Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Nhà văn Trầm Hương và những cuộc dấn thân vào chữ

Nhà văn Trầm Hương và
những cuộc dấn thân vào chữ

Với chị, văn chương là sự dấn thân của người cầm bút. Tác phẩm của chị phần lớn được viết từ những chuyến đi nối tiếp nhau để tìm về các giá trị lịch sử, nhân chứng, sự thật.
Đi một hành trình rất khác với văn chương, nhà văn Trầm Hương có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn riêng (Thị trấn không đèn, Người đẹp Tây Đô, Trong cơn lốc xoáy, Đêm Sài Gòn không ngủ…). Với chị, văn chương là sự dấn thân của người cầm bút. Tác phẩm của chị phần lớn được viết từ những chuyến đi nối tiếp nhau để tìm về các giá trị lịch sử, nhân chứng, sự thật.
Bây giờ, ở độ tuổi U60, chị vẫn tiếp tục hành trình của mình với rất nhiều dự án đang thực hiện: Khoảng lặng nước mắt, Ngó lại đồng bào, trường ca Hoa của nước…
Nhà văn Trầm Hương
Chị vừa ra mắt tập thơ Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ) như một món quà dành tặng chính mình sau một chặng dài văn nghiệp chỉ viết về người khác. Tập thơ này cũng là tác phẩm gây quỹ hỗ trợ phẫu thuật cho chị Phan Thị Niết (con gái Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy) – một nhân vật trong kịch bản phim tài liệu chị viết: Những cánh hoa ngược dòng (hãng phim TFS).
Thơ vẫn hiện diện trong tâm hồn tôi
Phóng viên: Có vẻ cuối cùng cũng đã thấy rõ tiếng lòng của “người đàn bà làm thơ” rồi…
Nhà văn Trầm Hương: “Người đàn bà làm thơ/ Như bao bà mẹ tảo tần/ Lội trên cánh đồng chữ nghĩa/Một tay bịt trái tim đau/ Tay kia lau nước mắt/ Tay bồng con tay viết sách/ Mà trải lòng, mà phẫn nộ, đớn đau”… Đối với tôi, thơ là thứ nước cất thiêng liêng, là tinh chất cô đặc ẩn giấu trong tâm hồn. Khi thơ trào ra, góp mặt, cống hiến cho đời cũng là một định mệnh.
Cuộc sống có những lúc khó khăn vất vả đến nỗi tôi không còn tâm trí làm thơ nữa. Nhưng hóa ra cảm hứng dành cho thơ không hề mất đi mà chỉ tạm thời chìm khuất giữa nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền. Đến một lúc nào đó, thơ lại trở về với mình. Những năm qua, tôi viết văn xuôi nhiều nhưng đó cũng chỉ là một hình thức thể hiện khác của cảm xúc văn chương. Thơ vẫn hiện diện trong tâm hồn tôi, chỉ là tôi nghĩ thơ thì không nên viết nhiều.
Tập thơ mới của Trầm Hương
* Nhưng tập thơ này ra đời kịp duyên để tác giả được gây quỹ từ thiện cho nhân vật của văn xuôi, chị có nghĩ mọi thứ đều có thời điểm riêng?
–  Đúng thật là một duyên may tình cờ. Không hiểu sao khi thực hiện bản thảo Ngó lại đồng bào, tôi lại trở về thăm một nhân vật mình đã từng viết – chị Phan Thị Niết, con gái của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy (Tiền Giang). Biết tin chị bị gãy chân mà không có tiền phẫu thuật, tôi hứa vận động quyên góp, buổi ra mắt tập thơ cũng là để gây quỹ giúp chị Miết phẫu thuật. Cuối cùng nhờ duyên lành, tôi được các Mạnh Thường Quân và bạn bè văn chương hỗ trợ.
Thật ra, tôi đã làm công tác thiện nguyện từ nhiều năm qua. Hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa đã mọc lên từ những chuyến đi, dành cho các nhân vật của tôi. Đối với người cầm bút, được sống và viết đã là niềm hạnh phúc. Nhìn lại, tôi thấy mình đã trải qua quá nhiều chuyện, thậm chí như được sống thêm nhiều cuộc đời khác, nhìn thấy, hiểu rõ và sẻ chia với nỗi đau của bao người. Mọi thứ đều cho mình tìm thấy những giá trị quý giá của đời này.
* Nhưng có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi và từng muốn bỏ cuộc?
– Bỏ cuộc thì không nhưng khi rời công việc ở Bảo tàng Phụ Nữ TP.HCM, tôi từng nghĩ mình sẽ sống một cuộc sống khác, sẽ tự do viết những gì mình thích. Nhưng chừng như nghiệp vận vào mình, bảo tàng vẫn cần tôi tiếp tục công việc, đi gặp các nhân vật và viết sách. Có lẽ mối duyên của tôi và các nhân vật chưa kết thúc. Tôi lại lao đi. Sống đến từng tuổi này, tiền bạc đối với tôi không phải là tất cả mà việc có thể giúp được ai đó, xoa dịu những nỗi đau, những nghèo khó bất hạnh của người khác mới khiến lòng tôi thật sự cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.
