Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Tùy bút Nguyễn Lương Tuấn

Tùy bút Nguyễn Lương Tuấn

Trung Thu, Mùa Trăng Sáng Quá
Nói đến Trung thu là nói đến Trăng, đến tuổi thơ, với những chiếc lồng đèn, những chiếc bánh, những câu chuyện về chú Cuội, những ước mơ của trẻ con muốn gởi lên chị Hằng.
Bây giờ là mùa trăng, ngày hội Trung thu.
Dòng đời thay đổi, mùa trung thu cũng đổi thay.
Những chiếc lồng đèn giấy được thắp sáng bằng những cây đèn sáp, giờ được thay thế bằng những chiếc lồng đèn điện tử phần nhiều là của Trung Quốc, bằng nhựa đủ màu sắc, đủ hình dạng.
Đêm trăng rước đèn đón chị Hằng với những con đường, những bụi tre, khóm trúc, cây đa đầu ngõ, bây giờ còn đâu. Có chăng là những tòa nhà cao tầng, những chung cư hạng sang, những bức tường, những khối ciment khổng lồ, những trụ đèn điện sáng ngời, những dãy đèn điện tử lấp lánh xanh vàng, đỏ, tím…
Và múa lân với tiếng trống bập bùng dưới ánh trăng. Đoàn múa lân kết thành hàng dài, dẫn đầu là ô. Lân, ô. Địa và các em cầm đuốc kéo thành hàng vừa đi vừa đánh trống,”cắt tụng tùng tùng xèng…”, và người múa lân cứ theo nhịp điệu đó để múa. Khi có nhà treo quà, thường là tiền, đoàn múa lân sẽ vào theo nghi thức chào, nhận quà, chào tạm biệt với nhịp điệu múa lân.
Sự kiện múa lân là tập tục văn hóa lâu đời, do ảnh hưởng Trung Quốc, làm tăng sự nhộn nhịp, niềm vui cho các em. Tại Việt Nam, khi Nhà nước CS vào tiếp quản, múa lân không còn được tự do từng đoàn tung tăng dưới trăng. Múa lân thực hiện theo dịch vụ đặt hàng, khi những nhà, cơ quan, đơn vị nào có đặt trước, Đoàn múa Lân lúc đó sẽ được đưa lên xe, đưa họ đến và họ sẽ múa Lân để nhận tiền thưởng.
Một niềm vui khác, đêm trung thu, các em chờ giờ phá cổ, đó là cắt bánh trung thu.
Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo trung thu hình con cá, con chim, ăn vào nghe sực nức hương vị hoa bưởi, ngày nay được các nhà kinh doanh, khai thác công nghệ trong vấn đề sản xuất, mục đích làm cho bánh đẹp hơn, hấp dẫn hơn, chất lượng hơn, đưa vào pha chế các loại cao lương mỹ vị như vi cá, bò ngư, yến, sào,… để nâng giá chiếc bánh lên cao ngất trời làm cho bánh trung thu trở thành mọt sản phẩm độc quyền cho các đại gia, các gia đình giàu có. Và các em nhi đồng nghèo, những người dân có mức thu nhập thấp, nhìn những chiếc bánh trung thu như một trong những điều ước, khát vọng khó với tới.
Một hộp bánh trung thu, loại bình thường, 4 cái giá 150.000đ Việt Nam
Một cái bánh trung thu trà xanh, giá 100.000 đồng Việt Nam.
Như vậy, muốn có lồng đền giấy để rước đèn đêm trăng, muốn có bánh trung thu để ăn, chúng ta phải chủ động tự làm lấy cho các em. Một mặt giữ được ý nghĩa ngày trung thu, tránh sự can thiệp của khoa học công nghệ, mặt khác tiết kiệm được vấn đề chi tiêu và tránh sự độc hại do dùng chất hóa học trong pha chế, bảo quản bánh.
Một lần, cách đây vài năm, tôi được nghe một người công nhân quét rác kể lại, trong một lần lấy rác tại khu nhà mấy quan chức, anh công nhân đã nhặt được mấy hộp bánh trung thu còn nguyên. Thì ra quà trung thu nhiều quá, dùng không hết hay bị chê sao đó, họ cho vào thùng rác.
Xa rồi một mùa Trung thu, xa rồi một mùa trăng cùng những bài hát, lời ca, giao thoa cùng thiên nhiên, vạn vật.
Tuổi thơ của tôi với những chiếc lồng đèn giấy xinh xinh tự mình làm ra, để chiều 13 mang theo khi đi học, cô giáo chấm điểm, sau đó được phát quà bánh. Nào bánh dẻo, bánh nướng hình con cá, con chim,... Cô giáo dẫn lớp ra sân trường, tập trung, nghe thầy hiệu trưởng chúc tết Trung thu.
Nhớ làm sao thời gian ngồi cặm cụi vót tre, cột chỉ làm chiếc lồng đèn ngôi sao 5 cánh, mỗi cánh một màu! Thích nhất là lúc đèn làm xong, thắp cây đèn sáp, đến khoe với cha, được ông khen đẹp với nụ cười tươi.
Chưa đến ngày hội, nhưng tiếng nhạc từ chiếc radio đã phát nhạc trung thu. Bài hát của nhạc sĩ Lê Thương, không bao giờ quên được:
“Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn cầm tay, em múa ca dưới ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bướm bướm. Em rước đèn dạo khắp phố phường. Tùng cắt tung với tàng cắc chiêng,…”
Giai điệu vui tươi, nhí nhánh, hồn nhiên làm ta hình dung ra được cả đoàn thiếu nhi đang cầm đèn ca múa dưới ánh trăng rằm, với đầu Lân, ông Địa, đi dạo khắp phố phường. Nghe bài hát, lòng ta rộn ràng, không sao không nghĩ đến những chiếc lồng đèn và vũ khúc dưới trăng.
Tôi đã nghe bài hát này nhiều lần, từ thuở học tiểu học, ngày tuổi 12. Tôi nhớ bài hát, nhớ luôn cả ban hợp ca, từng giọng hợp xướng. mặc dù không biết tên từng em, nhưng là Ban Việt nhi đài phát thanh Sài Gòn.
Ngày nay, bài hát này đã được xử dụng trở lại trong ngày hội trung thu. Nghe lại bài hát, tôi vẫn thấy bị cuốn hút bởi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ.
Một bài hát khác, lôi cuốn chúng ta vào cõi mơ, “Thằng Cuội”, vẫn tác giả Lê Thương, trong đó có thằng Cuội, ngồi gốc cây đa, trên cao, nhìn xuống trần gian, nhớ vợ.
“Bóng trăng, trắng ngà,
Có cây đa to, có thằng cuội già,
Ôm một mối mơ.
Lặng yên ta nói Cuội nghe,
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang”.
