Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Một đêm mưa ấm với nhà thơ Hoài Vũ

Một đêm mưa ấm
với nhà thơ Hoài Vũ

Khi nói đến thơ, đến văn chương thì tôi mới thấy hết một Hoài Vũ hóm hỉnh và đáng yêu đến dường nào. Ông kể về hoàn cảnh ra đời các bài thơ, mỗi bài gắn với một người con gái và rất lãng mạn. Dù rằng các bài thơ của ông trong kháng chiến có sức lan tỏa, thúc giục, động viên mạnh mẽ nhưng tất cả đều ra đời bằng chính cảm xúc thật của ông với những con người thật, câu chuyện thật trong đời thường…
Trưa. Nhận được tin nhắn từ nhà thơ đồng hương Phan Hoàng: Chiều Khang ghé quán… chơi với anh. Có nhà thơ Hoài Vũ.
Nhà thơ Hoài Vũ. Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Ôi, không tin được!
Tôi nghe tên ông dễ chừng hơn 40 năm, khi tôi còn là cậu nhóc đi học trường làng. Lúc đó, loa phát thanh vẫn thường phát các bài hát do các nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Trương Quang Lục, Thuận Yến…. phổ thơ của nhà thơ Hoài Vũ.
Chiều. Sài Gòn mưa xối xả. Trên đường về dù có áo mưa nhưng quần áo tôi vẫn bị ướt nhèm. Tôi nhắn tin cho anh Phan Hoàng: Em bị mưa ướt, về nhà thay đồ, ra trễ xíu nha anh!
Thật ra thì tôi cũng muốn xuất hiện thật tươm tất trước nhà thơ của Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… mà mình hằng yêu mến, ngưỡng mộ bao lâu nay cho lịch sự hơn chút so với tôi thường ngày. Một phần nữa là tôi sợ ông sẽ không có cảm tình nếu như tôi ăn mặc không chỉn chu. Thế nhưng tôi đã lầm.
Nhà thơ Phan Hoàng chỉ tôi ngồi gần với nhà văn Cao Chiến, kế đó là nhà thơ Hoài Vũ. Ông anh Phan Hoàng rất tinh tế vì biết tôi và anh Cao Chiến từng gặp nhau cà phê rồi nên bảo tôi ngồi gần anh để dễ nói chuyện. Sau lời giới thiệu một lượt các nhà văn, nhà thơ có mặt hôm đó của anh Phan Hoàng thì bậc lão thành Hoài Vũ quay qua tôi:
– Khang, ăn đi Khang!
Một cảm giác thân tình làm tôi cảm thấy bớt bỡ ngỡ.
Qua câu chuyện giữa nhà thơ Hoài Vũ với mọi người tôi biết rằng ông đã 87 tuổi. So với tuổi nhìn ông trẻ hơn nhiều.
Tôi mạnh dạn quay về phía ông:
– Em nói thật, từ lâu em cứ nghĩ nhà thơ Hoài Vũ không còn trên cõi đời này nữa. Nghe thơ phổ nhạc của bác rất gần gũi còn người thì xa vời vợi. Bây giờ nếu tính về tuổi tác thì bác hơn má em một tuổi. Kêu bác thì già, mà kêu anh thì…
Tôi vừa nói đến đây thì ông bật cười vui vẻ và nói ngay:
– Kêu anh đi cho nó thân thuộc.
Anh Cao Chiến phụ họa thêm:
– Anh em văn nghệ không có tuổi. Em cứ kêu anh đi!
Trong suốt bữa tiệc nhà thơ Hoài Vũ ít nói. Thỉnh thoảng ông quay qua nhắc tôi ăn. Kế ông là nhà thơ quân đội Quang Chuyền cũng cao niên nhưng nhìn rất… bụi. Bữa hôm đó còn có nhà văn Trần Nhã Thụy, các nhà thơ Phùng Hiệu, Phạm Phương Lan, Doãn Thụy Như của Sài Gòn. Ở xa có nhà thơ Trần Đức Trí từ Hải Phòng vào, nhà thơ Phạm Trung Tín từ Bình Dương xuống, nhà văn Phan Đức Nam từ Vĩnh Long lên và nhà thơ trẻ Trần Ngọc Khánh Dư vốn ở Sài Gòn nay định cư kinh doanh trên Đắk Nông xuống khám chữa bệnh.
Mặc dù có anh Phan Hoàng đồng hương thân thiết nhưng ngồi giữa nhiều người nổi tiếng tôi có chút rụt rè thiếu tự tin lúc ban đầu. Tôi lại có tật xấu là hút thuốc nhiều. Những lúc căng thẳng, lo lắng thì tôi càng hay hút thuốc. Song ngồi trong bàn có đông người, lớn tuổi, tôi ngại không dám hút. Như hiểu ý tôi, nhà thơ Hoài Vũ đẩy gói thuốc sang và bảo:
– Hút một điếu đi Khang!
Tôi cám ơn ông và cầm lấy điếu thuốc châm lửa định bước ra ngoài hút thì ông nói ngay:
– Cứ ngồi đây hút, không sao đâu!
Nhà thơ Hoài Vũ với bạn thơ trẻ Huỳnh Khang
Từ cảm giác bị khớp, bỡ ngỡ nhưng qua vài câu nói gần gũi của nhà thơ Hoài Vũ làm tôi thấy tự tin hẳn lên. Trong suốt bữa ăn ông ít nói nhưng luôn tỏ ra thân thiện với tất cả anh em. Anh Phan Hoàng chủ xị thì lâu lâu chọc một câu gây hài làm tất cả bật cười. Những người có mặt hôm nay đều là bạn văn tri kỷ của anh, đặc biệt nhà thơ Hoài Vũ thì gần như chỉ có anh mời ông mới chịu rời khỏi nhà và ngồi chuyện trò được lâu.
Khi mọi người đến đông đủ, anh Phan Hoàng đứng dậy mời hai bậc lão thành Hoài Vũ và Quang Chuyền đại diện tặng hoa chúc mừng Doãn Thụy Như mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn học. Anh Trần Nhã Thụy cũng tặng hoa chúc Trần Ngọc Khánh Dư mau lành bệnh. Cả bàn cùng đứng dậy chụp hình lưu niệm với hai nữ sĩ xinh đẹp và đa năng.
Trước khi đến đây tôi nghĩ rằng nhà thơ Hoài Vũ là người đạo mạo, khó gần, ăn to, nói lớn. Nhưng tuyệt nhiên không. Ông ăn mặc giản dị, lời nói nhỏ nhẹ, chân tình với nụ cười hiền như bụt. Qua thơ, tôi cũng nghĩ Hoài Vũ là người Long An, nơi có dòng Vàm Cỏ Đông nổi tiếng trong thơ ông từ thời kháng chiến. Nhưng thực ra ông là người gốc Quảng Ngãi, có điều lời nói, cử chỉ giống người Nam Bộ chính hiệu. Suốt buổi trò chuyện trước đó ông cũng không hề nhắc về chiến tranh hay chiến công gì cả.
Đến 9h tối trời vẫn còn mưa. Vì ở xa, một số anh em xin phép về trước. Nhà thơ Hoài Vũ vẫn tiếp tục ngồi lại cùng với Phan Hoàng, Cao Chiến, Phan Đức Nam, Trần Đức Trí, Doãn Thụy Như và tôi.
Sau màn chụp hình lưu niệm và chia tay một số anh em thì bầu không khí có vẻ lắng xuống. Cô nàng xinh đẹp Doãn Thụy Như khơi mào bằng cách trổ tài ngâm thơ. Thật bất ngờ, cô nàng có giọng ngâm rất hay. Sau tràn pháo tay thì cô nàng lại khe khẽ: “Dù đi đâu và xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim anh không trao em nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau…” Tất cả chúng tôi lặng người và cùng hát nhẩm theo.
Một cảm giác văn chương bao trùm, khó diễn tả hết được. Khi nói đến thơ, đến văn chương thì tôi mới thấy hết một Hoài Vũ hóm hỉnh và đáng yêu đến dường nào. Ông kể về hoàn cảnh ra đời các bài thơ, mỗi bài gắn với một người con gái và rất lãng mạn. Dù rằng các bài thơ của ông trong kháng chiến có sức lan tỏa, thúc giục, động viên mạnh mẽ nhưng tất cả đều ra đời bằng chính cảm xúc thật của ông với những con người thật, câu chuyện thật trong đời thường.
Các nhà thơ, nhà văn tặng hoa cho Doãn Thụy Như, Trần Ngọc Khánh Dư và chụp ảnh lưu niệm.
Nhà thơ Hoài Vũ đọc và diễn giải ngắn gọn hoàn cảnh ra đời từng bài thơ như: Vàm Cỏ Đông, Người đẹp Hàng Châu, Đi trong hương tràm, Hoàng hôn lặng lẽ – mà sau này được nhạc sĩ Thuận Yến phổ với tựa Chia tay hoàng hôn. Tất cả chúng tôi say mê ngồi nghe ông nói, ông đọc.
Trong chiến tranh tàn khốc, khói lửa triền miên ta vẫn thấy một Hoài Vũ lãng mạn đến dường nào:
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi
Hoa khế rụng tím hầm ngầm bí mật
Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…
(Hoàng hôn lặng lẽ)
Hay:
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng lên sóng nước chơi vơi
(Vàm Cỏ Đông)
Và:
Em gửi gì trong gió trong mây
Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp nơi mây hương tòa bay!
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau.
(Đi trong hương tràm)
Tôi lặng người nghe ông nói về thơ, đọc thơ. Ngồi với ông với cảm giác đồng điệu dường như không còn khoảng cách giữa người nổi tiếng và người bình thường nữa. Không còn không gian, không còn thời gian và tuổi tác cũng không còn nốt. Tất cả như chìm đắm với nàng thơ mỹ miều và sang trọng.
Tôi giật mình khi nhà thơ Hoài Vũ chỉ tay về phía tôi:
– Thằng Khang, thằng nhỏ nó ngồi nghe thấy thương!
Tôi bẽn lẽn cười. Lúc này cũng gần 11h đêm, trời vẫn còn mưa lất phất, nhà thơ Phan Hoàng mới nói:
– Thôi, “chắc em phải về thôi, xa anh thôi!”. Về sớm cho ảnh nghỉ ngơi, 87 rồi!
Một cảm giác tiếc nuối! Nhưng tất cả đều đồng ý với ý kiến của anh Phan Hoàng.
Một cái ôm ấm áp lúc chia tay!
Ra tới cửa Phan Hoàng ghé tai tôi:
– Em mà ngồi nghe thì chắc tới sáng ổng chưa chịu về. Để ổng về nghi ngơi!.
Sài Gòn, 4/8/2022
Huỳnh Khang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...