Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Thổi về văn học thiếu nhi một làn gió mới

Thổi về văn học
thiếu nhi một làn gió mới

Tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022
Nếu bạn tra bản đồ xem Thung lũng Đồng Vang ở đâu? Chắc là đến bác Google cũng chịu. Bởi nó không nằm ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này cả, mà do nhà văn tưởng tượng ra và đặt cho tên sách của mình. Vậy mà nó sinh động, thân thương, làm cho bạn đọc ngỡ đó là địa danh quá gần gũi quen thuộc lắm với tác giả.
Thung lũng Đồng Vang là một xóm núi, nơi những người Kinh và những người Tày cùng sống với nhau, có cảnh thiên nhiên thật hòa quyện của núi rừng, của dòng sông, vườn cây, và cũng là nơi những đứa trẻ như Thụy, Linh, Thảo, Dực, Trương, Loan… tinh nghịch với đủ những trò chơi ngộ nghĩnh trong thế giới trẻ thơ của mình. Nơi đó còn có những thầy cô giáo trẻ như thầy Thức, cô Vi tràn đầy nhiệt huyết, là người dẫn dắt đám học trò, gieo vào tâm hồn các em tình yêu quê hương, cuộc sống...
Những miền đất, nhân vật đó được nhà văn hư cấu, dựng lên một cách nhuần nhuyễn thông qua vốn sống, sự hiểu biết của mình để rồi thả sức cho ngọn bút tả cảnh thiên nhiên sinh động, hấp dẫn và không ít những điều bất ngờ về cỏ cây, chim muông cũng như những hoạt động văn hóa độc đáo của con người vùng đất có các dân tộc đan xen này. Ví như:
 “Ở đây hiện ra đủ cung bậc văn hóa cuộc sống vùng cao. Sinh động giàu màu sắc nhất là khu bán rau quả. Dậu hoa bí còn quận phấn vàng tươi trên tay người mới hái, rủ theo lũ ong mật vo ve chui ra chui vào. Mẹt ớt đỏ bóng loáng xếp cạnh những mớ rau dải yến mơn mởn lá xanh. Bày dọc thềm chợ là bó củ mài gầy guộc dài ngoẵng, lấm đầy đất đỏ. Bó củ rừng không bị gẫy, chứng tỏ người đi đào đã rất khổ công.
Hay: “Nhắng nhít bơi ra lội vào quanh chân người rửa ráy là đàn cá đòng đong cân cấn. Giống cá này có bộ vảy vàng nhạt, điểm những chấm lam và da cam trông khá đẹp. Ruột cá đòng đong rất đắng, khi kho khế bà phải bóp bụng bỏ ruột.”
Từ vốn sống và tài hoa của nhà văn Trung Sỹ đã làm nên một thung lũng đầy ắp văn chương, lên hương tình người... Tạo nên một làn gió mới mẻ từ Thung lũng Đồng Vang thổi vào văn học thiếu nhi vốn đang khô cằn sau một thời kỳ dài hạn hán. Chẳng vậy mà Thung lũng Đồng Vang vừa xuất bản đã tạo nên tiếng vang trên văn đàn, được bạn đọc nhỏ tuổi (và cả người lớn) rất quan tâm, và tác phẩm đã giành giải thưởng văn học thiếu nhi năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Thung lũng Đồng Vang ra đời, Trung Sỹ đã có cú rẽ ngoạn mục. Trước đó, độc giả đã quen với những truyện ký của Trung Sỹ viết về sự khốc liệt, sự nghiệt ngã tới mức phi lý của chiến tranh trong Chuyện Lính Tây Nam hay lòng chịu đựng, đức hy sinh đồng hành với những nỗi khoắc khoải, đớn đau vì cái đói, cái nghèo, cái lầm than đằng đẵng của người Thủ đô suốt thời chiến tranh phá hoại vắt qua thời bao cấp trong Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu... Từ thế giới của của chiến tranh, của sự sống và cái chết anh bước thẳng vào thế giới của trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên ở một vùng quê cũng vẫn còn trong lành, vẫn mang đậm chất thôn quê chưa bị cuốn theo cơn lốc đô thị hóa như ở đa phần vùng đồng bằng hay ven đô khác.
Với giọng văn khỏe khoắn và hóm hỉnh của tác giả, cùng với minh họa đặc sắc của họa sĩ Hồ Quốc Cường, Thung lũng Đồng Vang là mạch nguồn để các em nhỏ kết nối vào vùng đất mình đang sống, hun đúc những tâm hồn trẻ biết rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình.
