Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Mikhail Sholokhov - Vị ẩn sĩ bên bờ sông Đông

Mikhail Sholokhov
Vị ẩn sĩ bên bờ sông Đông

Nhà văn Liên Xô nổi tiếng Mikhail Sholokhov (1905-1984) đoạt giải thưởng Nobel Văn học năm 1965. Ông là tác giả của những tác phẩm chính như: “Những câu chuyện sông Đông” (tập truyện ngắn, 1925), “Sông Đông êm đềm” (tiểu thuyết, 1928-1940), “Đất vỡ hoang” (tiểu thuyết, 1932-1960),”Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” (tiểu thuyết, 1942), “Khoa học căm thù” (tập truyện ngắn, 1942), “Số phận một con người” (truyện vừa, 1956-1957).
Nhân dịp kỷ niệm 115 ngày sinh của nhà văn (1905-2020), xin trân trọng giới thiệu một vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.
Nhà văn Mikhail Sholokhov
Tại Stockholm, nơi Vua Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Văn học cho Mikhail Sholokhov, lần đầu tiên nhà văn mặc chiếc áo đuôi tôm hiện vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Sholokhov ở làng Vyoshenskaya, nơi nhà văn luôn trở về sau tất cả các chuyến đi. Ông không bao giờ chuyển đến sống ở Moskva, vì vậy ở thủ đô, người ta gọi ông là “vị ẩn sĩ bên bờ sông Đông”.
Một người chính trực
Ở làng Vyoshenskaya, gia đình Sholokhov làm ruộng,  nuôi bò. Các con ông – hai trai, hai gái – đến trường làng. “Cho đến năm học lớp mười, tôi vẫn chưa đi giày, mùa hè, tôi chạy chân trần như tất cả những đứa bé trong làng. Tôi đi giày lần đầu tiên vào năm lớp 9 –  Bà Maria Mikhaylovna, con gái út nhà văn, kể:
– Bố tôi là người hào phóng, ông không quan tâm tới nhuận bút, ông hỏi nhà xuất bản: “Ai phải trả tiền cho ai: các bạn cho tôi hay tôi cho các bạn?”. Vào đầu chiến tranh, bố hiến toàn bộ tiền giải thưởng Stalin cho việc xây dựng quốc phòng. Còn giải thưởng Lenin bố dành để xây dựng ngôi trường làng, nơi bố từng học ngày xưa. Căn nhà ở làng Vyoshenskaya được xây bằng tiền nhuận bút của bố, sau này gia đình đã hiến tặng nhà nước.
Cuối đời, bố tôi chống chọi với bệnh ung thư. Khi không thể đi lại, phải nằm điều trị tại một bệnh viện ở Moskva, ông gọi điện cho Tỉnh ủy Rostov nhờ đưa máy bay đến đón, vì bố không thể đi tàu hỏa. Máy bay đưa bố về thẳng làng Vyoshenskaya, nhà chúng tôi cách sân bay không xa. Các bác sĩ rất khâm phục bố: ông không uống thuốc giảm đau. Cho đến tận phút cuối, bố vẫn rất minh mẫn. Bố hôn tay mẹ lúc vĩnh biệt.
Một tháng trước lúc qua đời, bố mẹ kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Mẹ chúng tôi, Maria Petrovna, là giáo viên phổ thông, con gái một thủ lĩnh Cô-dắc của làng. Bố mẹ kết hôn năm 1924, mặc dù thời bấy giờ thậm chí giữ tượng thánh trong nhà cũng bị coi là phạm tội. Ít lâu sau, bố bị khai trừ khỏi đoàn thanh niên Komsomol. Nhưng bố chỉ nhún vai: “Cứ để mặc họ khai trừ. Bố chưa bao giờ là đoàn viên Komsomol”.
“Bố và mẹ không bao giờ rời xa nhau, thậm chí cả khi đi săn – Bà Maria kể tiếp – Bố tôi là người khảng khái. Tôi vẫn nhớ lần bố từ chối đến gặp Tổng Bí thư Khruschyov. Bà Nina Petrovna, vợ Khruschyov, gọi điện thoại nhiều lần trước khi bố tôi nói: “Thưa chị, tôi vui mừng được phục vụ, nhưng bợ đỡ thì không”.
