Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Cà phê nhì nhằng chuyện

Cà phê nhì nhằng chuyện

Quán cà phê nằm yên bình trên một con phố nhỏ, con đường im lìm thi thoảng mới có bóng người lướt qua, ai cũng bịt kín mặt. Tiếng nhạc du dương trong không gian tĩnh lặng. Những nhành lan hờ khép, cánh mỏng manh xập xòe sắc mầu. Quán không có cái kiêu kỳ của phố thị, không có sự rộn rạo của những tiếng nói cười, trò chuyện. Ai đến đây cũng mang bao nhiêu cái lẳng lư của cảm xúc, đôi khi chới với, đôi khi hờn giận, hay buồn bã, nhưng đều bị sự trầm tĩnh ở quán chiếm trọn.
Tôi không nhớ rõ, lần đầu tiên tôi đến quán từ khi nào, chỉ biết trong tôi cái hình ảnh về đôi vợ chồng chủ quán già cỗi lụi cụi, lách chách pha chế đồ uống, những chiếc bàn ghế đã đổ mầu véc ni, những đồ vật khắc dấu một thời gian khó trong ký ức, một vài chiếc đĩa men trắng đục được vẽ bằng mực tàu xanh, chiếc mâm đồng bóng nhẫy lấp lánh dưới nắng hắt xéo, hay chiếc ca mem đã bị bong hoác một mảng… Tất cả gợi nhớ lại thời thơ bé của tôi. Đã có lúc tôi nhìn những đồ vật ấy, chỉ muốn ném tất cả đi, bởi một chiếc bát sứt cũng khiến tôi để lại vết sẹo nhỏ trên miệng khi vật vã chống lại cái đói thời đó. Cái dấu chứng cho quá khứ tưởng đã bị ném không thương tiếc, vậy mà chỉ chừng một đời người đi qua, những vật dụng ấy bỗng trở lại và có giá trị. Hình như khi người ta no đủ, tất cả lại muốn nhấm nháp những kỷ niệm cũ xưa như nhấm nháp sự tự hào cho cái áo danh vọng và tiền tài mà họ đánh đổi nhiều thứ mới đạt được.
Nhà văn Ngân Hằng
Bố tôi sinh ra và lớn lên giữa mảnh đất giáp ranh miền núi và đồng bằng, nhà lại bảy anh chị em, bởi vậy cái đói bủa vây cả nhà. Ông nội lấy bà khi bà là cô gái đẹp nhất nhì làng được nhiều người dạm ướm, nhưng bà lại mê anh thầy đồ quần áo vá ngang, lằng xằng đầy chữ Hán. Lấy nhau về, nhà của bà là ở đồng ruộng, ông nội cả ngày võng veo trên cái chõng tre ọp ẹp ngẩn nga thơ phú mặc cho mấy đứa con cầy cật ốm yếu, lỏm khỏm không túm nổi đai quần của nhau. Rồi bà nội ốm trận thập tử nhất sinh, ông nội không thể nào khác, đành dẹp ống bút, cất nghiên mực trên bàn thờ, chạy vạy cùng bà lo cuộc sống. Bố tôi lớn lên, không chịu nổi tiếng gào của gió vờn qua nóc nhà tranh, không chịu được sự dè khỉnh của cái nghèo ám vào mình, bố đã theo đoàn công nhân xây dựng thoát ly lên thành phố. Và bố tôi gặp mẹ. Mẹ tôi người con gái của miền biển, nhưng không ăn sóng nói gió, không có nước da đen xạm vì nắng. Mẹ nhỏ nhắn và trắng ngần. Bố mẹ lấy nhau sinh ra bốn anh chị em tôi. Hình như cái vòng nghèo vì đông con đã di truyền sang bố. Mẹ tôi từ một cô giáo mầm non, lương chỉ có thể nuôi bốn anh em tôi một nắm bột mỳ luộc chín mỗi ngày, mẹ đành bỏ ngang về chạy chợ. Mẹ dậy sớm, đến chợ lấy cất hàng rồi lại vơ váo bán cho nhanh để kịp