Ánh trăng vằng vặc đêm trăng rằm sáng ngà, nhìn lên trên cao, thấy Cuội, ngồi dưới gốc cây, các em tự hỏi làm sao để lên gặp Cuội? Dễ ợt, mượn cái thang, leo lên là tới nơi, gặp được Cuội. Ôi! Không có gì dễ thương, ngô nghê, và trong sáng bằng tuổi thơ. Tác giả dùng hình ảnh cái thang để nói lên ước mơ muốn vươn tới cung trăng, thật không gì cụ thể hơn, không gì mãnh liệt hơn. Thi vị hóa mặt trăng, xem mặt trăng là một vùng đất lãng mạn, nên thơ, có sự sống. Tác giả đã nói lên ước mơ của tuổi thơ với sự hồn nhiên, muôn vươn tới các tinh cầu khác ngoài trái đất.
Nhưng tại sao Cuội lại lên cung trăng, để rồi nhìn xuống hoài vọng tới người vợ ở trần gian?
Truyện cổ tích với bài học “Chú Cuội”, trong chương trình Việt văn, các em đều có học.
Cuội làm nghề thợ săn, kiếm cũi, bửa nọ vào rừng, Cuội bắt gặp chú cọp con, chưa biết chạy nhảy đang nằm chờ mẹ săn mồi. Cuội nhìn ngắm không chán đang loay hoay với dự định bắt cọp nhưng vừa đúng lúc cọp mẹ trở về, Cuội sợ hãi, bẽ chân cọp. Rồi leo lên cây, quan sát. Cọp mẹ thấy con bị thương ở chân, gầm rú hung tợn, cọp đến một bụi cây, há miệng ngoạm một nắm lá, nhai, dùng nó đắp vào vết thương cho cọp con. Một chốc sau, chân cọp lành, đi lại được. Cuội lấy làm kỳ lạ, chờ lúc cọp mang con bỏ đi, Cuội đến chặt một cành cây mang về nhà trồng. Cây lớn, phát triển thành cây cao, tỏa bóng râm mát.
Từ đó, hễ ai bị đau đầu, cảm cúm, thương tật, Cuội biết được đều dùng lá chữa bệnh đều hiệu quả, lành bệnh. Tiếng đồn lan xa, một hôm có lệnh quan Chánh tổng cho mời Cuội đến chữa bệnh cho con gái của ông ta. Cô gái bị bệnh đã lâu ngày, không ai chữa khỏi, ngài chánh tổng rất tuyệt vọng, nghe tin đồn ngài mừng lắm, hy vọng cơ may đến cho con gái.
Cuội cứ thế sắc lá cây thần dược cho uống để chữa bệnh. Cô gái lành bệnh. Quan Chánh tổng mừng lắm, gã con gái mình cho Cuội luôn.
Có được vợ đẹp, con quan, nhưng Cuội vẫn chí thú làm nghề săn bắn, và làm việc nghĩa, dùng lá cây thần dược chữa bệnh cho người nghèo. Cuội biết được, đây là cây thần dược, rất kỵ ô uế, nên mỗi lần đi đâu, Cuội đều dặn vợ: Có đái thì đái bên tây, chớ đái bên đông mà cây dông lên trời.
Thấy chồng yêu quý cây thần dược còn hơn mình, vợ Cuội sinh lòng ghen ghét. Một hôm thừa lúc chồng đi vắng, vợ Cuội đi tiểu tiện, nàng nghĩ, đã dặn bà thì bà cứ làm cho biết, nàng đến gốc cây và tè ngay trên gốc. Cây bỗng nhiên cây bị trốc gốc, nhẹ nhàng từ từ bay lên Trời. Vừa lúc Cuội về đến nơi, thấy cây đang bay bỗng lên cao, tiếc quá Cuội nhảy lên dùng hai tay, níu lấy rễ cây xuống, nhưng vô vọng. Cuối cùng cả cây và Cuội đều bay lên Trời.
Hình ảnh mặt trăng, có bóng Cuội ngồi dưới gốc cây, đang nhìn xuống tìm vợ. Phải chăng là tiếc nuối một thuở hạnh phúc với người vợ thân yêu?
Tuy nhiên, trong ngôn ngữ bình dân, hình tượng chú Cuội lại là một người hay nói dối: “nói dối như Cuội”, điều này không biết có phải phản ảnh đúng hình tượng của Cuội? mặt khác câu ca dao sau đây nói về Cuội như một người ham chơi, lêu lỏng:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên đồi
Mẹ còn cởi ngựa đi mời quan viên.
Cho dù thế nào, hình tượng của Cuội phản ảnh nhiều mặt của một cậu bé, ham chơi, ưa nói dối, nhưng vẫn là một người tốt.
Thằng Cuội là hình tượng của trẻ thơ, của nụ cười hồn nhiên, trong sáng. Mãi mãi là kỷ niệm một thời.
Nếu trẻ thơ yêu Cuội trong đêm trăng thì Trăng là hình tượng của người lớn, của những tình nhân, những người cô đơn, muốn cùng trăng chia xẽ tâm sự, nỗi lòng của mình: “Trăng ơi! Trăng thấu nỗi lòng.” Như lời một bài hát.
Trong Kim Vân Kiều, tâm trạng cô đơn được lột tả khi mượn vầng trăng để thể hiện:
Vầng trăng ai xẽ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường.
Hàn Mặc Tử trong cơn đau cuồng nộ, không còn phân biệt được đâu là trăng, đâu là mình. Chủ thể - tác giả, Tha thể - Trăng hòa hợp trong một hợp thể, trong một biển sáng xao động, như bài “Chơi giữa mùa Trăng”:
“Trăng là ánh sáng? Nhất là Trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm tho, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả. Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động, Nghĩa là trăng rằm trung thu: Một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… phải không hởi chàng Ngưu và ả Chức?...
… Bây giờ chúng tôi đang ở giữa mùa trăng, mở mắt cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương Phật nữa. Cả không gian đều chợp chờn những màu sắc phiêu diêu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lọi… ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, và tưởng chừng như cả thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nỗi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác…
Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là đức tinh tuyền chi thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy và mang ơn bào chữa. Nhưng Trời ơi, sao đêm nay chị tôi dẹp đẽ thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận quần áo bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá…Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!”.
… Không, không, chị ơi! Em ơi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi…”
Trong âm nhạc, trăng là hình tượng, là chủ đề của biết bao nhiêu nhạc sĩ.
Trịnh Công Sơn, ngợi ca người con gái mang tên Nguyệt, mô tả vẻ đẹp thanh thoát của nàng, Trịnh dùng hình tượng mặt trăng để nói sự chuyển di từ một thực thể (tinh cầu) được thi vị hóa bằng những khái niệm có tính biểu tượng (chị Hằng) sang một con người cụ thể (Nguyệt) và đánh dầu sự kiện đó như là một thời khắc, làm nên biến cố: “Từ khi trăng là Nguyệt, đèn thắp sáng trong tôi. Từ khi trăng là nguyệt, em mang tim bối rối. Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui. Từ khi em là Nguyệt trong tôi có những mặt trời".
Em là Nguyệt hay trăng là Nguyệt, đó là một sự hòa nhập, không có ranh giới giữa danh và thực. Mặt trời không bao giờ có thực, nhưng mặt trời tràn ngập trong tôi kể từ khi em bước nhẹ vào đời. Chúng ta lưu ý tư tưởng thiền bàng bạc trong Nguyệt ca.