Vì sự thẳng thắn và chính trực này nên suốt đời bố như đi trên lưỡi dao. Bố cực lực phản đối việc tra tấn tại các cuộc thẩm vấn của Bộ Dân uỷ Nội vụ. Ông viết về điều này cho Stalin. Đáp lại, người ta đã dựng lên một vụ án chống lại chính Sholokhov. Bố bị vu cáo là kẻ phản cách mạng và đang chuẩn bị một cuộc nổi loạn của người Cô-dắc.
Kịch bản như sau: bố bị bắt ở làng Vyoshenskaya và trên đường đến ga xe lửa Millerovo thì bị bắn “khi đang định chạy trốn”. Quả thật, năm 1938, Sholokhov suýt bị bắt, nhưng trước đó, ông đã “đột ngột đi săn”. Thực ra, nhà văn lên Moskva để tìm kiếm sự thật.
Câu chuyện của nhân viên Cheka
Sholokhov được nhân viên Ủy ban đặc biệt địa phương (Cheka) Ivan Pogorelov, người được giao nhiệm vụ thủ tiêu Sholokhov, cảnh báo. Sau đây là câu chuyện của bà Alina Pogorelova, con gái của ông Ivan Pogorelov: “Những người phụ trách Dân ủy Nội vụ tỉnh Rostov – Grechukhin và Kogan – thông báo rằng đây là nhiệm vụ do chính Yezhov (phụ trách Bộ Dân ủy Nội vụ năm 1936-1938) và Stalin giao. Bố tôi không tin điều đó và đã kể hết với Sholokhov. Họ cùng đến Moskva.
Qua Poskrebyshev, thư ký của Stalin, Sholokhov chuyển cho lãnh tụ một mẩu thư: “Kính gửi đồng chí Stalin, tôi có việc rất gấp. Xin gặp đồng chí vài phút. Kính thư”. Mikhail Sholokhov và bố tôi nghỉ tại khách sạn “National”. Hai tuần liền, ông và bố tôi ngồi trực bên điện thoại, không dám đi đâu, vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi của Stalin. Cuối cùng, Poskrebyshev gọi đến: “Đồng chí Stalin muốn gặp ông”.
Ngày 31 tháng 10 năm 1938, bố tôi và Sholokhov vào phòng làm việc của Stalin lúc 16h15 và ra đi lúc 18h55. Ở đấy có Yezhov, Malenkov, Molotov, Kaganovich và hai cán bộ an ninh của tỉnh Rostov – Kogan và Grechukhin. Họ phủ nhận hoàn toàn, nhưng bố tôi đưa ra bằng chứng là cuốn sổ do chính Kogan ghi lại địa chỉ của ngôi nhà bí mật ở Rostov, nơi bố được mời đến. Khi chỉ còn lại ba người: Stalin, Sholokhov và bố tôi, Stalin hỏi nhà văn: “Nghe nói ông hay uống rượu phải không?”, Mikhail Sholokhov trả lời: “Cuộc sống thế này, thưa đồng chí Stalin, không thể không uống”.
Thực ra, mối quan hệ giữa Stalin và tác giả của “Sông Đông êm đềm” có nhiều mâu thuẫn. Sau khi xuất bản tập 1 tiểu thuyết, Sholokhov bị buộc tội có cảm tình với quân Bạch vệ. Stalin nói rằng Sholokhov “đã phạm một số sai lầm”. Người phụ trách Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô lúc bấy giờ Yagoda nói với Sholokhov: “Dù sao anh vẫn là kẻ phản cách mạng. “Sông Đông êm đềm” của anh gần quân trắng hơn quân đỏ”. Nhân tiện cũng xin nói, nhân vật chính Grigory Melekhov không trở thành người cộng sản. Sholokhov viết cho Stalin: “Tôi ra sức thuyết phục Grigory, nhưng anh ta không muốn vào đảng!”.
Vào những năm 30, có lẽ Sholokhov là nhà văn Liên Xô nổi tiếng duy nhất viết cho Stalin về nạn đói ở Ukraina, về sự tra tấn ở Bộ Dân ủy Nội vụ và về những người nông dân bị phá sản, những gia đình bị chết, nhiều người phải ăn cỏ và vỏ cây. Tại sao Stalin cho phép điều đó? Có lẽ, ông đánh giá đúng sự dũng cảm vô tư của nhà văn nổi tiếng thế giới?
