Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Nguyễn Thị Ngọc Hà: Giữa đôi bờ văn thơ

Nguyễn Thị Ngọc Hà:
Giữa đôi bờ văn thơ

Tính đến năm 2016, Nguyễn Thị Ngọc Hà đã sở hữu sáu tập thơ (“Gửi con lời ru”, “Đi ngang chiều gió”, “Cỏ mặt trời”, “Người gánh vô hình”, “Đứt giải yếm”, “Ngả vào nguyên khôi”), một tập tản văn (“Lạc trong đêm Liêu trai”), ba tập truyện ngắn (“Đầm ma”, “Ám ảnh”, “Con sóng màu hổ phách”), một tập tiểu thuyết (“Mưa trong nắng”). Đó là những con số biết nói.
Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai này lấy đâu ra sức lực để viết được cả ngàn trang sách như thế, nếu không là đam mê chữ nghĩa, văn chương. Hẳn là cái nghiệp! Tôi đọc thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà trước khi đọc văn xuôi của chị.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà
Đọc và hình dung thơ, văn Nguyễn Thị Ngọc Hà (ban đầu) như bên lở, bên bồi của một dòng sông mang nặng phù sa. Có lúc thì bên bồi nhận phù sa là thơ và ngược lại. Có lúc (về sau) thì lại như hai bờ sông không có đê vùng đồng bằng Nam Bộ xưa. Một vùng bao la thông thủy, nên phù sa chia đều cho cả hai. Bờ nào cũng được bù đắp phù sa trù mật, tươi tốt.
Phải thú thực rằng tôi không sành thơ. Vậy nên khi đọc thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, thấy hay đấy mà không “vê” lên được. Chỉ biết thơ người này thấm đẫm tình cảm, nhiều khắc khoải, nói thầm nói thì, lắng đọng và buồn. Và đắm đuối. Và cả nhiều cảm thông, chia sẻ.
Thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà đôi khi đọc xong, riêng tôi cảm thấy, chưa thấm thía ngay, thường khi phải đọc lại hơn một lần. Có những nhã thú văn chương đến chậm nhưng chắc và bền. Chị không mấy cầu toàn về câu chữ khi viết thơ, tôi hình dung như thế, mà cốt tìm cách nói cho được hết cái tình của mình.
Thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, vì thế, nhiều tình ý. Cái cấu tứ lớn nhất xuyên suốt toàn bộ thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà là “ngả vào giữa nguyên khôi” (như tên tập thơ thứ sáu của chị). Trong cõi trần gian làm gì có nguyên khôi, bởi con người đang tự giam cầm mình trong một thế giới ô nhiễm (và nguy hại nhất là ô nhiễm văn hóa).
Nguyên khôi chỉ có hoặc trong khoảng không vũ trụ, hoặc trong thế giới tâm linh siêu thoát. Những câu thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà khi đọc lên khiến tôi có cái cảm giác nhẹ bẫng như vừa được trút bỏ bụi trần: “Trút bốn mùa/Tầm gai/Tơ lụa/Ta bước qua tấm thân trần tục của mình/để ngả vào sự tinh khiết của hoa/Nhờ hương thơm thuần hóa nỗi đau…/Không chịu cũ” (“Ngả vào giữa nguyên khôi”). Có cảm giác Nguyễn Thị Ngọc Hà vẻ như xưa cũ khi viết: “Có câu thơ buộc túm tiếng ve/Treo lơ lửng ngọn me cành sấu/Có tình yêu vụng nơi cất giấu/Mượn lá sen ủ giữa cốm Vòng/Tôi lang thang tận có và không/Bất chợt gặp hồn muôn năm cũ” (“Có một Hà Nội trong tôi”).
