Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn

Dấu ấn dân gian trong truyện
thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn

Là một trong những cây bút trưởng thành giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ là người có duyên thầm trong thơ mà còn có duyên kể chuyện, đặc biệt là những câu chuyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Bà đã ghi dấu trên chặng đường văn học thời kì Đổi mới với những tác phẩm như: Bỏ trốn, Đứa bé mất cha, Xóm đê ngày ấy, Tuổi trăng rằm, Học trò lớp 9.
Một trong những yếu tố tạo nên phong cách riêng của truyện thiếu nhi Phan Thị Thanh Nhàn là sự tiếp biến văn hóa dân gian trong sáng tác của bà. Những chất liệu dân gian được tác giả khai thác, chắt lọc, làm mới để đưa vào sáng tác của mình một cách khéo léo, tạo hiệu ứng tối đa, tác phẩm nhờ đó “sáng” lên lấp lánh, vừa gần gũi mà cũng vừa mới lạ, vừa cách tân hiện đại nhưng cũng vừa dân dã truyền thống.
1. Cuộc sống vốn vô cùng phong phú đa dạng và khả năng kì diệu của văn chương là phản ánh, tái tạo hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ. Song phạm vi đề tài được phản ánh sẽ giới hạn theo từng khả năng cũng như sự tâm đắc khi lựa chọn của mỗi nhà văn. Nói cách khác là mỗi đề tài trong tác phẩm đều ít nhiều mang dấu ấn phông nền văn hóa của tác giả. Lựa chọn viết cho thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả bởi những câu chuyện giản dị mà lôi cuốn qua từng biến động của cuộc đời nhân vật trên từng trang sách. Với năm tác phẩm dành cho thiếu nhi, chúng ta không khó để nhận ra hành trình sáng tạo của nhà văn chính là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa, văn học dân gian. Hình ảnh những em bé mồ côi chịu thương chịu khó, chăm ngoan và hiếu thuận, những em bé thông minh, những người bà nhân hậu và giàu đức hi sinh… trong những câu chuyện cổ tích, truyện cười mãi là hình ảnh đẹp với bất kì ai và nó thực sự là nguồn cảm hứng, là sự ám ảnh không nguôi đối với những người cầm bút. Viết cho thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn cũng xây dựng cho tác phẩm của mình một hệ thống nhân vật trẻ em mang dáng dấp những số phận và tính cách của những nhân vật trẻ em trong cổ tích. Đó là Thi mồ côi mẹ, bố đi lấy vợ khác; là Nụ mất mẹ bởi bom đạn của chiến tranh; là Côi không biết bố mẹ ruột của mình là ai; là Thu, Vương, Hiên, Hoa, Thái, Luân… dù còn cha còn mẹ nhưng cũng chẳng khác gì mồ côi bởi sự tan vỡ của gia đình…; điểm chung của các em là luôn khao khát một mái ấm gia đình, được che chở và yêu thương. Đó còn là những em bé luôn chăm ngoan học giỏi, và dù cuộc đời với những biến cố đã xô đẩy các em vấp ngã thì cuối cùng các em vẫn vươn lên, hướng về những giá trị nhân văn để tự hoàn thiện tâm hồn mình. Những câu chuyện của Phan Thị Thanh Nhàn còn tạo nên sự thú vị cho bạn đọc bởi những tình tiết vui nhộn xoay quanh sự nghịch ngợm, lém lỉnh của các em – những cô bé cậu bé thông minh như trong cổ tích, trong truyện cười dân gian. Là sự dũng cảm của Gái trong Xóm đê ngày ấykhi một mình vật lộn với vợ chồng kẻ gian để lấy lại tài sản cho mẹ bạn. Là sự thông minh, mưu trí của nhóm bạn Nghĩa, Vương, Loan với hành trình tìm cách bảo vệ và giải cứu bạn trong Học trò lớp 9…
Khi viết về đề tài thiếu nhi, khắc họa những nhân vật với những số phận, những biến cố, trắc trở, và tạo dựng cái kết cho từng tác phẩm, ngoài sự ảnh hưởng từ nền văn hóa, văn học dân gian, phải chăng còn là do những gì mà cuộc đời của bà đã từng nếm trải. Tác giả Phan Thị Thanh Nhàn từng tâm sự: “Tôi đã quan sát, ghi chép và cặm cụi ngồi viết lại những gì tôi cảm nhận, suy tư và xót thương số phận của những trẻ em không may mắn”. Ngoài ra, trong sáng tác của Phan Thị Thanh Nhàn, những phong tục, tập quán dân gian hiện lên sinh động, chân thực. Trong Xóm đê ngày ấy, tác giả đặc biệt tỉ mỉ tả cảnh hầu đồng tại nhà của bà đồng Toàn: “Trên chiếc chiếu hoa trải dưới chân điện thờ, bà đồng Toàn chân đi giày vải thêu hoa, tay cầm quạt lụa, nhún nhảy hết sang phải lại sang trái ra bộ đang chèo đò”. Hay phong tục tang ma cũng được nhắc đến trong Bỏ trốn khi mẹ và bà cái Thi mất: “Mùi hương nến ảm đạm. Trong nhà có bàn thờ, hình mẹ nó treo ở trên, xung quanh mờ mịt khói nhang cùng hoa quả”.