Với Nhạc sĩ Phạm Duy, trăng là Ông, là nam tính, là niềm vui, là hạnh phúc, đem đến sự an lạc cho mọi người. Trăng đến đâu đều được đáp ứng, tặng quà theo kiểu «cây nhà lá vườn»: «Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo. Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút. Ông Trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa. Ông trăng xuống chơi đền thánh thì cụ chánh cho mõ...Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính...».
Trăng là một tinh cầu, là một thực thể, có thực nhưng trăng đã được tác giả gọi là ông, là sự vui tính đem lại niềm vui, sự viên mãn cho mọi người. Với ngôn ngữ âm nhạc của Phạm Duy, trăng là một hình hài, xuống chơi với trần thế và đến đâu đều được tặng quà. Giai điệu của bài hát ngắt quảng. Hình ảnh được cụ thể hóa bằng hình tượng, sống động theo ngôn ngữ trẻ con: cây cau, cái mo, ông Bụt, ngôi chùa, nhà vua, lính,...
Nhắc đến những bài hát về trăng, không thể bỏ quên hai bài hát nỗi tiếng: «Thuyền trăng» của Nhật Bằng và «Khúc nhạc dưới trăng» của Dương Thiệu Tước:
Bài hát «Thuyền trăng», lời của Thanh Nam, nhạc của Nhật Bằng như đưa chúng ta vào cõi thoát tục, xa rời cuộc sống ô trọc đầy những bon chen danh lợi, con thuyền lướt trôi nhẹ nhàng dưới đêm trăng, êm đềm thơ mộng:
Thuyền trôi triền miên trên sông nhịp nhàng
Thuyền trôi lướt êm trên sông mơ màng
Gió đưa con thuyền dìu theo ánh trăng
Bờ xa âm thầm làn sóng luyến thương
Thời gian nhẹ trôi như ru mộng đời
Thuyền ơi hãy đi thăm nơi chân trời
Dưới trăng ta về dạo chơi xứ thơ
Cùng với tiếng đàn hòa khúc mơ hồ.
Lời của bài hát cùng với giai điệu để lại cho người nghe một cảm nhận dịu dàng đầm thắm. Thuyền trăng hay thuyền chở trăng? Con thuyền lướt nhẹ dưới đêm trăng lung linh ánh sáng mờ ảo. Thi sĩ Lý Bạch đã đi thuyền trên sông, nhìn trăng dưới nước, đẹp quá. Lý Bạch đã nhảy xuống sông ôm trăng mà chết.
Thuyền trăng không nhắc đến điển tích Lý Bạch, nhưng đi thuyền dưới trăng, tác giả đã nhớ lại mối tình Trương Chi - Mỵ Nương. Trương Chi, người chèo đò có tiếng hát ru hồn con gái vị quan, Mỵ Nương. Nàng đã tương tư người chèo đò, nhưng khi gặp được chàng, người ca nhân ấy với khuôn mặt ấy, ngôn ngữ ấy, nàng đã thất vọng. Nhưng còn chàng Trương Chi? Sự gặp gỡ nàng là một định mệnh oan khiên. Trương Chi ôm mối hận tình mà chết.
«Thương anh Trương Chi yêu nàng Ngọc nữ đêm nào. Câu hát ân tình muôn đời muôn kiếp không phai. Hồn còn nghẹn ngào hận tình sầu mộng về đâu. Thuyền trôi chèo nghiêng trên sông lặng lờ. Vầng trăng khuất sau chân mây mơ hồ. Lắng nghe sông buồn dạo lên khúc ca. Thuyền hỡi nhớ về cùng bến mong chờ».
Tiếng hát ru hồn đã làm biết bao nhiêu người mê đắm. Có người với danh vọng sự nghiệp lẫy lừng. Hoa hậu Mỹ Quốc, tốt nghiệp y khoa đại học Mỹ hạng giỏi, đại sứ thiện chí, tình nguyện viên công tác xã hội, mê tiếng hát, kết hôn với người ấy, nhưng hôn nhân giết chết tình yêu. Nàng thất vọng. Hóa ra tình yêu chỉ là ảo ảnh. Nó là con đom đóm ban đêm. Đẹp lắm thay, nhưng khi chiếm hữu được nó, thì ra nó chỉ là một con sâu bọ ghê sợ.
Câu cuối của bài hát là sự thể hiện niềm chung thủy, một lời nhắn gửi: Thuyền hỡi nhớ về cùng bến mong chờ!
Khúc nhạc dưới trăng được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước dàn dựng một điệu vũ vui nhộn, hồn nhiên. Giai điệu, lời bài hát trong sáng. Con người hòa mình với thiên nhiên, vạn vật, bao nhiêu sầu muộn, bao nhiêu khổ đau, hãy trút bỏ: Vui, một đêm vui, nhạc đầy vơi. Ca múa chơi. Ta cùng say trăng. Khúc ca mơ màng...
«Dưới ánh vầng trăng bóng ngà, một trời mát êm trong sáng, dưới bóng ngàn sao sáng ngời, chập chờn bóng đêm. Thấp thoáng ngàn cây bóng lồng. Một bầy thiếu niên ca múa, khúc hát nhịp theo tiếng đàn chập chờn dưới trăng. Vui một đêm vui. Nhạc đầy vơi. Ca múa chơi... Ta cùng say trăng. Khúc ca mơ màng. Gió cuốn lên tìm trăng. Ta ước mơ cung hằng. Ta ước mơ cung hằng. Làn gió, như lưu luyến ánh trăng thanh. Kìa dáng liễu buông tơ mành. Kìa làn nước in trời xanh. Mờ rung bóng đêm tàn canh. Cùng vui. Ta vui khúc ca du dương. Lòng tha thiết bao yêu đương. Cùng mây gió bay ngàn phương. Lòng quên hết bao sầu thương. Thề quên hết bao sầu thương. Mơ trăng tươi hoa tươi vui ca đời vui».
Hãy chung vui một đêm dưới trăng. Hãy hòa mình cùng ánh trăng bàng bạc
Hãy quên đi cuộc đời đầy phiền muộn!
Cảm ơn đời. Cảm ơn trăng.
Vẫn Có Anh Bên Đời
26/3, 29/3,… 30/4: những cột móc như những dấu ấn in sâu vào tâm khảm của hầu hết những người miền Nam Việt Nam.
- Làm sao quên được?
Như lời một vị quan chức đứng đầu bộ máy chính quyền CS (đã qua đời) đã thốt ra sau khi về hưu:
- 30/4 - nếu có vạn người vui thì cũng có vạn kẻ buồn.
Tôi đã mất tất cả, tình yêu, sự nghiệp, những người thân yêu. Trong đó có người mà tôi quý mến nhất, đó là anh tôi - Giáo sư Nguyễn Lương Hiền, dạy môn triết học tại các trường trung học ở Đà Nẵng gồm Phan Châu Trinh, Bán Công, Sao Mai, Phan Thanh Giản, Bồ Đề, Ánh Sáng, Thọ Nhơn, Kỹ Thuật và các lớp đêm Phan Châu Trinh.
Biến cố 29/3, trong hàng ngủ Giáo sư, có một số rất đông, sau khi gạn lọc, được ông nhà nước cho nghỉ dạy kể từ năm 1975.