Đọc những câu thơ như thế cảm nhận thêm về tinh thần “sắc sắc không không” trong thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà (hình như người thơ này thường lơ lửng giữa có và không). Lại nữa rất đậm chất Hà thành với những ve, những me, những sấu, những cốm Vòng, những sen,… những sản vật nghìn năm của đất Thăng Long. Tôi thấy người thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà thường đau đáu với những “miền trinh nguyên”, hơn thế cả với những “nơi nắng rơi không vỡ” (cũng là nhan đề những bài thơ được nhiều người ưa thích của chị).
Người thơ này có một niềm mong ước giản dị nhưng đầy chất men lí tưởng, thậm chí phảng phất cái vẻ không tưởng: “Để lũ trẻ sau anh sau em/ Được bình yên nơi nắng rơi không vỡ”. Ai đó gọi đây là sự thơ ngây không có tuổi của người thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà. Nhưng riêng tôi thích sự thơ ngây trong trẻo đó. Tôi gọi đó là con mắt xanh của nhà thơ lúc nào cũng hướng cái nhìn tới sự tươi sáng, tốt lành.
Nói cách khác là cái nhìn hướng thượng, hướng thiện, hướng mỹ. Một người thơ như thế sẽ ghi dấu ấn như thế nào trong văn xuôi? Trong trong ba thể loại văn xuôi (tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết) thì Nguyễn Thị Ngọc Hà bén duyên với truyện ngắn có lẽ vì nó gần với thơ hơn cả. Trước hết nó cần cấu tứ mới, nó cần hàm súc, nó cần liên tưởng và ám ảnh.
Tôi nghĩ, với ba tập “Đầm ma”, “Ám ảnh” và “Con sóng màu hổ phách”, Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng đã xứng đáng là một tác giả truyện ngắn. Truyện “Đầm ma” (2004) đã mở cánh của để nhà văn bước vào lĩnh vực truyện ngắn. Truyện này đã được Tiến sỹ văn học Nguyễn Huy Liên (nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng dịch giả Charles Wauhg tuyển chọn, dịch và được Nhà xuất bản Trường Đại học Georgia (Mỹ) ấn hành trong tập truyện “Family of Fallen Leaves”.
Truyện này thành công, theo tôi, vì nó gắn với những luận đề xã hội trọng yếu (chiến tranh và số phận con người). Dư ba của truyện như là một lời cầu nguyện cho tất cả mọi linh hồn những người đã chết và cả những người còn sống. Nhưng đa số truyện ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Hà lại thiên về những cảnh đời, phận người dang dở, do hoàn cảnh xô đẩy, do số phận định đoạt. “Một miền cúc”, một truyện khác của Nguyễn Thị Ngọc Hà có cấu tứ truyện gần với tứ thơ.
Cô gái tên Hoài trong truyện với những dang dở trong cuộc đời, đúng là mẫu người của những thân phận “bến không chồng”. Dẫu có bầm dập với cuộc đời thì cuối cùng cô vẫn có một miền để trở về, đó là quê hương, đó là mẹ, đó là thiên nhiên. Hoa cúc thơm nhưng hương thơm có vị đắng và Hoài: “Bỗng thấy trong tâm hồn mình cũng ngai ngái đắng như loại hoa cúc kia”.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Hà thường như thế – cuộc đời cứ dang dở, tình duyên cứ đứt đoạn, tâm hồn cứ “thiếu” và “đủ”. Không có một cái gì là nguyên vẹn. Nên “ngả vào giữa nguyên khôi” là một khát khao, đôi khi không tưởng, nhưng vì thế mà nó dẫn dụ, mê hoặc con người. “Con sóng màu hổ phách” là một truyện mang cảm hứng đương đại, dồi dào và sắc nét. Đó là chuyện ái tình và tiền bạc muôn thuở. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn bao giờ cũng phải trải qua thử thách của lửa đỏ và nước lạnh. Đó là vòng luân hồi của kiếp người.
