Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Cảm thức văn hóa và sự tri ân trong thơ Võ Thị Như Mai

Cảm thức văn hóa và sự
tri ân trong thơ Võ Thị Như Mai

Mấy năm trở lại đây, Võ Thị Như Mai là một tác giả, dịch giả khá quen thuộc với cộng đồng mạng bởi chị luôn say sưa, miệt mài với việc sáng tác và dịch thơ của người Việt ra tiếng Anh. Chị có hẳn một trang web tiếng Anh để giới thiệu những tác phẩm thi ca cho người Việt.
Thơ chị nhẹ nhàng, bay bổng và đầm đẫm yêu thương. Đặc biệt chúng tôi thấy trong thơ chị luôn chất chứa một tình yêu tiếng Việt sâu sắc. Mới đây, trong thể loại thơ 1-2-3, khi viết về nơi chị đang sống, nơi đã cưu mang chị hơn hai mươi năm – miền Tây Úc hào sảng và giàu tình người – chị lại thể hiện tiếng nói ấy thật mượt và đằm thắm bên cạnh một giọng thơ giàu tri thức văn hóa và đẫm đặc sự tri ân lẫn thương yêu!
Ban đầu là một cái nhìn đậm chất cổ tích “dòng sông Swan kể chuyện chú rắn nước Waugal thiêng liêng”. Bài thơ theo giọng tự sự mềm mại hiền lành. Ý thơ toát lên sự trân trọng và ghi nhớ “trên mảnh đất cổ xưa của người Whadjuk Nyoongar”, nơi mà bây giờ đã mọc lên “thành phố Perth lung linh sắc màu đa văn hóa”, một nơi phồn thịnh giàu sang “thành phố ánh sáng mênh mông biển cả”. Rồi bỗng nhiên xuất hiện một sự so sánh làm cho bài thơ nhã nhặn và tình tứ hơn “như anh của em rất hiền/ tạo ra và duy trì dòng suối mát” là phải chăng ý tác giả muốn nhấn mạnh đến lòng biết ơn của thế hệ bao con người đang hàng ngày thụ hưởng những thành quả trên chính mảnh đất Tây Úc ấy?
Rõ ràng, sự thể kia là những hiện hữu đang trôi theo đà của luật nhân quả. Ai đã “tạo ra” và ai đang “duy trì” những “dòng suối mát” trong lành hiền hòa ấy để chúng ta được sống an vui trong hòa bình yên ả? Lời thơ thì thầm với độc giả những điều “cổ xưa” của lịch sử, nhỏ nhẹ mà óng ánh hiện tại “lung linh sắc màu đa văn hóa”, để dung dăng dạo chơi trong một “thành phố” đầy “ánh sáng” và rộng lớn “mênh mông” như “biển cả”. Tâm thế ấy lại được đặt trong một cảm thức lắng nghe “dòng sông Swan kể chuyện chú rắn nước Waugal thiêng liêng” thì chao ôi, còn gì thú vị hơn mà không thốt lên tiếng yêu thương vang ngân đắm đuối “như anh của em rất hiền/ tạo ra và duy trì dòng suối mát”:
Trên mảnh đất cổ xưa của người Whadjuk Nyoongar
Thành phố Perth lung linh sắc màu đa văn hóa
Thành phố ánh sáng mênh mông biển cả
Dòng sông Swan kể chuyện chú rắn nước Waugal thiêng liêng
Như anh của em rất hiền
Tạo ra và duy trì dòng suối mát
Kế tiếp là những nét sinh hoạt đời sống văn hóa của người thổ dân Nyoongar được nữ sỹ phác họa qua lối tu từ liệt kê “người Nyoongar di chuyển theo mùa/ trú đông vào đất liền du xuân săn bắt/ cắm trại trên King’s Park”. Giọng thơ cứ nhỏ nhẹ mà chỉ ra như thế là phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh rằng tri thức ấy có được từ những trải nghiệm cần có? Vâng, những điều rất cần phải có ấy là những hiểu biết về tập quán sống nơi đó để hội nhập và để trân trọng mà sống sao cho có ý nghĩa hơn đó thôi!?
Đan xen với giọng kể là giọng điệu nhắn nhủ đến độ thiết tha “hãy cùng em đến công viên này, Mooro Koarta/ tựa vào nhau nghe thành phố kể/ tôn kính cộng đồng thổ dân và người đảo Torres Strait”. Một mong ước đã được bật lên là “hãy cùng” nhau lắng nghe, rồi cùng nhau thấu hiểu để mà cùng nhau “tôn kính”. Một chuỗi hành vi được xâu kết lại theo lối tịnh tiến thời gian và có thấy thấp thoáng bóng dáng của quy luật nhận thức khá thú vị là cùng “nhau” “hãy đến” mà lắng “nghe” để “tôn kính”. Có đi, có nghe, thì mới mong hiểu được vấn đề. “Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng” (Thành ngữ).
Chủ trương đi, đến, lắng nghe để rồi có những hành vi, hành động sao cho phù hợp là một thông điệp rất cần cho cuộc sống này. Do vậy, ý thơ trên ở hai đoạn đầu “Người Nyoongar di chuyển theo mùa/ Trú đông vào đất liền du xuân săn bắt/ Cắm trại trên King’s Park” là những tín hiệu thuần thông tin đọc qua miêu tả. Đó là yếu tố “cần” nhưng chưa “đủ”. Phải mắt thấy tai nghe nữa thì mới có thể đảm bảo những thông tin kia sẽ có được sức thuyết phục. Bài thơ tưởng chỉ là đề cập đến những biểu hiện bề ngoài của cuộc sống thôi nhưng lại chứa đựng trong đó một thông điệp ý nghĩa sâu sắc về yêu cầu sống sao cho hòa hợp. Hãy lắng nghe cuộc sống bằng cái nhìn nhiều chiều thì mới mong mình có đủ thông tin để có thể mở rộng lòng ra với những con người xung quanh ta. Lúc ấy, lo gì chúng ta không hiểu biết được những giá trị đích thực cuộc sống về họ? Cứ thế lời thơ tha thiết một giọng rù rì ngọt ngào:
Người Nyoongar di chuyển theo mùa
Trú đông vào đất liền du xuân săn bắt
Cắm trại trên King’s Park
Hãy cùng em đến công viên này, Mooro Koarta
Tựa vào nhau nghe thành phố kể
Tôn kính cộng đồng thổ dân và người đảo Torres Strait
Sang bài thơ thứ ba, chúng tôi thấy đó là một phát hiện thú vị khá độc đáo về địa lý. Ấy là tác giả đã cho nhân vật trữ tình của mình đặt chân đến mảnh đất này “thành phố ánh sáng nơi mặt trời chiếu vào dài nhất”. Giọng thơ như reo lên vui tươi trong một tâm thế đón nhận. Và cũng chính nơi đây đã “sinh ra và nuôi dưỡng nhiều ngôi sao Hollywood”. Mảnh đất của “ánh sáng” từng sản sinh ra nhiều ngôi sao thượng thặng cho điện ảnh thế giới. Lời thơ xác tín trong một giọng kể nhẹ nhàng vui vẻ. Và địa danh ấy, vẫn trong con mắt thi nhân, hiện ra thật cụ thể và sống động “nằm trên bờ phía Bắc sông Thiên Nga”. Áng sáng mặt trời chói chang nhảy múa và tâm tình nhân vật trữ tình cũng như đang nhảy múa theo. Sự thú vị của lời thơ là tiếng nói tự do cất lên hết sức tự nhiên là có lẽ ý thơ muốn khẳng định “ánh sáng” mặt trời chói chang kia là tiếng nói ngợi ca biểu tượng cho một cuộc sống dưỡng nuôi những tài năng nghệ thuật lớn? Thiên nhiên và con người luôn có sự tương đồng nếu con người biết trân quý thiên nhiên?
Thế là, niềm vui vỡ òa. Lễ hội cất tiếng và ước mong hòa mình vào lễ hội ấy “xôn xao” lên khi mong ước kia xuất phát từ chính “trái tim đập rộn ràng”. Lời thơ bắt đầu nhún nhảy giai điệu yêu thương. Bình yên và nhộn nhịp “chúng mình đạp xe ra vùng ngoại ô”. Sự thanh bình và thảnh thơi được trải dài trong một không gian mênh mông. Những địa danh xuất hiện như đang được kiểm đếm “Darling Range phía Đông, Tây giáp Ấn Độ Dương anh nhé!”. Rõ ràng, bài thơ ắp đầy sắc màu tươi vui và rộn rã của sự du ngoạn. Không gian mênh mang trải ra theo ý thơ. Một sự thỏa thích tràn ngập bóng dáng của tự do. Miên viễn!
Thành phố ánh sáng nơi mặt trời chiếu vào dài nhất
Sinh ra và nuôi dưỡng nhiều ngôi sao Hollywood
Nằm trên bờ phía Bắc sông Thiên Nga
Chúng mình đạp xe ra vùng ngoại ô
Darling Range phía Đông, Tây giáp Ấn Độ Dương anh nhé
Trái tim đập rộn ràng ngày lễ hội xôn xao
Một giả thiết được đặt ra để cho tâm tư nhân vật trữ tình gửi gắm “nếu thế giới kết thúc ngày hôm nay”. Tâm tư kia tự nhiên chùng lại. Giọng thơ có vẻ chiêm nghiệm trong một tâm cảm bộc bạch mang dáng vẻ của sự vỗ về “xin anh đừng lo lắng/ ta đang ở những ngày mai còn gì”. Nhịp thơ có một chút chậm lại dường như cũng để ngầm ngợi ca rằng cuộc sống hiện hữu này xứng đáng được xem là đang ở trong giai đoạn “ngày mai” đó thôi. Kế tiếp, lời thơ bám vào sức lao động cần mẫn để đẩy ý thơ lên thật đẹp “chúng mình làm việc chăm chỉ tuần năm buổi như nhau”.
Song, tuy ý thơ ngợi ca đấy mà vẫn thấy phảng phất hơi hướng của sự tự trấn an trong hình thức câu hỏi tu từ “trên tiểu bang đẹp xinh ngại gì bị bỏ rơi anh nhỉ”. Giọng thơ trầm lại như ngoái nhìn phía sau một chút, âu đó cũng là tâm tư của những người con xa xứ “quá khứ dân tộc nào cũng đau buồn”, thì hà cớ gì chúng “mình” không cùng nhau “ra biển tìm quên”? Bởi thế mà giọng thơ vẫn tâm tình thủng thẳng “chúng mình làm việc chăm chỉ ngày năm buổi như nhau” là cốt để làm nền tảng tự tin đã và sẽ được tạo ra từ vẻ đẹp lao động trong cuộc sống hiện tại. Lao động luôn luôn là vinh quanh! Lao động để khẳng định mình. Rồi lao động còn là sự chủ động để tôn vinh giá trị đích thực của cuộc sống. Có được sự tự chủ thì mới mong có được sự tự tại. Lúc ấy thì lo gì chẳng hiểu cái đã qua và sống có ý nghĩa hơn với cái hiện tại “quá khứ dân tộc nào cũng đau buồn, mình ra biển tìm quên”:
Nếu thế giới kết thúc ngày hôm nay
Xin anh đừng lo lắng
Ta đang ở ngày mai còn gì
Chúng mình làm việc chăm chỉ tuần năm buổi như nhau
Trên tiểu bang đẹp xinh ngại gì bị bỏ rơi anh nhỉ
Quá khứ dân tộc nào cũng đau buồn, mình ra biển tìm quên
Một sự thú nhận vô cùng đáng yêu và nữ tính “hơn hai mươi năm xa nước Việt thân yêu/ lần đầu tiên em viết về ngôi nhà mới”. Thời gian hai mươi năm đủ để lắng lại những tâm tư và khơi nguồn cho dòng cảm xúc mới. Song, hơi thơ thì vẫn như đang thủ thỉ với “nước Việt” rằng “hơn hai mươi năm” rồi, “nước Việt” vẫn gần như nguyên vẹn trong trái tim “em” đó, điều ấy được tạo bởi hai chữ “thân yêu” vang lên ở cuối dòng thơ. Xa thì nhớ, mà nhớ thì lưu giữ và có điều kiện thì về thăm. Đó là quy luật bất biến về tình yêu cội nguồn của con người.
