Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Đoàn Vị Thượng từng xúi tôi in thơ

Đoàn Vị Thượng
từng xúi tôi in thơ

Tôi quen biết các nhà báo Lê Du, Đoàn Vị Thượng từ năm 2006, khi đang là cộng tác viên mảng biên dịch của tạp chí Tài Hoa Trẻ lúc bấy giờ do nhà thơ Vũ Xuân Hương làm Trưởng ban biên tập. Thời gian này, tôi góp mặt trên Tài Hoa Trẻ bằng loạt bài giới thiệu các chân dung nhà thơ Nga và các bản dịch thơ Nga tại mục “Chân trời văn học”, chỉ thi thoảng mới đăng vài bài thơ. Chơi với nhau một thời gian, các nhà thơ Đoàn Vị Thượng và Trương Nam Hương mấy lần cứ “xúi” tôi in thơ; và giữa năm 2007 thì tập thơ đầu tay là “Cánh buồm thao thức” ra đời. Trương Nam Hương duyệt qua bản thảo, gợi ý lược bỏ vài bài và “gà” cho vài cái tựa rồi giao việc viết bài giới thiệu cho Đoàn Vị Thượng. Tập thơ thoạt tiên được lấy tựa là “Biển và em” theo tên một bài thơ trong tập, nhưng sau đó tôi đã tìm ra “Cánh buồm thao thức” để thay thế. Việc đổi tên tập thơ đầu tay này đã khiến nhà văn Hoàng Đình Quang, Giám đốc chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, mất công thêm vì phải làm lại Giấy phép xuất bản cho nó.
Đoàn Vị Thượng là nhà thơ tài hoa, được độc giả thơ yêu quý từ rất nhiều năm trước. Anh đồng thời là một biên tập viên giỏi, có thái độ làm báo rất nghiêm túc, chu đáo; dù là người ham vui, nhưng khi đang chuẩn bị cho số tạp chí hay số báo mới, bạn bè có rủ rê mấy anh cũng không chịu rời khỏi bàn biên tập. Anh cũng là người rất ít nghĩ về mình, mấy lần chúng tôi đề nghị anh tập hợp thơ để bạn bè hỗ trợ in ấn, anh đều lờ đi…
Ngày mai 26/5/21 sẽ tròn 100 ngày Đoàn Vị Thượng rời cõi tạm. Tưởng nhớ Đoàn Vị Thượng, xin đăng lại bài viết mà anh đã viết về tập thơ đầu tay của tôi.
NGUYÊN HÙNG VỚI CÁNH BUỒM THAO THỨC
Tôi được biết Nguyên Hùng làm thơ đã lâu và anh đã có thơ in báo từ những năm đầu 1980. Từ bấy đến nay, anh viết chậm rãi, không thật đều, và đến tận bây giờ mới cho xuất bản tập thơ đầu tay Cánh buồm thao thức.
Điều đó cho thấy anh là người “thao thức” với thơ nhiều lắm.
Thao thức nhưng không tỏ ta thâm trầm, kỳ bí, cao siêu.
Ngược lại, thơ Nguyên Hùng có giọng điệu hồn hậu, êm đềm với những tứ thơ trong sáng (dù có khi chuyển tải những ý tưởng táo bạo, sâu sắc) được thể hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu, dễ cảm nhận.
Bên cạnh làm thơ, Nguyên Hùng đã và đang làm nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ, lối tư duy cùng cách sử dụng ngôn ngữ minh bạch của một nhà khoa học hằng có nơi anh đã dung nhiếp vào thơ để tạo nên một giọng điệu như thế. Và đây không phải là thủ pháp mà là bản chất thơ nơi anh. Với một bản chất thơ như vậy có khi tạo nên một thi pháp, thậm chí một phong cách. Chính giọng điệu (ít nhiều đã tạo hình phong cách) này đã hóa thành một lớp “vỏ bọc” khá kín kẽ cho những cảm xúc, ý tưởng trong thơ anh, nó khiến bài thơ dễ được tiếp nhận ngay từ đầu nhưng gây bùng nổ ngầm về sau – hệt như bão tố thường nổi dậy từ những phía trời yên ắng nhất. Có lẽ nhờ vào sự “bọc đường” thường trực như vậy, nhiều bạn đọc dễ có cảm nhận thơ Nguyên Hùng thiên về suy tưởng lẽ đời, tình người nhiều hơn là biểu lộ cảm xúc trên lời thơ, và thốt lên nhận xét rằng anh coi thơ là nghệ thuật của tư duy hơn là nghệ thuật của ngôn từ(!). Thực ra đúng hơn, với anh chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tài hoa giữa tư duy và ngôn từ mới tạo nên nghệ thuật của bài thơ.
Song, dường như không quá đặt nặng vào hình thức nghệ thuật, mỗi bài thơ của Nguyên Hùng trước hết là một câu chuyện đời tự kể. Và thơ đã giúp anh giải tỏa được nhiều điều, nhất là ở lĩnh vực tình cảm mà hình như đã có một thời anh phải trải qua ít nhiều cú sốc. Có cảm tưởng chính thái độ sống của tác giả đã làm nhẹ đi mọi câu thơ anh viết; thơ anh man mác hóa những hờn tủi, ảo mộng hóa những nỗi đau, và triết lý hóa những điều bất toại... Những sóng gió đã bão hòa trong các tứ thơ êm dịu, trong một giọng điệu thơ trầm lắng. Hay có khi sóng gió đã một lần lặn kín tất thảy vào tâm tư người viết rồi nên thơ mới “khải huyền” vẻ ấy?!
Nhưng tâm hồn một nhà thơ thì có khi nào “lặng sóng” nhỉ?
Với Nguyên Hùng, có lẽ hình tượng biển đã ám ảnh anh nhiều. Trong thơ anh có nhiều bài nhắc đến biển. Biển “ám ảnh” anh như biểu tượng của những cơn thịnh nộ, lại như một vẫy gọi khám phá. Anh nhìn ra (hay đã thực thấy trong đời mình?) có những người phụ nữ “muôn trùng” như biển, nâng mình lên hay dìm mình xuống cũng là họ.
Và đối với biển cả lạ lùng như thế, tâm hồn thơ trong anh lại như một cánh buồm thao thức, luôn sẵn sàng giương lên đi vào những cuộc khám phá mới, tràn trề cảm hứng giữa hai bề bất an và hạnh phúc.
4.2007
ĐOÀN VỊ THƯỢNG