Viết truyện ngắn, Nguyễn Thị Ngọc Hà không chú tâm vào những “khoảnh khắc” mà là cả một chu trình nhân – quả của đời người. Vì thế trong mỗi truyện ngắn, riêng tôi, đều nhìn thấy những “mầm mống” của tiểu thuyết. Một truyện ngắn là một cái cốt của tiểu thuyết, hiện tượng này tôi quan sát thấy mối tương quan qua lại giữa truyện ngắn “Ông Thuận say” (in trong tập truyện ngắn “Ám ảnh”) với tiểu thuyết “Mưa trong nắng” (Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ III, 2012-2015 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức). Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết không có nghĩa là “cơi nới”, mà là tổ chức lại chất liệu, kết cấu, đòi hỏi gia công đầy đủ theo yêu cầu của thể loại. Tôi nghĩ, Nguyễn Thị Ngọc Hà là người thơ, vậy nên người thơ này tất nhiên sẽ ưa thích những gì ngắn gọn, cô đúc, hàm súc.
Đọc Nguyễn Thị Ngọc Hà, thấy rõ cái dụng công trau chuốt câu chữ của nhà văn. Bài thơ “Hồn chữ gọi tình yêu” (trong tập thơ “Ngả vào giữa nguyên khôi”), theo tôi, ánh phản cái “vân chữ” của Nguyễn Thị Ngọc Hà khi viết về sự “mồ côi” người yêu của một cô thôn nữ mới lớn, mới yêu lần đầu, mới nuôi bao nhiêu là hi vọng vào hạnh phúc lứa đôi. Vậy mà chiến tranh tàn khốc đã cắt ngang số phận họ: “Người con gái quê nhà/Vẫn ôm cau vàng trầu úa/Tránh nhìn trăng tròn/Để không thấy mình đã khuyết”.
Chữ thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà rất giản dị, giản dị đến mức đôi khi như lời ăn tiếng nói thường ngày. Nhưng câu chữ trong văn xuôi Nguyễn Thị Ngọc Hà lại cứ lóng lánh (có vẻ như nó hợp với thơ hơn). Tôi thấy tác giả chuyển được cái nhịp “thổn thức” ở trong thơ sang đến văn xuôi: “Đêm ấy bầu trời trong veo không một gợn mây. Gió từ sông Cái trườn qua cánh đồng Đình đổ rạp trên thảm lúa mùa đang thì con gái. Gió lay lay đôi vạt áo của Xoan. Những cánh hoa li ti trên áo như lung linh hơn trong áng trăng, như nhún nhảy theo nhịp từng bước chân cô” (“Ông Lễ”).
Cái “nhịp điệu” trong văn Nguyễn Thị Ngọc Hà, tôi nghĩ, hợp với người sống chậm. Vì sao? Là vì cần trải nghiệm mới thẩm thấu hết được các cung bậc tình cảm đủ cả tham, sân, si/ ái, ố, hỉ, nộ. Và nữa, chủ âm của thơ, của văn Nguyễn Thị Ngọc Hà là buồn, nhiều “khúc trầm” (nhan đề một bài thơ). Đúng là càng sống, càng ngẫm ngợi, càng thấy “sự đời nước mắt soi gương”.
Nói thế không có nghĩa là chỉ có yếm thế, chỉ có những khúc trầm, chỉ có: “Từ ngày thành thiếu phụ/ tôi đã dỗ nước mắt chảy chìm/ để phấn hương thả nổi/ dỗ tiếng khóc núp sau tiếng cười/ để sống” (“Nước mắt đàn ông”). Vẫn có  nhiều niềm vui đấy thôi. Nhưng vui trong âm thầm lặng lẽ, trong chia sẻ, trong tri âm tri kỷ với thiên nhiên, với người, với đời. Tôi hình dung không bao giờ Nguyễn Thị Ngọc Hà nói to giữa đám đông người, đã đành, nhưng rồi khi chỉ có một mình vẫn cứ “nói thầm”. Hà Nội, 10/1/2016
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...