Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Tùy bút Lê Hà Ngân: Hoa mỗi ngày

Tùy bút Lê Hà Ngân:
Hoa mỗi ngày

Eo Bát chìm khói sương, mặt trời uể oải trong chăn mây. Cỏ cây còn say ngủ. Dãy Tam Điệp hùng vĩ mờ xa biếc tím. Ngọc Mỹ Nhân như chứng tích của thời gian. Cánh tay trắng muốt của nàng vòng tay ôm lấy vùng bán sơn địa u hoài trong buổi sớm.
Những ngày nắng rực rỡ, dãy núi xanh thẫm giống hình người con gái xõa tóc mình trần nằm trên cánh đồng rộng mênh mông. Vòng tay của nàng xoải trên cánh đồng làm nao lòng vua Minh Mạng nhà Nguyễn trong chuyến tuần du ra Bắc. Cảm giác non nước xốn xang xao động con tim của ông vua đa tình khiến ông lệnh cho bề tôi khắc lên vách đá ý thơ “Dựng một nhà nhỏ nghỉ chân, khi lên núi xem thấy chùa tháp của sơn thành, cột buồm bến sông, cảnh đẹp như vẽ, cúi xuống giặt chiếc áo bụi đời”. Cảm quan về thiên nhiên cấm tú nâng nâng bước chân phú quý về đại nội.
Nhà văn Lê Hà Ngân
Trở về kinh đô vua Minh Mạng khẩn trương cho lập chính sách di dân khẩn hoang lập ấp mới, vời Nguyễn Công Trứ vào cung. Vị quan tài hoa nhà Nguyễn được cử nhậm chức Doanh Điền Xứ chiêu mộ dân nghèo khai hoang vùng ven biển Ninh Bình. Người ta còn truyền rằng Nguyễn Công Trứ đặt chân tới xứ Ninh, ngỡ ngàng trước dãy núi như hình người con gái đẹp hướng ra phía biển, ông đã đặt tên cho mảnh đất mà mình khẩn hoang là Kim Sơn, Phát Diệm nơi sinh ra cái đẹp.
Ngọc Mỹ Nhân trầm tư trong sương sớm bình minh. Nghe như đâu đấy vó ngựa của Lê Hoàn về triều. Áo bào có thổn thức nhớ thương trông ngóng của Dương Vân Nga hay không, mà dòng Vân thao thiết? Dục Thúy Sơn trầm mặc trong giá lạnh. Dáng núi như hình con chim trả đang tắm mình trong ban mai tinh khôi. Ta nghe như hồn thơ Trương Hán Siêu còn vang vọng. Có chút gì mơ hồ thổn thức trong sương lạnh vùng bán sơn địa.
Tiếng xe bò lộc cộc trên con đường sống trâu, vài người đi chợ sớm lầm lũi bước. Con đường co lại trong giá buốt. Sương trắng như tấm voan mỏng của người thiếu nữ nào bỏ quên buông trên sông. Sông mùa đông gày ngơ ngác, màn sương cựa mình bởi mái chèo khỏa nhẹ. Dân xóm bãi quen với con thuyền thúng lặng lẽ chui ra từ sương sớm. Con thuyền như náu mình trong ốc đảo, chỉ xuất hiện vào mỗi sớm mai. Thiếu phụ neo thuyền vào gốc cây ven bờ rồi chậm rãi bước lên. Dáng khoan thai mềm mại, ôm một bó hoa lớn trong lòng thuyền tiến về phía con đường hun hút gió lạnh. Bước chân người đàn bà lưng lẻo trên cỏ ướt. Hương hoa hồng quyến ngọt thanh khiết loang xa. Cảm giác bước chân thiếu phụ như ươm hương cho con đường bớt cô lạnh. Cỏ ngái và khí núi quyện vào hương hoa tạo một cảm giác khó nắm bắt đến lạ kì.