Thân thiện với chính quyền
Mikhail Sholokhov không có quan hệ gần gũi với Tổng Bí thư Khrushchyov như với Stalin. Nhưng với Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, nhà văn luôn luôn xưng hô thân mật. Nhiều người nghĩ rằng Brezhnev mang ơn Sholokhov, nên ông phải chấp nhận sự suồng sã như vậy.
“Quả thật, với Brezhnev, bố tôi xưng hô rất thân mật” – Bà Svetlana Sholokhova, con gái nhà văn, kể. Họ gặp nhau tại mặt trận Ukraina hồi chiến tranh. Cả hai đều mang hàm đại tá, họ tình cờ đi qua một trong những thị trấn bị tàn phá. Brezhnev không biết rằng trước mặt ông là nhà văn nổi tiếng Sholokhov, còn Sholokhov không biết rằng đây là Tổng Bí thư tương lai.
Họ tìm thấy ngôi nhà duy nhất còn nguyên vẹn để qua đêm. Đi tiếp rất nguy hiểm, vì có thể vướng phải một bãi mìn. Và thế là bố tôi và Leonid Brezhnev nằm ngủ trên một chiếc bàn rộng, đắp chung một chiếc áo khoác. Nhiều năm sau, bố tôi nhận ra Tổng Bí thư mới chính là vị đại tá đã từng qua đêm với ông. Trong một lần gặp nhau, bố tôi nhắc lại với Leonid Brezhnev chuyện cũ. Và họ trở nên thân thiết.
Số phận một tập bản thảo
Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Sholokhov làm phóng viên chiến trường. Ông đã có mặt tại bảy mặt trận, bị thương nặng. Năm 1942, ngôi nhà của nhà văn ở làng Vyoshenskaya bị đánh bom, mẹ ông qua đời.
Cho đến cuối đời, Sholokhov phải chịu đựng sự đàm tiếu, rằng ông không phải là tác giả của “Sông Đông êm đềm”. “Câu chuyện bắt đầu từ những năm 20, sau khi phần I của cuốn sách được xuất bản – Nhà văn Liên Xô Valentin Osipov kể – Thậm chí một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để xem xét. Và Sholokhov đã mang bản thảo đến Moskva.
Cuối cùng, báo “Sự thật” đã công bố một bức thư nói rằng quyền tác giả của Sholokhov không còn nghi ngờ gì nữa. Trước khi ra mặt trận, bản thảo “Sông Đông êm đềm” mà nhà văn đã viết trong 14 năm trời và hoàn tất vào năm 1939, được Mikhail Sholokhov gửi tại nhà một người bạn thân ở thủ đô, nhà văn Vasily Kudashov. Ông này sau đó đã hy sinh ngoài mặt trận”.
Bà Maria Mikhaylovna kể: “Tin đồn Sholokhov đánh cắp bản thảo lại bùng lên mạnh mẽ vào những năm 70 của thế kỷ trước – Bố tôi không bao giờ thể hiện ra bên ngoài, nhưng, tất nhiên, ông rất phiền muộn. Cùng với anh trai Mikhail chúng tôi đến gặp bà  vợ của nhà văn Kudashov và hỏi: “Chú Vasily có nói gì về tập bản thảo hoặc có nhắn nhủ gì trong thư không?”. Bà ta trả lời: “Không”.
Nhưng khi bố tôi qua đời, hóa ra, bà ta vẫn giữ tập bản thảo dài hơn một nghìn trang! Sau khi bà vợ của nhà văn Kudashov và con gái qua đời, tập bản thảo rơi vào tay một người bà con xa của họ, người này đòi bán với một khoản tiền đô-la rất lớn. Chúng tôi không có số tiền đó. Suýt nữa thì tập bản bị thất lạc ra nước ngoài. May mà có sự giúp đỡ kịp thời của Thủ tướng Vladimir Putin lúc bấy giờ. Vladimir Putin đã tìm được tiền để chuộc lại tập bản thảo. Hiện nay nó là tài sản quốc gia”.
18/11/2020
Trần Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...