Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Những thực thể chữ tạo sinh trong tập thơ Ga sáng của Trần Quang Quý

Những thực thể chữ tạo sinh trong
tập thơ Ga sáng của Trần Quang Quý

Khi đi vào thơ Trần Quang Quý, chúng không đơn thuần là nghĩa tự thân mà còn được đẩy lên cao hơn, bồi đắp những trường nghĩa mới, xóa bỏ sự rỗng mòn ngữ nghĩa, tạo dựng những thi ảnh độc và lạ…
Trong bầu trời thi ca, người nghệ sĩ đích thực, chân chính luôn chiêm nghiệm, tự thiết kế cho mình đường bay riêng. Không giống và lệ thuộc ai. Với những tập thơ trước, Trần Quang Quý đã tạo cho mình đường bay riêng, đường bay hướng về hồn quê bằng sự thăng hoa của chuỗi/ hệ thống động từ độc lập (xem bài Trần Quang Quý và nỗi quê “không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”(1)). Nhiên liệu làm nên đường bay thơ của Trần Quang Quý ở tập Ga sáng(2) cũng dựa trên lớp động từ độc lập, chỉ hoạt động và trạng thái của chủ thể. Nhưng đường bay đã có sự dịch chuyển, điểm nhìn đa dạng và phong phú hơn. Chiều kích của không gian và thời gian được nới rộng ra. Sự quấn quyện bao trùm cả tập thơ.
Bản chất của thơ là tình, là điệu, là hồn. Nếu thiếu cảm xúc, thơ sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên tựa như vị vàng ươm ngọt thơm vốn có của nắng. Bay bằng cảm xúc, bằng men tình nên thơ Trần Quang Quý rất lay động, ám ảnh. Nhất là khi cảm xúc ấy đươc đan cài với lớp động từ tác động, thơ càng tinh tế, đạt đến độ chín của tư tưởng. Ga sáng dày đặc động từ (nảy, nâng, quẫy, nhốt, dắt, chảy, bóc, cuộn, khóa, lõm, trôi, hái, lạc, vá, cấy, bấm, thắt, ghì, níu, găm, lùa, lót, giãy, nhũn, gói, treo, dạt, mọc, cất, mang, dựng, chở, nhặt, giắt, khuấy, đổ, thức, lùa, nhón, ngập, gặm, nhấp, tõe, gieo, oằn, chùng, gánh, nhói,…). Chúng ta thấy đây đa phần là những động từ tác động, tác động đến đối tượng, khiến đối tượng biến đổi về trạng thái, tính chất và cả vị trí. Lớp lang động từ này là điểm nhấn, là bước sóng phá vỡ sự bằng phẳng, đơn điệu của cuộc sống cũng như nhen lên hơi ấm của tình người.
Trần Quang Quý ý thức rất cao về đường bay của mình. Ông cho rằng, nếu không mang trong mình giấc mơ bay, khát vọng bay thì khó có thể đạt được chủ đích: Tít tắp xa kia những chân trời hoang liêu, những cánh đồng ảo ảnh/ không gì có thể cất cánh nếu không mang những giấc mơ bay/ như hồng hạc kia đang cặm cụi nhặt ngày mai/ trên những lớp bùn non di trú (Trên đôi cánh hồng hạc). Vì thế, để đường bay ấy thêm phần sinh động, ông biết cách chuẩn bị, sắp xếp cho mình một hành lí riêng – hành lí về những con chữ: Tôi ăn ngủ chữ, tháp tùng chữ bước vào những số phận/ những ngóc ngách cuộc đời, những giao thoa chưa cất thành lời/ những cuộc phối sinh ngữ nghĩa/ và khi ấy, những con chữ như không còn là chữ/ hồn chữ thiên di/ vương quốc chữ tự do bay ngoài trang sách (Đời chữ). Quả đúng như thế, nhà thơ khá khắt khe với con chữ của mình. Ăn chữ ngủ chữ. Cốt làm sao giữa các khoảng lặng, khoảng trống, chúng thực hiện chức năng tạo sinh nghĩa. Trong cuộc va đập kì diệu ấy, hồn chữ bay lên và vượt ra ngoài ranh giới cố định của nó. Với đường bay của xúc cảm, của ý tưởng, của nghiệm suy, những