Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Yêu biển và nhớ biển cháy lòng

Yêu biển và nhớ biển cháy lòng

Vì vị thế đồng bằng chật hẹp bên trong, môi trường sống và tài nguyên chủ yếu là biển, nên dân duyên hải miền Trung đa số gắn liền nghề biển. Bám biển mà sống. Biển khô thì chỉ có con đường tha hương cầu thực…
Tác giả Hạ Như Trần
Đã lâu lắm rồi, sau khi khăn gói vào Sài Gòn học tập rồi lập nghiệp, tôi chưa có dịp ngồi trò chuyện lâu với bà con lối xóm. Dù cũng thường về nhưng vì công việc tôi lại vội vàng ra đi.
Một ngày đầu hạ, gió nóng cuồn cuộn, tôi đưa bọn trẻ ra biển tắm. Trong khi ngồi chờ, tôi ghé vào trò chuyện với các chàng đi biển. Họ đang đợi trời bớt nồm. Sóng nhỏ lại. Rồi mới bắt đầu cuộc hành trình 30 ngày đêm lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió.
Mọi người đang bàn tán việc đánh bắt trong thời gian gần đây, khi tôi đến. Ai cũng hướng mắt nhìn và cười, những nụ cười chân chất mộc mạc. Trong đó bác Năm, người lớn tuổi nhất trong đợt đi biển lần này, cũng là người dày dạn kinh nghiệm với từng con nước nhất, hướng gió, mồi cá. Bác Năm nhích qua một bên như cố tình muốn để tôi ngồi cạnh bác. Vừa ngồi, tôi vừa nói: “Mọi người cứ tiếp tục đi, trở lại với sự sôi nổi lúc nãy đi, cho hóng với”. Tôi nói trống không thế, không đầu không đuôi. Thật ra là tôi cố tình nói vậy để hòa cùng với mọi người. Dân biển mà, đơn giản lắm, chất phác lắm, ăn nói chỉn chu quá, họ đâm ra ngại.
Câu chuyện tiếp tục, thỉnh thoảng tôi cũng chen vào hỏi vài câu ngu ngơ. Anh Hải, tay cầm điếu thuốc rít một hơi, nhìn ra biển, thở dài và nói: “Bây giờ chán lắm, chi phí mỗi lần ra khơi rất cao, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ chút ít nhưng cũng đuối lắm, không thấm vào đâu. Cá càng ngày càng ít, muốn đánh được thì phải đi thật khơi, nhiều khi thấy mồi cá, thế là cứ chạy theo và vô tình sang lãnh hải của nước khác, xem như tiêu tán đường.” Giọng anh Hải cứ đều đều buồn buồn làm cho không khí cũng chùng lại.
Nghe anh Hải kể, tôi nhớ lại cách đây hai năm, khi ra sân bay đón một người anh họ từ Malaysia trong đoàn trả về Việt Nam khoảng 10 người. Họ là những thuyền viên bị tàu Malaysia bắt giữ vì tội xâm phạm lãnh hải. Nghe các anh kể lại rằng, ghe chỉ vừa chạm mé thuộc vùng biển của họ là đã nghe tiếng còi hú và nhanh như chớp một con tàu đến bắt giữ ngay. Khi nhìn thấy các anh, tôi khóc ngon lành, cố kiềm như không tài nào kiềm nén được. Một người cao to, vạm vỡ như anh họ mà giờ chỉ còn da bọc xương, đầu bị cao trọc, cả người từ trên xuống dưới đen thui. Các anh bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhà quê lên tỉnh, ngơ ngác, hiền lành… thương ơi là thương!
Sau tiếng thở dài, anh Hải nói tiếp: “Ngày trước, đi khơi nếu thấy trời chuyển gió thì cứ chạy đến các đảo tránh, rất yên tâm, tuy là những rạng đá thôi nhưng ghé vào đó đỡ vô cùng”. Nghe thế, tôi nhanh nhảu, hỏi ngay: “Thì giờ mình cũng ghé vô?”
