Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Phong dao về tình yêu của Tản Đà và Trần Tuấn Khải

Phong dao về tình yêu của
Tản Đà và Trần Tuấn Khải

Khi nghiên cứu về hai tác giả Á Nam Trần Tuấn Khải (1894 - 1983)  và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) có thể nhận thấy những điểm chung: cùng trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội, đều là những trí thức Nho học tiến bộ, đều là những người con yêu quê hương đến da diết và cơ bản là đều chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn học truyền thống của dân tộc - văn học dân gian. Hai ông đã kế thừa những tinh hoa văn học dân tộc, đặc biệt là ca dao dân ca truyền thống để hình thành nên những phong cách ấn tượng của riêng mình. Và theo thống kê, Tản Đà có 52 bài phong dao, Á Nam Trần Tuấn Khải có 91 bài phong dao in trong các tuyển tập tác phẩm của hai ông.
Có thể nói phong dao Á Nam và Tản Đà tuy số lượng ít nhưng khá phong phú, bao gồm nhiều nội dung tương đồng như ca dao dân gian. Có những bài phong dao viết về tình yêu quê hương đất nước, con người:
Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương,
Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai.
Cho hay mệnh bạc có trời,
Đồng cân đã nặng bên tài thời thôi.
(Phong dao Tản Đà)
Bước chân ra khỏi cổng Hàn, 
Nước non man mác muôn ngàn dặm khơi.
Gánh tình nặng lắm ai ơi!
Tiền mang bạc giắt thuê ai đỡ cùng.
(Phong dao Tản Đà)
Anh đi anh nhớ non Côi,
Nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung
Tha hương cố quốc ngại ngùng,
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa.
(Phong dao Á Nam)
Rủ nhau thăm cảnh Kiếm Hồ,
Thăm cầu Thê Húc, thăm chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai tô điểm them non nước này?
(Phong dao Á Nam)
Có những bài phong dao đề cập đến tình yêu cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng:
Đêm thu gió đập cành cau,
Chồng ai xa vắng, ai sầu chăng ai?
Đêm thu gió hút ngoài tai,
Gió ơi! Có biết chồng ai nơi nào?
Đêm thu gió lọt song đào,
Chồng ai xa vắng gió vào chi đây? 
Đêm thu gió lạnh đôi mày,
Gió ơi có biết nỗi này cho chăng ?
(Phong dao Tản Đà)
Chồng người xe ngựa người yêu,
Chồng em khố đũi, em chiều em thương.
Phận hèn kém phấn thua hương,
Phong lưu kia cũng như nhường mặc ai.
(Phong dao Tản Đà)
Nặng nề chin chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng!
Giời ơi có thấu tình chăng?
Bước sang mười sáu ông giăng gần già.
(Phong dao Á Nam)
Mông mênh bể rộng sông dài,
Tình chàng nghĩa thiếp biết đời nào quên,
Hoa trôi bèo dạt bao miền,
Nằm chông nuốt mật bao phen hỡi trời.
(Phong dao Á Nam)
Á Nam và Tản Đà cũng viết những bài ca dao thể hiện quan niệm sống, kinh nghiệm ứng xử ở đời:
Anh ơi! Em bảo anh này:
Ở đời phải cúi lông mày mới khôn.
Người ta ăn ở sao tròn,
Sao anh vẫnở như đòn phá ngang?
(Phong dao Tản Đà)
Óc anh như mảnh gương trong,
Có lau thì sang, bỏ không thì mờ.
Nước đời như thể nước cờ,
Khéo suy thì được, mà khờ thì thua.
(Phong dao Á Nam)
Phong dao Á Nam và Tản Đà còn đề cập đến chí làm trai, chữ công danh cuộc sống, xã hội:
Gió thu thổi lạnh ao bèo,
Tiếc công bác mẹ như diều đứt dây!
Năm nay anh vẫn thế này,
Sang năm anh lại như ngày năm xưa.
