, Lưu Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Phương Thúy, Hồ Khánh Vân, Lê Thụy Tường Vy thực hiện, cung cấp một tư liệu đáng tin cậy về khu vực tiếp nhận văn học Nam Bộ từ buổi phôi thai giữa cuối thế kỷ XIX đến 1954. Đây là một công trình trong chuỗi nghiên cứu bảo tồn và khai thác giá trị to lớn của bộ phận di sản văn học Nam Bộ trước 1954 - bộ phận mà do hoàn cảnh chiến tranh liên tục, tình hình phức tạp của đất nước, cho đến nay vẫn còn là những “mảnh vụn”, những “lớp sương mù”, chưa được sưu tập, tìm hiểu và đánh giá một cách đầy đủ, công bằng và khách quan (trước công trình này, từ năm 2005, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt trình xuất những nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ gồm: Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945 - đề tài do PGS.TS Đoàn Lê Giang chủ nhiệm và Sưu tầm, khảo sát và đánh giá văn học Nam Bộ 1945-1954 - đề tài do PGS.TS Võ Văn Nhơn chủ nhiệm).
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân 
phát biểu tại buổi toạ đàm
Công trình Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 tập trung làm rõ diễn trình hình thành, vận động và phát triển của hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ 1865-1954; phân tích những biểu hiện kế thừa và tiếp thu; đúc kết những xu hướng, đặc điểm, thành tựu, hạn chế của hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ 1865-1954; đồng thời chọn lựa và giới thiệu sâu về một số tác giả tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ này - những người đã mở đầu và có những đóng góp to lớn vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế, Nguyễn Duy Cần,Tam Ích, Lưu Quý Kỳ, Triều Sơn, Thẩm Thệ Hà...
Chân dung những nhân vật chính của đời sống 
nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ 1865-1954
Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học cùng nhìn lại con đường hiện đại hóa mà văn học Việt đã đi qua, với những cứ liệu cụ thể lâu nay vẫn ủ mình trong sách báo; cùng nói về những nhân vật dũng cảm xuất hiện từng ngày trên nhật trình Nam Bộ một thời khốn khó dưới ách thực dân mà lâu nay bị văn học sử lãng quên; cùng đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của nhóm tác giả công trình Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954...
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh phát biểu: “Công trình là tâm huyết của một nhóm tác giả - qua việc đào xới nghiêm túc những văn liệu xác thực và đáng tin cậy - muốn khẳng định vai trò của văn học Nam Bộ trong dòng chảy văn học dân tộc trong một giai đoạn gần 100 năm giao điểm của lịch sử, với những tiếp xúc Đông - Tây vừa cưỡng bức vừa tự nguyện, phải nói là giai đoạn đầy thử thách của dân tộc.
Theo nhóm nghiên cứu, để sự kiện lên tiếng, các cột mốc văn học sẽ từ đó hình thành; bức tranh hiện đại hóa văn học sẽ được bổ khuyết; những khuôn mặt bị chìm khuất trong lịch sử sẽ sáng lên qua giá trị của ý kiến, của tầm nhìn, của tấm lòng yêu thương đất nước cũng như thái độ chính trực của người trí thức.
Những trang viết của công trình được tiến hành khá nhất quán dưới gợi ý của các hướng tiếp cận: phê bình xã hội học, phê bình văn hóa học và phê bình hậu thuộc địa nhưng vẫn duy trì phong cách cá nhân và nhãn quan của từng tác giả.
Công trình như một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhân đáng kính đã một lòng vì văn hóa Việt Nam. Phải thật sự rất yêu mến vùng đất và văn chương Nam Bộ mới có thể có hơn 800 trang viết đầy tâm huyết thế này”.
Tiến sĩ Trần Minh Hường (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 là ấn phẩm được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 40 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Bản thảo được tổ chức công phu, biên tập kỹ lưỡng và thẩm định, kiểm định nghiêm ngặt. Sách nhận được sự khen ngợi, khâm phục của giới nghiên cứu và bạn đọc trên cả nước”.
24/4/2019
Nam Thành
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 22.4.2019
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tâm tình với ý nghĩ

Tâm tình với ý nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao nhiêu chuyện ...