Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Tình yêu quê hương đất nước trong phong dao Tản Đà và Á Nam

Tình yêu quê hương đất nước trong
phong dao Tản Đà và Á Nam

Tình yêu quê hương đất nước là một tình cảm thiêng liêng, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, là một nội dung xuyên suốt văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học viết. Phong dao Á Nam và Tản Đà cũng kế thừa những truyền thống đó, góp vào kho tàng văn học nước nhà những tác phẩm đậm tình nặng nghĩa nước non.
Trong văn học dân gian, ở bất cứ thể loại nào cũng đều có những tác phẩm viết về tình yêu quê hương đất nước với những biểu hiện khác nhau. Đặc biệt trong ca dao, tình yêu quê hương đất nước thể hiện ở những phương diện khác nhau: tình yêu thiên nhiên đất nước, yêu con người, yêu những nét đẹp văn hóa truyền thống ; khinh ghét và căm thù những thế lực bạo tàn làm hại đến dân tộc, đồng bào. Mỗi người Việt Nam không thể quên những câu ca dao :
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò.
Hay tình yêu quê hương đất nước còn gắn với những điều bình dị nhất – một cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay  :
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
(Ca dao)
Trong văn học viết trung đại, Nam quốc sơn hàcủa Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáocủa Nguyễn Trãi hay chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, Sông Lấpcủa Tú Xương là những tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha, sâu đậm. Từ những tác phẩm đó, người đọc còn thấy được những biểu hiện khác của lòng yêu nước như tâm trạng đau xót khi đất nước bị xâm lược ; tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức trách nhiệm đối với đất nước, với non sông …
Đến với văn học hiện đại, trước và sau năm 1945, ở bất cứ thời điểm nào đều có những tác phẩm thể hiện lòng yêu quê hương đất nước. Trong hoàn cảnh nô lệ, chịu sự áp bức đến tận cùng, mỗi nhà văn nhà thơ đều dùng ngòi bút để thể hiện lòng căm phẫn đối với quân xâm lược. Và đến khi đất nước độc lập, tự do, họ vui sướng viết nên những tác phẩm về niềm tự hào dân tộc, về những đổi thay của non sông đất nước trong thời bình. Nguyễn Ái Quốc, Tố Hữu, Chế Lan Viên hay Thạch Lam, Tô Hoài, Kim Lân, … là những tác giả tiêu biểu cho tinh thần ấy.
Ở buổi giao thời, Tản Đà và Á Nam cũng như những tác giả khác đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước trong thơ văn. Với thể loại phong dao của hai tác giả, đây là một nội dung vô cùng quan trọng. Nhìn ra xã hội, con người lúc này chỉ thấy những cảnh áp bức, những cảnh sống bần cùng, những giá trị văn hóa bị mai một, những đổi thay của lòng người, hai tác giả dùng thể phong dao để dễ dàng bày tỏ tâm sự yêu nước.
Tản Đà có nhiều bài phong dao viết về tình yêu quê hương đất nước. Mỗi bài mang một biểu hiện riêng của tình yêu đất nước. Có bài là nỗi niềm trăn trở, nhớ thương về Hà Thành yêu dấu, thương những con người chịu cảnh sống tha hương, ở nơi chân trời góc bể :
“Con sông chạy buột về Hà,
Nhớ ai Hà Nội trông mà ngùi thương.  
Nhớ người cố quận tha hương,
Nhớ ai thời nhớ, nhưng đường thời xa.”
    Nỗi nhớ đó được bộc lộ rõ hơn qua điệp từ nhớ, qua hình ảnh dòng sông quê hương, qua hình ảnh con đường gợi không gian cách trở. Trong thơ văn xưa nay, nỗi nhớ thương về quê hương đất nước thường được tác giả gắn liền với hình ảnh dòng sông. Dòng sông là kỉ niệm tuổi thơ được tắm mát, dòng sông là nơi con đò tiễn đưa người thân yêu, là bến đợi của những người yêu nhau mà phải chịu cảnh chia lìa. Con sông còn là nơi chứng kiến sự chảy trôi của lịch sử, của thời đại, là chứng nhân ghi lại biết bao sự kiện quan trọng của đất nước. Trong bài phong dao trên, con sông như có tâm hồn tình cảm, như con người, như một phương tiện chở theo nỗi nhớ về với đất Hà Nội yêu thương. Nỗi nhớ ấy còn gửi tới những người cố quận tha hương, là ai, là những người đáng yêu đáng quý. Tuy vậy, đại từ phiếm chỉ ai lại gợi những nghĩ suy về đối tượng: là những con người đang ở xa Hà Nội, là những con người đang xa quê hương, hay là những người trong hoàn cảnh nô lệ nên tha hương trên chính quê hương mình.