(Phong dao Tản Đà)
Nước triều khi xuống khi lên
Làm trai chí ỏ cho bền mới ngoan
Còn giời còn nước còn non,
Còn giăng còn gió anh buồn làm chi.
(Phong dao Á Nam)
Nhìn chung, ở cả hai tác giả, có những bài phong dao quen thuộc đến mức có nhiều nhà nghiên cứu nhầm lẫn là ca dao dân gian, in trong các sách nghiên cứu khác nhau, như bài phong dao của Á Nam Trần Tuấn Khải:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao?
(Phong dao Á Nam)
Khảo sát phong dao của hai tác giả, có thể thấy tình yêu đôi lứa là một nội dung chiếm phần lớn: Tản Đà: 28/52 bài, Á Nam: 26/91 bài. Viết về tình yêu, phong dao Tản Đà và Á Nam chia thành nhiều nhóm nội dung khác nhau, đề cập đến nhiều khía cạnh, phương diện khác nhau của tình yêu: Tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu tổ quốc, quê hương, yêu con người; ca ngợi tình yêu đôi lứa mặn nồng, thủy chung, trong sáng; phê phán những kẻ phụ bạc trong tình yêu; than trách số phận bạc bẽo, xã hội bất công để lứa đôi không thành, ...
Cũng như ca dao dân gian, phong dao Á Nam và Tản Đà có nhiều bài đặt tình yêu lứa đôi trong tình yêu quê hương, đất nước.
Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá, bóng chiều về tây.
Chung quanh những đá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm ?
Hỏi thăm những cá cùng chim,
Chim bay xa bóng, cá chìm mất tăm!
Bây giờ vắng mặt tri âm,
Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình?
Nước non vắng khách hữu tình,
Non xanh nước biếc cho mình nhớ ai?
(Phong dao Tản Đà)
Và trong mạch nguồn ấy, bài phong dao tiếp sau đây đề cập đến tình yêu đôi lứa nhưng gắn với những lời trách than trước hoàn cảnh đất nước loạn li:
Ai làm con quốc nó kêu hè ?
Kêu đêm nghe chán lại nghe kêu ngày.
Chim hồng chắp cánh cao bay,
Nắng mưa thui thủi, thương mày quốc ơi!
Ai làm cho khói lên trời?
Cho mưa xuống đất! Cho người biệt ly!
Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Xót xa hàng lệ đầm đìa tấm thương!
(Tản Đà)
Loạn li làm nên cảnh chia cắt những mối tình, về địa lí, không gian và thời gian, và chia cắt cả tình người. Những con người đang yêu vì đâu mà phải xa cách ? Từ đồng âm cuốc, quốc được tác giả nêu lên như bày tỏ nỗi niềm thương nước thương non.
Đặt tình yêu lứa đôi trong tình yêu đất nước, Á Nam lại mượn những hình ảnh địa danh quen thuộc của quê hương đất nước, là non Côi với sông Vị Thủy (núi Gôi và sông Vị Hoàng - sông Lấp ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định):
Anh đi anh nhớ non Côi,
Nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung
Tha hương cố quốc ngại ngùng,
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa.
(Á Nam)
Có khi, Tản Đà và Á Nam ca ngợi tình yêu đôi lứa mặn nồng, thủy chung, trong sáng trong phong dao của mình.
Gió đưa thầy khóa sang sông,
Để em trông thấy, trong lòng vấn vương.
Chàng đi những nhớ cùng thương,
Gánh tình thời nặng, con đường thời xa!
(Tản Đà)
Ở một bài phong dao khác, Tản Đà nói thay lời người con gái khi yêu, ước mong thời gian đổi thay quy luật của thời gian, của tự nhiên, của cuộc sống:
Muốn cho đêm ngắn hơn ngày,
Sớm vỡ ruộng rậm, trưa cày ruộng chim.