Câu chuyện trong Thung lũng Đồng Vang diễn ra trong một năm, khởi đầu là mầm cây mọc báo hiệu mùa xuân, kết là vào những ngày Tết. Trong khoảng thời gian đó đủ cho tác giả chuyển tải những câu chuyện kỳ thú với những bất ngờ thú vị như chuyện xóm rèn gõ búa ra mưa, chuyện đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những buổi dã ngoại của lớp học, được viết với hình ảnh rất đặc trưng, chi tiết.
Chuyện Thung lũng Đồng Vang viết hấp dẫn và rất chân thật. Tác giả không sử dụng những hình ảnh phiêu lưu, những tình huống mạo hiểm gây kịch tính như nhiều nhà văn khác hay dùng. Trong tác phẩm toàn chuyện đời thường ở vùng đất cũng rất bình dị nhưng bằng giọng văn vừa trong trẻo, gần gũi, cùng những chi tiết hóm hỉnh, độc đáo đã cuốn hút người đọc một cách tự nhiên... Để rồi khi đọc xong, ai cũng thấy như mình vừa từ xứ sở Đồng Vang trở về... Cái chân thật trong tác phẩm không chỉ là những suy tư, hành động hồn nhiên rất đáng yêu của những em nhỏ, mà còn từ những sự việc như nó phải xẩy ra trong đời sống thường nhật. Tác giả không nhuộm hồng, không lý tưởng hóa các nhân vật, mà vẫn đưa cả những cái xô bồ của người lớn như chuyện cô hầu đồng ở miếu nhỏ, hay chuyện chích điện hủy diệt cá trên sông... Đó là cuộc sống, là hiện hữu đời thường, viết né tránh thì trang văn trở nên khiếm khuyết, thiếu trung thực, cái chính là vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, thuần khiết của một truyện dài cho thiếu nhi. Trung Sỹ rất thành công về khía cạnh này.
Nhà văn Trung Sỹ thổ lộ: Điều tâm đắc nhất khi viết Thung lũng Đồng Vang là tôi được trở lại tuổi thơ của mình sau những năm chiến trận và mưu sinh vất vả. Vật đổi sao dời, thiên nhiên và tuổi thơ trong sáng ấy tưởng chừng như đã bị mất, nhưng tôi đã tìm lại được trong nhiều lần đi công tác trên vùng cao tỉnh Lạng Sơn. Địa mạo, rừng núi, cây cỏ, côn trùng, chim cá, làng bản trong các tập báo cáo tác động môi trường không bao giờ đẹp như chúng đang tồn tại…
Dĩ nhiên, khi viết tôi không chỉ kể lại các câu chuyện của các em mà cũng gửi gắm mong ước nhiều điều của một người lính trận, muốn gieo vào tâm hồn trẻ thơ những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng trong môi trường nhà trường, gia đình và xã hội... Đồng thời, tác phẩm còn giúp người đọc thấy được những giá trị văn hóa độc đáo của người Tày và người Kinh khi cùng sống chung yên bình ở một thôn bản vùng cao. Một nơi có thời tiết thay đổi và khắc nghiệt nhưng lại đầy tình yêu thương.
Khác với nhiều tác giả, thậm chí cả những nhà văn cho rằng văn học thiếu nhi luôn là chiếu dưới, họ muốn viết những điều lớn lao để thể hiện tư tưởng, của họ. Thực ra điều đó rất ấu trĩ. Còn nhà văn Trung Sỹ lại viết văn cho thiếu nhi như “trở lại tuổi thơ của mình”. Mặc dù sau những thành công về viết về chiến tranh, về thời bao cấp, anh lại tập trung viết cho thiếu nhi vì anh quan niệm rằng, viết thiếu nhi thì nhà văn phải vươn lên cao hơn, giữ được rung động hồn nhiên, tươi trẻ để hòa mình với thế giới thuổi thơ. Phải chăng Thung lũng Đồng Vang là khởi đầu cho nhà văn viết cho thiếu nhi. Tôi cứ nghĩ mãi hình ảnh hạt đậu nẩy mầm ở trang đầu tiên, khởi đầu cho một mùa xuân, cho một đời sống mới, cũng như cây Hoàng Yến trồng trong vườn thực nghiệm của các em đang dang dở, chờ đợi... Đó là những hình tượng ẩn dụ để có cái kết mở của Thung lũng Đồng Vang, cũng là niềm hy vọng của độc giả với nhà văn.
 Hơn bao giờ hết, văn học thiếu nhi đang được xã hội rất quan tâm, Hội Nhà văn Việt Nam đặc biệt ưu ái, tạo điều kiện để nó khởi sắc, phát tiển, mong trở lại thửa hoàng kim xưa kia. Với những lý do đó, tôi tin là rồi đây, Trung Sỹ sẽ còn đi xa hơn nữa trên con đường sáng tác cho thiếu nhi...
21/2/2023
Thái Chí Thanh
Nguồn: Văn nghệ số 7/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...