lo cho anh em tôi đi học. Có những hôm chợ ế, mẹ mang nguyên cả sọt thị và ổi về chia cho bốn anh em tôi ăn. Nhìn những quả ổi to như bát con, thơm lừng, mắt anh em tôi cứ sáng lên. Có lần vì ăn nhiều quá, tôi bị tích ruột, cả ngày ngồi nhà cầu cũng không hết những cơn đau quặn bụng. Mẹ đành lấy xà phòng để giải thoát nỗi khổ sở cho đứa con gái nhỏ. Sau đận đó mỗi khi ngửi thấy cái mùi ngầy ngậy ấy, tôi lùi lũi trốn tụt ra sau nhà. Rồi bố mẹ tôi đành gạt nước mắt phân chia chúng tôi cho về hai bên nội ngoại. Anh và chị lớn thích những vùng cát trắng và bờ biển dài, thích những con cọng vó bay phấp phửng trong gió nên được về với bà ngoại. Tôi thì lại yêu những cánh đồng chè, yêu buổi chiều thong dong chơi cùng chúng bạn trên triền đồi, lang thang ra bờ ruộng bắt cào cào nên về với ông bà nội. Nhà ông bà nội giờ chỉ còn ba người, ông bà và o Vi, các bác và chú đều đã lập gia đình nhưng cũng ở quanh làng với ông. Có tôi về, ông bà vui như hội. Một đứa cháu bốn tuổi người nhỏ, mắt híp, mập mập, trắng ngần lúc nào cũng loe cái miệng ra cười, o Vi gọi đùa đứa cháu nhỏ là lợn coóc van. Tôi chả hiểu có giống lợn ấy hay không, nhưng mỗi lần thấy lũ ủn ỉn ngoàm ngoạp vào cái máng gỗ hằm hè tranh ăn, tôi thấy chúng xấu tệ. Tôi ghét nhất cái kiểu o Vi réo tôi ngay cổng làng rằng “Lợn coóc van ơi, về ăn cơm”, vì hễ thế nào tiếng cười của lũ bạn cũng rộ lên chạy đuổi vào đầu tôi đến lúc ngủ. Sự xuất hiện của tôi ở cái vùng quê nghèo ấy như một sự quý hóa, cho dù tôi đang sống nhờ những củ khoai mỳ và nắng khét vùng lam lũ ấy, thì trong mắt người dân quê, tôi vẫn là một đứa trẻ thành phố. Sự thành phố nửa mùa khiến đôi khi tôi tưởng đang là thiên nga trước lũ bạn vịt lạch bạch của mình. Căn nhà năm gian cổ kính của ông bà vẫn vậy, vật dụng không nhiều, mâm đồng, chõng tre và những chiếc nồi đất. Tôi được cho ở cùng o Vi trong căn buồng bên trái nhà. Căn buồng bất kỳ ngày hay đêm lúc nào cũng một mầu đen loãng, bao lần tôi đòi o mắc cho chiếc bóng điện quả nhót, để được nhìn thấy thứ ánh sáng xanh nõn, nhưng cả bà và o đều bẹo má rồi rảnh rả nói: “Con gái phải kín đáo tránh mắt người đời dòm ngó. Vả lại ăn ở, nói năng không ý tứ ông cạo đầu ra đấy, con ạ”. Tôi chả hiểu bà và o Vi nói gì nhưng mỗi lần nhìn thấy ông trầm ngâm đọc sách và răn dạy các anh khi mắc lỗi, mắt ông còn rát hơn những đòn roi khiến lũ chúng tôi lẹp bẹp lỉnh đi chỗ khác. Tôi là em nhỏ nhất họ, lại phải xa bố mẹ nên được nuông chiều, bữa ăn nào bát cơm tôi cũng trắng phau thơm lừng, nhưng hễ thấy bát bà toàn khoai ghế, tôi lại giằng lấy, tôi không ý niệm về tình thương, chỉ biết tôi khoái chí khi được nhai những lát khoai đã mềm và bùi ngậy trong miệng. Bà nhìn đứa cháu nhỏ ngồi nhoài nhoại nhai lại lén lau nước mắt rồi dặm tiếng thở dài cho nhẹ bớt đi.