Muốn cho ngày ngắn hơn đêm,
Đèn khuya chung bóng cho em đỡ sầu.
(Tản Đà)
Phê phán kẻ phụ bạc trong tình yêu là một trong những nội dung của phong dao Á Nam và Tản Đà. Cũng như ca dao dân gian, phong dao Tản Đà và Á Nam có những bài phản ánh một hiện thực của đời sống tình cảm con người, đó là những tiêu cực trong tình yêu: những kẻ phụ tình, những kẻ gió trăng, những người gian dối:
Bờ hồ những gió cùng trăng
Những trăng cùng gió lăng nhăng sự đời.
Ai lên nhắn trách ông trời,
Bày chi trăng gió cho người gió trăng!
(Tản Đà)
Từ phen xa chốn giang tân,
Sớm theo dặm tuyết đêm lần ngàn mưa.
Tiếc công anh chẻ nứa đan lờ,
Để cho con cá vượt bờ nó đi.
(Á Nam)
Than trách số phận bạc bẽo, xã hội bất công để lứa đôi không thành là tâm sự mà Tản Đà và Á Nam gửi gắm trong một số bài phong dao.
Con cò lặn lội bờ ao,
Phất phơ đôi giải yếm đào gió bay.
Em về giục mẹ cùng thầy,
Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong.
Con cò lặn lội bờ sông,
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha.
Em về giục mẹ cùng cha,
Chợ trưa, dưa héo, nghĩ mà buồn tênh!
(Tản Đà)
Vành giăng ai sẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dẫy, mấy hàng châu sa!
 (Á Nam)
Điểm mới trong phong dao về tình yêu đôi lứa của  Trần Tuấn Khải là phê phán xã hội nhố nhăng đương thời, trọng đồng tiền, đua đòi theo lối sống Tây hóa, đi ngược lại với đạo lí con người Việt Nam. Đó là những bài ca dao thể hiện sự nhạy cảm trước thời cuộc, những uẩn ức trong lòng, đau buồn trước những tác nhân làm ảnh hưởng đến đôi lứa yêu nhau, ảnh hưởng đến giá trị của tình yêu, ... Quan niệm về tình yêu thay đổi, việc lựa chọn người kết tóc xe tơ cũng đổi thay theo xu hướng có lợi cho bản thân, trọng phú quý giàu sang hơn thanh cao chân thành. Thậm chí vì tiền, có kẻ sẵn sang hợp đôi với những tên áp bức đồng bào, những kẻ xâm lược.
Ai xui em lấy học trò,
Thấy nghiên, thấy bút những lo mà gầy!
Người ta đi lấy ông tây,
Có tiền có bạc cho thầy mẹ tiêu!
(Tản Đà)
Đôi khi thể hiện một sự chọn lưạ, một thái độ sống tích cực vì tình yêu:
Cảm ơn anh có lòng thương,
Nhủ em ra chốn phố phường sinh nhai.
Nể anh cũng muốn nghe lời,
Tiếc vì em chửa quen mùi xa hoa.
Quần nâu áo vải xuê xoa,
Phận em em biết, người ta mặc người.
(Á Nam)
Bao giờ anh lại sang sông,
Để em sắm sửa mui hồng em theo
Người ta tham cảnh phong lưu,
Em đây tham lúc hiểm nghèo có nhau.
(Á Nam)
Người ta tham phú phụ bần, nhưng những con người trong hai bài phong dao trên thì chọn cuộc sống trọng tình nghĩa, nặng ân tình. Họ thể hiện một quan niệm sống phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nét đạo lý sống chân tình, nhân ái, thủy chung, son sắt.
Những bài phong dao của Tản Đà và Á Nam viết về tình yêu đôi lứa được thể hiện bằng nhiều biện pháp tu từ khác nhau như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa,... Cũng giống ca dao dân gian, các bài phong dao trên phong phú về hình ảnh, quen thuộc và gần gũi về ngôn từ, tạo cảm giác nhẹ nhàng, êm ái cho người tiếp nhận. Giọng điệu của phong dao Tản Đà và Á Nam cũng mượt mà, uyển chuyển, da diết, dễ đi vào lòng người như những khúc hát dân ca.
