Con ong trong quy trình
tương lai con người
Con ong nhỏ ngủ nhờ bên hè phố.
Quên thiên đàng, quên cả tuổi yêu thương.
"Nếu ong biến mất trên mặt đất, nhân loại chỉ còn tồn tại
được bốn năm". Lời tiên tri này thường được gán cho nhà bác học trứ
danh Einstein. Nhưng chẳng có một bằng chứng nào và cũng chẳng mấy ai tin. Nhất
là Einstein không phải một nhà sinh vật học! Tuy nhiên, câu tiên đoán nầy cần
được đào sâu hiểu rộng vì tuy là một nhà vật lý học, Einstein còn là một nhà hiền
triết, một lương tâm đạo đức, thế nào cũng có một ý nghĩa sâu xa. Thật không
quá đáng nếu ong được nhận dạng với nhân loại từ thuở xa xưa. Trong thần thoại
đã có chuyện Melissa lấy mật ong nuôi thần Zeus trốn trên đỉnh Ida bên đảo
Crete để tránh khỏi bị cha Cronos ăn thịt. Sau này lớn lên, Zeus lại cho cha uống
thuốc có bôi mật trên ly cho hấp dẫn để cha ựa mửa những anh chị mình ra ngoài.
Thần thoại còn kể chuyện Aristée, thần bảo trợ loài ong, muốn quyến rũ
Eurydice, vợ yêu mới cưới của Orphée, buộc Eurydice chạy trốn và bị rắn cắn chết.
Ngay sau, các đàn ong đều biến mất trên mặt đất. Muốn chúng trở lại các Chúa buộc
Aristée phải giết một con bê để thối nát và các đàn ong từ đấy bay ra, gây ra
cuộc phục sinh linh hồn từ một nơi ủng mục, phát sinh phép đảo nghịch chết sống.
Trong quá trình cuộc tiến hóa, ngoài liên quan hai trạng thái sinh tử, con ong
thể hiện bước chuyển từ thiên nhiên qua chăn nuôi, tiêu biểu thế thăng bằng giữa
hoang sơ và thuần dưỡng, làm gương sáng cho con người đang tìm một cuộc sống
hài hòa.
Melittosphex trong hổ phách |
Vua Louis XII |
|
Đàn ong trong khung |
|
|
Từ thuở tiền sử, khi con người biết ghi lại đời sống lên các
tường đá, đã thấy có những liên hệ giữa người và ong. Ở Bicorp bên Tây Ban Nha,
trên vách tường Cueva de la Arana có hình vẽ, khoảng 4000-7000 năm TCN, giữa những
con ong bay quanh, một người trèo lên giây để lấy mật ở một tổ ong hoang dại,
không khác gì ngày nay người Hymalaya ở Nepal hay người Maroc trong dãy Atlas
trên các thành núi, các hóc đá. Hình khắc tổ ong xưa nhất, xung quanh có ong
canh giữ, đã được tìm ra dưới triều đại V Ai Cập (2400 năm TCN) trong đền mặt
trời Abou Ghorab, nghĩa là 4000 năm sau những dấu tích canh nông và chăn nuôi
trong thung lũng sông Nil. Gần đây hơn, ong là biểu hiệu quốc vương Ai Cập-Hạ
thấy trong mộ Séthi-I, Louxor, khoảng 1279 TCN. Còn tổ ong nhân tạo thì chỉ thấy
vào thời đại đồ đồng ở di chỉ Tel Rehov bên nước Israel: 25 tổ hình ống bằng đất
và rơm được bảo quản nhờ được nung nóng trong một hỏa hoạn. Theo các nhà khảo cổ,
những tổ này thuộc một phức hợp nuôi ong lớn sản xuất hằng năm gần một tấn mật
và 150kg sáp, bị phá hủy khoảng 840 TCN.
