Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Thử nhìn "Đội gạo lên chùa" qua góc "cổ điển mới"

Thử nhìn "Đội gạo lên chùa"
qua góc "cổ điển mới"

Thật ra đây cũng chỉ là thử nhìn (essay, tiếng Anh = tiểu luận; còn tiếng Pháp essai cũng có nghĩa tiểu luận, nhưng nghĩa chính là sự thử). Bởi vì Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã được các nhà phê bình nghiên cứu văn học viết rất nhiều, rất hay, tôi thấy mình cần tìm đọc, và chỉ thử nhìn ở góc độ khác...
Sẽ có ngay câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà làm essai. Xin thưa: căn cứ vào tuyên ngôn của chủ nghĩa cổ điển mới do nhiều người góp sức và F. Turner nêu ra năm 1995, rồi căn cứ vào ý kiến của các nhà phê bình nghiên cứu văn học về cuốn Đội gạo lên chùa, và vào chính cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (cả Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn). Đội gạo lên chùa do Nxb Phụ Nữ ấn hành đầu năm 2011, đầu năm 2012 đã được trao ngay Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cuối năm 2012 đã tái bản lần thứ tư. Còn hai cuốn kia cũng do Nxb Phụ nữ xuất bản, cũng gặt hái rất nhiều thành công: Hồ Quý Ly (2000) giành được 4 giải thưởng, tái bản 11 lần; Mẫu Thượng ngàn (2005) có 2 giải thưởng, tái bản 7 lần... Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, Đội gạo lên chùa và hai cuốn kia của Nguyễn Xuân Khánh đã được công chúng (đặc biệt là lớp đọc giả trẻ) kiểm nghiệm là tác phẩm hay... 
Vậy thử nhìn chúng ở góc độ của chủ nghĩa cổ điển mới là thử thế nào? Có thể khi viết ba cuốn tiểu thuyết ấy, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không nghĩ tới chủ nghĩa cổ điển mới, thậm chí cũng không cần biết tới chủ nghĩa cổ điển mới. Vậy thử nhìn có gượng ép lắm không? Thật ra ai cũng biết: sáng tác văn học nghệ thuật có trước, các thứ chủ nghĩa có sau, là sự tổng kết và nêu thành nguyên tắc, nguyên lý rút ra từ việc nghiên cứu các sáng tác. Rồi đến lượt chúng, các thuyết lại tạo ra những trào lưu sáng tác... Chủ nghĩa cổ điển mới cũng vậy. Vấn đề là có ai đó đúc kết và nêu ra nguyên tắc, nguyên lý và đặt tên mà thành thuyết. Ở ta, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là người có một số bài nghiên cứu và sớm thông tin về chủ nghĩa cổ điển mới với giới văn nghệ trong nước như các bài Từ chủ nghĩa hiện đại đến “chủ nghĩa cổ điển mới”, Chủ nghĩa Cổ điển Tự nhiên - một trào lưu văn nghệ tiến bộ đương phát triển ở Mỹ*... Trong bài Từ chủ nghĩa hiện đại đến “chủ nghĩa cổ điển mới”, sau khi nhắc qua về chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến lại nhắc: ... nhà thơ Pháp Paul Valéry (1871 - 1945)... nhìn thấy (hoặc muốn nhìn thấy) một xu hướng phát triển nghệ thuật khác, một viễn cảnh hoàn toàn khác mà ông đặt tên là chủ nghĩa cổ điển mới. Trong bài này, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trích ý kiến của F.T. nội dung chủ chốt của chủ nghĩa cổ điển mới là sự tôn trọng các giá trị tâm linh và nhân bản vĩnh hằng như chân, mĩ, thiện, và đề ra sự phục hoạt cho cả loài người sau năm thế kỉ thống trị của phương Tây, hình thức nghệ thuật, đó là sự vận dụng tốt những thủ pháp cách tân, kết hợp sự mới mẻ với sự giản dị và sự chín chắn, không đối lập truyền thống đích thực” với độc sáng đích thực mà xem chúng là điều kiện tiên quyết của nhau (những cụm từ và những câu đặt trong vòng kép được giáo sư trích dẫn từ F.T.