Tóm lại, phong dao viết về tình yêu của Tản Đà và Á Nam giàu sắc thái, đa dạng và nhiều phẩm chất khác nhau. Những điều mà hai tác giả phản ánh là cả một quá trình chiêm nghiệm, cả quá trình say mê cuộc sống, tình yêu, con người để rồi từ đó ca ngợi những điều tốt đẹp cũng như phê phán những tiêu cực trong tình yêu đôi lứa. Đọc những bài phong dao viết về tình yêu đôi lứa của hai tác giả, người đọc như đang chứng kiến một thời kỳ lịch sử của đất nước với những hình ảnh khác nhau về con người với tình yêu, những quan niệm khi yêu, những khát khao cháy bỏng, những đam mê hạnh phúc. Và từ đó người đọc nhận ra, người Việt ở thời kỳ lịch sử nào cũng vậy, trong văn học dân gian hay văn học viết đều nâng niu những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, của tình yêu con người. Tản Đà và Á Nam là hai tác giả đã góp phần làm cho thể phong dao tiếp tục sống trong lòng dân tộc Việt ngàn đời yêu nghệ thuật văn chương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Á Nam Trần Tuấn Khải (2001), Thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
2. Á Nam Trần Tuấn Khải (1924), Bút quan hoài I, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội
3. Á Nam Trần Tuấn Khải (1927), Bút quan hoài II, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
4. Á Nam Trần Tuấn Khải (1952),  Bài hát nhà quê, Nam Ký thư quán xuất bản, Hà Nội.
5. Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Nhà xuất bản Á Châu.
6. Xuân Diệu giới thiệu, Nguyễn Khắc Xương sưu tầm, chú thích và viết lời bạt, Ban Văn học hiện đại Việt Nam và Nguyễn Khắc Xương tuyển chọn, khảo dị và đính chính (2002); Tuyển tập Tản Đà; Nhà xuất bản Hội nhà văn.
7. Xuân Diệu, Lữ Huy Nguyên (1993), Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nhà xuất bản văn học.
8. Bùi Giáng (2001), Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nhà xuất bản Văn học.
9. Doãn Quốc Sỹ (1960), Khảo luận về Tản Đà, Nhà xuất bản Nam Sơn.
10. Hoài Thanh, Hoài Chân (1999), Thi nhân Việt Nam, (Tái bản), Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế  Phong (1997), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM
12. Lan Hinh Trần Thị Lan (2015), Kim Sinh Lụy Á Nam Trần Tuấn Khải tác phẩm, nhận định và tư liệu, Nhà xuất bản văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Khắc Xương (1990), Giai thoại Tản Đà, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
14. Nguyễn Khắc Xương (2002), Tản Đà toàn tập (5 tập), Nhà xuất bản Văn học.
15. Nhóm trí thức Việt (2012), Tản Đà thơ và đời, Nhà xuất bản Văn học.
16. Tầm Dương (2003), Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
17. Thanh Vân Trần Mộng Hải (1963), Giảng luận về Tản Đà, Văn học tùng thư Sài Gòn.
18. Trần Đình Hượu - Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930, Nhà xuất bản đại học và giáo dục chuyên nghiệp.
19. Trịnh Bá Dĩnh - Nguyễn Đức Mậu (2001), Tản Đà - Về tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục.
20. Tuấn Thành, Anh Vũ (2002), Thơ Tản Đà - Tác phẩm và dư luận, Nhà xuất bản Văn học.
21. Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội.
22. Vũ Tiến Quỳnh (1994), Phê bình - bình luận văn học Tản Đà, Nhà xuất bản Văn nghệ.
23/6/2016
Đào Thủy Hậu
Theo http://vanchuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...