    Tình yêu quê hương đất nước có lúc được Tản Đà bộc lộ bằng niềm tự hào về một danh lam thắng cảnh, về những nét bình dị nhất của quê hương:
“Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.
Người đi, ta ở lại nhà
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm!”
    Hội chùa Hương Tích nổi tiếng của nước ta với cảnh non nước thần tiên hằng năm thu hút biết bao tao nhân mặc khách, những người yêu thiên nhiên, say mê cái đẹp. Tản Đà năm nào cũng đến, và cũng như bao người, ông rất mê món rau sắng (món rau ngót rừng) dân dã mà mát lành. Thế mà trong Hội Hương xuân Nhâm Tuất (1923), vì cái nghèo đói trói buộc, Tản Đà đã không thể đến để thỏa niềm yêu thích. Ông đành viết bài phong dao trên để nhắn nhủ đến Hội Hương xuân, đến con người và cảnh vật những tình cảm chân thành nhất. Bài phong dao sau đó được in trong tập 1 Truyện thế gian , và thi sĩ Tản Đà đã nhận được bó rau sắng chùa Hương của nữ sĩ Đỗ Tang nữ (tức Song Khê, em ruột nữ sĩ Tương Phố) cùng bài thơ đáp tạ:
Kính dâng rau sắng chàu Hương
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thời gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Thế mới thấy, trong hoàn cảnh đất nước bị chìm trong bóng đen nô lệ, những con người yêu nước thiết tha đã có những cách thể hiện khác nhau về tinh thần ấy, như là Tản Đà đã gửi tình yêu với một món ăn dân dã, hay nữ sĩ Song Khê đã đồng cảm, chia sẻ cùng Tản Đà những khó khăn, những nỗi niềm day dứt.
    Trân trọng các danh nhân văn hóa cũng là một cách thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước. Nguyễn Khắc Hiếu đã chọn nữ sĩ Hồ Xuân Hương để gửi gắm niềm tâm sự của mình:
“Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương,
Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai.
Cho hay mệnh bạc có trời,
Đồng cân đã nặng bên tài thời thôi.”
    Nhớ thương về nữ sĩ họ Hồ, Tản Đà trân trọng hồn thơ nữ sĩ, đồng cảm với thân phận tình duyên trắc trở của người phụ nữ tài hoa. Có lẽ đó cũng là chút niềm tâm sự về chính mình của nhà thơ, như ngày trước Nguyễn Du đã từng tâm sự trước mộ nàng Tiểu Thanh bất hạnh, hay Thúy Kiều từng khóc thương trước mộ Đạm Tiên và nghĩ đến phận mình sau này.
    Tình yêu quê hương đất nước của Tản Đà trong phong dao có lúc được cân đong, có hình khối, có sức nặng và tất nhiên lồng trong cảm xúc buồn man mác trước thời cuộc:
“Bước chân ra khỏi cổng Hàn,  
Nước non man mác muôn ngàn dặm khơi.
Gánh tình nặng lắm ai ơi!
Tiền mang bạc giắt thuê ai đỡ cùng.”
    Tình yêu quê hương đất nước còn được Tản Đà gửi gắm trong những bài phong dao về tình yêu đôi lứa :
Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá, bóng chiều về tây.
Chung quanh những đá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm ?
Hỏi thăm những cá cùng chim,
Chim bay xa bóng, cá chìm mất tăm!
Bây giờ vắng mặt tri âm,
Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình?
Nước non vắng khách hữu tình,
Non xanh nước biếc cho mình nhớ ai?