Thanh Thanh Ngọc
Kỹ thuật nuôi ong tuần tự phát triển ở Hy Lạp và Ro Ma qua những
sách của các nhà bác học. Aristoteles (Aristote 384-322 TCN) miêu tả hoạt động
những lỗ tổ ong dưới quyền một "vương ong" nửa đực nửa cái. Caius
Plinicus Secunnedus (Pline l’Ancient 23-79) kể chuyện người nô lệ apiarius vận
dụng những mẩu tổ ong bằng liễu giỏ hay bằng li e (liège). Còn bên Trung Quốc
thì người Tàu lúc ban đầu cắt những cành cây có tổ ong đem về đặt ở mái hiên, đến
khoảng 200-500 mới biết xây tổ bằng gỗ. Vào thế kỷ III, bộ bách khoa toàn thư
Guo Pu tả cuộc phân chia công việc trong tổ và đi đến kết luận ong thuộc loại
sâu bọ sống thành đàn. Thật vậy, mọi con ong phải tuân theo luật chặt chẽ trong
không gian và thời gian. Mới nở ra, con ong trẻ có nhiệm vụ chùi rửa trong 3
ngày một lỗ tổ ong hoàn toàn sạch cho bà chúa vào đẻ. Xong, nó trở thành vú em
từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 nuôi dưỡng ấu trùng 3 ngày với sữa chúa tiết từ
tuyến hầu. Sau đó, ấu trùng chúa tương lai tiếp tục uống sữa chúa còn những ấu
trùng khác được cho ăn mật, phấn hoa trộn trong nước. Từ ngày 11 đến ngày 15,
nó có quyền ra khỏi tổ dọn dẹp bên ngoài, sửa chữa chỗ hư, thông gió tổ, xây dựng
lỗ tổ, đón nhận ong hút mật về, đỗ đầy lỗ tổ. Giữa ngày 16 và ngày 20, nó có
nhiệm vụ canh gác tổ, chống quân địch và chỉ bắt đầu từ ngày 21 mới được bay đi
hút mật hoa. Có ong lo việc mang nước, một công việc rất khó vì nguy hiểm, về tổ
pha loãng mật hoặc làm lạnh tổ. Nó đảm đương phận sự nầy trong ba tuần và thường
chết trong khi làm nhiệm vụ. Rất ít ong (1%) đảm đang được phép đi tìm thức ăn,
nguồn hoa, tìm chỗ cho đàn mới và về báo tin.
Ong uống nước |
Ngòi nọc |
|
Ong Apis mellifera scutellata
Muốn làm những nhiệm vụ này, chúng phải có nhiều phương tiện
truyền thông. Như mọi côn trùng khác, ong biết sử dụng những pheromon, những
phân tử hóa chất vận chuyển thông tin đặc thù cho mỗi loại, để báo động cũng
như để tìm đường về tổ. Ong chúa có pheromon đặc biệt để quyến rũ ong đực hay để
tập hợp ong lúc chia đàn. Ong cũng có thể truyền tin với đôi cánh xào xạc, đôi
râu cọ xát để chỉ kể những gì ta biết vì ngày nay ta chưa đâm thủng được màn bí
mật trong đời sống con ong. Điệu nhảy để chỉ đường đến chỗ có thức ăn do nhà động
vật học Karl von Frisch, người tiên phong trong khoa học các loài ong, phát hiện
từ đầu thế kỷ XX và được tặng thưởng giải Nobel năm 1973, nay đang được tiếp tục
khảo sát. Qua lớp kính tổ ong thực nghiệm, ông nhận xét khi tìm được thức ăn,
con ong về tổ lặp đi lặp lại một điệu nhảy gồm có một đường thẳng và hai nửa
vòng hai bên (gần như chữ số 8): góc điệu nhảy bên nầy hay bên kia nửa vòng chỉ
định hướng; nhịp điệu, tốc độ rung rinh và bề rộng của vòng chỉ định độ xa…, những
dữ kiện nầy thay đổi qua thời gian, qua vị trí của mặt trời. Vì có người không
chịu tin, Randolf Menzel dùng ra đa theo dõi ong đến 3km và chứng minh năm 2005
chính điệu nhảy đã chỉ định nguồn thức ăn chứ không phải mùi hoa. Nhưng ông lại
đặt thêm câu hỏi: trí nhớ của ong tồn tại được bao lâu và ảnh hưởng lên điệu
nhảy thế nào? Ông cho thay đổi chỗ thức ăn, mỗi lần ong tìm ra và thay đổi điệu
nhảy. Ong đã lập một quan hệ hình học giữa hai chỗ, như vậy là nó có một bản
đồ nhận thức chuyển giao thông tin qua điệu nhảy! Từ đây, Randolf Menzel
đi xa hơn Karl von Frish đã dừng lại ở kích thích giác quan: ông muốn vận dụng
môn khoa học thần kinh và môn khoa học bộ gien để khảo cứu xem bản đồ kia đã được
mã hóa ở phần nào trong não?