Đội ngủ giáo chức, một số đạp xe thồ, một số đứng chợ trời bán thuốc Tây, một số chọn tàu lửa là nhà để mua đi bán lại, một số xoay qua nghề hàn khung xe đạp, trong đó có anh tôi.
Riêng tôi, được xét cho làm GV lưu dung (chữ lưu dung nghĩa là lưu lại vì dung thứ), do đó vẫn ôm lấy nghề đi dạy, cho đến 1980, lúc ấy mới “bức sô”, làm một bước nhảy vọt: xin nghỉ dạy, về làm khung xe đạp theo ông anh luôn.
Vĩnh biệt! người “GV nhân dân”.
Chào nghề mới, hàn khung xe đạp.
Kỉ niệm ơi! Đã 37 năm rồi còn gì!.
Đồng, Đài, Đạp. Đó là 3 từ Đ nói lên sự đầy đủ, sung sướng của một giai cấp hưởng tiện nghi trong thể chế Xã hội chủ nghĩa giai đoạn từ khi miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa cho đến khi CSVN tiến vào miền Nam 1975.
Hình ảnh người bộ đội miền Bắc vào Nam sau 29/3/1975, đi xe đạp, chở khung xe, mua poupé nhựa treo ở guidon xe, dừng xe ven đường, gạ mua đồng hồ 2 cửa sổ là hình ảnh quen thuộc mà bất cứ người dân nào còn ở lại Việt Nam sau biến cố 75 đều biết. Mặt khác bộ đội còn dò hỏi để mua xe Honda. Một chiếc Vespas thời đó nếu bán, có thể mua được một ngôi nhà.
Bối cảnh xã hội Đà Nẵng thời đó có một chiều hướng đi thụt lùi với sự phát triển các phương tiện chuyên dụng kĩ thuật trong đời sống hàng ngày, ti lệ nghịch với mức sống của người dân. Xe Honda, xe hơi ngày càng biến mất. Xe đạp càng ngày càng thịnh hành. Đường phố Đà Nẵng phải nói là giai đoạn năm 1976 trở về sau chỉ có xe đạp. Xe hơi nếu có trên đường thì đích thị là xe dùng cho cán bộ nhà nước mà người tinh mắt có thể nhận thấy ngay: người ngồi trên xe hơi, bỏ hai chân lên ghế. Nếu là phụ nữ thì ngồi trên xe vẫn đội nón. Còn xe Honda thì lác đác vài ba chiếc thoáng qua.
Có một tâm trạng đảo chiều cho hai giai cấp trong xã hội VN sau 1975: Khi đã đi xe đạp quen, được lên Honda thì sung sướng biết bao. Ngược lại, đi Honda đã quen, giờ đây phải đi xe đạp thì, gian nan, chán nản biết chừng nào. Đúng là lên voi, xuống chó. Xuống chó lên voi!
Khi bộ máy hành chính đã đi vào hoạt động thì chế độ phân phối được áp dụng qua hình thức tem phiếu. Gạo, có sổ gạo, mỗi nhân khẩu được mua bao nhiêu, nước mắm, đường, muối,… tất tần tật đều phải dùng tem phiếu. Muốn được cấp tem phiếu thì phải có hộ khẩu. Quản lý hộ khẩu nghĩa là quản lý theo kiểu chế tài bằng biện pháp cắt sổ gạo, nếu anh ở chui, bị thu hồi hộ khẩu, bị đưa đi kinh tế mới,… thì không còn chế độ tem phiếu nữa, nghĩa là lúc đó sẽ đói nhăn răng.
Trở lại chuyện xe Honda. Đi xe Honda cũng phải có chế độ tem phiếu, nghĩa là được duyệt mua xăng. Nếu không thì...đỗ nước lạnh để chạy hay sao? Muốn được cấp phiếu mua xăng thì phải có lý do. Giáo viên nhân dân (xin lỗi không phải giáo sư) sau khi được phân phối đi dạy lại, nghĩa là được ra quyết định giáo viên lưu dung, được cấp phiếu mua xăng tháng 5 lít. Nếu hết 5 lít thì chịu khó cảm phiền đi bộ!
Tôi được hân hạnh có QĐ giáo viên lưu dung, sau này có được phiếu mua xăng. Nhưng chỗ dạy của tôi lại quá xa, cách nhà 7 km. Thôi đành đi xe đạp, lâu lâu độn thêm đi Honda. Động từ độn rất phổ biến thời bấy giờ. Ăn cơm, độn thêm khoai hoặc sắn hay bo bo. Đi xe đạp độn thêm đi Honda, xăng độn thêm dầu hỏa, gạo độn thêm cát để bán tại các cửa hàng mậu dịch Quốc doanh, đi dép su độn thêm giày bít, sáng ăn khoai (khoái ăn sang) lâu lâu độn thêm ăn bánh mì,...
Trong hoàn cảnh đó, thằng bạn đã bày thêm cho tôi chêm lỗ rít lơ xe Honda. Lấy một sợi giây đồng (rút từ sợi giây điện), đưa vào lỗ rít lơ trong hệ thống xăng đi qua cát buya ra tơ. Xăng sẽ tiêu thụ ít do lỗ bị nhỏ lại. Thực hiện như thế xăng sẽ tiết kiệm được 1/3 dung lượng tiêu thụ nhưng khó khăn ở chỗ là muốn chạy nhanh thì không được và máy rất mau bị nóng. Nhưng đành vậy. Vã lại đi nhanh mà làm gì trong hoàn cảnh đó!
Tuy nhiên, có những khó khăn khác trong việc xử dụng xe Honda. Vấn đề thay thế phụ tùng. Bế tắc! Chỉ việc lốp Honda mòn, nhẳn thín cũng đã là nan giãi. Nhà máy cao su Đà Nẵng giai đoạn đó có nhận đắp lốp Honda. Tôi đã đắp được đôi ba lần. Một hôm đang đi, tôi phát hiện lốp xe bị bay tung mấy mãnh cao su mà nhà máy cao su Đà Nẵng đã đắp lốp xe cho tôi.
Một kỉ niệm rất khó quên. Tôi đi Huế đám giỗ mẹ. Tôi rũ ông anh kế tôi, nguyên là sĩ quan Công binh Sài Gòn đi cùng. Hai anh em khi trở vào, đến chân đèo Phú Gia thì bị lủng lốp. Lúc đó trời đã về chiều. Lại dưới chân đèo. Tôi đành thúc thủ dắt bộ. Còn anh tôi, cho ông lẻo đẽo đi theo. Khi chúng tôi đến Lăng Cô thì vừa tối. May là có người quen, tôi đành ăn tối tại đó, ngủ nhờ một đêm. Sáng ngày mai, xe được vá lại và lại lên đường về đến Đà Nẵng. Ông anh dọc đường nói với tôi: «chuyến ni về Đà Nẵng, tau phải cúng tạ mới được!»