    Hình ảnh nước non, non nước xuất hiện nhiều trong thơ Tản Đà nói chung cũng là một yếu tố để khẳng định tình yêu đất nước luôn thường trực trong ông. Trong bài thơ nổi tiếng Thề non nước, hình ảnh non nước dường như là một biểu tượng cho thơ Tản Đà, để khi nhắc đến ông, người ta nhớ đến tình cảm thiêng liêng, nồng nàn và cao cả đó.
    Cũng như Tản Đà, Á Nam có khá nhiều bài phong dao viết về tình yêu quê hương đất nước. Điểm chung của hai tác giả là viết về tình yêu đất nước gắn với những danh thắng nổi tiếng của dân tộc, hay lồng trong tình yêu đôi lứa, hoặc gắn với những nét bình dị của làng quê, của cuộc sống con người. Ở đây, Á Nam Trần Tuấn Khải nhớ về những địa danh cụ thể như sông Vị Thủy, cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, núi Bút, non Nghiên, …
“ Anh đi anh nhớ non Côi,
Nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung
Tha hương cố quốc ngại ngùng,
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa.”
“ Rủ nhau thăm cảnh Kiếm Hồ,
Thăm cầu Thê Húc, thăm chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai tô điểm thêm non nước này”
“Ai lên dựng đá non Hùng,
Để anh thuê thợ tạc dòng bia xanh.
Bắc, Nam một mối chung tình,
Nhớ công tôn tổ sinh thành chăng ai”
“Rủ nhau lên núi Kỳ Lừa,
Lên thành nhà Mạc, lên chùa Tam Thanh:
Hang sâu, đá vẫn còn xanh,
Hỏi nàng Tô: đã chung tình với ai?”
    Tình yêu đôi lứa cũng thấp thoáng trong tình yêu non nước nên mới có câu : « Nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung » hay « Hỏi nàng Tô: đã chung tình với ai?”. Ca dao xưa cũng từng ca ngợi những địa danh như Kỳ Lừa, và mối tình của nàng Tô Thị:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Tản Đà nhớ chùa Hương với món rau sắng bình dị thì Á Nam nhớ về làng quê yên bình với món rau muống, cà dầm tương, …
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao?
    Và tình yêu với những nét giản đơn ấy của quê hương cũng hòa trong tình yêu đôi lứa, trong nỗi nhớ người thương, người tát nước bên đường hôm nao.
Như vậy, Á Nam bày tỏ tình yêu quê hương đất nước trong phong dao của mình chủ yếu gắn liền với những địa danh lịch sử, những chiến tích, những con người làm nên lịch sử dân tộc và cả những truyền thống đạo lí nhớ về cội nguồn. Ông nghiêng về ý nghĩa răn đời, hướng con người nhớ về nề nếp, gia phong, về tổ tiên nòi giống.
“ Đường đi Kiếp Bạc bao xa?
Một con sông rộng, mấy tòa non cao,
Đêm đêm gươm thét sóng gào,
Nhớ ai đánh đuổi quân Tầu khi xưa.”
Ca dao xưa có câu :
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Hay :
Đường lên Mường Lễ bao xa ?
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh.
Hay :
Đường về Kiếp Bạc bao xa ?
Đường về Kiếp Bạc có cây đa bồ đề.
Đó là những câu ca dao thể hiện tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp của non sông đất nước. Á Nam một lần nữa thêm vào chuỗi tình yêu ấy bằng bài phong dao mang đậm cảm xúc của riêng mình. Và ông không quên nhắc nhở người đời Nhớ ai đánh đuổi quân Tầu khi xưa. Á Nam đã ngầm ca ngợi lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, và đúng trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, điều đó có ý nghĩa to lớn trong việc khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc, ý chí và tinh thần đấu tranh vì dân tộc, vì quê hương giống nòi.
    Cũng trong mạch nguồn ấy, nếu ca dao dùng hình ảnh chim khôn để răn người đời về cách ăn nói, cách ứng xử (Chim khôn hót tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe) thì phong dao Á Nam khuyên rằng :
“Đất kia hun đúc nên hình,
Lò trần hun đúc cho anh nên người.
Chim khôn bay liệng ngang giời,
Người khôn không sót nước đời mới khôn.”