CÁNH BUỒM TÌNH ÁI
(Tản mạn trước biển)
Không gió thổi
biển làm gì có sóng
Không có em
anh đơn lẻ trên đời
Vành trăng Thu dẫu vàng rực giữa trời
Con sóng lạc nhuốm xanh xao màu nhớ.
Anh đã viết cả ngàn lần về biển
Vẫn đắm say trước mây nước nghìn trùng
Những câu thơ chứa đầy trải nghiệm
Vẫn cháy bỏng khát khao yêu đến tận cùng.
Biển ngủ rồi
ta chưa hết chòng chành
Con sóng giữa lòng ta cứ dâng trào lên mãi
Thuyền buông neo
người nằm im trên bãi
Mà cánh buồm tình ái vẫn ra khơi...
(Rút từ Cánh buồm thao thức, 2007)
ĐOÀN VỊ THƯỢNG
Ngôi trường, hoa phượng và tôi
Môi thơm lá biếc một thời ngát hương
Chưa quên ánh mắt tựu trường
Hồn thơ bụi phấn còn vương đến giờ... 
Viết văn, làm báo, bình thơ
Mát xanh lứa tuổi học trò tài hoa
Khi cau mặt, lúc cười xoà
Chuyện tình chim hót như là mình thôi.




17/2/2017
Nguyên Hùng
Nguồn: Rút từ 102 mảnh ghép văn nhân, 2017
Theo https://nguyenhungvabanbe.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...