Ong mật Á Đông Amis |
Ong Chúa trong tổ |
|
Ong nghề mộc Xylocopa
Phân chia nhiệm vụ, tác động dễ dàng là những sự kiện cần thiết
cho ong sống thành đàn. Câu hỏi là từ đâu phát xuất tập tính ấy? Ở học viện
sinh vật học đại học Illinois, để tìm biết cơ chế này, Gene Robinson dựng phòng
thí nghiệm dành riêng để khảo cứu về ong cách đây hơn 20 năm. Ông và các nhà cộng
sự phát hiện ra được sự khác biệt số lượng protein các gien trong óc các ong vú
em và các ong hút mật. Sự khác biệt nầy không phụ thuộc tuổi tác mà chuyển động
thuận nghịch, có thể đảo ngược tùy theo nhu cầu của tổ. Nói một cách khác, một
con ong hút mật có thể trẻ lại thành ong vú em nếu cần! Cuộc thay đổi này đi
đôi với số lượng pheromon do các ong già tiết ra, số lượng ầy càng nhiều, số lượng
ong vú em càng tăng. Cuộc thay đổi nầy rất cần thiết chẳng hạn khi một bà chúa
rời tổ đi lập một đàn khác, bà chúa trẻ còn lại chỉ có ấu trùng và ong hút mật,
buộc chúng phải trẻ lại làm vú em. Ở viện đại học Arizona, Gro Adam phát minh
trong ong hóa chất apoliprotein, rất nhiều ở ong vú em mà ít ở ong hút mật. Khi
trẻ lại thành ong vú em, hóa chất nầy tăng lên. Hơn nữa, chúng thu hồi lại được
50% khả năng hoạt động trí óc đã mất đi khi thành ong hút mật. Sự kiện nầy
không có ở con người. Khi tin được Gene Robinson cho đăng trong báo Science năm
2003, tiếng vang dậy lên không ít vì là nền tảng cho cuộc khảo cứu về già nua
trong con người. Năm 2012, một bản báo cáo khác trình bày kết quả thay đổi các
gen giữa ong hút mật và ong tìm hoa. Song song với những khảo cứu này, những
gien cũng được xem xét trong những ong gác cửa khi có báo động, pheromon do
chúng phát ra,… dần dần cuộc khảo cứu bước qua địa hạt sinh vật xã hội học vì từ
cá nhân đã qua đám đông!
Ong trong hoa |
Ong Chúa |
|
Ong mật Orsata
Nói chung, con ong nào cũng có phận sự giữ tổ nhưng có một số
ong đặc biệt hiếu chiến, thành quả một cuộc ghép lai ong Âu châu và ong Phi
châu, thấy rõ ở Bắc Mỹ. Những ong Âu châu thường mang một pheromon báo động,
càng nhiều báo động thì pheromon càng nhạy. Những pheromon ong "lai"
không cần báo động vẫn luôn nhạy bén, xem như tính chất nầy đã được vĩnh viễn gắn
vào bộ gen. Những nhà khảo cứu đánh giá tập tính xã hội nầy là "bẩm
sinh" chứ không phải "thu được". Với ví dụ nầy trong ngành khảo cứu
sinh vật xã hội học, tuy dựa lên căn bản chủ yếu sinh vật học, bộ gien không thể
xem là bất di bất dịch mà luôn nhạy cảm với môi trường. Ngành khảo cứu xem xét
sự thay đổi loại này trong bộ gien gọi là biểu sinh học: ở đây không có thay đổi
trong lòng mật mã gien bốn gốc A,T,G,C mà là lồng ghép những nhóm hóa học vào mật
mã. Cuộc lồng ghép nầy có thể truyền chuyển qua các thế hệ và nhất do các yếu tố
môi trường gây ra và có ảnh hưởng lên mức biểu lộ của gien. Không có một chút
khác biệt gì khi so sánh biểu lộ của gien liên quan đến thái độ hung hăng loại
ong Phi châu và của gien dưới ảnh hưởng pheromon ở loại ong  châu. Trong trường
hợp nầy, thái độ xã hội có thể là "bẩm sinh" hay "thu được".