Con đường ven núi này quen mỗi bước chân trong tinh mơ, quen với bóng dáng thiếu phụ mải miết từ bến sông lên. Mùa xuân hay mùa hạ, thu hay mùa đông vẫn cái dáng ấy tiến vào khu nghĩa trang liệt sỹ nằm phía cuối con đường. Nghĩa trang đìu hiu hoang vắng, nằm tách biệt dân cư. Ngày xưa nơi đây là trận địa pháo phòng không, luôn thấp thoáng bóng các cô dân quân náu mình trong vòm lá ngụy trang. Giờ những ụ pháo còn lại nằm trầm mặc trong nắng chiều, chứng tích của một thời khói lửa đang đổ bóng xuống thời gian. Các ụ pháo mùa xuân biếc xanh cỏ, những quả đồi nhỏ như cố vươn lên một sức sống trường tồn. Mùa đông ụ đất trơ ra tảng cỏ vàng tàn lụi. Vài com chim bay đi kiếm ăn ở phương xa lại liệng về đậu vào ụ pháo rồi mất hút. Người quản trang vẫn đều đặn thắp hương nhặt cỏ cho người nằm xuống, nhưng nghĩa trang vẫn hoang vắng cô liêu. Lớp rêu phong bám vào chân mộ chí , từng mảng xanh u uẩn trong gió mưa. Nghĩa trang chỉ ấm lên một chút khi thấy bóng dáng người đem hoa tới các phần mộ. Mùa xuân trên các phần mộ rực thắm hoa hồng, mùa hạ từng bó hoa dành dành trắng muốt lặng lẽ dâng hương, có cả những bông sen hồng ngậm sương mai cũng âm thầm tỏa hương trên mộ người lính. Rồi từng đóa cúc vàng tươi dâng sắc hương cho người đã vĩnh viễn ra đi. Đông về cỏ vàng chân mộ chí cũng là lúc những đóa đỗ quyên đỏ thắm làm ấm phần mộ. Và điều đặc biệt hơn, hoa mười giờ luôn rực rỡ dưới những chân bia. Người ta nhận ra bước luân vũ chuyển mùa trong sắc hoa đặt trong nghĩa trang.
Nếu bữa nào vắng bóng dáng ấy lại là một bé con xách làn hoa từ dưới thuyền bước lên. Những ngày mưa tầm tã, con thuyền chìm trong màn mưa. Mưa giăng vây mịt mùng, như muốn nhấn chìm con thuyền thì xuất hiện người đàn ông thư sinh, đeo kính cận. Nước mưa làm mờ mịt mắt kính, anh đưa tay nhấc kính ra khỏi mắt hối hả lau, hối hả bước trong mịt mù trời nước. Anh bước như chạy, xối xả trong màn nước, rồi vội vàng nép vào cổng nghĩa trang. Nhẹ nhàng đặt làn hoa sũng nước xuống bệ thờ, thở dốc trong cái lạnh đang ngấm vào cơ thể.
Ngước nhìn dãy Yên Mỹ mờ mịt như khói phủ, vùng bán sơn địa đang chìm trong mưa gió, anh nhớ tới cơn sốt rét của vợ đêm qua mà thắt lòng. Cứ mỗi lần trở trời trái gió là vợ anh lại đau đớn trong cái lạnh run người. Bao nhiêu tấm chăn được đắp lên, cả tấm chăn bộ đội anh mang về từ chiến trường cũng được lôi ra đắp cho tấm thân gầy mảnh đang run lên bần bật. Nhìn gò má tái xanh của vợ anh thương đến thắt lòng. Anh lặn lội khắp nơi để mua thuốc cắt sốt cho chị, nhưng cơn sốt chẳng bao giờ dứt hẳn. Có lẽ những tháng ngày của chiến trường đã ngấm vào máu thịt của chị. Anh là người may mắn trở về sau chiến tranh được nguyên lành. Nhưng có lẽ may mắn hơn là anh có chị. Người con gái đẹp nỗi tiếng của binh trạm Trường Sơn năm xưa. Anh chỉ gặp được một lần mà nhớ mãi. Anh đem nụ cười khoe răng khểnh của chị vào chiến trường, mang ánh mắt lay láy đen huyền mở to xa vắng, trên mỗi chặng hành quân. Anh chẳng nói điều gì, chị chẳng hẹn điều chi, chỉ có khoảng lặng của chiến tranh đong đầy nỗi nhớ. Chị rời Trường Sơn lại lao vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống giặc Trung Quốc xâm lược. Anh đã đi tìm chị khắp mảnh đất Vị Xuyên nhưng cũng không gặp được. Thế mà ngày trở về anh lại gặp chị nơi xứ Ninh khi anh dẫn đoàn giáo sinh đi thực tập. Nụ cười ấy, ánh mắt to tròn như biết nói ấy giờ hiện ra giữa vườn hoa của vùng ven núi heo hút. Ngôi nhà nhỏ của chị bên kia sông, chơi vơi như ốc đảo mịt mùng nước, muốn lên bờ phải đi bằng thuyền thúng. Chị trở về với cái giấy giám định thương tận không làm được việc nặng, rồi gắn bó cuộc đời mình với mảnh vườn thơm ngát hương hoa. Ngày chiếc thuyền hoa đưa chị lên bờ về nhà anh là ngày anh hạnh phúc nhất. Tuần trăng mật chưa qua, thì anh bắt gặp ánh mắt vợ vời vợi nhìn về quê mẹ, tiếng thở dài của chị ẩm giấc mơ ngọt ngào của anh. Anh đi dạy chị lặng lẽ như cái bóng với công việc gia đình.