con chữ của nhà thơ đã khuấy đảo, làm nên tiếng vang động mới lạ, phá tan cảm giác yên tĩnh, đơn điệu mà không ít thơ ca hiện nay mắc phải. Tập thơ Ga sáng có đến 28 từ bay (chiếm 62,2%/ 45 bài thơ). Phải chăng đó là khát vọng thường trực trong tâm hồn nhà thơ Trần Quang Quý? Nhà thơ muốn bay lên, muốn được tự do vùng vẫy, được thả hồn mình mà bày tỏ tình yêu thương khắp chốn. Nhìn đàn sếu, Trần Quang Quý phát hiện ra đằng sau sự rập khuôn của đường bay là chùm khát vọng tự do. Trong không gian của bầu trời, đường bay vẫn thế, không ra ngoài quỹ đạo, nhưng đàn sếu biết tìm cho mình những khát vọng riêng. Mỗi đường bay như một mũi tên hướng về sự tự do, bẻ khóa điều cũ kỹ: đội hình bay lập trình những nghìn năm trước/ một mũi tên mở cánh tự do/ tự do không gian/ tự do dịch chuyển/ kể cả không gian khác thói quen mình/ thế giới từng ngày lồng nhau khát vọng (Đàn sếu). Trần Quang Quý tạo cho mình nhiều đường bay. Đường bay nào cũng dào dạt tâm tình, ẩn chứa khát vọng. Có lúc, bay về một địa điểm cụ thể: tôi từng bay trên đôi cánh lãng mạn về phương Nam cùng bầy sếu; bay về miền trời em. Có lúc, tận hưởng tự do giữa mênh mông đồng cỏ: Bay lên những thảo nguyên bầy ngựa quẫy vó. Có lúc, phân thân đón nhận cuộc đời: những đốm lửa tâm hồn cùng tôi bay ra cuộc đời. Có lúc, đường bay chở hi vọng: bay lên khỏi nhọc nhằn đất đai mùa vụ; bay lên khỏi những miền cơ nhỡ. Có lúc, đầy cảm thức ngóng vọng: chiếc lá vàng bay từ ngàn năm trước, túm áo mùa thu bay ngược Thăng Long. Đường bay ấy còn vút vào, xuyên qua giấc mơ. Khát ước tự do bay đâu chỉ từ cánh chim, dòng sông, bầu trời… mà ngay cả bào thai cũng cùng chung nguyện vọng ấy: Cánh chim mang những miền trời lạ cất cánh vào giấc mơ ta/ giấc mơ của dòng sông không chịu yên dòng/ giấc mơ bay lên từ bào thai trong bụng mẹ/ dựng ta lên thành dáng vóc Người (Trên đôi cánh hồng hạc). Đúng vậy, chỉ khi nào còn cất/ neo trong mình giấc mơ bay thì chúng ta mới ý thức cao trách nhiệm của mình đối với thơ, với đời.
Tránh những lập trình xơ cứng cho đường bay của mình, nhà thơ thường kết hợp động từ bay với các thành tố phụ chỉ phương hướng (lên, ra, trên, về, ngược, ngoài, trong, qua…). Đường bay của Trần Quang Quý là đường bay của tâm thức. Cho nên, đường bay này luôn vượt ra khỏi mọi quỹ đạo của sự trói buộc, hướng đến sự tự do muôn trùng. Cụ thể hơn, ước vọng bay, vượt ra khoài khuôn khổ của sự gò bó này luôn vận động và không ngừng kiếm tìm chân trời tự do. Như thế, thơ Trần Quang Quý đâu chỉ là sự vùng vẫy của cảm xúc mà ở đó còn có sự quẫy cựa của những con chữ. Chúng tôi gọi đó là những-con-chữ-bay.
Những con chữ thiên di, những con chữ có linh hồn bao giờ cũng đòi hỏi một không gian rộng lớn mà thỏa khát. Trần Quang Quý biết tạo vị, tạo sắc, tạo thanh cho khung trời ấy bằng các điểm nhìn hết sức thanh tân, tươi trẻ, ăm ắp tình. Ông gọi tên những thanh âm sống động, ấm áp của cuộc sống là thanh âm tình, thanh âm mùa xuân, thanh âm thảo nguyên, thanh âm dòng sông,…
Từng chùm âm thanh nhảy nhót trong ngực
vỡ òa cơn giao cảm
anh muốn hôn lên ánh mắt em
từng thanh âm tuôn chảy
đưa ta đến những mùa xuân, những thảo nguyên mênh mông cỏ biếc