Khi về Đà Nẵng, tôi kể lại chuyện, mọi người nói: «đúng là liều, lốp xe thì vá chằn vá chịt, vậy mà dám cả gan chở người đi Huế». Nhưng đành phải chấp nhận vậy chứ biết làm sao, giai đoạn ấy làm gì có lốp, ruột xe Honda.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu xe đạp tăng mạnh. Nhu cầu đã tăng thì phải có cung. Đó là sự ra đời ồ ạt của những chỗ làm khung xe đạp, cá thể, tổ hợp, quốc doanh,…
Anh tôi, sau một thời gian xấc bất xang bang vì bị những áp lực tâm lý đè nặng, vì phải tiếp tục tiếp chuyện mấy ông tuyên giáo, mấy ông an ninh trên sở Công an. Cuối cùng anh tôi cũng tự tổ chức cho mình một công việc mới: Làm khung xe đạp.
4 năm đầu tiên, khi anh tôi làm khung xe đạp thì tôi vẫn còn tiếp tục làm “GV nhân dân”, mặc dù những ngày nghỉ dạy, tôi vẫn lợi dụng ra ngồi hàn ống xe đạp, kiếm thêm tiền để tiêu vặt. Phải thừa nhận anh Hền tôi là một người có nghị lực cao, chịu khó, trong những năm đầu, không hiểu anh làm thế nào mà kiếm đủ đồ nghề để trang bị cho cả xưởng hàn khung xe đạp, đầy đủ. Từ những cái búa cho đến cái bàn sắt để làm giá đỡ cho dụng cụ như e tô hay máy khoan lỗ, đến dao cắt, máy hàn hơi (bin hàn), … không thiếu một cái nào, kể cả cái lò bệ anh ra Huế mang vào từ đồ kỷ niệm của bố già. Tôi phục nhất là những dụng cụ anh tự chế tạo lấy để phục vụ cho việc làm khung xe như bộ nòng dùng để vo ống và những cái chày để dùng cho việc vo ống thế nào để ống tròn, không có ti vết,… Tất cả đều do anh suy nghĩ để làm cho được. Mặt khác nhờ mối quan hệ với nhiều người, do đó, anh dễ dàng trong việc mua vật tư, từ hơi hàn (khí oxy, acetylen) cho đến các phụ kiện để làm ra khung xe.
Chúng ta lưu ý những năm từ 1976 cho đến 1985, đường phố Đà Nẵng hầu như chỉ còn xe đạp. Xe đạp trở thành phương tiện chính. Do đó nghề hàn khung xe đạp trở thành nghề trọng điểm của thành phố. Đâu đâu cũng làm khung xe đạp, các tiệm trên phố nhan nhãn đều bày bán khung xe, mặc dù trong thực tế, nghề hàn khung xe đạp bị cấm cũng như các tiệm bán khung xe đều được loan báo cấm ngặt. Thế nhưng nói vậy mà không phải vậy. Nghề hàn khung và bán khung xe đạp phổ biến đều khắp, không chỉ tại địa bàn Đà Nẵng mà hầu như trên toàn quốc.
Làm khung xe đạp cần có: Bộ ống xe, bộ rắc co, nồi (boite). Các vật liệu này đều được anh tôi chuẩn bị, gọi các nhà buôn cung cấp đầy đủ. Ngoài hơi hàn, còn có sắt cắt nhỏ để dùng làm que hàn, khi hàn mí ống, đồng đạn, cắt thành sợi để hàn các ống khi đưa vào boite, khi hàn qua các rắc co, …
Riêng về ống xe đạp, nếu có điều kiện và có thời gian, ta có thể tự làm lấy. Ống xe đạp được làm từ sắt 1 ly 2 hoặc 1,5 li nếu là ống lớn. Các ống nhỏ, có thể làm từ sắt 1 ly. Sắt này lấy ở đâu? Từ sắt phế liệu. Dạo Đà Nẵng khi bộ đội vừa tiếp quản, các bãi sắt phế liệu thường là các bãi thuộc quân sự, cảng. Đó là các thùng chứa hàng, gọi là thùng cô nét thường là của Mỹ để lại. Tha hồ mà khai thác. Bộ đội vào tiếp quản phi trường, cảng Đa Nẵng, cài gì không cần thiết, họ cho bán sạch. Chính từ sắt cô nét mà các người làm khung đã làm không biết bao nhiêu là ống, sản xuất ra hàng vạn, hàng triệu khung xe đạp, kéo dài từ năm 1975 đến 1985, Anh Hiền tôi, dạo đó mua rất nhiều sắt cô nét nuỗi thẳng thành tấm, đem về anh đã có mẫu, đo và cắt theo từng bộ, rồi hoàn thiện thành ống. Khi làm, ta chỉ cần ngồi hàn mí bằng hơi hàn gió đá (Oxy+Acetylen), hàn xong, đun nòng vào, rổi dùng chày và vo tròn bằng búa giáng xuống. Nói chung quy trình làm khung xe đạp, theo từng bước: Hàn ống, vo ống, cưa theo kích thước, đưa boite (nồi khung xe) vào giá, bỏ các ống vào boite, điều chỉnh cho thẳng (ống cổ khung xe và ống đứng chồng lên nhau). Bắt đầu hàn các ống vào boite bằng đồng. Khi các ống cơ bản của khung xe đã được hàn xong, lấy ra, làm các khâu còn lại, hoàn thiện khung và sau cùng là dũa khung để khi sơn khung, không bị gợn, bị ổ gà, bị đề phô,…
Giai đoạn đó, anh làm với 3 người học trò xin học việc, ngày đến làm, đêm ra về nhưng cuối tháng anh tôi vẫn trả tiền tính theo đầu khung. Trung bình mỗi ngày anh tôi hoàn thiện xong 10 khung xe đạp. Cách làm ăn như thế có thể gọi là quy mô so với giai đoạn ấy.
Năm 1980, tôi nghỉ dạy và trở về ngỏ ý xin được làm khung xe đạp trực tiếp. Anh chưng hững: “em nghỉ việc là bậy rồi. Anh đã bị nghỉ dạy, đúng ra em nên đeo bám nghề GV với nhà nước, sẽ có lợi về chính trị hơn. Em có thể làm thêm cũng được. Bây giờ lỡ rồi. Thôi! Anh sẽ sắm cho em một bộ hàn hơi để em làm!”.
Thế là kể từ đó, có tôi phụ thêm với anh trong việc làm khung xe đạp, và số khung sản xuất tăng thêm từ vài cái. Như vậy có ngày khung xe đạp sản xuất được trên dưới 12 cái. Với số lượng khung xe xuất xưởng như thế thì việc cần là thợ dũa khung hay còn gọi là thợ làm nguội khung. Anh tôi giao cho một người ở trong Thanh Bồ lãnh, ông này giao lại cho đàn em và điều khiển họ phải làm cho xong trong ngày. Dạo đó có một số giáo sư bị mất dạy lúc đầu cũng nhận vể để dũa khung như GS Nguyễn Châu Hóa (cùng dạy triết Phan Châu Trinh), GS Đỗ Nguyên (dạy Sử trường nữ Hồng Đức), GS Tâm dạy Phan Châu Trinh,… nhưng rồi dần dần một số thầy không chịu nỗi thao tác dũa khung, nên bỏ cuộc.