Mọi người cười rồ lên, cứ như tôi là người hành tinh khác xuống vậy! “Giờ mà ghé vô, cho nó bắt, nó giết chết hả?” Chỉ cần vừa đến Bãi Đá là máy bay từ đâu bay ra như kiến. Còi hú inh ỏi. Chạy xịt khói luôn đó cô nương. Một chàng trai với làn da rám nắng, cười ra chỉ toàn thấy răng và răng, kiểu như người châu Phi, nhìn vào tôi và nói như thế!
Lâu ngày, có người gọi là cô nương nghe thích vô cùng. Tôi cười nhạt. Thật ra, tôi hiểu chứ, chẳng qua tôi giả vờ hỏi thế vì muốn câu chuyện kéo dài hơn và vì tôi muốn biết rõ hơn, hiểu sâu hơn nỗi cơ cực của bà con làm biển thời nay. Lúc tôi còn bé, biển “no” lắm, biển ngày đêm tấp nập cá. Bãi biển luôn nhộn nhiệp, nhiều thanh niên các nơi kéo về làng chài quê tôi để lập nghiệp. Còn bây giờ “biển khô lắm, biển đói lắm” là những lời than ngắn thở dài từ má, mỗi lần má gọi vào cho tôi. Vì “biển khô, biển đói” nên thanh niên làng chài quê tôi không còn mặn mà với biển, không còn hy vọng bám biển để sống, đa phần họ đã rời quê hương, xa biển. Họ tìm kiếm công việc mới ở một miền đất mới.
“Cháu có một thắc mắc”, tôi nhìn sang bác Năm và nói.
“Sao hải sản miền Trung lại ngon hơn các vùng khác vậy bác?”
Với nhiều năm bám biển, từ đánh lộng cho đến đánh khơi, từ Vũng Tàu ra tận Cát Bà – Hải Phòng cứ chỗ nào có cá là ghe bác Năm có mặt. Bác trả lời câu hỏi của tôi, thỉnh thoảng các chàng trai cũng đệm vào.
“Cháu không biết à! Từ Huế trở vào đến Đá Vách – Cam Ranh thì nước biển xanh và rất sâu, cùng vị trí như thế, nhưng các vùng biển khác nước rất cạn, và đục vì nhiều phù sa, đó là lý do hải sản trong khu vực này luôn ngon hơn các vùng khác cháu à!”
Tôi gật gù cố nhớ ranh giới mà bác Năm nói, miệng cứ lẩm bẩm: “Đá Vách – Cam Ranh, Đá Vách – Cam Ranh”.
Lần đâu tiên nghe thấy, lần đầu tiên biết chi tiết như thế. Thì ra, suốt dọc bờ biển dài 3.260km của Việt Nam hiện nay, chỉ có một đoạn ấy là biển Sâu và Xanh, núi rất gần, độ dốc lớn, các dòng hải lưu đi sát ven bờ, tài nguyên phong phú, giao thông biển thuận lợi, cũng do sự kết hợp của núi và biển mà ở khu vực này có nhiều đầm phá, nhiều vịnh biển, nhiều cảng biển, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Vì vị thế đồng bằng chật hẹp bên trong, môi trường sống và tài nguyên chủ yếu là biển, nên dân duyên hải miền Trung đa số gắn liền nghề biển. Bám biển mà sống. Biển khô thì chỉ có con đường tha hương cầu thực. Nghĩ đến đó, tôi quay mặt chỗ khác, tránh ánh mắt mọi người vì không ngăn được dòng cảm xúc dâng trào trong đứa con gái sinh ra từ biển, yêu biển và luôn nhớ biển đến cháy lòng!.
6/9/2020
Hạ Như Trần
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi về phía mặt trời

Đi về phía mặt trời LỜI GIỚI THIỆU Mặt trời phía trước. Ánh sáng như nguồn sống cho số phận người đàn bà khi rơi vào ngã rẽ không mong đ...