Rất có thể một mai gần đây, một trung tâm bao gồm những nhà khảo cứu nhân chủng
và xã hội sẽ làm việc chung với nhau trên đề tài bộ gien để thử xem ảnh hưởng của
gien lên quan hệ xã hội và trái lại đồng thời dung hòa "ẩm sinh" và
"thu được". Được thế, đóng góp của loài ong rất là đáng kể.
Chỉ một lần yêu rồi ong chết
Chính con ong ấy mới nhân tình
Trần Mạnh Hảo
Trong các công việc làm của ong để chứng minh cho câu tiên
tri của Einstein, có lẽ việc trao chuyển phấn hoa là một công việc quan trọng bậc
nhất. Không có khả năng tự mình thụ tinh vì bất động và đắng khác hai phần đực,
cái hầu hết nằm cách nhau trong mọi loài, những cây có hoa phải sắp đặt đủ mưu
mẹo tài tình để cám dỗ những sâu bọ biết di chuyển hòng chuyển đạt phấn thay
mình. Khi luồn mình vào một cái hoa để hút nhụy, ong cọ mình vào nhị hoa, giải
phóng phấn hoa ra khỏi bao phấn dính vào cơ thể mình. Khi qua một cái hoa khác,
ong đặt phấn hoa lên đầu nhụy thông qua vòi nhụy nối liền với buồng trứng, dọn
đường cho hột cây vào noãn thụ tinh. 80% cây cỏ cần những nhân viên chuyển đạt
này, khi thì gió, nước, khi thì động vật như chim, dơi, nhưng phần lớn là sâu bọ: cánh màng, hai cánh, cánh phấn, cánh cứng,… Đặc biệt hoa va ni lần đầu tiên ở
đảo La Réunion được con người nhân tạo thụ tinh giùm. Bên phần hoa cũng không
thiếu phương sách để hấp dẫn sâu. Có những chiến lược rất tài tình: hoa cho
phát tiết mùi sâu cái để kêu gọi hay tạo hình dáng, màu sắc để khêu gợi sâu đực.
Phía kia, sâu thì cần nhụy hoa và phấn hoa để nuôi chính mình và ấu trùng. Nếu
có thụ tinh thì thành hình một mầm trở nên hột. Đây là một cuộc trao đổi có lợi
cho đôi bên. Riêng ong là một nhân viên chuyển đạt thượng hạng : lông nhiều
mang được nhiều phấn, hút mật nhiều thì trang trải phấn nhiều nơi. Người ta tin
cuộc hợp tác nầy bắt đầu từ hơn 100 triệu năm nay, hoa và ong có thời gian
thích nghi với nhau và chính Darwin đầu tiên đã bàn đến cuộc tiến hóa song
song. Năm 1862 khi tìm ra trong hoa lan Agraecum sesquipedale một ng
mật dài đến 30cm, ông tiên đoán phải có một con sâu có vòi dài chừng ấy như ta
thường nói "trời sinh voi sinh cỏ". Hồi ấy ai cũng nghi hoặc cho đến
khi phát hiện ở Madagascar con bướm Xanthopan morgani pra.
Đôi mắt dao cau em vừa liếc
Anh là ong mật sắp hồi sinh?
