Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Tục lì xì thú vị và… ái ngại

Tục lì xì thú vị và… ái ngại

Con bạn thân, con sếp sẽ được nhận được những phong bì riêng. Trẻ con nhà thường dân, sơ giao, hàng xóm sẽ được nhận những phong bì riêng…
Lì xì là tục lệ người lớn hơn để tiền vào chiếc phong bì nhỏ trang trí rực rỡ để mừng tuổi trẻ em trong ngày Tết Nguyên Đán. Phong tục này đã có từ rất lâu không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước ở Châu Á, với ý nghĩa mừng trẻ con ăn no chóng lớn khỏe mạnh. Tiền để vào bao lì xì thường là tiền mới và chủ yếu là mang giá trị tinh thần là chính. Tục lì xì ấy ngày nay ít nhiều mang màu sắc khác thú vị có ái ngại cũng có.
Nhà văn Triệu Vẽ
Cái thú vị là bây giờ, lì xì không chỉ dành cho trẻ con mà còn cho ông bà lớn tuổi. Tôi thích nhất ngày đầu năm chị em chúng tôi quay quần, ai nấy xúng xính đồ áo mới, các cháu chạy loanh quanh, chúc Tết ba mẹ và lì xì ông bà mỗi người một phong bao màu đỏ. Ánh mắt mừng vui lấp loáng của ba mẹ hướng vào con cháu đang chuyện trò vui vẻ luôn là ngọn lửa ấm áp theo chúng tôi cả một năm dài.
Ông bà thất thập cổ lai hi, cái gì không trải qua, tiền bạc không còn là thứ cần thiết nhất. Những đồng tiền mới tinh, còn bám vào nhau thẳng thớm là tình yêu thương của con cháu và là bằng chứng của sự trưởng thành an ổn mà bậc cha mẹ nào cũng mong nhìn thấy ở con mình mỗi ngày nhất là dịp năm mới. Thương nhất là mẹ tôi cứ di di bàn tay nhăn nheo mãi lên những chiếc phong bì, lắc tay đứa này đứa kia sau bếp thỏ thẻ: “Có tiền hôn mà cho mẹ nhiều dữ con!”.
Tục lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần phần văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam – Ảnh minh hoạ
Và rồi trong rất nhiều ngày sau đó, khi các con cháu đã đi xa, có đứa xa hơn cả đất nước mình, trong căn nhà im ắng, những chiều mưa dầm quạnh hiu, mẹ lần giở từng phong bì đếm đi đếm lại, rồi cất nơi đầu giường như một thứ gia bảo.
Trẻ con ắt hẳn háo hức và chờ mong lì xì hơn cả. Nhất là trẻ đã lớn, biết được những phong bao lì xì là đổi được đồ chơi, thức ăn hay món đồ mà mình muốn. Trẻ con không hiểu hết chuyện, nếu cha mẹ không khéo léo tinh tế, xung quanh chuyện lì xì lại có nhiều nỗi ái ngại ngậm ngùi.
Ví như việc trẻ mở ngay phong bì khi nhận trước mặt khách, nếu đồng tiền được lấy ra có mệnh giá thấp, ít nhiều mang đến nỗi sượng sùng cho tất cả – nhất là người lì xì. Chưa kể, không ít bậc cha mẹ có ý nghĩ thậm chí nói toạc ra: lì xì gì mà bèo! Rồi trong ý nghĩ bật ra sự toan tính cân đo xem mình lì xì cho con người ta bao nhiêu mà con mình chỉ được lì xì có bấy nhiêu. Lời rồi hay lỗ rồi! Từ một chuyện vui, phong tục vốn tốt đẹp, lại vô tình gieo vào đầu óc trong trẻo của con trẻ một vết đen không đáng có.
Ví như con bạn thân, con sếp, con của những người có thể có mối quan hệ nhờ vả sẽ được nhận được những phong bì riêng. Trẻ con nhà thường dân, sơ giao, hàng xóm sẽ được nhận những phong bì riêng là chuyện đã và đang có xảy ra. Ý nghĩa nhất của phong bao lì xì dường như ít nhiều đã không còn như vốn có nữa!
Cái gì cũng sẽ mất, chỉ có niềm vui và tấm lòng thật tâm đối đãi với nhau là mãi sẽ ở lại. Tết xôn xao ngoài cửa, rực rỡ như nắng, như hoa. Mong ngày tết chỉ còn niềm vui và tấm chân tình sẽ gởi theo những phong bao màu đỏ cùng với vạn sự may mắn, an lành và sức khỏe đến cho tất cả.
29/1/2020
Triệu Vẽ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...