2. Phan Thị Thanh Nhàn khéo léo xây dựng những hình tượng nhân vật có những phẩm chất tốt đẹp là kết tinh những giá trị tâm hồn người Việt. Đó là bà ngoại của cái Thi trong Bỏ trốn, khiến chúng ta liên tưởng đến người bà trong truyện cổ tích Bà cháu, là hiện thân của sự bao dung, nhân hậu, giàu lòng vị tha. Bà chắt chiu, yêu thương và hết mực lo lắng cho đứa cháu côi cút. Đến lúc sắp lìa đời, nỗi bận tâm duy nhất của bà vẫn là đứa cháu bé bỏng gặp nhiều bất hạnh. Bà của Hiên trong Đứa bé mất cha cũng thế, ở tuổi xế chiều, trước sự tan vỡ gia đình của con trai, điều bà lo lắng chính là đứa cháu trai đang phải đối mặt với cú sốc quá lớn. Bà của Nụ trong Tuổi trăng rằm dù chỉ được nhắc đến với vài câu văn ít ỏi trong toàn bộ tác phẩm nhưng vẫn có thể làm nhói lòng người đọc bởi những dằn vặt về nỗi đau mất cháu đã nhiều năm. Dường như trong những trang viết của Phan Thị Thanh Nhàn, hình ảnh người bà là hiện thân của những người bà trong cổ tích bước ra để yêu thương những đứa cháu của mình cho đến hết cuộc đời.
Trong Học trò lớp 9, bố của Nghĩa là người cha hết mực thương con (“Con tôi không được bình thường. Nên tôi thương nó hơn thương chính mình”) và cũng rất yêu vợ (“Vợ tôi phải cái nói nhiều. Nhưng mà vẫn cứ… đáng yêu như thường”). Mẹ của Nghĩa là người đàn bà yêu chồng yêu con, dù nghèo nhưng giàu lòng tự trọng (“Bà dù nghèo nhưng quyết không tiêu tiền của người khác”). Bố mẹ Nghĩa như là một minh chứng cho những câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch rách cho thơm”, như là kết tinh giá trị tốt đẹp của tâm hồn Việt. Chính những giá trị ấy quyện vào trang viết của Phan Thị Thanh Nhàn, một lần nữa tỏa sáng và có sức cảm hóa mạnh mẽ, vì thế mà khi đọc truyện của bà, người đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi không có cảm giác mình bị “dạy dỗ” về bài học làm người, về đạo lí tốt đẹp của dân tộc một cách cứng nhắc, giáo điều. Người đọc như được hóa thân vào nhân vật để tự cảm, tự thấm những giá trị nhân văn ấy nhằm dần hoàn thiện nhân cách.
3. Khảo sát những trang viết của Phan Thị Thanh Nhàn dành cho thiếu nhi, kết quả đáng ngạc nhiên là những chất liệu dân gian với những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, vè, câu đố… được tác giả lồng vào trong tác phẩm của mình một cách vừa vặn, phát huy hiệu ứng thẩm mĩ của nó, làm tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Có những câu tục ngữ, những thành ngữ được sử dụng nguyên văn như “Con gái cái bòn”,  “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, “Đói ăn vụng túng làm càn” (Bỏ trốn); “Con gà tốt mã vì lông”, “Nhường cơm sẻ áo”, “Nem công chả phượng” (Xóm đê ngày ấy). Có những câu ca dao, bài vè được lồng vào truyện như trong các tác phẩm Bỏ trốn, Xóm đê ngày ấy và Đứa bé mất cha. Câu đố và cách chơi chữ, vận dụng ca dao cũng xuất hiện trong tác phẩm của Phan Thị Thanh Nhàn khá nhiều: “Qua cửa sổ/ Đến cửa sắt/ Phơi chiếc tã/ Mãi không khô/ Là cái gì?”(Bỏ trốn); “Mặt Đường bẩn quá Đường ơi!”(Tuổi trăng rằm). Phan Thị Thanh Nhàn sử dụng chất liệu dân gian phù hợp với hoàn cảnh, tính cách của nhân vật. Ví như bà cái Thi bảo: “Đói ăn vụng túng làm càn”, câu nói đó phải là của một người bà giàu lòng bao dung và trải đời. Và những câu như “Con gái cái bòn”, “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” cứ phải đặt vào miệng người chị dâu ích kỉ luôn khắc nghiệt với em chồng thì mới phát huy hết sức nặng của nó. Tương tự, những câu đố, câu vè, những câu thơ mang âm hưởng đồng dao và cách chơi chữ lại phù hợp với lứa tuổi hiếu động thích khám phá thế giới. Chính vì chất liệu dân gian được sử dụng với dung lượng vừa phải đan xen vào tình tiết cốt truyện một cách hợp lí, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng như thế nên đã phát huy giá trị của nó trong việc góp phần khắc họa tính cách tâm hồn nhân vật. Giọng điệu tác phẩm vì thế cũng gần gũi với lời ăn tiếng nói thường ngày, không tạo cảm giác xa lạ, hàn lâm đối với lứa tuổi thiếu nhi. Những bài học nhân sinh từ tác phẩm nhờ thế mà thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên, không gượng ép.
Có thể nói, đưa chất liệu dân gian vào những trang viết dành cho thiếu nhi là cách để Phan Thị Thanh Nhàn góp phần đưa bạn đọc nhỏ tuổi trở về với cội nguồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của bà tạo nên thế giới nghệ thuật mang điệu hồn dân tộc, làm nên bản sắc riêng cho mảng đề tài truyện viết cho thiếu nhi của bà. Năm tác phẩm dành cho thiếu nhi, con số chưa nhiều lắm nhưng cũng đủ để ghi dấu cho một phong cách với những trang văn chân thực, trong sáng, nhân văn và mang đậm phong vị dân gian của Phan Thị Thanh Nhàn.
1/12/2019
Mộc Miên
Nguồn: VNQĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...