Tôi có thói quen dậy sớm và theo ông ra vườn chè. Đất đồi trồng chè lớn nhanh như thổi, những lá chè quê tôi không to như làng khác. Lá chỉ chừng bằng hai ngón tay, xoăn xoăn và giòn tan. Mỗi buổi sáng, được nhìn những giọt sương đọng trên lá chè trĩu xuống, tôi lại nghịch ngợm hất tung cho chúng vỡ òa, rồi len lỏi vào những cây già, tìm những cành hung húc xuống mặt đất lần bàn tay con con của mình bứt từng quả chè. Quả chè đủ mọi hình, lúc tròn xoe, lúc vẹo vọ, vỏ xanh mướt, căng mọng. Bóc hết lớp vỏ ấy, là một mầu trắng trong veo nước, tôi rít thật mạnh cho vị thanh mát tan chảy xuống tận họng, cái vị chè hơi chát những thơm nồng khiến tôi quên đi cái cảm giác ngứa ngáy của những con măn mắt đang cắn trên bắp chân tôi. Bà bảo tôi ngọt thịt nên làm mồi cho lũ măn mắt xấu xa. Ngày nào cũng vậy, khi đã hái xong thúng chè, người tôi lại lên cơn ngứa cuồng dại, bởi những vết chích đỏ hỏn của chúng, vết cắn ngứa đến tận tâm can, khiến tôi càng gãi càng điên cuồng, người tôi rách rướm vì những vết sẹo to nhỏ.
Rồi kinh tế của nhà tôi cũng ổn định hơn, bố mẹ đón chúng tôi lên thành phố. Cuộc sống tuy có chật vật, nhưng anh em tôi vẫn ngây ngô lớn lên lúc nào không biết. Tôi đi học, rồi lấy chồng. Sự bất hòa với nền tảng học thức chênh lệch và sự bộn bàng của hệ thống tứ đại đồng đường chung đụng nên vợ chồng tôi xin ra ngoài ở riêng. Từ khi ra ở riêng, tôi mở thêm kinh doanh tại nhà, ngoài nghề viết của mình. Thời đại công nghệ, nên việc liên lạc, từ bán đến nhập hàng của tôi cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều. Chồng tôi vẫn mẫn cán là anh viên chức tại một cơ quan nhỏ, đồng lương của anh chỉ đủ chè chén vài ba bữa nhậu cùng đồng nghiệp. Anh thay tôi làm người phụ nữ trong gia đình, từ nhà cửa, con cái, đến việc thu chi tôi khoán hết cho anh. Tôi tin anh sự tin tưởng của một tình yêu đằng đẵng gần 15 năm, đúc kết một trai, một gái lý tưởng êm ấm, hạnh phúc. Công việc cứ cuốn tôi đi hết thời gian, có những đêm nhìn hai đứa con thiêm thiếp cuộn tròn bên chồng, cảm giác có lỗi chen dậy, nhưng rồi nó lại qua nhanh hơn, bởi cơn ngủ nhàu nhạu ập xuống mắt. Cứ nghĩ cuộc sống của mình đã viên mãn, đủ đầy thì ngờ đâu mọi sự ngờ lại sấp đến. Chồng tôi không biết từ bao giờ đã tham gia với bạn làm bất động sản. Một con người suốt ngày luẩn quẩn trong những thứ công văn hành chính, bỗng sa chân vào chỗ kiệt quệ. Toàn bộ số tiền tích góp của nhà, và đi vay mượn mọi chỗ anh dồn vào mua lô đất với giá trên trời đã không cánh mà bay. Tiền nhà mất không sao, số nợ bị ông bạn ôm trốn mất, chồng tôi một mình lằn lưng chịu cả. Tiền mất, chồng suy sụp, tôi như hóa đá, mọi công việc cũng chững lại theo.
Vợ chồng tôi bán đi ngôi nhà bốn tầng đẹp đẽ nằm ở con phố đắt tiền trả nợ, gom góp đồ đạc dọn đến một khu ngoại thành. Ngày bước đi, đứa con trai tôi hý hửng bưng cái túi đồ chơi, chất chồng những siêu nhân và mô hình lắp ghép, mơ về một nơi có những đứa bạn không trắng trẻo, bụ bẫm nhưng lúc nào cũng như một chú búp bê quen được bế ẵm, để được chơi đùa thỏa thích. Đứa con gái tôi rưng rức trong lòng bố, đôi mắt tròn đen cứ hấp háy ngước lại ngôi nhà sẽ trở thành ký ức của nó, còn tôi nhìn chồng ngần ngật niềm xót xa và lưu luyến. Anh nắm lấy tay tôi rồi ghẹm tiếng thở dài cho lỗi lầm của mình.
Bên ngoài phố thị vẫn không có cái yên bình, thanh thản, dù cách trung tâm một khoảng khá xa nhưng xe cộ vẫn rậm rạo, rít rầm ngày đêm, người dân tất tả cho những suy tính tồn tại của bản thân. Vợ chồng tôi mua lại ngôi nhà của đôi vợ chồng già, ngôi nhà của họ là cả tài sản dành dụm được suốt chặng đời lao động khổ cực. Nhà xây theo kiểu Thái, đẹp và khá khang trang. Niềm vui được an nhàn trong ngôi nhà đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của hai người già chưa được bao lâu, thì thằng con trai họ đã bỏ đất đi biệt xứ. Sau dăm ngày mất dạng, mặc cho bố mẹ tất tả tìm kiếm, hắn nhắn về cho họ mảnh giấy với những con số nợ đến hàng tỷ đồng. Không còn cách nào khác, họ gói ghém nước mắt trong những đêm suy nghĩ, và bán ngôi nhà của mình, để chuyển về ở nhờ nhà người họ hàng dưới quê. Ngôi nhà được định giá nhanh chóng khi cả vợ chồng trẻ và vợ chồng già cùng chung một hoàn cảnh. Cái vòng tròn sinh tồn ở đời cứ từ bán, vay, từ người này sang người khác, chẳng biết đến khi nào mới có thể kế thúc cho những bi kịch. Ngôi nhà mới của tôi khép mình dưới gốc cây sấu già, những con người nơi đây niềm nở, dễ mến. Buổi đầu lạ đất, tôi được họ cật lực giúp, không cần lời nhờ vả, những câu chuyện cũng theo đó mà thắt chặt thêm thân tình giữa gia đình tôi với nơi ở mới. Mỗi buổi sáng, sau khi chồng con đi làm, tôi đứng ngắm cảnh ào ạt của công nhân ùa vào nhà máy. Những dòng người nhinh nhích chui vào công xưởng. Phải nói đúng hơn nơi tôi dọn đến là khu tái định cư, mảnh đất trước kia chỉ toàn đồng ruộng và cây dại, là nơi thường xuyên diễn ra những vụ cướp, giết, hiếp mà lúc nào cũng giần giật trên các trang báo. Bên cạnh nhà tôi là một dãy trọ của cô Hoa. Cô Hoa  dáng người cao, da trắng, khuôn mặt khả ái. Cô là người xông nhà chúng tôi khi chuyển đến.
