Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

"An Nam chí lược" trong dòng chảy lịch sử

"An Nam chí lược"
trong dòng chảy lịch sử

Dù có những đánh giá khác nhau về tác phẩm này nhưng về mặt tư liệu và học thuật, cơ bản nhiều người đã có những nhận định khá tương đồng: Đây là một công trình có giá trị về nhiều mặt.
Tác giả “An Nam chí lược” là Lê Tắc. Chưa rõ bộ sách được viết khi nào, từ năm 1307 đã bắt đầu có những lời tựa và giới thiệu. Bộ sách này được công nhận là tài liệu của nhà nước nên còn có lời giới thiệu của Tứ khố toàn thư. Trong bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu đã có lời khen ngợi: “Các sự biên chép như trên (trong “An Nam chí lược“) càng đủ chứng tỏ các bộ Nguyên sử có nhiều thiếu sót. Còn như biên chép các loại sơn xuyên, nhân vật thì rõ ràng đầy đủ, thật có công tìm tòi, kê cứu… không kém gì bộ sử Cao Ly vậy”.
Nhiều sử liệu quý
Nhiều người Việt Nam đã biết đến tác phẩm này nhưng suốt trong gần 6 thế kỷ không ai muốn nhắc đến, hoặc có nhắc thoáng qua. Một số sách của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, các bộ sử lớn của triều Lê, triều Nguyễn đã có nhắc đến tên, song không ai đưa ra nhận xét, đánh giá nào. Như vậy, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà viết sử của nước ta đã đọc cuốn này, có trích dẫn nhưng không dẫn nguồn và không bình luận gì, như là một cách “lờ đi” sự tồn tại của công trình này.
Bộ “An Nam chí lược” cung cấp những góc nhìn mới khách quan hơn, chân xác hơn về lịch sử của dân tộc.
Năm 1939, trên Tạp chí Tao Đàn số 3 ngày 1.4.1939, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại đã có bài viết gay gắt nhan đề “Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã”. Quan điểm này được cụ Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ, ủng hộ. Cũng có vài người có ý kiến dung hòa hơn, kiểu như Lê Tắc là kẻ hàng thần nên đành phải nói theo lập trường của quân xâm lược; hoặc Lê Tắc cố tình ghi lại những thành tựu, chiến tích của quê hương, xứ sở của mình…
Với nhiều nhà nghiên cứu người Trung Quốc và phương Tây, “An Nam chí lược” được quan tâm khá nhiều, thông qua việc sao chép, dịch, giới thiệu, trích dẫn, trong suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
Bộ “An Nam chí lược” có 20 quyển nhưng hiện đã thất lạc mất 1 quyển, còn 19 quyển. Tìm hiểu “An Nam chí lược”, có thể thấy tác phẩm đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý giá về nước ta từ đời Trần trở về trước ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị, văn hóa, văn học quân sự cho đến địa lý, lịch sử…, về quan hệ giữa các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tài liệu về nước ta trong các thời kỳ này rất hiếm. Chẳng hạn, phần nói về áo mão phẩm phục, Lê Tắc cho biết: “Mão của tước vương chia ra ba bậc, tước hầu hai bậc, minh tự một bậc, gọi là mão củng thần, ở trên có đính con ong, con bướm bằng vàng, lớn nhỏ thưa dày tùy theo cấp bậc”… Hay ở quyển 15, Lê Tắc đã giới thiệu sơ lược về những đặc sản của nước ta thời xưa, như tơ tằm, muối, vàng bạc, ngọc trai, san hô, đồi mồi, trầm hương, quế, sáp ong, sừng tê giác, voi, bò tót, hươu trắng, tinh tinh, trứng kiến muối chua…