Bây giờ đang là tháng tư, mùa hoa loa kèn ùa vào nỗi nhớ, loài hoa huệ tây mảnh mai mang vóc dáng vũ nữ với sắc trắng xanh mà thơm ngẩn lòng kẻ yêu hoa. Khi hoa gạo thắp trời tháng ba rực rỡ đã qua đi thì trong những khu vườn lại ngát thơm sắc trắng của loa kèn. Những cánh hoa trắng cuống xanh xinh xắn như đáng tấu lên khúc nhạc dạo mùa chớm hạ. Loài hoa còn được gọi là huệ tây là bông hoa gắn một đường viền của tôn giáo. Loài hoa ấy rất quan trọng, mang ý nghĩa sâu sắc với người Cơ Đốc giáo. Bởi nó là hiện thân cho sự trinh trắng đức hạnh. Bông hoa ấy là truyền thống cho mùa lễ Phục Sinh là biểu tượng hân hoan trước vẻ đẹp vui mừng trước tình yêu cuộc sống. Với chị những bông bông loa kèn trắng tháng tư còn có ý nghĩa như một sự dâng hiến sắc hương tao nhã cho đời. Chị nhớ vườn hoa, nhớ ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng thơm ngát hương thơm và nhớ cả con thuyền thúng ngày ngày đưa chị qua sông. Chị lo cái nắng rực rỡ và gay gắt của mùa hè sẽ thiêu trụi vườn hoa giờ thiếu bàn tay chăm sóc của chị. Nỗi nhớ hoa ập òa trong lòng chị, da diết rồi cồn cào như những ngày biển động. Những gốc hồng sẽ khô héo úa tàn trong cơn gió núi bỏng rát. Chị thương hoa, cồn cào lo những ngày chị xa nhà ai sẽ là người hái hoa loa kèn đem vào nghĩa trang liệt sỹ. Có cái gì bâng khuâng và khó tả lắm! Chị thương những ngôi mộ đồng đội nằm cô đơn trong chiều vàng úa, Núi đồi cùng gió núi sẽ làm con đường vào nghĩa trang quạnh quẽ hưu hắt hơn. Những sớm mai ai là người đặt hoa nhặt cỏ cho những người nằm xuống. Nỗi lo cứ bộn bề lòng chị, canh cánh bên lòng chẳng phút nào yên.
Vòng tay ấm áp của anh không xua đi hết được những nét buồn trong mắt chị. Chị chẳng dám nói nhưng anh cảm nhận được hết. Ngày những giọt nước mắt của chị đẫm vai áo chồng, cũng là lúc anh nhận ra nỗi nhớ nhà trong mắt vợ. Nhận ra sự gắn bó sâu nặng của vợ đối với những bông hoa trong vườn mỗi sớm mai. Thương vợ, anh từ bỏ giảng đường nồng nàn hoa sữa xin chuyển công tác về miền quê vợ dạy học. Anh theo chị về căn nhà nhỏ có vườn hoa thơm cả tư mùa.