– Ôi giời nhiều đồ đạc ghê nhỉ? Để tôi gọi mọi người sang giúp veo cái là xong ấy mà… Con bé nhà anh chị kháu khỉnh ghê, đúng là bố mẹ tiên đẻ con tiên…
Miệng nói, tay làm, chân cô tất tả rảo bước ra ngoài, gọi hết tên người này đến tên người khác, mặc kệ sự ngỡ ngàng của vợ chồng tôi. Tính cô thế, xởi lởi và nhiệt tình. Hàng xóm ở đây đặt cho cô cái biệt danh Hoa “chích”. Cô Hoa vừa bước vào cái tuổi ba mươi lăm, nét xuân còn in đậm trên đôi mắt long lanh, làn da trắng và trong dáng người dong dỏng. Cô không chồng, sống với đứa con trai lên ba tuổi. Nhà cô có bốn anh em, trước thì nghèo và khốn khó, nhưng nhờ đổi đời từ đất, nên cô bỗng chốc trở nên giàu có, cô xây ngôi nhà hai tầng, cùng dãy nhà trọ để lấy nguồn sinh sống. Dãy nhà trọ của cô cũng đủ người tứ xứ đến thuê, nhưng chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp tại chỗ. Cô Hoa lấy chồng không một mảnh giấy hôn thú. Cô kể rằng, anh chồng vốn là người yêu của cô bạn thân mình, nhưng trong đêm sinh nhật của cô, cô bạn thân vắng mặt, cử chàng người yêu quý giá đến dự và tổ chức cho cô. Cô đã say men anh chàng từ lúc ấy, bởi sự ga lăng và tiếng hát hút lòng. Cũng chính từ đó cái ý nghĩ độc chiếm người yêu bạn ngày càng lan nhanh trong đầu cô, rồi trở nên mạnh mẽ. Thế rồi anh chàng ấy không cưỡng lại được sự mới lạ, mời mọc của cô, nên đã không giữ được “quan hệ trong sáng” giữa hai người. Cô nói:
– Sau cái lần giữa em với hắn “cái chai cái lọ” với nhau thì con bạn em cũng định cư bên nước ngoài và cắt đứt mẫu câu “bạn thân” với em luôn chị ạ. Có lẽ hết đời chẳng ai tốt với em được như đứa bạn ấy, nhưng tuổi trẻ mà chị, lúc nào cũng bồng bột và luôn tự đại về mình.
Trong cái ngôn từ mà cô nói chuyện với tôi, cô luôn dùng từ cho những việc không tốt đẹp, những việc đen tối của ai đó là “cái lọ, cái chai” với sự đăm chiêu nơi khóe mắt đã nhờ nhỡ những nét hằn của chân chim và nụ cười chua chát của cô. Chẳng bao lâu sau, khi cô mang hạt giống tình trong người, thì anh chàng hờ của cô lại đi “cái lọ, cái chai” với con đàn bà khác. Cô bảo: “Ờ thì thôi, quả báo mà”. Cô ngậm ngùi sống trong sự bủa vây của dư luận và tiếng chì chiết của người thân. Vậy rồi cuộc sống của cô cứ lớn dần lên theo đứa con tình, cô yêu thương con cũng là tình yêu nửa vời, tình yêu không vượt qua nổi sự thèm khát và bản năng của đàn bà. Tôi vẫn thường thấy những bóng đàn ông lần lũ đến nhà cô, khi sáng, khi tối… Nhớ có lần, cũng vào một ngày mưa cô sang bên nhà tôi, bên cốc cà phê cứ lách chách rơi xuống, tiếng cô dậm vào không gian tĩnh lặng:
– Chị ạ. Chị có đánh giá em là con đàn bà mất nết không? Em biết chị là dân trí thức nên chuyện ong bướm đối với chị chắc khó chấp nhận được lắm. Nhưng nào ai muốn hả chị. Một lần sai lầm thì với thiên hạ mãi mãi chỉ là sai lầm. Em biết có nhiều con đàn bà miệng cứ xoen xoét rằng yêu chồng, thương con, rằng gia đình đang hạnh phúc, nhưng tay thì nhắn nhe yêu đương, “cái chai, cái lọ” với thằng đàn ông khác ngay. Những đứa như thế còn đáng khinh hơn phải không ạ. Thời đại này hạnh phúc chỉ như một sợi tơ nhện thôi, chị nhỉ?
Nhìn cô những lúc ấy gương mặt thẫm lại, sự ràu rĩ trong cảm xúc của người đàn bà đơn thân khiến tôi thấy nhói lòng. Bàn tay cô vẫn dân di trên cái ổ nhện đã rách rưới. Tôi động viên:
– Mỗi người chọn một cách sống riêng, em ạ. Đàn bà có thể có lỗi với nhiều thứ nhưng tuyệt nhiên không được có lỗi với con của mình. Với lại đời không ai sống hộ ai được, hạnh phúc cũng do bản thân mỗi người tự nhận định, miễn sao ta sống vì cái tình và bằng cảm xúc thật cho mình, cho người và cho đời thôi, em ạ.