    Ông quan niệm, người khôn là người gắn với nước với đời (không sót nước đời) cũng như loài chim khôn vì bầu trời bao la luôn dang rộng đôi cánh. Đất nước đang đau thương vì nạn xâm lược, người khôn là người biết sống vì cuộc đời, vì đất nước, vì con người. Tư tưởng của Á Nam đã nâng đến tầm cao mới, tiếp nối tư tưởng của những người đi trước như anh hùng Nguyễn Trãi:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
    Tuy là không gần nhau về đối tượng cần định nghĩa, nhưng hai ông gần nhau về cách định nghĩa và nội dung muốn hướng tới: Đó là trong thời loạn lạc, trong cảnh chia lìa vì quân giặc hung ác, bạo tàn, tất cả tư tưởng, tình cảm, trí tuệ đều phải hướng về đất nước, thời cuộc, con người.
    Tóm lại, trong thời cuộc của hai tác giả Tản Đà và Á Nam ở những năm đầu thế kỷ XX, dùng thể phong dao để bày tỏ tâm tư tình cảm, đặc biệt để nói lên tình yêu quê hương đất nước là phù hợp và mang lại hiệu quả tiếp nhận cao. Phong dao với thể lục bát thông thường đã dễ đọc, dễ thuộc, cộng với mức độ tha thiết của tình cảm, sâu lắng của giọng điệu lại càng thấm vào lòng người, chạm đến trái tim. Nên có những bài phong dao của Tản Đà và Á Nam mới dễ dàng lưu truyền, được “ca dao hóa” như bài phong dao về tình cảm người con xa quê luôn hướng về những gì chân chất, bình dị nhất của Á Nam:
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao?
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Á Nam Trần Tuấn Khải (2001), Thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
2. Á Nam Trần Tuấn Khải (1924), Bút quan hoàiI, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội
3. Á Nam Trần Tuấn Khải (1927), Bút quan hoàiII, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
4. Á Nam Trần Tuấn Khải (1952),  Bài hát nhà quê, Nam Ký thư quán xuất bản, Hà Nội.
5. Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Nhà xuất bản Á Châu.
6. Xuân Diệu giới thiệu, Nguyễn Khắc Xương sưu tầm, chú thích và viết lời bạt, Ban Văn học hiện đại Việt Nam và Nguyễn Khắc Xương tuyển chọn, khảo dị và đính chính (2002); Tuyển tập Tản Đà; Nhà xuất bản Hội nhà văn.
7. Xuân Diệu, Lữ Huy Nguyên (1993), Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nhà xuất bản văn học.
8. Bùi Giáng (2001), Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nhà xuất bản Văn học.
9. Doãn Quốc Sỹ (1960), Khảo luận về Tản Đà, Nhà xuất bản Nam Sơn.
10. Hoài Thanh, Hoài Chân (1999), Thi nhân Việt Nam, (Tái bản), Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế  Phong (1997), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM
12. Lan Hinh Trần Thị Lan (2015), Kim Sinh Lụy Á Nam Trần Tuấn Khải tác phẩm, nhận định và tư liệu, Nhà xuất bản văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Khắc Xương (1990), Giai thoại Tản Đà, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
14. Nguyễn Khắc Xương (2002), Tản Đà toàn tập (5 tập), Nhà xuất bản Văn học.
15. Nhóm trí thức Việt (2012), Tản Đà thơ và đời, Nhà xuất bản Văn học.
16. Tầm Dương (2003), Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
17. Thanh Vân Trần Mộng Hải (1963), Giảng luận về Tản Đà, Văn học tùng thư Sài Gòn.
18. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, Nhà xuất bản đại học và giáo dục chuyên nghiệp.
19. Trịnh Bá Dĩnh – Nguyễn Đức Mậu (2001), Tản Đà – Về tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục.
20. Tuấn Thành, Anh Vũ (2002), Thơ Tản Đà – Tác phẩm và dư luận, Nhà xuất bản Văn học.
21. Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội.
22. Vũ Tiến Quỳnh (1994), Phê bình - bình luận văn học Tản Đà, Nhà xuất bản Văn nghệ.
21/7/2016
Đào Thủy Hậu
Theo http://vanchuong.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...