những dòng sông thao thiết, những mùa đông sương giăng mờ trời
những vũ điệu đắm mê…
(Bản concerto số 9)
Tập thơ Ga sáng của Trần Quang Quý
Hình ảnh thiên nhiên ở tập Ga sáng gắn kết, song hành với hình ảnh con người, hay nói cách khác, thiên nhiên của thơ Trần Quang Quý hiện lên như một người thiếu nữ rạo rực xuân thì, như người tình. Chúng ta thấy điều này khá rõ qua cách kết hợp từ của tác giả như: môi phù sa, ngực đêm, mi đêm, gót khuya, hàng mi mùa thu, môi cỏ mềm, ngực sóng, môi đêm, gót phù sa, ngực sông, môi trăng,… Thiên nhiên và con người trong thơ Trần Quang Quý lúc nào cũng gần gũi hơn, hút vào nhau, lồng vào nhau khi ông thêm vào đó những động từ mang ý nghĩa trao nhận. Đoạn thơ sau, chúng ta thấy có sự níu chặt, thắt buộc khi tác giả sắp xếp theo chiều hướng tăng dần:
Sực nhớ cái ôm đầy sông Hậu
sực nhớ áo em cánh buồm cuộn tôi lồng lộng chiều Vàm Cống
những ngọn gió hai mươi không biết mệt mỏi
muốn ôm ghì cánh đồng
muốn ôm cả phì nhiêu hoang dã
cho tan thành giọt giọt phù sa
cho những nhớ thương ùa sóng cả
(Một bờ sông Hậu)
Từ ôm đầy, ôm ghì đến ôm cả đều diễn ra theo mạch chảy tự nhiên của cảm xúc. Có thể nói nhà thơ rất tham lam. Nhưng đấy là sự tham lam hết sức trìu mến. Cảm xúc đã đong đầy, tràn bờ tim, song vẫn chưa đủ. Nhà thơ còn khát được tan, được ùa vào. Em và sông Hậu đã cuộn sóng tâm hồn thi nhân. Đến đây, khách thể và chủ thể hòa nhập làm một, cùng chảy trong tình yêu thương bất tận.
Lúc nào, trái tim của thi sĩ cũng rạo rực, sẵn sàng ôm chứa cả vũ trụ: ngực đầy sông đầy núi đầy hổn hển rừng. Cho nên, đến và đi, vùng đất nào cũng đọng lại trong tâm khảm thi sĩ những ấn tượng khó quên. Vẻ đẹp của thiên nhiên vì vậy quyến dụ hơn, tươi hơn. Sông Thao hiện diện như vẻ đẹp đương thì của những cô gái tuổi mười sáu đôi mươi: Sông Thao nằm cong giặt những đụn mây/ phơi ngang chiều Xuân Lũng (Ở Xuân Lũng giờ này). Cái dáng nằm cong, phơi ngang tự nó đã rất phồn thực. Vừa quyến rũ, khơi gợi vừa kín đáo, e ấp. Cũng bài thơ này, sông Thao đầy mê hoặc: Ngoài kia sông Thao nôn nao xuôi bỏ lại tôi mắc cạn lưng đồi/ mắc cạn bầu ngực em hổn hển ngõ vắng/ tôi lần cởi từng nút xuân Xuân Lũng. Từ mắc cạn đến lần cởi là một diễn biến tự nhiên của trái tim. Nhà thơ khó cưỡng lòng mình trước vẻ đẹp của sông Thao. Hành động lần cởi từng nút xuân của Xuân Lũng hệt như hành động lần cởi từng chiếc cúc áo của người tình với tất cả tình yêu thương và sự trân quý, nâng niu. Ở bài Trở lại sông Thao, cách dùng động từ vục rất gợi: Tôi vục nước sông Thao nghe sóng cuộn từng cơn Phú Thọ. Vục là một hành động hoàn toàn tự nguyện, khát khao hòa quyện, đắm say chứ không bị áp đặt, cưỡng chế. Nếu vục là giao hòa, là niềm khát khao được gần kề bằng da bằng thịt thì quẫy lại mãnh liệt, cháy bỏng hơn bởi sự tác động từ hai chiều: Mắt em vừa thắp lửa hay cái màu hoa gạo bên sông/ quẫy trong tôi lớp lớp sóng đỏ nguồn (Trở lại sông Thao). Một chiều từ sông Thao-em và một chiều từ nhân vật trữ tình-tôi. Cảm xúc của nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình ở trường hợp này vận động theo chiều hướng đi lên, hòa vào nhau và không bao giờ đứng yên.