Chúng tôi thường nói đùa cô Hoa là trung tâm phát thanh truyền dẫn của khu phố nhỏ, bởi chuyện gì dù bé hay lớn đều không qua được sự quan sát của cô. Nhiều kẻ khó chịu, nhiều người tặc lưỡi cho qua. Hình như họ cũng không muốn phụ tấm lòng, sự nhiệt tình cô dành cho họ. Đã bao lần cô ngỏ ý muốn tôi xin giúp cho một công việc để làm, không phải vì tiền, mà chỉ muốn có nơi để giết thời gian. Nhưng rồi, hễ cứ yên ổn ở một nơi chốn nào đó không quá một tuần, cô lại thất thả sang tôi ngồi dông dài cả buổi, chỉ để lựa lời  biện minh cho sự bỏ việc của mình. Thấy vậy, chồng tôi cáu lên rằng:
– Người như cô Hoa là dạng ăn vạ đời em không biết à? Những điều cô ấy muốn đều là viển vông, tốt nhất em dừng ngay cái lòng thảo thơm của mình lại không thì phải vạ đấy.
Tôi không biết có vạ hay không, nhưng một hôm cô Hoa thất thần chạy sang bên nhà tôi khi trời vừa loạng choạng tối. Lần này cô không oang oang từ cửa mà rón rén đi vào khu bếp rồi thì thầm vào tai tôi:
– Chị đi với em sang xóm trọ chút.
– Để làm gì?
– Thì chị cứ đi đi…
Miệng nói, tay cô lôi tôi lệch phệch ra khỏi nhà. Khu trọ cô vẫn trầm mình trong không khí mịt mù của đủ thứ mùi vị khác nhau. Cô đưa tôi đến căn phòng nằm gần cuối dãy, căn phòng có vẻ mới, ánh điện se sé qua bức mành lưng lửng. Đập vào mắt tôi nào là túi, nào là ti vi, bát đĩa bầy ngổn ngang. Trên chiếc giường kê sát vào tường, hình dáng con người đang nằm trên đó khiến tôi thốt tim lại. Một cái đầu nhẵn nhụi mầu da, đôi chân từ trên xuống dưới to như chân voi, sần sũi và rúng rính. Bên dưới giường, chiếc chuồng nhốt mèo thi thoảng lại re ré lên tiếng kêu rờm rợm da thịt.
– Dị nhân hả chị?
Sợ người đó nghe được, tôi trấn giọng át đi tiếng cô Hoa.
– Vớ vẩn… Họ là con người, là phụ nữ hẳn hoi, cô đừng nói bậy.
Tôi đưa tay kéo lại bức rèm cho kín, rồi đóng lại cửa sổ phòng. Tôi túm tay cô Hoa đi ngược lại ngôi nhà của cô ấy.
Hình ảnh về người phụ nữ với đôi chân voi cứ ám ảnh tôi mãi cả vào trong giấc ngủ, những câu hỏi và trí tò mò cũng khiến tôi đặt không biết bao nhiêu câu hỏi về người đàn bà xa lạ đó. Thế rồi cũng lại cô Hoa ngay sau đó đã dẫn người đàn bà ấy đến đứng bên giàn hoa giấy nhà tôi. Cô Hoa xởi lởi giới thiệu:
– Chị Diệu ơi! Đây là chị Hiền, người vừa dọn đến phòng trọ nhà em, chị ấy nghe em kể về chị nên mê tít muốn sang nói chuyện cho có hơi người?.
Tôi khẽ lườm đuôi mắt về phía cô Hoa. Người đàn bà mặc chiếc váy dài xuống hết đôi chân, chỉ để lộ ra những ngón chân mũm mĩm. Từ lông mày, đến mắt, đến môi chị đều xăm mầu dù đã nhạt đi nhiều chỗ. Lúc này chị đội tóc giả, những ngọn tóc xoăn nhẹ phủ hờ bên đôi má phúng phính và nước da trắng của chị. Tôi mời hai chị em cô Hoa vào nhà. Nhìn tôi, người đàn bà ấy không giấu được vẻ rụt rè và khép nép, chị ta nói khá nhỏ, hình như là cảm ơn vì sự hiếu khách của tôi. Vẫn tiếng cô Hoa “chích” vanh vảnh:
– Chị Hiền là người Sài Gòn chuyển về. Chị ấy cũng cảnh không chồng, không con, không nhà cửa, chị ạ. Em gọi chị ấy là Hiền voi vì đôi chân chị ấy…
Tiếng chị Hiền vẫn nhỏ nhẹ, chất giọng Nam bộ như ru vào lòng người, khiến tôi thêm phần thiện cảm với người đàn bà mới đến này.