Trong khâu phát hành, tiêu thụ khung xe đạp, thì GS Trần Gia Phụng là một đối tác rất đắc lực của anh tôi, anh Phụng, ở đường Hùng Vương, một địa điểm rất sôi động của việc giao dịch mua bán. Anh Phụng và anh Hiền tôi lại là hai người bạn rất thân trong thời gian trước 75 cũng như sau này. Hàng ngày anh Phụng vẫn đến tại nhà anh Hiền để thanh lý các khoản khung đã bán được cũng như nhận thêm. Có khi khung không còn để bán, anh Phụng phải về đích thân mang lên. Ngoài chỗ anh Phụng, còn hai chỗ khác nhận khung của anh Hiền để bán như chỗ anh Bút, chỗ bà Nhuận. Thời kì đó ngoài những chỗ làm khung cá thể, còn có các Hợp tác xã làm khung rất nhiều, như Tổ hợp Hạnh phúc, tổ hợp Đoàn kết. Khi các Hợp tác xã nầy cần khung xe đạp để tặng khách thì họ lại phải về lấy khung của anh tôi. Nói như vậy để thấy rằng chất lượng khung xe đạp của anh tôi rất nổi tiếng.
Anh Hiền, ban ngày làm khung xe đạp, ban đêm còn lo dạy các con học. Có những đêm 22, 23 giờ tôi vẫn nghe tiếng anh tôi say sưa dạy các cháu học toán hay Vật lý. Phải nói rằng anh tôi có một trí nhớ quá tuyệt hảo. Đã biết bao nhiêu năm rồi. Vậy mà ông vẫn dạy toán hình hay đại số lớp 11 cho các con mà vẫn không cần tham khảo thêm sách. Ngoài việc dạy dỗ con cái, ông còn một phương cách giáo dục con cái rất uyển chuyển, khi thì rất tiến bộ, nhưng khi nếu cần, ông rất nghiêm khắc.
Nếu linh hồn anh tôi có linh hiển, tôi nghĩ anh sẽ vui biết bao khi chứng kiến được các con của mình. Ngày nay các cháu đã có một vị trí rất quan trọng trong cộng đồng xã hội, không phải là vai trò mang tính chính trị nhưng là dưới góc độ chuyên môn. Sự thành đạt của các con anh quả thật là một sự vinh quang hiếm có.
Những năm cuối đời của anh tôi, tôi nghĩ là anh rất vui vì công việc đã trôi chảy, nhuần nhuyễn. Sự thu hoạch về kinh tế không còn là mối lo của anh nữa. Nhưng qua sự đăm chiêu, qua vài câu chuyện, tôi nghĩ là anh đang có một tầm nhìn đi xa hơn nữa trong vấn đề làm ăn, bởi vì anh vẫn nghĩ rằng chuyện làm khung xe đạp, một lúc nào đó sẽ không còn hợp thời.
Một điều khác, anh tôi rất vui khi có bạn bè đến chơi, các anh Phụng, Viên, Nguyên, vợ chồng anh Tâm, chị Lê, anh Mai,… Anh tôi không uống rượu nhưng mỗi lần đi lên cửa hàng Mậu dịch quốc doanh là anh tìm mua rượu Vin Rhom (của Bulgarie), một loại rượu dưới dạng Cock tail ngọt nhưng nồng độ khá cao để dự trữ, khi bạn đến chơi anh chiêu đãi.
Về phần tôi, anh giao cho tôi hoàn toàn tự chủ trong vấn đề làm khung xe đạp. Tôi thích thì tôi nhận đồ rời để gia công làm. Nếu cần, tôi có thể đi chơi hay đi đâu đó, không bị lệ thuộc vào công viêc. Có những khi khung xe đạp cần cho thị trường, tôi nghỉ việc, anh phàn nàn tôi vô lo. Tôi nhớ mãi câu nhận xét của anh: “ban ngày chạy rong, đêm chong đèn ngồi hàn”. Có những lúc tôi gặp được bạn bè học đại học ngày nào, vào Đà Nẵng tìm thăm, tôi vui lắm, thế là mua rượu nếp than dỗm, về uống với thịt gà bắt được từ lãnh sư Lào lạc qua khi tôi chong đèn ngồi hàn. Thế là cả mấy đứa uống say mèm. Sáng ngày mai, tôi dậy không nổi. Thế là tôi lại bị anh cằn nhằn: “Lại uống rượu, không dậy được!”.
Anh chỉ cằn nhằn với tôi như vậy thôi, nhưng tôi rất sợ anh. Với tôi, anh không những là một người anh hết lòng lo cho em mà còn là người cha đáng kính. Nếu cha tôi là người bố có công nuôi tôi khôn lớn thì anh tôi là người cha lo cho tôi về mọi mặt, nhất là vấn đề học hành của tôi ngày còn thơ và khi ra trường, đi dạy. Chính anh là người tìm cách lo cho tôi về dạy chỗ gần gia đình anh để có anh bên cạnh, anh sẽ yên tâm hơn.
Dưới mắt anh, tôi vẫn là một đứa em út còn dại khờ, chưa đủ bản lĩnh để sống ngoài đời. Còn nhớ ngày tôi cầm quyết định về dạy trường trung học Hòa Vang, anh chở tôi đi trên xe Yamaha đàn ông, bây giờ cảm giác của tôi vẫn còn ghi đậm mùi những lá tre rớt đầy đường bị ung thúi, mùi phân trâu rãi rác trên bờ cỏ hai bên đường. Tôi vẫn nghĩ thầm con đường này, rồi đây ta vẫn đi dạy ngày hai buổi đây sao? Nhưng với anh thì Hòa Vang là một chỗ dạy lý tưởng cho những người mới ra trường như tôi. Và quả thật y như thế, sao này tôi tìm thấy ở ngôi trường trung học Hòa Vang Đà Nẵng một cảm giác ấm áp dịu dàng đầy thân tình của những người đồng nghiệp.
Các giờ triết học tại các trường tư thục Bồ Đề, Bán Công anh đều giao lại cho tôi dạy, sau khi đã cam kết với Hiệu trưởng là tôi đủ khả năng. Cours triết thì anh soạn sẵn, quay ronéo và phát cho học sinh. Các trường Bồ Đề, Bán Công là những trường rất kén chọn đội ngủ giáo sư, một người mới ra trường như tôi làm sao họ chịu nhận để tôi dạy triết học, một môn mà với học sinh, quá mới mẻ và rất khó hiểu. Thế nhưng bằng sự cố gắng, với tinh thần trách nhiệm, tôi đã dạy học sinh trong hai niên khóa mà không có một lời ta thán hay phàn nàn từ ban Giám hiệu nhà trường.
Cuối niên khóa 1974, anh nói với tôi: “Em là GS mới ra trường, còn quá trẻ, mà đã dạy được trong những lớp học trên 100 học sinh. Lớp không bị mất trật tự, học sinh im lặng ngồi nghe giảng bài. Vậy là em đã thành công. Năm tới đây, anh sẽ giao lại các lớp triết tại trường trung học Phan Thanh Giản cho em. Anh cần có thời gian để viết sách. Em hãy cố gắng lên!”
Tôi biết anh tôi nói là làm. Không ngờ sau đó là sự kiện 1975…
Point final!
Do đó, khi tôi xin nghỉ dạy, về làm khung xe đạp cùng anh thì anh rất lo lắng cho công việc của tôi.