Trần Mạnh Hảo
Khi nói đến ong, phần lớn chúng ta nghĩ đến ong thuần dưỡng,
loại ong mật Apis mellifera. Nhưng ong nầy chỉ là giọt nước trong biển cả
20.000-30.000 loại ong trên mặt đất. Chỉ riêng ở Pháp có đến 800-1000 loại ong
hoang dã, sống đơn độc, không tổ, không chúa, tất nhiên không tập đoàn lâu đời
hằng vạn ong. Với một cuộc sống tương đối ngắn (4-6 tuần), chúng có hậu duệ khoảng
vài chục ong. Trái lại với chúa ong thuần dưỡng đi lập một tập đoàn mới khi
chia đàn, ong hoang dã tự kiếm chỗ nương thân, mạnh ai nấy sống. Loại ong sống
trong đất (80% tổng số) đào hang trong đất hay trong cát, hằng trăm tổ chung đụng
trong vài ba met vuông. Loài ong "thợ nề" xây tổ trên đá hay tường
cũ, vận dụng cát, sạn, đất sét tẩm mật hay nước miếng, có khi nhựa thông
như Anthidellium strigatum. Có những loại chọn gỗ chết như ong lớn Xylocopa
violacea hay thân tre như Ceratina. Con ong Osmia bicolor nhỏ,
đỏ và hung, vào ở ngay trong vỏ óc sên bỏ trống, còn ong loại Nomada thì
không chút đắn đo đẻ ngay 20-30 ấu trùng của mình vào tổ của bạn đồng loại và mặc
cho nó giết ăn ấu trùng trong tổ. Thật ra cũng chẳng có gì lạ: ong hoang dã
nói chung không có truyền thống nuôi con, đẻ xong là bỏ ít phấn hoa vào rồi
đóng tổ bỏ đi!.
Kết quả công tác đồ sộ của 50 nhà khảo cứu khắp thế giới công
bố tháng ba vừa qua trong báo Sciences chứng minh năng suất sản xuất
mật tương đối thấp với ong thuần dưỡng, bằng nủa sản xuất của ong hoang dã.
Trong trường hợp cà chua, ong gấu Bombus tức bourdon, một loại hoang
dại không đơn độc đứng bậc nhất vì khi cho rung cánh nó làm rơi nhiều phấn hoa
mà ong mật Apis mellifera không biết làm. Cũng vì cơ thể lớn, ong mật
không thể luồn dễ dàng vào trong hoa linh lăng luzerne. Đằng khác, trong vườn
cà phê hay hoa hướng dương, vì ham hút mật, ong mật ít quan tâm nhuốm phấn hoa
nên ít công hiệu hơn ong gấu. Ong mật chỉ có một ưu điểm: số đông của cả một tổ! Đời sống của loại ong gấu nầy cũng đặc biệt. Cuối hè, sau khi giao cấu, ong
cái đóng cửa nằm yên trong tổ cho đến suốt mùa lạnh. Qua xuân nó kiếm chỗ xây tổ,
tìm phấn hoa rồi đẻ khoảng 100 con. Từ nay, nó không rời tổ nữa, chỉ nằm đẻ con
và nuôi con. Ong gấu có thể xem như là loại ong chuyển tiếp giữa ong hoang dại
và ong thuần dưỡng. Nhiều loại ong hoang dã đang trên đường tàn lụi vì môi trường
thiên nhiên đang thay đổi mà số lớn ong hoang dã liên quan đến những cây cỏ đặc
biệt. Càng ít cây cỏ, càng ít ong hoang dã. 50% ong hoang dã sống cuối thế kỷ
XIX đã mất và 40% đang bị đe dọa. Ngoài ra những hoá chất trong phân bón, những
ký sinh, những tác nhân gây bệnh phá hoại phát sinh từ sự độc canh cũng không
phải là những chất bổ cho ong. Đấy là chưa nói đến vì nhiều lý do tổ ong được
chuyên chở qua một môi trường khác thì thăng bằng giữa các loài ong và hoa bị đảo
lộn và trong dịp này ong hoang dã lúc nào cũng bị thua thiệt vi ong mật quá
đông! Vấn đề sinh thái luôn cần được giải quyết giữa người nuôi ong và những
chuyên gia khảo cứu về ong.
Tôi yêu con ong vì ong chăm chỉ
Tìm nhụy hoa làm mật ngọt cho đời.
2.2021
Võ Quang Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét