Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Người có tình yêu lớn với Sài Gòn

Người có tình yêu lớn với Sài Gòn

Sài Gòn là đề tài luôn cuốn hút các thế hệ cầm bút. Một thành phố trẻ với lịch sử mới hơn 320 năm so với nhiều đô thị cổ hàng ngàn năm nhưng ẩn chứa nhiều tầng văn hóa phong phú. Một môi trường sống năng động thu hút nhân lực từ khắp cả nước hội tụ. Nhiều cuốn sách hay của tác giả các thế hệ đã viết về Sài Gòn, trong đó có nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng.
Từ trước năm 1975, Sài Gòn đã trở thành nguồn cảm hứng cho các cây bút kỳ cựu như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Nguyễn Vỹ, Tô Nguyệt Đình, Nguyên Hùng, Ngọc Linh, Kiên Giang,… Sau ngày đất nước thống nhất, Sài Gòn tiếp tục thu hút nhiều cây bút mới trưởng thành như Huỳnh Như Phương, Lý Lan, Nguyễn Đông Thức, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Phan Hoàng, Trần Nhã Thụy, Phạm Công Luận, Nguyễn Thị Hậu…
Những tác phẩm viết về Sài Gòn của Phan Hoàng
Với riêng nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng, từ thập niên 1990 khi còn là phóng viên, biên tập tạp chí Kiến Thức Ngày Nay anh đã công bố bộ sách Phỏng vấn Người Sài Gòn do NXB Trẻ ấn hành gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Khi đó Phan Hoàng mới ở độ tuổi gần 30. Nhà văn Sơn Nam trong lời giới thiệu sách đã viết: “Thế hệ trẻ quả là còn giữ bầu máu nóng, uống nước nhớ nguồn. Công việc mà ngày nay gọi là “đậm đà bản sắc dân tộc” nào phải chỉ đơn giản là trùng tu đình miếu, bảo quản cái cối xay lúa, chiếc xuồng ba lá cho thế hệ sau biết sự khó nhọc của ông cha. Nó còn ở nhiều dạng khác, thú vị không kém mà bộ sách Phỏng vấn Người Sài Gòn của Phan Hoàng là một trong nhiều thí dụ”.
Những năm gần đây Phan Hoàng lại liên tục trình làng các cuốn sách về Sài Gòn: Sài Gòn đất lành chim đậu (2 tập, NXB Tổng hợp TPHCM), Sài Gòn đất thiêng khí tụ, Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (NXB Văn Hóa Văn Nghệ) và nhanh chóng được tái bản. Anh cho biết, từ sự cuốn hút của hai tiếng Sài Gòn thuở ấu thơ và bằng tình yêu đối với thành phố mà anh được học tập, sinh sống, làm việc từ năm chưa tròn hai mươi tuổi, anh đã lần lượt tích lũy, ghi chép lại những hiểu biết của mình qua cuộc đời và sự nghiệp những nhân vật và câu chuyện cụ thể với ước muốn tri ân vùng đất đã cưu mang mình và cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích.
Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng (bên phải) trong một chương trình giới thiệu sách của anh về Sài Gòn trên Đài Truyền hình TPHCM
Đánh giá về tập ký sự Sài Gòn đất thiêng khí tụ của Phan Hoàng, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã viết rằng: “Nghe kể đã khó, nghe kể và viết lại những mẩu rời rạc trong trong ký ức bằng những câu chuyện sinh động, cuốn hút người đọc như cùng đồng hành với nhân vật là một quá rình lao động miệt mài và bền bỉ. Ở đây sự chăm chỉ chỉ là yếu tố phụ, chính lòng yêu nghề và yêu các nhân vật của mình đã giúp tác giả Sài Gòn đất thiêng khí tụ tạo nên một tập hợp ký sự nhân vật dày dặn và bề thế”. Những nhân vật trong tập sách này là chân dung 12 vị tướng lẫy lừng chiến trận từng gắn bó với Sài Gòn- TPHCM: Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Châu, Nam Long, Lê Văn Tri, Lê Văn Tưởng, Trần Đại Nghĩa, Tô Ký, Hoàng Thế Thiện, Dũng Mã, Nguyễn Đức Trí.
Trong tập tản văn Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra, Phan Hoàng dường như đã nói hộ tiếng lòng cho nhiều người gắn bó với đất này: “Thành phố lớn nhất đất phương Nam ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị và có sức hấp dẫn lớn, luôn dung nạp, cảm hoá, tạo bệ phóng cho những tài năng dựng nghiệp. Nhất là những người sa cơ thất thế. Thành phố này cũng là nơi mở đầu cho nhiều chương trình hoạt động xã hội từ thiện có sức lan toả rộng lớn trên tinh thần nghĩa hiệp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” của Lục Vân Tiên”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc khi đọc tập tản văn Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra của Phan Hoàng đã viết trong bài Ân tình Sài Gòn của Phan Hoàng rằng: “Phan Hoàng còn viết về “cổ tích” của Sài Gòn qua các giá trị văn hoá, những đổi thay thăng trầm năm tháng. Thật ra vấn đề này nhiều người đã viết, và sẽ còn tiếp tục viết nữa nhưng ở đây Phan Hoàng đã chọn cho mình một cảm hứng là thổi vào đó cảm xúc của thơ, của cái nhìn nhà thơ. Nhờ đó, cũng cùng vấn đề nhưng qua cái nhìn của anh, nó đã có một sắc thái mới và đậm dấu ấn cá nhân”.
Nếu không có tài năng và tình yêu lớn lao đối với Sài Gòn bằng trái tim của một thi sĩ đích thực thì chắc chắn Phan Hoàng không thể viết được những cuốn sách giàu hàm lượng văn hóa và nhân văn được đồng nghiệp đánh giá cao, thu hút đông đảo bạn đọc. Được biết anh cũng đang hoàn thành tập 3 bộ sách Sài Gòn đất lành chim đậu để ấn hành trong thời gian tới.
28/4/2020
Vân Hà
Nguồn: DVO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...