Vì vậy mà tất cả các khâu từ vật liệu làm cho đến đồ nghề anh đều lo hết cho tôi. Tôi chỉ việc ngồi hàn, làm, hoàn thiện khung xe. Chỉ có công việc kiểm tra lại khung trước khi cho xuất xưởng là anh đảm nhận.
1981, tôi lập gia đình và anh là người lo cho tôi toàn bộ, từ A tới Z. Ngôi nhà hiện nay tôi đang ở, với biết bao ki niệm là do anh mua và giao tôi. Đây là nơi mà anh cùng các học trò trãi qua những tháng ngày làm khung xe đạp. Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui chất chứa tại đó.
Khi đứa con trai đầu tiên chào đời, tôi đặt tên cho nó là Fourche để đánh dấu bước chuyển hướng trong nghề nghiệp cũng như trong nhận thức của tôi, hai năm sau, tiếp tục đứa con gái thứ, tên là Guidon.
Fourche lớn lên, khuôn mặt khôi ngô, sáng sũa, thông minh. Hai bác cháu quyến luyến nhau không rời. Bác ở đâu, làm gì trong nhà, cháu Fourche đều bên cạnh quan sát bác làm. Chỉ tội cho bé Guidon, hai năm sau chào đời, chưa được bác bế bao nhiêu, đã vội ra đi. Một hai lần bác bế guidon chưa nóng vòng tay, Fourche đã la lên, không chịu, khiến bác phải vội để Guidon xuống.
Một điều an ủi cho anh và cho tôi, từ bỏ nghề nhà giáo nhưng những người bạn, đồng nghiệp một thời với mình vẫn còn lui tới. Một số vì liên hệ đặt khung xe, một só vì tình bạn đến chơi, đấu láo. Cũng qua anh, tôi biết được những thế hệ đàn anh của tôi, anh Trần Gia Phụng, anh Lê Long Viên, anh Đỗ Nguyên, anh Nguyễn Châu Hóa, vợ chồng anh Tâm, chị Lê, anh Lê Quang Mai (Mai mập),… trong đó kể cả Thượng tọa Thích Minh Tuấn, Đại đức Thích Minh Đàm.
Thầy Minh Tuấn, Minh Đàm, sau 1975, trở thành những nhà buôn, chuyên cung cấp ống, rắc co, boite xe đạp cho những nơi làm khung xe đạp.
Những năm cuối đời của anh vẫn còn là những năm xã hội Việt Nam đang còn trong thời kỳ bao cấp, vẫn còn cả ngày sắp hàng để chờ giãi quyết tem phiếu. Mặc dù chợ vẫn còn đó, buôn bán nhỏ lẽ vẫn còn. Những người có tiền, có điều kiện vẫn có thể sống thoải mái. Và trong hoàn cảnh đó, anh Hiền tôi không đến nỗi sống thiếu thốn và anh đã lo cho vợ con, các em, những người thân ngoài Huế đầy đủ.
Năm 1981, anh mua được một chiếc xe Cup 81 cánh én, 90 phân khối. Anh rất vui vì có xe chở vợ con đi đây đi đó, trao đổi hàng hóa, giãi quyết vấn đề bán khung xe đạp. Thỉnh thoảng anh vẫn dùng xe này đi Huế trong việc kỵ giỗ và khi nào anh cũng đèo tôi theo cùng. Tháng ba năm 1984, anh bị một cơn đau đầu dữ dội, thỉnh thoảng bị một vài lần ngất đi, không hay biết gì hết, sau đó lại hồi tỉnh. Và anh lại làm việc, coi thường. Chúng ta lưu ý điều kiện y tế giai đoạn 1984, thời kỳ bao cấp, Việt Nam hoàn toàn bị bế quan tõa cảng. Do đó cơn bệnh của anh vẫn không có điều kiện chăm sóc, mặc khác lại tính bướng bỉnh, coi thường bệnh tật của mình. Hay anh nghĩ rằng nếu nằm xuống lại là tốt hơn? Thời gian tiếp theo sau đó, anh bị mê rồi lại tỉnh, giữa cơn mê và cơn tỉnh rất khó phân biệt. Các bác sĩ là bạn bè quen thân giai đoạn đó như BS Lê Q T, BS. Dg cũng đều bó tay, chỉ biết chích Vitamine C nồng độ cao và uống Paracétamol. Những ngày sau cùng, anh nằm phòng cấp cứu hồi sức thế rồi anh đi luôn vào một chiều tháng tư âm lịch, sau lễ Phật đản. Năm ấy anh chỉ vừa được 51 tuổi.
Đám tang anh đầy đủ bạn bè, học trò. Cảm động nhất là những em học sinh. Nhiều em đến bên quan tài anh, ôm lấy, khóc nức nở. Giáo sư thời ấy còn ở lại Việt Nam khá nhiều. Các anh ở trường Phan Châu Trinh, trường Bồ Đề, Bán Công, nữ Hồng Đức, Sao Mai, Hòa Vang đều có mặt đông đủ. Có một số GS từ Huế, nghe tin anh qua đời cũng lặn lội vào thăm như GS Cao Huy Hóa, Giáo sư Nguyễn Châu, dạy triết tại trường Quốc học.
Thượng tọa Thích Minh Tuấn, hiệu trưởng liên trường Bồ Đề Đà Nẵng đến thăm, thở dài, than:”Vô thường quá!”
Thi hài anh được mang ra Huế, chôn tại nghĩa địa cát trắng của Làng Hiền Lương, cách TP Huế 17 cây số, về phía tay phải, đi sâu vào trong khoảng 3km. Mộ anh được chôn bên cạnh mộ ôn Nội, một nhà nho học cuối mùa. Hai ông cháu nằm bên mép sườn, có độ dốc thoai thoãi của một con suối nhỏ.
Ba ngày sau, tôi lên thăm mộ anh, có GS Nguyễn Châu theo cùng. Ngôi mộ anh vẫn còn mới. Cát trắng còn ướt. Những vòng hoa đưa tiển anh vẫn nằm đó, héo tàn. Chiếc chiếu hoa mang theo, khi chôn cất anh xong, vẫn còn…
Và anh, dưới lòng đất lạnh, anh có ngột ngạt không, anh có cảm thấy dễ chịu hơn khi sống trên đời với những tháng ngày phải lận đận làm việc lo cho vợ con, gia đình, các em, người thân trong bối cảnh xã hội như thế?
Anh ơi! Đã trên phần tư thế kỷ, anh vẫn nằm đó.
Những người thân hàng năm vẫn lên thăm anh, thắp nén hương, tưởng nhớ những ngày xa xưa ấy,
Có anh.
Hương Tóc
Tôi ở cuối đường Chi lăng. Ở đó có bến đò, gọi là bến đò Chợ Dinh có cái chợ gọi là Chợ Dinh. Xóm chợ Dinh như nhiều bài viết tôi vẫn gọi đó là một nơi chốn thân yêu, nhiều lúc tôi vẫn tự nhủ nó là một đại gia đình của tôi. Bởi vì các gia đình chung quanh hầu hết mọi người sống với nhau đầm ấm, thân tình quá. Tôi vẫn còn nhớ các gia đình mà tôi vẫn hay đến chơi. Có khi nằm ngủ nơi nhà người ta quên về. Những tên chủ nhà làm sao tôi quên được: Trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải, hết thảy đều hiển hiện trong ký ức tôi. Không những hết một đoạn đường Chi Lăng mà còn đường  Ôn Như Hầu sau lưng nhà, hay đường đi thẳng Chi Lăng về Bãi Dâu (mà có người vẫn gọi là Biền).
