Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Về Ivan Bunin bi kịch và xuất chúng - K. Pautovsky

Về Ivan Bunin bi kịch
và xuất chúng - K. Pautovsky

Ivan Alekseyevich Bunin (1870-1953) là nhà văn Nga xuất chúng sống lưu vong tại Pháp, tác giả người Nga đầu tiên được trao Giải thưởng Nobel Văn chương năm 1933. Sau đây là bài viết rất hay Về Ivan Bunin trong cuốn Truyện ngắn và Chuyện cố tích của Konstantin Pautovsky cũng là nhà văn lừng danh của Nga, do nhà văn – dịch giả Tô Hoàng chuyển ngữ. Tựa bài do VHSG đặt lại, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn Ivan Alekseyevich Bunin
Ivan Alekseyevich Bunin, nhà văn Nga xuất chúng – ngòi bút của sức mạnh và sự giản dị kinh điển, đã mất tại Pháp.
Ông trút hơi thở cuối cùng dưới một vòm trời xa lạ; trong hoàn cảnh bị xua đuổi đầy đắng cay và không cần thiết mà chính ông tự tạo ra cho mình; trong nỗi nhớ nhung không đong đo cho xuể đối với Tổ quốc và nhân dân của mình.
Ai mà biết được con người nom bề ngoài bình thản, đầy kiềm chế ấy phải đã chịu đựng biết bao sự thất vọng trong nỗi xa cách quê mẹ, khi phải mặt đối mặt với chính mình.
Chúng ta sẽ không phán xử Bunin. Chúng ta cũng không cần nhắc lại sai lầm chết người của ông. Những điều như thế bây giờ đâu còn cần thiết nữa!
Điều quan trọng ông là người đồng bào của chúng ta, rằng chúng ta phải trả ông về với nhân dân của mình, với nền văn học Nga của chúng ta – một nền văn học mà đương nhiên ông chiếm một đỉnh cao, ông đủ quyền đứng ở vị trí đó.
Người ta đề nghị tôi phát biểu một số điều trong buổi tối đầu tiên lễ kỷ niệm Bunin. Tôi bắt tay ngay vào công việc, nhưng chỉ cần chạm một cách tình cờ tới cuốn sách nào đó của ông, lập tức mọi điều bay biến mất. Tôi gắng đọc lần sau, lập tức hầu như không còn thời giờ để ghi lại những gì cần ghi về Bunin trên trang giấy.
Rồi tôi gắng quên đi tất cả. Sức mạnh tài năng của Bunhin, sức mạnh chữ nghĩa của Bunin, sức mạnh tay nghề tuyệt vời và độ hoàn hảo không chê vào đâu được của ông như toát lên từ mỗi dòng chữ.
Bunin là một người khắc khổ, bởi ông quan niệm sự thật nghệ thuật cao hơn tất cả mọi điều.
Chúng ta luôn luôn và phạm sai lầm khá nặng trong việc đánh giá các nhà văn. Chúng ta có thói quen không hay ho gì khi cứ dán cho mỗi nhà văn một nhãn hiệu. Hầu như suốt đời mình Tchekhov phải sống với cái nhãn “Người yếm thế” và “Ca sỹ của những buổi hoàng hôn”. Còn về Bunin người ta hay nói tới như nói về một “Tài năng lạnh giá”,  một “Kỵ sỹ đơn độc không biết sợ hãi”.
Với tất cả những nhãn mác tội nghiệp ấy, khi đọc sách của Bunin bỗng khám phá ra phía sau cái vẻ ngoài lạnh lùng kia lại là một trái tim người hết sức lớn lao, chứa chất bên trong nỗi đau màu đen mới đây thôi của các làng quê Nga, nỗi đau màu xám bạc cùng một đô liều cũng của làng quê Nga, cũng mới xảy ra cách nay chưa lâu.
Cũng chưa xa đâu, ngay hôm nay thôi, tôi đọc lại (không nhớ rõ là lần thứ mấy) hai truyện ngắn Cỏ gày và Ilya – nhà tiên tri của ông. Mỗi truyện từ hai truyện này – nói theo lời của chính Bunin – đã nạo vét trái tim tôi bởi một lưỡi dao băng.
Ít tìm được trong văn học của chúng ta những truyện ngắn hành tội con tim, bộc lộ một tình yêu không dấu diếm với những con người bình thường như thế. Và không chỉ là tình yêu mà còn là sự hiểu biết hoàn toàn, một sự đột nhập thấu đáo vào ý nghĩ và cảm xúc của những con người tội nghiệp đó.
Con người cần phải thực sự được là người không chỉ ở niềm vui của mình mà còn ở cả những khổ đau của họ. Bunin biết rõ điều này. Dường như ông có thể đang lặp lại tiếng kêu thét của nhà văn Anh Oscar Waild vang vọng từ khám nhà tù hoàng gia:
“Nỗi khổ đau ngự trị ở đâu – nơi đó là Đất Thánh”!
Cũng chính hôm nay, tôi tình cờ đọc bài thơ Tiếng khóc trong đêm của Bunin. Theo tôi, chỉ có một số bài thơ trong nền thi ca thế giới mới truyền đạt nổi với sự lay động đến mệt người sức mạnh làm sạch sẽ lương tâm của những khổ đau như thế này:
Suốt đêm một góa phụ khóc
Bà yêu thằng con nhỏ của bà biết bao, nó chết rồi
Cả lão láng giềng nhà bên cạnh cũng khóc, hai tay ôm mặt
Những ngôi sao lấp lánh trên cao, cả chú dê nhỏ cũng khóc trong chuồng
 