Những bông hồng đỏ thắm được lấy ra từ chiếc làn vợ anh sắp sẵn. Nhìn vào đôi mắt mệt mỏi và khuôn mặt còn đang sốt đỏ bừng của vợ anh do dự muốn ở nhà. Nhưng chị đã thì thào khẽ với anh:
– Mình đem hoa hồng con nó vừa hái ở vườn nhà mang vào thắp hương cho các amh ấy đi. Mình kêu xin các anh ấy phù hộ cho vợ chồng mình, cho em nhanh khỏe nhé!
Nhìn ánh mắt năn nỉ dặn dò của vợ khiến anh chẳng thể cầm lòng.
Và bây giờ trong mưa gió, anh thành kính xếp từng bông hồng tươi thắm nên từng phần mộ của những người lính đã hy sinh cho tổ quốc. Hoa hồng tỏa hương thơm dịu trong gió mưa, sắc hoa như rực lên tươi thắm, anh chợt thấy yên lòng. Trời đất như đồng cảm cùng anh, mưa ngớt hạt dần. Vài con sẻ nâu núp trong vòm cuốn của đài tưởng liệm bay vụt ra mổ vào những bóng nước mưa trắng xóa ngoài trời. Những ngôi mộ thiếp ngủ trong gió mưa giờ như sáng lên, đỡ quạnh quẽ bởi sắc đỏ của hoa và hương thơm thanh khiết của nó.
Mưa nắng, gió bão. Hạ rồi đông, chị vẫn bền bĩ mỗi sáng sớm với làn hoa. Mùa nào thức ấy thay đổi trên các phần mộ. Có bận người ta cón thấy chị đem cả giá vẽ vào nghĩa trang. Chị lặng lẽ vẽ những bức trang về khói lửa, những đồi cây bị bom bom Na pan của kẻ thù thiêu rụi. Đôi lúc chị lại ngẩng nhìn trời và thầm thì khấn nguyện dưới một ngôi mộ nằm lặng lẽ cuối hàng. Bức tranh của chị còn có cả những màu hoa trắng tinh khiết mà diệu vợi đến vô cùng.
Người ta đã quá quên với bước chân và vóc dáng của chị bước vào nghĩa trang. Có người xót xa bằng hai tiếng: tội nghiệp. Có kẻ ác khẩu còn bảo chị bị giời đầy. Làm sao người xinh đẹp thế kia lại suốt ngày gắn bó với mộ phần và người âm hay sao? Mọi thắc mắc của họ đều đến tai người đàn ông sửa xe gần nghĩa trang. Có người còn đặt câu hỏi và tự trả lời: Hay là bố cố ấy nằm trong đó? Hay là người em trai liệt sỹ nằm kia… Tất cả những câu hỏi đó chỉ được đáp lại bằng câu nói bâng quơ của người sửa xe:
– Mọi người làm sao mà biết được. Người nằm trong nghĩa trang này chính là người yêu cũ của cô ấy đấy!
Chẳng biết lão sửa xe già nói đúng hay không nhưng chị biết rằng trong nghĩa trang này mỗi sớm mai luôn có những bó hoa tươi thắm.
Khi những cánh chim thiên di về phương nam tránh rét, nghĩa trang u uẩn ngày thường giờ được sáng lên trong lớp áo vôi mới chuẩn bị đón năm mới. Người ta đến nghĩa trang đông hơn, đâu đấy đậm trong giá lạnh mùi hương bài ngan ngát. Hoa đặt dưới bia mộ cũng nhiều hơn. Nhưng bên cạnh bông hoa mới được mang đến vẫn bền bĩ những bông mẫu đơn đỏ thắm mà thiếu phụ hái từ vườn nhà thành kính đặt dưới bề thờ. Mùa xuân về trong mưa bụi, vai áo ai ẩm bụi đường xa, đào mơ phai trong xóm vắng… Và chị vẫn lầm lụi đi đọc con đường tới nghĩa trang đặt những bông ấp iu từ những yêu thương thành kính của lòng mình.
Én ơi hãy về đi sau bao mùa giá rét.
18/7/2020
Lê Hà Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...