Và, cái đáng nói ở đây là cách hành xử với nơi mới, với “ngôi nhà mới” hiện hữu kia ra sao khi chính nơi ấy đã và đang dang rộng vòng tay yêu thương ra “cưu mang” lấy bao nhiêu con người xa xứ thì liệu chúng ta, trong đó có “em”, đã bày tỏ được điều gì đáng ra phải bày tỏ để tri ân chưa? Do vậy, lời thơ thốt nhiên phải bộc bạch, nhẹ nhàng mà đằm dịu “hơn hai mươi năm…/ lần đầu tiên em viết về ngôi nhà mới” là cốt cũng muốn nói lời chia sẻ để tri ân thật lòng, bởi lắm lúc, cái trước mắt, cái đang hữu ích, cái đang chở che ta thì ta lại thường hay quên mất. Cũng may, “em” đang viết về cái “nơi cưu mang mình” – là cũng để nhằm “xoa dịu vết thương chiến tranh lầm lỗi” – mà dù muốn dù không, lịch sử ấy khó lòng làm cho chúng ta quên. Mới hay, cách nói đặt vào cảm nhận của nhân vật trữ tình sau “hơn hai mươi năm” là đủ cho chúng ta thấy rằng nhân vật trữ tình kia đang nói lên lời tâm tình gan ruột nhất. Có phỏng?
Thì đó thôi, tác giả đã để cho nhân vật trữ tình “ngước mắt nhìn trời sáng rực ngôi sao bao dung” là có lẽ chủ ý muốn vẽ lên một không gian mênh mông vời vợi cho một biểu tượng tự do tự tại? Ẩn trong đó có một điều đáng quý, đáng trân trọng là không gian sống ấy đang hiện hữu trước mặt thì dĩ nhiên những hình ảnh và hành động như là “nếm rượu nho, chocolate, phô mai trên thung lũng hồng” thực sự đã làm tăng thêm độ tự tại và thảnh thơi nơi “ngôi nhà mới”. Lời kể mang bóng dáng liệt kê kia như reo lên xác nhận một sự thật rằng hạnh phúc ấy đang bao quanh cuộc sống. Một cuộc sống có đầy đủ hương vị lẫn sắc màu của hạnh phúc tự tại đã được chứng minh bởi bộ ba thi ảnh xuất hiện liền kề (rượu nho, chocolate, phô mai).
Do đó, thái độ thưởng ngoạn thiên nhiên lẫn vật chất mà con người làm ra đã cất lên tiếng nói đáng kể nhằm ca ngợi cuộc sống. Một kiểu ngợi ca bằng hành động cụ thể giàu sức thuyết phục. Sự thưởng ngoạn cuộc sống một cách an vui như thế thì hẳn nhiên đó đích thị là một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Hơn nữa, câu thơ cuối còn mang dáng vóc của một sức sống ấm áp. Điều ấy được tích tụ và tỏa ra từ sự gắn bó và yêu thương của con người vì họ đã “sưởi ấm cho nhau cuối ngày bên lửa trại”. Lời thơ như ấm nồng hơn. Giọng thơ vui tươi, trong sáng đến vô cùng: 
Hơn hai mươi năm xa nước Việt thân yêu
Lần đầu tiên em viết về ngôi nhà mới
Nơi cưu mang mình, xoa dịu vết thương chiến tranh lầm lỗi
Ngước mắt nhìn trời sáng rực ngôi sao bao dung
Nếm rượu nho, chocolate, phô mai trên thung lũng hồng
Và sưởi ấm cho nhau cuối ngày bên lửa trại.
Chùm thơ 1-2-3 của nữ sỹ Võ Thị Như Mai tuy có sự đa dạng về giọng điệu, cách kể nhưng vẫn là kiểu lồng ghép tiếng nói lịch sử văn hóa vào tiếng nói trữ tình lứa đôi. Do vậy, thơ của chị mềm mại, trong trẻo, dễ đọc, dễ cảm và rất giàu chất nữ tính. Phải chăng đó là cái duyên thi ca của một Võ Thị Như Mai tuy xa quê, hiện sống trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác với nền văn hóa Việt Nam nhưng chị vẫn luôn nặng lòng với Tiếng Việt, với cội nguồn dân tộc Việt?.
30/8/2023
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...