Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Đặc sắc hoa chuối rừng Tây Bắc

Đặc sắc hoa chuối rừng Tây Bắc

Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe cô giáo giảng bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, lòng trào dâng cảm xúc mãnh liệt về một vùng quê có một loài hoa đặc trưng mà tôi chưa từng được nhìn tận mắt một lần.
Ngày ấy, tôi chỉ biết đến Tây Bắc qua những trang văn thơ và tôi ước giá một lần được đến với mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc để trèo đèo lội suối, lên non ngắm sương rơi tuyết phủ và quan trọng nhất là được mục sở thị bông hoa chuối rừng. Yêu thơ Tố Hữu yêu luôn cả Tây Bắc và bông hoa chuối rừng vùng biên viễn: “Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người/ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.
Hoa chuối rừng. Tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà
Không biết có phải từ khi Tố Hữu đưa hoa chuối rừng vào bài thơ này mà bông hoa chuối từng Tây Bắc trở lên tươi đẹp lạ lùng như thế. Với tôi, ai đã từng đến với Tây Bắc mà chưa được ngắm bông chuối rừng trên non cao thì thật coi như chưa đến. Hình ảnh bông chuối thực nổi bật giữa ngút ngàn màu xanh của cây rừng mãi để lại dấu ấn tươi đẹp không bao giờ phai mờ. Tôi mê loài hoa này từ cái nhìn đầu tiên. Ấy là một lần đi thực tế tại xã Pha Mu huyện Than Uyên.
Lần ấy tôi được chiêm ngưỡng hẳn một chùm hoa chuối rừng trên đường từ trung tâm xã Pha Mu vào bản Huổi Bắc. Quả thật, chưa lần nào tôi bị “cái hoa” làm cho mắt, môi, miệng, mặt cùng reo lên hớn hở như người thợ vàng đãi được cục to vàng mười sau nhiều ngày sạch máng. Anh bản địa dẫn đường thấy tôi reo lên thích thú tới cực độ nên anh làm luôn một bài thuyết minh về chuối đến giờ tôi vẫn nhớ như in từng lời. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc ấy đã non một giờ chiều, chúng tôi còn chưa được nghỉ ăn trưa mà sự say mê bông hoa chuối rừng đã khiến anh và tôi cùng quên bẵng cái đói cồn cào và cái mệt bải hoải trong người cách đó chỉ vài giây là chúng tôi run rẩy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn đồ rằng bất cứ ai có một chút tình yêu với thiên nhiên thì khi gặp bông hoa chuối rừng giữa đại ngàn Tây Bắc mênh mang cũng sẽ hào hứng, say sưa vui vẻ đến lạ kỳ. Thế mới thấy, loài hoa mộc mạc, giản dị nhưng có ma lực, có sức hút một cách mãnh liệt.
Bông hoa mọc thẳng đứng ở ngọn tượng trưng cho dương khí, mang đến nguồn năng lượng tích cực. Hoa chuối rừng mang ý nghĩa cho sự sinh sôi nảy nở. Dù trong điệu kiện thời tiết nào thì cây chuối rừng vẫn sinh sôi quanh năm suốt tháng không kể mưa nguồn thác lũ hay tiết trời rét buốt cắt da xé thịt chuối vẫn đơm bông. Mỗi cây trưởng thành đều sẽ chắt lọc những tinh túy trời đất, xé dứt toàn bộ sức mạnh, những ngọt ngào trong đất, rừng, hút cả những trong lành của không gian để tận tâm dâng hiến cho rừng bông hoa đỏ rực như máu của cây mẹ truyền cho sức sống cho con. Mỗi khi cây mẹ đơm bông, kết quả rồi già lụi thì ngay dưới gốc đã tua tủa mầm con xuyên đất đâm lên kế nghiệp giống nòi.
Không chỉ có mình tôi hào hứng với loài hoa đặc biệt này mà cô em bạn viết của tôi cũng có cảm xúc tương tự. Chúng tôi cùng đi dọc con sông Nậm Na, ở bên này sông nhìn sang sườn núi bên kia cũng khá xa vậy mà cô em nhất quyết không rời mắt kiếm tìm và kết quả là cô reo lên thích thú khiến cả xe giật mình. Cô đã “tia” được bông chuối rừng đỏ chót nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh của núi vơi cây rừng ngút ngắt. Quả thật trong cái mênh mang xanh của cây rừng, nước và da trời, có được một màu đỏ tươi mới rực rỡ mới thật núi thật đẹp, thật kiêu hùng bao nhiêu.
