Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Thơ thu Haiku Nhật Bản

Thơ thu Haiku Nhật Bản

Mùa thu trong thi ca phải nói nhiều hơn những mùa khác.
Kể từ Đông sang Tây, thi sĩ thường gởi gắm lòng “hoài cảm” của mình qua mùa thu; chúng ta không thể kể hết ở đây. Đơn cử và tượng trưng một số nhà thơ lớn đã nói về thu. Bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến (1835-1909) là một bài thơ tuyệt tác,một bức tranh sống thực, điểm những mảng màu đầy sắc thu của thủy thái họa, hòa nhập giữa không gian và thời gian; chỉ vỏn vẹn 7 chữ 8 câu (thất ngôn bát cú) mà nhà thơ đã lột tả toàn phần cảnh thu êm đềm thanh thoát và đầy thiền vị.
Ở Trung Hoa về thi, văn, họa diễn tả tột độ về thu; vô số kể,những giòng thơ về thu, xuất phát mạnh nhất đời thịnh Đường (618-907 cn)là một thời toàn thịnh về thi ca; nói về thu, có những nhà thơ lớn như Đỗ Phủ (712-770) có bài Nguyệt Dạ. Bạch Cư Dị (772-846) có bài Tỳ Bà Hành là những bài thơ tả cảnh sắc thu dưới một bầu trời mênh mông bóng nước cực kỳ gợi cảm,phản phất một nét buồn “liêu trai” siêu hình và tình tiết…
Tây phương; cũng lắm thi nhân nói về thu, đã ít nhiều xâm nhập vào tư tưởng văn học Việt Nam một thời quá độ của nền văn học hiện đại. Đại để những bài thơ thu đầy tính trữ tình, lãng mạn …nhà thơ Pháp Paul Verlaine (1844-1896) có bài Thu Ca (Chanson D’automme) và Jacques Prevert (1900-1977) có bài Lá Mùa Thu (Les Feuilles Mortes) vân vân…
Tất cả những nhà thơ lừng lẫy kể trên đã một thời điểm trang cho một mùa thu đầy mộng mơ, diễm ảo, làm say sưa hằng triệu người qua bao thế hệ nối tiếp và dàn trải qua nhiều niên kỷ, lời thơ gây vào lòng người một nỗi buồn ray rứt, xót xa hoà điệu với thiên nhiên; nhất là mùa thu. Bởi mùa thu có những tác động mãnh liệt cho thi, văn, nhạc, một cảm xúc bất chợt hay ngẫu nhiên  cũng dể dàng đi vào hồn của người nghệ sĩ từ ngàn xưa cho đến nay.
Hôm nay; chúng ta tìm hiểu thêm sự tĩnh lặng của mùa thu, một mùa mang nặng tính chất Thiền của Phật giáo chứa đựng những giòng thơ đi qua với thu. Văn học Việt Nam xưa nay rất ít bàn cải hay chuyển tải thiền vị trong thơ mùa thu hoặc nói lên cái đỉnh tuyệt vời thơ thu của Nhật Bản.
Trong lúc đó; Nhật Bản là một nước khai phóng loại thơ Haiku mang tính Thiền; gói gém trong một bài thơ ngắn gọn mà vẫn chan chứa nỗi niềm lắng đọng trong tâm hồn tĩnh lặng của thiền phái, một chất thu Đông phương đầy sương khói mà trong đó thơ văn Haiku Nhật Bản đã có một chỗ đứng trong văn học thế giới hiện nay mà người đời đã”nhâm nhi”say sưa và ra công nghiên cứu thể loại này.
Lối thơ Haiku Nhật gồm có 17 âm tiết (chữ) xếp thành 3 khúc;theo mẫu 5,7,5 (trên 5 chữ, giữa 7 chữ và cuối 5 chữ) lối thơ Waka gồm có 31 âm tiết,theo mẫu 5,7,5,7,7. Mỗi bài thơ tiềm ẩn một tâm trạng, gắn liền với cảnh vật độc đáo bên ngoài hay nói đúng ra là cảnh vật ngẫu nhiên như tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng lá vàng rơi, tiếng vỗ cánh hay tiếng cóc kêu. Đôi khi trong thơ còn được coi như một công án thiền. Haiku thơ không cần âm vận miễn sao trong bài diễn tả được hình tượng của bốn mùa. Thí dụ: Tuyết của mùa đông. Hoa đào, hoa mai của mùa xuân. Biển,gió của mùa hè.Lá vàng của mùa thu.
Hồn thơ Haiku thường diễn tả nội tâm hay một trạng thái ray rứt của thi sĩ  trước thiên nhiên muốn quán chiếu thực tại. Đọc những bài thơ Haiku thu của Nhật qua hai vị thiền thi tượng trưng và biểu tượng này như sau:
Đại thi sĩ thiền Saigyõ (1118-1190)
Dù tâm ta hết hẳn khát vọng
nhưng thân ta cũng biết
thổn thức khi thấy
con chim dẽ bay vút từ đầm lầy
và màn tối mùa thu đang buông.
(Kokoro naki
mi ni mo aware wa
ahirarikeri
shigi tatsu sawa no
aki no yugure.)
Thi sĩ thiền giả lãng du lừng lẫy Matsuo Bashô (1644-1694)
Cây chuối trong mùa thu
Gió bão-ta nghe mưa nhỏ giọt
Xuống vũng nước đêm đen.
(Basho nowaki shite
Tarai ni ame o
Kiku yo ka na)
Con đường này
Vắng người qua
Lúc hoàng hôn mùa thu.
(Ko michi ya
Yuku hito nashi ni
Aiki no kure)
Mấy bài thơ thu Haiku  trên của hai thiền thi đã nói lên một mùa thu sâu lắng  giữa con người với thiên nhiên, một tâm thức lắng đọng để đạt tới Chân Như. Saigyõ và Bashô là hai thi sĩ thiền lià bỏ chốn phồn hoa du thân làm hành giả, đốn ngộ qua các miền đất nước Phù Tang. Phải chăng mùa thu vẫn là nơi trú ẩn cho tâm hồn thoát tục của hai vị trích tiên phiêu bồng nầy?
Thu về; chúng ta ngẫm thử xem những giòng thơ thu chứa đựng những gì.
22/7/2014
Võ Công Liêm
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...