Bên cạnh đó, dường như vô tình, qua “An Nam chí lược“, Lê Tắc đã thể hiện được những nét đặc sắc của văn hóa, chính trị, quân sự nước ta. Về các cuộc chiến, nhiều đoạn ông ta không thể giấu giếm được sự anh dũng, thiện chiến của quân dân ta. Chẳng hạn, nói về cuộc chiến chống quân Nam Hán (năm 939), Lê Tắc viết: “Khi Hoàng Tháo tới Giao Châu, Ngô Quyền đã giết Kiều Công Tiễn, rồi đem quân đón đánh Tháo. Trước đó, Ngô Quyền đã cho cắm nọc vót nhọn và bọc sắt ở cửa biển rồi, khiến người đem thuyền nhẹ, chờ khi nước thủy triều dâng lên thì khiêu chiến, giả thua, chạy trốn. Hoằng Tháo đuổi theo, một lát sau thủy triều xuống, các chiến thuyền của Tháo bị mắc nọc, không trở về được, khiến cho quân bị tan rã và chết đuối…”.
Hay Lê Tắc dù tỏ ra đắc ý với các tờ biểu của vua tôi Đại Việt gửi triều đình phương Bắc tỏ ý cầu hòa sau khi đánh tan quân xâm lược hoặc thể hiện tinh thần nhún nhường nhưng không kém phần kiên quyết thì chính điều đó đã bộc lộ chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo của các triều vua nước ta.
Được đánh giá tốt
Dù có những đánh giá khác nhau về tác phẩm này nhưng về mặt tư liệu và học thuật, cơ bản nhiều người đã có những nhận định khá tương đồng nhau. Đây là một công trình có giá trị về nhiều mặt.
GS Chương Thâu cho rằng: “Một cuốn chí lược có đủ những thông tin về lịch sử, duyên cách địa lý, nhân vật, thơ ca và cả những mặt về phong tục, tập quán, sản vật… để cho người đọc có một ý niệm rõ ràng về đất nước An Nam (Việt Nam) quả là cần thiết. Lê Tắc đã thỏa mãn được yêu cầu đó, nên cuốn sách mới được chú ý”.
Tác giả Nguyễn Huệ Chi trong mục từ “An Nam chí lược” in trong Từ điển văn học (bộ mới), năm 2004, đánh giá: “Đây là một bộ sách tập hợp sử liệu và văn liệu về Việt Nam, thiên về một phương diện: trình bày mối quan hệ lịch sử nhiều mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc. (…) Tuy nhiên, cũng nhờ được tiếp xúc với sách vở Trung Quốc thuở ấy, tác giả đã ghi lại được khá nhiều tư liệu hiếm hoi liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam”…
Trong một nghiên cứu mang tên “Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược“, GS Trần Kinh Hòa (1917-1995), một chuyên gia Đông phương học người Đài Loan, nhận xét: “Chúng ta nhận thấy những sự kiện đã xảy ra trong khoảng 1275-1339 mà được thấy trong sách đều có thể coi như những sử liệu đáng tin cậy”.
Nhìn chung, về giá trị tư tưởng của “An Nam chí lược” thì đã rõ nhưng giá trị tư liệu và giá trị lịch sử của công trình này là đáng kể. Hiện nay, trong bối cảnh nhu cầu nghiên cứu về lịch sử dân tộc ngày càng mở rộng, việc tìm kiếm các nguồn thông tin có liên quan đến đất nước ngày càng nhiều, với những tư liệu độc đáo, có ý nghĩa, khi đối chiếu với những nguồn tư liệu khác, “An Nam chí lược” có thể góp phần cung cấp những góc nhìn mới khách quan hơn, chân xác hơn về lịch sử của dân tộc.
Vài nét về Lê Tắc
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Tắc là một nhân vật khá đặc biệt. Là thuộc hạ của Trần Kiện, một tôn thất nhà Trần đầu hàng giặc Nguyên (năm 1285), Tắc trượt dài trên con đường phản bội Tổ quốc, phải sống nhờ ở phương Bắc.
Vì là người phản quốc nên sách sử đương thời đều không nói nhiều đến Lê Tắc. Sau khi sang Trung Quốc, từ năm 1292, Lê Tắc được nhà Nguyên phong chức nhưng không thực sự đến nhiệm sở mà yên phận dưỡng lão, chuyên tâm nghiên cứu và soạn ra cuốn “An Nam chí lược”. “An Nam chí lược” được viết bằng một cái giọng thiên triều đáng ghét nhưng chép được khá nhiều tư liệu quý. Vì thế, bộ sách trở thành công trình khảo cứu về nước ta lâu đời nhất còn lại, do một người Việt viết.
10/10/2022
Nguyễn Minh Hải
Nguồn: Báo Người Lao Động
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...