**). Giáo sư cũng trích câu nói của nhà văn nổi tiếng thế giới L. Borges về thủ pháp của văn xuôi hiện đại và hậu hiện đại dần dà thì những thủ thuật này người ta cũng chán và chúng ta sẽ quay trở về với cách kể chuyện thông thường trong Đôn Kihôtê...:Quay trở về cách kể chuyện thông thường trong Đôn Kihôtê tức là quay trở về cách tự sự cổ điển, quay trở về chủ nghĩa cổ điển. Nhắc lại ý kiến của F. Turner, L. Borges... cũng là nhắc những căn cứ của sự thử nhìn. Vì tôi nhận ra tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã vận dụng tốt những thủ pháp cách tân, kết hợp sự mới mẻ với sự giản dị và sự chín chắn, không đối lập truyền thống đích thực” với độc sáng đích thực, và bút pháp là lối kể chuyện thông thường, là cách tự sự cổ điển... Cổ điển thì rõ rồi, vì ngay trên bìa bốn của những lần in đầu, có ghi:“ Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được viết theo lối cổ điển…”. Có thể khảo sát cách tự sự cổ điển ấy qua bố cục, hệ thống hình tượng, hệ thống nhân vật, diễn ngôn theo lối kể chuyện thông thường...
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết Đội gạo lên chùa
Mới nhìn qua, bố cục của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa có vẻ rất cổ điển, gợi nhớ kiểu chương hồi vì những phần, những chương đều có tiêu đề, chỉ thiếu mấy câu kiểu Hội Ðào Viên anh hùng kết nghĩa / Ðánh Huỳnh Cân hào kiệt lập công như trong Tam quốc chí... Đội gạo lên chùa chia làm 3 phần, mỗi phần lại chia thành chương, nhiều ít không đều nhau, nhưng tất cả phần, chương đều có tiêu đề. Cách bố cục như vậy cho thấy chất cổ điển trong kết cấu của Đội gạo lên chùa. Nhưng nhìn kỹ, cách bố cục cổ điển này lại có tính rất tân. Một số nhà phê bình nghiên cứu văn học đã viết về vấn đề này. Như Lã Nguyên: Tôi cho rằng, cách tân nghệ thuật quan trọng nhất mang lại thành công lớn cho Nguyễn Xuân Khánh ở ba bộ tiểu thuyết gần đây chính là kết cấu. Kết cấu là ngôn ngữ chính yếu của Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa. Rồi ông phân tích về cái khung của các sáng tác văn chương nghệ thuật, và nêu nhận xét: Tiểu thuyết hiện đại phá bỏ nguyên tắc thống nhất hành động của khung truyện kể trung đại. Nhìn vào hệ thống tiêu đề trong Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, ta thấy ngay sự thiếu vắng của một hành động truyện kể trung tâm, xuyên suốt; các phần, các chương thường là những bức chân dung, những khung cảnh, hay những mảnh truyện giống như những các bè bối trong giao hưởng, tuy không xa rời chủ đề chính của văn bản, nhưng gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo. Sự phá vỡ nguyên tắc thống nhất hành động đã giúp những thiên tiểu thuyết ưu tú của các nhà văn hiện đại mở rộng khung, tạo ra một không gian truyện kể đa tầng, nhiều cấp độ. (Về những cách tân nghệ thuật trong Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh).
Về hệ thống hình tượng, nhân vật, ta cũng thấy tác giả xây dựng hình tượng, nhân vật theo lối rất cổ điển. Đọc chương Trôi sông, và đoạn trước đó, ai chẳng kinh hoàng với hình tượng thầy giáo Hải (Việt Minh) bị Tây Bernard sai lính lấy một chiếc thuyền thúng cắm ba cái cọc, cái bêu đầu thầy Hải, cái quấn bộ đồ lòng, cái dùng quần áo trắng nhuốm máu làm bù nhìn, dong thuyền trên sông bắt dân ra xem. Hai chương kết của phần I này gây hiệu quả đặc biệt sâu sắc lên tâm trí người đọc. Người đọc không khỏi liên tưởng tới những hình tượng văn học trong các tác phẩm cổ điển như cảnh người cha đi xem hành hình người con trong Taras Bulba của N. Gô-gôn hay cảnh xử bắn Ruồi Trâu trong tiểu thuyết Ruồi Trâu của nữ văn sĩ Ê-ten Li-li-an Voi-ních..., những hình tượng ở lại mãi trong tâm trí người đọc, nếu ai đã một lần được đọc qua. Đó là dấu hiệu của những tác phẩm thành công đặc biệt về nghệ thuật... Tác giả tiểu thuyết cũng ý thức rất rõ về sự kết hợp giữa truyền thống đích thực” với độc sáng đích thực trong hình tượng độc sáng này nên đặt tên cho phần I, phần mở đầu và dài nhất của tiểu thuyết là: Trôi sông. Tuy nhiên, các nhà phê bình nghiên cứu văn học cũng nhận thấy ở hệ thống hình tượng, nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh những điều rất tân. Theo Phạm Xuân Thạch thì đó là việc phá vỡ tính lưỡng phân của hệ thống nhân vật. Ông nhận xét: Như vậy, có thể nói, tính lưỡng phân một cách gay gắt của tiểu thuyết đã bước đầu bị giải thể để thay thế bằng một cấu trúc phức tạp hơn. Cấu trúc ấy giống như một thứ “ngập ngừng mang tính tiểu thuyết”... (Nguyễn Xuân Khánh, từ cấu trúc nghệ thuật đến cấu trúc tư tưởng).
 
Về cách diễn ngôn thì như Hoài Nam nhận xét là đặc sệt cổ điển, có lớp có lang, dẫn dắt mạch lạc, diễn giải kỹ càng. Tuy không đặt nặng cách diễn ngôn, nhưng khi nói tới thế giới đàn bà, Hoài Nam đã tóm được cái thần trong nghệ thuật diễn ngôn của Đội gạo lên chùa: Ngay ở những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, người đọc đã được sống trong bầu không khí ma mị với một bà cụ Thầm nửa âm nửa dương, mê mê tỉnh tỉnh, suốt đêm chỉ ngồi đếm đom đóm từ nghĩa địa bay vào – mỗi con đom đóm là một vong linh – và lầm rầm trò chuyện với những người bạn đã chết từ thuở còn con gái. Rồi cô Rêu, người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, “lúc nào cũng ngơ ngơ như từ trên trời rơi xuống”, đã nhảy giếng tự tử trong thời cải cách ruộng đất, như thể một tuyên bố về sự không chung sống được với cõi đời đang hồi điên đảo (khi cô chết, cái giếng tỏa mùi thơm ngát. Chi tiết này khiến nhân vật cô Rêu phảng phất bóng dáng nhân vật Người Đẹp trong Trăm năm cô đơn của G. Marquez, chỉ khác là một cô thì bay lên trời, một cô thì lao xuống giếng)... (Đội gạo lên chùa – trong chùa và ngoài chùa). Đặc sệt cổ điển, nhưng cũng có gì đó phảng phất bóng dáng nhân vật trong Trăm năm cô đơn của hiện thực huyền ảo thì có phải cổ mà tân không?...
Nói tóm lại, mới nhìn qua, Đội gạo lên chùa đặc sệt cổ điển nhưng những cặp mắt tinh tường lại thấy nó chứa đựng nhiều yếu tố cách tân rất quan trọng về nội dung. Thành công ở đây được quyết định bởi sự cách tân từ nội dung chứ không phải cách tân từ hình thức, nói cách khác, cách tân từ nội dung (theo hướng chân thiện mỹ) mới là sự cách tân đích thực, có giá trị nhất...
Từ cuối thế kỷ trước tới đầu thế kỷ này, trên thế giới đã hình thành một trào lưu văn chương nghệ thuật rất mới, đang phát triển mạnh mẽ có tên là chủ nghĩa cổ điển mới (còn gọi là chủ nghĩa kinh điển mới, cổ điển tự nhiên...) với nội dung chủ chốt là sự tôn trọng các giá trị tâm linh và nhân bản vĩnh hằng như chân, thiện, mĩ..., rất gần gũi với những nguyên lý thẩm mỹ của con người bao đời nay, và của văn hóa Việt... Trào lưu nghệ thuật này chẳng đáng để chúng ta quan tâm nghiên cứu sao? Đội gạo lên chùa (cả Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn) của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có rất nhiều điều thích hợp để ta thử nhin. Chẳng riêng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhiều nhà văn ta cũng có những thành công, với mức độ khác nhau, qua nhiều tác phẩm mới nhìn qua có vẻ như đặc sệt cổ điển,  kể chuyện kiểu Đôn Kihôtê nhưng lại có nhiều cách tân, chủ yếu là về nội dung, như các nhà phê bình nghiên cứu văn học chỉ ra. Cổ mà lại tân, thi pháp đó là gì nếu không phải là chủ nghĩa cổ điển mới (hay cổ điển tự nhiên)? Và ở ta, trào lưu đó đã có hay chưa? Câu trả lời nằm ở chỗ: tìm kiếm, chứng minh và khẳng định... Nếu đúng vậy thì chẳng riêng ở Mỹ, rất nhiều tác phẩm hay của văn chương Việt Nam đương đại có giá trị cao, được thời đại và công chúng chấp nhận, cũng đang hòa nhịp cùng trào lưu văn chương mới nhất hiện nay trên thế giới là chủ nghĩa cổ điển mới... Dấu hiệu để nhận diện: về hình thức có vẻ đặc sệt cổ điển nhưng về nội dung thì lại... rất cách tân.                                               
Chú thích:
* Vanvn.net, 29-10-2012; tạp chí Nhà văn Online, 4-1-20013. Trên tạp chí Sông Hương, số 198, tháng 9-2005, cũng bài này, Gs H.N.H. theo thuật ngữ chủ nghĩa cổ điển mới. Còn chủ nghĩa cổ điển tự nhiên (Natural Classicism) là tên một tác phẩm của F. Turner gồm các tiểu luận về văn chương và khoa học (Essays on Literature and Science, Nxb Paragon House, 11-1985). F. Turner cũng có bài Sự ra đời của chủ nghĩa cổ điển tự nhiên (The Birth of Natural Classicism) đăng trên tạp chí The Wilson Quarterly, Vol. 20, No. 1.
** F. Turner: Chủ nghĩa cổ điển mới và văn hóa, Nguyễn Tiến Văn dịch từ bản tiếng Anh The New Classicism and Culture (bài nói chuyện tại cuộc họp vùng Cleveland, Hội xã Philadelphia ngày 21.9.2002), tôi đọc bản dịch này trên viettems.com. và có tìm được nguyên bản tiếng Anh. Dịch giả Nguyễn Tiến Văn là Việt kiều định cư ở Toronto-Canada, về Sài Gòn từ nhiều năm nay và ở tại quận 4, ông đã trao tặng 18.200 cuốn sách cho Viện Nghiên cứu xã hội Tp HCM.
5/9/2014
Trần Thanh Giao
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Thành Chung: “Không có Cuội trăng không còn là trăng nữa” Nhà thơ Thành Chung tên thật Nguyễn Xuân Trưởng, quê ở Thanh Hóa, vừa ...