Góa phụ khóc trong đêm 
Người khóc trong đêm vắng với những giọt nước mắt của mình không để người khác ngủ
Những ngôi sao với những giọt nước mắt của mình bơi đi trong đêm đen
Ông chủ khóc, tay giữ chặt gọng kính.
Bunin đã tới, đặc biệt tới với cuốn sách tiểu sử tự thuật Cuộc đời Arsennheva, tới cái ranh giới trong lĩnh vực văn xuôi mà Tchekhov và Lev Tolstoi đã nói – cái ranh giới, khi văn xuôi hòa quyện trong một chỉnh thể hữu cơ gắn kết với thi ca, khi không nên tách bạch thơ ra khỏi văn xuôi và mỗi một chữ được khắc vào lòng người  như một con triện đóng vào mặt keo đang nóng chảy.
Thật đáng đọc một số dòng Bunin viết về bà mẹ của mình, người mà ngôi mộ bị mất vĩnh viễn; đáng đọc những dòng được viết bởi một người mà số ngày số tháng sống trên trái đất về thực chất đã bị rút ngắn lại, để hiểu cho ra sức mạnh của tình yêu chỉ tìm được khả năng bộc lộ một lần, duy nhất và cần thiết.
Điều gì đó, thật hàm xúc và mạnh mẽ, giống như chữ nghĩa trong Kinh thánh kết bện trong những dòng chữ ấy.
Phần nhiều người ta biết tới Bunin như một người viết văn xuôi.
Nhưng như một nhà thơ, ông đứng đúng nấc bậc văn xuôi của ông.
Những bài thơ này, ngang bằng với văn xuôi của Bunin, nói lên những năng lực đặc biệt trong việc tái tạo ở ông – nếu có thể nói như vậy – về tất cả những gì mà ngòi bút ông động chạm tới.
Hầu như chỉ trong một thoáng chốc thôi, ông chộp bắt được ngay và đào sâu chôn chặt trong câu chữ của mình những đặc điểm của con người, của phong cảnh, những gì phản ánh một cách thật chính xác cái bản chất mà Bunin muốn  găm lại trên trang giấy.
Đúng là Bunin nghiệt ngã, hầu như không biết xót thương. Nhưng cùng với ấn tượng ấy, ông viết về tình yêu với một sức mạnh đặc biệt. Đối với ông, tình yêu rộng lớn và phong phú hơn rất nhiều những hiểu biết thông thường người đời dành cho nó.
Với ông Tình yêu – đó là chiếc cầu kết nối với toàn bộ vẻ đẹp và toàn bộ sự phức tạp của thế giới này. Với ông, Tình yêu – đó là đêm khuya, là trưa nắng;  là tiếng ồn ã sôi động không bao giờ ngưng nghỉ của biển cả; là sách vở và ngẫm ngợi- nói tóm lại là tất cả những gì tồn tại xung quanh ta.
Phong cảnh của Bunin rất chính xác; phong phú, nhiều chi tiết như sự muôn màu muôn vẻ về mặt địa lý; đồng thời lại tràn đầy sức mạnh trữ tình, để có thể miêu tả phong cảnh ấy thông qua cái không thể.
Bunin am tường tiếng Nga một cách tuyệt vời, một cách hoàn toàn thấu đáo. Chỉ những ai yêu xứ sở của mình vô cùng vô tận mới thông hiểu thứ ngôn ngữ của cha sinh mẹ đẻ, như ông.
Ngôn ngữ của Bunin giản dị, thậm chí với năm tháng như càng kiệm chữ kiệm lời, nhưng rất chính xác đồng thời rất giàu hình tượng và hết sức đa dạng về mặt tạo  âm, từ những đồng tiền vàng reo leng keng một cách trang trọng tới tiếng reo óc ách lười nhác của dòng nước chảy từ trong khe ra; từ tiếng chạm gõ có thể đếm được tới giọng nói hết sức dịu dàng; từ giai điệu êm tai tới tiếng sấm rền lan lan chậm rãi.
Trong lãnh vực chữ nghĩa Bunin là bậc thày không ai sánh nổi.
Như mỗi một nhà văn lớn, Bunin suy nghĩ nhiều về hạnh phúc. Ông chờ đợi nó, ông tìm kiếm và khi tìm ra, ông hào phóng chia sẻ cho mọi người.
Trong ý nghĩa đó, Bunin có hai đoản khúc rất tiêu biểu mà tôi muốn dùng chúng để kết thúc những dòng viết về ông:
Về hạnh phúc chúng ta luôn luôn chỉ hồi nhớ lại. Mà hạnh phúc thì có thể gặp ở khắp mọi nơi. Đó có thể là mảnh vườn vào tiết xuân phía sau dãy nhà kho. Và làn không khí trong lành ẩn nấp sau ô cửa sổ.
Trên bầu trời cao thăm thẳm, hiện ra những khoảng trắng mơ hồ; ánh lên những đám mây tôi đã dõi theo từ lâu mà ít ai nhìn thấy, nhưng người ta biết nó sẽ tới. Và hạnh phúc chỉ dành cho những ai nhận ra nó mà thôi.
14/4/2020
Tô Hoàng dịch
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...