Đường lại có kiệt, nhưng với tôi đường này tôi chẳng để ý có bao nhiêu kiệt. Tôi chỉ nhớ có một kiệt rất gần nhà, nó là tuổi thơ dễ thương, vô tội là những kỷ niệm ngọc ngà tôi đã trải qua. Đó là kiệt “Cây Gòn”. Tôi không hiểu vì sao lại gọi là “Cây Gòn” tôi chỉ biết trong kiệt đó có một lớp học mà tôi đã học đầu tiên, đó là không gian êm ái, ngôi nhà của cụ Chưởng mà con gái của cụ là chị Bích đã dạy chúng tôi. Tôi  đã có bạn bè, đã cùng những ngày tháng bên nhau, nghe cô Bích giảng bài, cùng chơi đùa trong cái sân đầy bóng mát nhiều cây xanh đó. Tôi nhớ những người bạn học đầu tiên của tôi: Tùng cô bé hay đi cùng đường và cho tôi mấy hột ô mai, rôi Toản, rồi Nghệ, rồi Hảo. Và trong kiệt Cây Gòn nhỏ hẹp đó hằng hôm tôi vừa đi học vừa quan sát những ngôi nhà hai bên đến độ tôi biết tên một vài nhà như nhà bác Hoa thợ nề, bác Bửu Mai hưu trí, nhà anh Mảo họa sĩ,…
Thế nhưng hôm nay, trao đổi với môt friend rất trẻ qua mess, thuộc thế hệ đàn em, hỏi tôi còn nhớ Kiệt Thanh Bình không vì nhà em ở trong đó? Tôi có chút xúc động. Ừ Kiệt Thanh Bình! Thế mà từ lâu tôi đã quên không bao giờ nghĩ tới. Tôi nhớ rồi, đó là một nơi ngày xưa ấy tôi đã từng theo anh tôi lên chơi với mấy người bạn của anh: anh Cường, anh Phán. Kiệt Thanh Bình gợi nhớ cho tôi những lần tôi đã chạy vù lên (ít khi đi, ngày nhỏ chỉ chạy là chính) để xem chiếu bóng lưu động. Mà sân để đội chiếu bóng đặt màn ảnh là nằm đâu sát ngoài đường Chi Lăng, trên một khoảng đất trống, sát bờ sông Hương. Tôi nhớ những ngôi nhà ngoài đường Chi Lăng, chặng đi vào Kiệt Cây Gòn. Tôi định vị được mấy ngôi nhà, sát với Sông Hương, hình như là nhà ông thầy Mẫn dạy Sử năm lớp đệ tam Nguyễn Tri Phương, rồi một nhà tôi không biết tên chủ nhà nhưng trong đó có một cô bé trạc tuổi tôi, học lớp đệ lục, ngủ ĐK mà cánh cổng bằng sắt với hai cái trụ to tướng. Hình như đối diện bên này là garage ông Hoài. Ông Hoài có đứa con tên là Hoàng Ngọc Đủ học lớp với tôi tại Nguyễn Du.
Tôi nhớ những đêm chạy vù lên coi chiếu bóng ngoài trời, thường là những phim thời sự: Tổng thống VNCH đi kinh lý chỗ này, chỗ kia, hình ảnh HS đi ủy lạo các anh chiến sĩ, hay các trận đánh, những anh em bên kia chiến tuyến về chiêu hồi v.v... Thời ấy tôi còn có thú đi lên tới Phu Văn Lâu để xem văn nghệ trình diễn ngoài trời, thường là do ban văn nghệ Bảo an, nha tâm lý chiến biểu diễn. Vẫn thích và nhớ mãi vở kịch “Lúa hay Lép” trong đó có Minh Luận đóng. Không biết bạn nào còn nhớ Minh Luận không? Minh Luận sau này về làm xướng ngôn cho đài phát thanh Đà Nẵng. Một điều này nữa tôi biết được ca sĩ Túy Phượng cũng là nhờ đi coai xiếc tại PVL, Túy Phượng đi mô tô bay!
Trở lại chuyện xem chiếu bóng tại đường Chi Lăng, sát kiệt Thanh Bình. Khi nghe bạn nhắc đến kiệt Thanh Bình, tôi chợt nhớ một cảm giác rất đậm hương. Đó là một buổi tối khi đang đứng xem phim trong đám đông, tôi bỗng ngửi được một mùi hương dễ chịu, mùi hương quá quyến rũ, đồng thời má tôi bị mấy sợi tóc do làn gió nhẹ từ sông Hương hất, cọ vào hơi nhột. Tôi nhìn lại thì ra là hương tóc của một cô bé. Ban đêm ánh sáng màn hình không đủ tỏa sáng xuống nơi tôi đứng nhưng tôi cảm nhận khuôn mặt cô bé thật dễ thương. Nhưng mà kỳ lạ hương tóc của cô bé đêm ấy sao quyến rũ kinh khủng, xui khiến tôi nhớ mãi.
A thì ra mùi hương đó đã làm tôi vương vấn mãi hình ảnh, khuôn mặt của cô bé. Tôi nhớ năm đó tôi học lớp đệ lục hay đệ ngủ và cô bé xem chừng cũng lớp đó. Sau này để ý đi ngang nhà tôi tò mò tìm hiểu và biết được, đúng là ngôi nhà với hai cánh cửa sắt đóng kín, cái hàng rào thoáng nhìn được sân trong, sát sông Hương. Và có lần tôi gặp được cô bé đó, khuôn mặt đằm thắm, có một cái gì đó thật phúc hậu nhưng cũng pha chút tinh nghịch. Sau này tìm hiểu, mấy đứa nói người ấy tên là Th. T
Thời gian… dòng đời xô dạt, tôi vào dạy Đà Nẵng, và quên luôn chuyện hương tóc tỏa nhẹ trong đêm chiếu bóng. Thế nhưng sau này tình cờ bà chị dâu dạy tại trường nữ Hồng Đức Đà Nẵng, một hôm nhân kể chuyện các cô giáo dạy ở trường, bà chị bỗng nhắc cô giáo Th. T và tôi được biêt  Th. T có chồng là bác sĩ tên S. Chuyện tình hai người bắt đầu vào một buổi tối Th. T đi xem Sinh viên biểu diễn văn nghệ tại rạp chiếu bóng Lido để lấy tiền giúp đồng bào bị bảo lũ. Th. T đã gặp chàng S đang chơi trống cho ban nhạc. Thích quá, người đẹp đã kết với chàng văn nghệ hết mình - sau này là bác sĩ S!
Thì ra hương tóc của người năm xưa lại thoảng về khi tôi nghe nhắc tên một kiệt của đường Chi Lăng: kiệt Thanh Bình!.
20/4/2022
Nguyễn Lương Tuấn
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...