Lần đầu tiên được ngắm bông chuối dù vô cùng xúc động nhưng tôi vẫn kịp có một khoảng thời gian đủ để nhớ về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ “Việt Bắc” của ông để thấy được sức sống bền bỉ của bài thơ cũng như sức cuốn hút đến khó cưỡng của loài hoa tự nhiên trên non cao. Loài hoa có màu hoa như cánh sen hồng, búp hoa thon như búp sen, dáng vươn cao thẳng đứng lên trời như bông sen nhưng chuối rừng vẫn có nét mạnh mẽ, kiên cường, mộc mạc đáng yêu riêng biệt.
Cây chuối rừng từ xa xưa đã được đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đánh giá cao giá trị dinh dưỡng và giá trị y học. Bất kể bộ phận nào của cây cũng có giá trị nhất định, đặc biệt chuối rừng lành tính và còn là thuốc chữa bệnh. Còn đối với bông hoa chuối rừng Tây Bắc ngoài việc mang trong mình giá trị dinh dưỡng, giá trị y học thì bông hoa còn mang giá trị thẩm mỹ rất cao bởi thế thẳng đứng vươn cao tượng trưng cho bản tính trung trực, dáng cây thanh mảnh, hoa hình búp, to khỏe, chắc chắn, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ hồng bắt mắt, ưa nhìn… Cũng chính nhờ những ưu thế đó mà người phố ưa thích cắm một bình hoa chuối rừng trong phòng khách làm cho căn phòng trở lên rực rỡ, tươi mới. Không chỉ có vậy, người ta còn quan niệm rằng, màu đỏ (hồng) của hoa còn thể hiện cho sự may mắn rực rỡ đối với gia chủ. Nếu có thêm tàu lá đi kèm thì càng quý bởi màu xanh của lá là biểu tượng cho sự màu mỡ, tươi tốt. Bẹ chuối mới tách ra khỏi bông để lộ những quả chuối non xanh xòe rộng ra ôm lấy búp hoa như bàn bay người mẹ che chở bảo vệ đứa con thơ bé tươi đẹp của mình. Đó làm biểu tượng cho sự bình an, hạnh phúc, xum vầy, gắn kết. Còn gì vui thích hơn khi trong gia đình có một bình hoa chuối rừng vào dịp đón xuân phải không bạn.
Quay lại với anh bạn người bản địa xã Pha Mu trong chuyến đi thực tế của chúng tôi. Thấy tôi say mê, hớn hở ngắm hoa, chăm chú nghe anh giảng giải về hoa nên anh không ngần ngại dừng xe trèo lên sườn núi hái cho tôi một chùm ba bông rực rỡ. Tôi vồ vập nhận hoa từ tay anh, nâng niu, trân quý đóa hoa rừng. Trân quý tình cảm trân chất, mộc mạc của anh trai rừng mà ôm theo hoa cả trăm cây số về nhà. Để hoa tươi được lâu ngày, anh chu đáo dặn dò tôi: “Chị muốn hoa tươi lâu, bền màu, không bị thâm dập thì chị phải ngâm hoa vào nước suối.” Tôi hỏi anh một câu mà lẽ ra không nên hỏi: “Sao lại vậy?” Anh trả lời thật như người của núi: “Chúng tôi không biết vì sao, đây là kinh nghiệm của bà con truyền từ đời này sang đời khác”. Nghe anh trả lời tôi bỗng thấy mình thật ngớ ngẩn. Hoa đương nhiên cần nước, cây tên rừng cần nước dưới suối là một sự kết hợp hài hòa, bổ trợ cần thiết, là quy luật của sự sống đã tồn tại từ ngàn đời nay trên mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ và linh thiêng này.
Nhờ được anh mách mắc nước mà bình hoa chuối rừng mang đến vẻ đẹp tươi mới, màu mỡ cho ngôi nhà tôi đến hơn một tháng trời! Bình hoa đẹp, độc, lạ với đủ hương sắc của núi rừng Tây Bắc quyến rũ, mê mẩn bao vị khách tới thăm nhà.
Bạn đã thử chưa, nếu chưa hãy một lần đến với Tây Bắc, lượn quanh những con đường bên cạnh những dòng sông cánh rừng tự nhiên để tận mắt tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn là được ngắm bông chuối rừng. Với tôi mỗi lần được ngắm hoa chuối rừng là mỗi lần tôi như có thêm sinh lực để sống, để yêu và để cống hiến!.
30/1/2023
Thanh Tám
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...