Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

"Tiếng quê" - Niềm vọng tưởng chân thành

"Tiếng quê"
Niềm vọng tưởng chân thành

"TIẾNG QUÊ"
Tay cầm đôi đũa bếp trui
Bới tàn rơm
Kiếm củ lùi năm xưa
Tiếng gà nhảy ổ ban trưa
Rơi vào nỗi nhớ
Nhặt thưa cõi lòng
Chái hè dựng mấy tấm nong
Vành tre mây buộc
Mấy vòng thương yêu
Khói lam
Níu bóng
Cánh diều
Mẹ ra trở lúa cho chiều kịp khô.
Cha chằm dang dở nan bồ
Tiếng chim cu đất
Giục thô mấy hồi
Đòn tre
vắng
một chỗ ngồi
Lòng riêng
quặn thắt
cuộc đời xa quê.
(Phan Bá Trình)
Mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần sâu sắc, gợi được nhiều liên tưởng là ấn tượng ban đầu về bài thơ “Tiếng quê” của nhà giáo, nhà thơ Phan Bá Trình.
Bài thơ ngắn, chỉ mười hai câu lục bát, được vắt dòng tạo nên sự nhuần nhị trong việc diễn đạt nội dung và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đến với bài thơ, người đọc có thể ngạc nhiên vì giữa rất nhiều hình ảnh, chi tiết gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân quê, nhà thơ chỉ chọn một vài. Chính điều này đã gây được “dư chấn” cảm xúc trong tâm hồn bạn đọc. Những chi tiết, hình ảnh đã đưa họ về với một góc quê yên bình, nơi có “tiếng gà nhảy ổ” xôn xao buổi trưa hè, kéo về khoảng trời tuổi thơ êm đềm, về với cánh đồng làng thơm mùi rơm rạ, suốt chiều đuổi theo cánh diều vi vút, cùng đụn khói lam vờn quanh chái rạ, cả tiếng chim cu đất giục bạn sau vòm tre xanh. Nơi ấy có cha tảo tần, có mẹ lam lũ sớm hôm lo cái ăn cho đàn con thơ dại…
Một góc quê yên bình, vài công cụ nhà nông, cả những phận người hiện dần qua từng câu chữ. Phải gắn bó, yêu thương lắm và nặng lòng lắm nhà thơ mới “nhặt” được những hình ảnh chứa đầy kỷ niệm còn sót vương nơi ký ức, để tha thiết, để vọng hoài. Không hiểu sao tôi cảm giác nôn nao như bắt gặp điều gì quen lắm, gần gũi lắm khi đọc những câu thơ:
Chái hè dựng mấy tấm nong
Vành tre mây buộc
Mấy vòng thương yêu
Khói lam
Níu bóng
Cánh diều
Mẹ ra trở lúa cho chiều kịp khô.
Thật vậy, đọc bài thơ chắc hẳn ai cũng thấy mình trong ấy, nhất là những  “cuộc đời xa quê”. Bình dị, giản đơn sống nơi góc vườn, bờ ao, chân đê và gần gũi với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt, không gì khác ngoài tre. Hình ảnh tre  đã làm nên vẻ đẹp cuộc sống của người nông dân và hóa thân vào các vật dụng gắn bó hàng ngày với họ. Một đôi đũa trui bám đầy tro, cháy đen một đầu nằm cạnh bếp dùng để cời, gắp than hay gạt, bới tro tàn. Một tấm nong với “vành tre mây buộc” dùng phơi lúa suốt mùa gặt. Một chiếc bồ đựng thóc dự trữ đến kì giáp hạt. Một đòn tre mòn vẹt nằm nơi góc nhà hay cạnh ngạch cửa…Tất cả những vật dụng thô sơ ấy đã gợi thức trong mỗi chúng ta về nghề nông, về làng xóm và về người dân quê  chân lấm tay bùn.
Tôi trân trọng, biết ơn tiếng lòng của nhà giáo, nhà thơ Phan Bá Trình. Giản dị, sâu lắng lắm và cũng thiết tha, thâm thúy vô cùng. Bài thơ nhỏ, ý sâu xa gợi thức trong mỗi chúng ta về những góc quê yên bình không thể nào lùi sâu vào quên lãng.
8/10/2015
Sơn Trần
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Thơ sẽ bóc trần những mảng khuất… Tôi từng nghĩ, Thu là người đàn bà tạo ra bão, để rồi ảo tưởng, giày vò, và đổ ...