Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Huỳnh Như Phương: Cõi riêng thân quen và tươi mới

Huỳnh Như Phương: Cõi riêng
thân quen và tươi mới

Nhà giáo Huỳnh Như Phương gọi tên tập tiểu luận phê bình mới nhất của mình là Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn (NXB Hội Nhà Văn và Viện Giáo dục IRED, 2019) như một động tác khuếch đại không gian, mở ra các chiều kích mà dù được chia làm ba phần rõ rệt: Gọi tên những giấc mơ, Những cảnh tượng trần gian, Khoảng cách và cái nhìn thì nó vẫn là những viễn tượng được khai mở từ những hiện tượng văn học.
GS-TSKH. Huỳnh Như Phương
Tác giả Huỳnh Như Phương tái khẳng định quyền năng của sự đọc, như thể chỉ cần ngồi ở một nơi chốn dẫu ồn ào hay yên tĩnh, mở trang sách và thế giới từ đó đi ra, lan dần từ chỗ ta ngồi đọc sách, mở rộng, cao hơn và sâu thêm. Chính tác giả vào năm 2016 từng ra mắt tập sách Hãy cầm lấy và đọc như một lời mời gọi để dẫn ra những thế giới khác. Đến Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn độc giả hình dung rõ hơn thế giới đó là như thế nào.
Ở phần Gọi tên những giấc mơ, Huỳnh Như Phương đưa người đọc dịch chuyển sang một cõi thơ khác, khám phá những “vũ trụ thơ” khác. Nơi đó, thơ dịch chuyển giữa sông núi nay và sông núi xưa, ẩn hiện giữa mùi hương trầm lẫn bụi trần tục lụy, là thế giới của con đường đi tìm Niết bàn và cũng là dòng sông trôi chảy về địa ngục.
Ta bắt gặp những cái tên đã thành quen như Thích Nhất Hạnh, Trần Mai Châu, Bùi Giáng, Đỗ Hồng Ngọc, Trụ Vũ… có người là huyền thoại sống giữa đời, có người đã là huyền thoại của muôn năm cũ. Dù rất khác nhau về tâm thế, tất thảy đều bước vào thi giới, bước vào đại mộng, như mơ mà như thực.
Tác phẩm Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn của Huỳnh Như Phương
Phần Những cảnh tượng trần gian chuyển từ cảnh mộng sang thực, tập trung vào văn xuôi, tái dựng lại một khoảnh văn học đô thị Sài Gòn ngày trước, chỉ một khoảnh, nhưng đầy ắp, sôi động. Thông qua những tác phẩm văn học, Huỳnh Như Phương đưa ta về lại một thời, ở đó văn chương tiệm cận đời sống, không chỉ là một đời sống với toàn đại cảnh mà còn là đời sống tâm hồn của con người ở cả hai bên chiến tuyến.
Cái lạ ở chỗ, dù trong “giấc mơ” hay “cảnh tượng”, những đối tượng mà tác giả chọn lựa không phải ai cũng vươn đến “đỉnh cao” của thời mình. Có người từng phát biểu rằng lịch sử văn học là lịch sử của những đỉnh cao. Nhưng ở đây tác giả như một nhà thiên văn học, không chỉ dõi theo chòm Bắc đẩu mà còn quan sát những ngôi sao lấp lánh xung quanh, thậm chí say mê cả những ngôi sao băng chỉ vụt qua; nhưng dù vị trí và vị thế của họ trên bản tinh đồ có khác nhau thế nào thì đã một thời họ từng hiệp lực cùng nhau thắp sáng cả một giai đoạn văn học.
Đó là công việc cần mẫn của người làm phê bình văn học, nhiều khi không phải chỉ nhìn thấy núi là đủ, mà còn phải thấy những bông hoa bé nhỏ trên núi ấy. Để thấy được những điều đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có “khoảng cách” để quan sát và từ đó dẫn đến chiều kích thứ ba: khoảng cách và cái nhìn, tập trung vào báo chí và lý luận văn học.
Bên cạnh những vấn đề mang tính văn học sử, ở phần này,  Huỳnh Như Phương còn giãi bày tâm tư của một nhà phê bình văn học trước những vấn đề cấp thiết như Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học, Văn học Việt Nam đối mặt với toàn cầu hóa, Báo chí và phê bình văn học… Riêng ở bài Báo chí và phê bình văn học, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông với sự phát triển của một nền văn học, một mối quan hệ vốn có lịch sử lâu bền đang phải đối diện với những thực tế khách quan đòi hỏi trách nhiệm không chỉ đặt lên vai những nhà phê bình văn học, mà còn cả những nhà báo.
Với ba yếu tố “giấc mơ”, “cảnh tượng” và “cái nhìn”, một không gian văn học đã được trình bày với độc giả như một thế giới riêng của nhà phê bình. Nhưng đồng thời, trong cái cõi riêng ấy vẫn thấy ra được những hiện tượng, sự vật cơ hồ đã thân quen, bỗng trình hiện tươi mới, như thể mới được phát hiện hôm qua.
4/3/2020
Huỳnh Trọng Khang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...