Vẫn tràn đầy năng lượng
* “Tiền không phải là tất cả”, vậy mà có lúc chị cũng đã phải “vắt kiệt sức cho từng con chữ” chỉ để kiếm tiền đó thôi?
– “Thơ không nuôi nổi con/ Nên em phải xuống đường/ Nhặt thống khổ, nhặt đắng cay, nhặt dối lừa, cam phận…”. Đó quả là một giai đoạn vất vả không thể nào quên, tôi một mình nuôi hai con khôn lớn. Nhìn lại phải nói là “cam go, ly kỳ”. Nhưng rồi cái gì cũng qua. Thanh xuân trôi qua có những sai lầm, đau khổ nhưng nhìn lại, đó đều là những bài học quý giá đối với tôi.
Kỳ Nam – con gái tôi – sau này luôn suy nghĩ tích cực hơn mẹ. Con đọc sách của tôi, biết chia sẻ và thấm thía. Vì hiểu và thương mẹ nên con gái tôi luôn nỗ lực học tốt, sống vui và biết tiết kiệm từng đồng ở xứ người (con gái nhà văn Trầm Hương đang du học tại Mỹ – PV). Điều đó khiến tôi luôn an tâm về con. Bây giờ mọi thứ đã ổn rồi. Tôi lại thấy nhẹ nhàng khi mình biết buông bỏ và biết chấp nhận.
Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương
* Suy cho cùng, theo chị, điều người ta vẫn mải miết tìm kiếm và mong cầu trong cuộc đời này, thật ra là gì?
– Là sức khỏe và sự an trú trong tâm hồn. Có một thời gian, tôi bệnh nhiều đến nỗi khi đi mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm xem hồ sơ bệnh án rồi quyết định… không bán bảo hiểm cho tôi. Đó là lúc tôi nghĩ cho con, giả như mình có chết thì ít ra cũng còn có một khoản tiền bảo hiểm cho con ăn học. Rồi cũng phải tìm cách tự cứu mình. Tôi bắt đầu thay đổi chế độ dinh dưỡng, chuyên tâm tập thể dục, giảm cân… Kiên trì tập luyện và ăn uống theo chế độ, một thời gian sau, tôi thấy cơ thể mình khỏe ra. Tôi sút 12kg nhưng lại khỏe hơn trước.
Tôi nhận ra rằng, để cho cơ thể không già cỗi bệnh tật, mình phải biết cách thanh lọc mỗi ngày, giữ tinh thần vui vẻ, tích cực. Bây giờ mỗi ngày tôi thấy vui khi sáng sáng được tưới cây, ngồi uống trà ngắm hoa lá rồi tập thể dục, ăn sáng, làm việc… Con người luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, cả hữu hình lẫn vô hình, khó có thể nói là bình yên. Vậy nên con người phải luôn tìm cách giữ tâm thế cân bằng trong cuộc sống này, biết cách hoán đổi những khó khăn thành giá trị, bước qua biến cố để bình an. Tôi cho rằng, đến một lúc nào đó con người rồi cũng sẽ quay trở về với mẹ thiên nhiên – sống thuận với tự nhiên, an trú thuận theo lòng mình.
* Con đường của mẹ nhiều nước mắt, chị ước mong gì cho con đường của các con chị sau này?
–  Ngày tôi còn trẻ, mẹ tôi nói rằng chỉ muốn tôi có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, đủ sức khỏe. Tôi bây giờ cũng chỉ mong các con tôi được như thế. Tôi không kỳ vọng các con phải trở thành thiên tài hay giàu có, mà hãy chọn con đường các con cảm thấy hạnh phúc. Như chuyện học của con, dù tôi muốn con học ngành y nhưng nếu con có giấc mộng khác thì tôi tôn trọng lựa chọn của con. Tôi cũng từng muốn trở thành bác sĩ nhưng lại học làm kỹ sư nông nghiệp rồi cuối cùng trở thành nhà văn. Nhìn lại, tôi không hối tiếc gì về những lựa chọn của mình. Tôi tin các con cũng vậy.
* Cuộc đời ngoảnh lại đôi khi chỉ như một cái chớp mắt. Chị bây giờ vẫn thường nghĩ về điều gì?
– Bây giờ, tôi thấy mình vẫn còn rất nhiều việc muốn làm, tràn đầy năng lượng. Tôi thích nấu ăn, thậm chí còn muốn viết một cuốn sách về thực dưỡng. Tôi biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và muốn chia sẻ với mọi người. Cuộc sống của tôi bây giờ tối giản nhiều. Bớt nhu cầu, đua chen, con người sẽ sớm tìm thấy sự an lạc, bình yên trong tâm hồn. Xưa kia, lúc nào tôi cũng thấy nỗi đau của mình quá lớn mà không thấy được nỗi đau của người khác. Con người không ai hoàn hảo cả, quan trọng nhất vẫn là người với người đến với nhau trong cuộc đời này là để chia sẻ cùng nhau. Với tôi, tình yêu bây giờ vẫn tươi mới như thời còn trẻ nhưng bao dung hơn, biết cảm thông và thấu hiểu hơn. Người ta vẫn thường nói lửa càng già càng đượm mà (cười).
* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 
30/9/2020
Lục Diệp
Nguồn: PNO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...