Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Nhà văn Hermann Hesse: Dòng sông chảy mãi trong trần gian

Nhà văn Hermann Hesse:
Dòng sông chảy mãi trong trần gian

Hermann Hesse là một trong những nhà văn Đức có sách bán nhiều nhất thế giới ở thế kỷ 20, sách ông được in ra 150 triệu cuốn và dịch ra 60 thứ tiếng. Rất nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt như Câu chuyện dòng sông, Nhà khổ hạnh và gã lang thang, Tuổi trẻ băn khoăn, Sói thảo nguyên, Đâu mái nhà xưa, Huệ tím… Hermann Hesse đã từng viết: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”.
Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học.
Nhà văn Đức Hermann Hesse
Cuộc đời giữa nhiều dòng văn hóa
Hermann Hesse là tác gia hiện đại nổi tiếng của Đức, ông sinh ngày 2.7.1877 ở Calw vùng Wũrttemberg (Đức) và mất ngày 9.8.1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ).
Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, Tiến sĩ Hermann Gundert – một người có học vấn uyên thâm về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.
Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông – Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân lọai sống trong cảnh bình yên.
Ta luôn thấy trong nhiều tác phẩm của ông những kỷ niệm thời thơ ấu của nhà văn. Năm 1890 ông học Trường La Tinh. Năm 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách. 1899-1904, ông sống ở Bael (Thụy Sĩ) và mở hiệu sách cũ.
Từ 1904, ông sống ở Gaienhofen bên bờ hồ đẹp như mộng là Bodensee (bên này hồ thì thuộc về Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ, nhập quốc tịch và bắt đầu sự nghiệp sáng tác đầy thăng trầm nhưng nhiều thành tựu vĩ đại ở đất nước này.
Tuổi trẻ băn khoăn
Cuốn tiểu thuyết được chú ý đầu tiên của Hermann Hesse là Peter Camenzind (1904) có ít nhiều tính chất tự truyện: một người nguồn gốc tầm thường, có tài và có nhiều hoài bão, không thích nghi được với xã hội tư sản và đời sống thành phố, đành trở về sống ở quê nhà. Đây là một tiểu thuyết giáo dục (bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời.
 
Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông, Demien (1919) viết về tình trạng rối loạn của thanh niên tư sản. Đây là tác phẩm đã khiến rất nhiều độc giả thanh niên say đắm. Cuốn sách từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề Tuổi trẻ băn khoăn.
Emil Sinclair trong Tuổi trẻ băn khoăn là một cậu bé được nuôi dưỡng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cậu lớn lên giữa một môi trường được mô tả là một Scheinwelt, trong lối chơi chữ nó có nghĩa là “thế giới ánh sáng”, hoặc là “thế giới ảo giác”.
Toàn bộ sự hiện diện của Emil có thể được tóm tắt như một cuộc đấu tranh giữa hai thế giới: thế giới ảo ảnh (khái niệm của người Hindu về giả tướng) và thế giới tâm linh siêu thực. Trong suốt diễn biến câu chuyện, được sự dẫn dắt và thúc đẩy của người bạn học cùng lớp bí ẩn – Max Demian, Emil đã thoát ly và chống lại những tư tưởng thiển cận của sắc giới (world of appearances) để cuối cùng nhận thức được bản ngã của chính mình.
Đây là giai đoạn trẻ tuổi đầy băn khoăn trăn trở nhưng cũng mang đậm dấu ấn lãng mạn phong nhiêu của văn chương Hermann Hesse.
“Sói thảo nguyên” và quá trình trưởng thành của một con người
Trong thư gửi Thomas Mann, tác giả Hermann Hesse từng viết “Cái đẹp chỉ có thể sinh ra từ những giấc mơ điên rồi”. Có lẽ xuất phát từ quan điểm đó nên càng trường thành, văn chương của Hermann càng đầy ắp những ý tưởng sáng tạo điên rồ, vượt khỏi mọi đường biên của ý thức thông thường.
Sói thảo nguyên được xem là một cuốn sách đặc biệt của Hermann Hesse. Đây là tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ nhất, đồng thời khi ấy Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác.
Cuốn sách được dẫn dắt dưới dạng một tập bản thảo được viết bởi của nhân vật chính – người đàn ông trung niên tên là Harry Haller. Từ ấy, tác giả liên tục đẩy nhân vật vào những giấc mơ tưởng, trò chơi dữ dội, để đi đến cùng là sự tri nhận về bản ngã của bản thân và thế giới.
Những sáng tác sau Sói thảo nguyên có thể coi là giai đoạn tự vấn quyết liệt cũng như phơi bày một
hành trình trưởng thành đầy nghiệt ngã của bản thân con người.
Ở tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt thủy tinh), Herman Hesse đã đặt con người vào một bối cảnh tương lai, thế kỷ 25. Ở đó, sự phát triển của con người không gắn liền với sự phát triển của đời sống. Mọi giới hạn về đời sống vốn có bị phá vỡ. Nó tồn tại giống như một trò chơi trật tự, và nhân vật chính, Joseph Knecht, là vật chủ trong trật tự ấy.
Trước đây, Thomas Mann đã từng cho biết Hesse là người rất ngưỡng mộ Kafka, ngay khi Kafka còn chưa nổi tiếng. Điều đó cũng không mấy ngạc nhiên, nếu độc giả để ý đến tên nhân vật chính trong Das Glasperlenspiel cũng là một J. K.: Joseph Knecht.
Das Glasperlenspiel là cuốn tiểu thuyết dài cuối cùng đầy đủ của Hermann Hesse. Nó được bắt đầu vào năm 1931 và được xuất bản ở Thụy Sĩ vào năm 1943 sau khi bị từ chối cho xuất bản ở Đức do quan điểm chống phát xít của Hesse. Một vài năm sau đó, vào năm 1946, Hesse đã giành giải Nobel Văn học. Trong diễn văn tôn vinh tại lễ trao giải thưởng, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng cuốn tiểu thuyết “chiếm một vị trí đặc biệt” trong sự nghiệp của Hesse.
Hermann Hesse là một trong những nhà văn Đức có sách bán nhiều nhất thế giới ở thế kỷ 20, sách ông được in ra 150 triệu cuốn và dịch ra 60 thứ tiếng. Rất nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt như Câu chuyện dòng sông, Nhà khổ hạnh và gã lang thang, Tuổi trẻ băn khoăn, Sói thảo nguyên, Đâu mái nhà xưa, Huệ tím…
Để tưởng niệm Hesse hai giải thưởng văn chương được đặt theo tên ông: Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng Văn học Hermann Hesse.
12/5/2021
Phong Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...