–  Chị nghe Hoa kể về Diệu nhiều, nên nhờ Hoa dẫn qua đây chơi. Cuộc đời chị cũng nhiều gian truân lắm, em ạ. Cũng chỉ vì hoàn cảnh và sự dại dột mà giờ chị tay trắng ra đi, sống nốt đời mình nơi đất khách quê người.
Rồi chị kể cho tôi và Hoa nghe về đời chị. Chị sinh ra và lớn lên là con nhà lính, nhà chỉ có hai anh em, nên khi bố mẹ mất, anh trai lập gia đình, chị vẫn vất vưởng với những mối tình ngây dại của mình. Những người đàn ông đến với chị chỉ vì tiền và vì ngôi nhà chị được thừa kế tiền tỷ trên mảnh đất trung tâm. Rồi chị gắn bó với người đàn ông tên Dưỡng. Dưỡng cũng là dân tứ xứ đổ về Sài Gòn buôn bán làm ăn. Ngày dọn đến ăn ở với chị, cả nhà chị đều phản đối với lý do đôi mắt Dưỡng xếch ngược và miệng không có nhân trung. Chị mặc kệ, vẫn một mực bảo vệ tình yêu của mình. Lúc đầu chị không hề hay biết Dưỡng đã có vợ con, sau biết rồi, chị lại đồng ý cho Dưỡng đón hai con vào cùng sinh sống. Gánh nặng từ một người phụ nữ tự do, nay đèo bòng vào mình trách nhiệm gia đình khiến chị chao đảo. Dưỡng vẫn hàng ngày rong ruổi theo xe đi lấy hàng, khoán hẳn cho chị trách nhiệm hai đứa con. Mỗi lần Dưỡng về, gã lại đổ ập lên thân xác chị, lẫn những lời ngon ngọt để lấy vốn làm ăn. Khi hay tin chị có mang, Dưỡng năm lần bảy lượt khuyên nhủ chị nên bỏ để ổn định kinh tế. Chị tin Dưỡng và trao hết những gì chị có. Cho đến khi Dưỡng ngang nhiên đưa vợ vào ngôi nhà của chị mà gã đã chuyển sang tên sang vợ chồng gã lúc nào không biết, thì cũng là lúc chị thấy tóc mình rụng ngày càng nhiều, chân ngày càng to ra. Việc kiện cáo khiến chị càng kiệt quệ, bệnh tình càng trở nên nặng hơn. Không còn mặt mũi nào, chị đành gom góp những gì còn lại để ra đi khỏi nơi đau buồn ấy.
***
 Quán cà phê vẫn vang lên tiếng nhạc du dương. Mới hôm nào câu chuyện của chị Hiền chân voi kể cho tôi nghe, vậy mà giờ cũng đã trôi đi được ba năm. Ba năm ấy khu phố tôi vẫn luôn là nơi diễn ra nhiều sự kiện. Tôi từ bỏ con đường kinh doanh riêng quay trở lại làm một nhà văn trong cái cơ quan dư dả về thời gian và những chuyến đi dài ngày sáng tác. Trở về từ một trại viết gần tháng trời, tôi nhận được tin cô Hoa “chích” chuẩn bị lấy chồng, chị Hiền đã được ông anh trai cho chút tiền mua một ngôi nhà nho nhỏ để sống. Xóm trọ và cả dãy phố nơi tôi ở vẫn luôn là nơi gặp gỡ của nhiều câu chuyện con người. Nơi ấy có nỗi đau nhưng cũng luôn có vị thắm của tình người, của sự sẻ chia và thấu cảm. Ngoài trời, những hạt mưa xuân đang phả xuống khung cảnh một mầu bàng bạc, sanh sánh mặt hồ tươi sắc. 
5/5/2021
Ngân Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...