Ở tập Ga sáng, tình yêu luôn được soi chiếu bởi hai điểm nhìn: điểm nhìn nhân vật trữ tình và điểm nhìn đối tượng trữ tình. Hai điểm nhìn này phối hợp và tác động qua lại trên ván bài chữ. Thứ nhất, sử dụng cấu trúc chủ ngữ động từ. Thứ hai, theo cấu trúc động từ chủ ngữ. Với cấu trúc chủ ngữ động từ, chúng ta có thể liệt kê các dạng câu như: tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện, tôi se sẽ bóc chiều Trùng Khánh, anh mắc cạn trên một dòng sông lạ, Anh bóc ngày ra gặp thăm thẳm mắt nhìn, một ngày anh lạc mắt Sài Gòn, sông mấy mùa trôi gầy những giấc mơ xanh… Khi chủ thể đi kèm (vị trí liền trước) với động từ chủ động thì chủ thể giữ vai trò chủ động. Chủ thể có khả năng điều khiển, chi phối hành động theo ý thức, chủ đích của mình. Như đoạn thơ sau:
Tôi thử lặn vào những hạt nâu trên vốc tay em
nghe bùi thơm khúc khích
nghe hồi hộp những bước chân săn chắc lên sàn
nghe những cơn mưa sương, đất thầm quặn hạt
tôi thử giắt tôi vào non xanh
hổn hển ngực phập phồng đường về bản
áo chàm, mắt hạt dẻ đang cười
thơm thơm chiều Trùng Khánh
(Bóc chiều)
Thử lặn và thử giắt là cụm động từ chủ động chỉ hành động có mục đích của chủ thể. Nhà thơ muốn ngụp sâu vào mùa màng, đất đai mà tận hưởng những ngọt mát, muốn quện hồn mình vào khắp chốn mà tung tẩy niềm vui. Nhưng đâu chỉ nhập cuộc để mà tận hưởng, nhà thơ còn khát dấn thân vào khổ đau để chia sẻ, cảm thông: Tôi nảy mầm trong tận cùng những thương đau/ từng tả tơi buồn, từng phận cát trước biển số phận/ tự thắp lửa nhóm cánh đồng nhân nghĩa/…/ Tôi nảy mầm trên mỗi bước cần lao/ từng đau lỡ con đường/ từng quẫy đạp dứt yếm bóng tối (Gieo). Không có một sự áp đặt, trói buộc hay tác động nào. Tự nhà thơ nảy mầm. Tự nhà thơ thắp lửa và quẫy đạp. Hành động hòa điệu vào cuộc đời đã bày tỏ thái độ và ý thức hiện sinh của tác giả. Hay khi nói về công việc của người thợ may giầy, nhà thơ sử dụng động từ khâu rất ý nghĩa: những bàn tay khâu sức bền năm tháng/ khâu đắng đót buồn vui, khâu hy vọng (Bài hát của chiếc giầy). Trên mỗi đường chỉ may, mũi vui mũi buồn mũi hi vọng móc xích luồn qua nhau. Đến câu thơ Ngoại trừ khúc bi ca người thợ/ khâu cả đời mình lên số đo chân người khác thì động từ khâu đã phát huy hết sức nặng của nó. Người thợ đâu quyết định được số phận của mình. Khó nhọc. Lệ thuộc. Bấp bênh. Đến đây, nỗi đau thân phận như dồn lại, nén lại đến tận cùng.
Ở cấu trúc động từ chủ ngữ, với vị trí liền sau động từ chủ động, chủ thể không thể điều khiển, làm chủ được hành động của mình mà bị tác động, bị dẫn dắt bởi đối tượng khác. Chuyển đảo vị trí của động từ lên trước chủ ngữ, Trần Quang Quý thường thêm các yếu tố phụ, từ chỉ số lượng, đơn vị hoặc thêm trạng ngữ. Có thể kể ra đây một số dẫn chứng như: dắt tôi thơm một dải đêm buông; mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền; lõm vào tôi từng vệt lõm con đường; cấy trong tôi hy vọng của tươi xanh; níu tôi vào mắt quê; quá vãng gieo tôi lên từng ngõ xóm còn ngái thơm mùa gặt,… Ở vị trí này, động từ có khả năng tác động, làm biến chuyển đối tượng mà nó hướng đến. Vậy từ một chủ thể chủ động sang một chủ thể bị động, Trần Quang Quý muốn bày tỏ điều gì? Chúng ta thấy không gian mà nhà thơ bày biện là một không gian rộng lớn, chứa đựng biết bao mầm sống, bao niềm vui, bao nỗi buồn, bao mất mát, chia li,… Điểm nhìn của nhà thơ xuất phát từ trái tim, từ tâm hồn yêu cái đẹp nên dễ hiểu vì sao trước sự vật hiện tượng nào nhà thơ cũng bị hớp hồn, bị dẫn dắt, bị quyến dụ. Đấy là sự chấp nhận dấn thân, quyện hòa, giao cảm của tác giả chứ không phải sự cưỡng chế. Nghĩa là ông tiếp nhận, đón lấy cuộc sống chân thành như chính hơi thở của mình. Ngay việc tác giả dùng nhiều thành tố phụ chỉ phương hướng vào (50 lần/45 bài) cũng cho thấy sự tác động ấy là một quá trình vận động tự nhiên, không gượng ép. Và lúc này, sự hòa điệu đạt đến cái mốc tuyệt đẹp của nó. Vạn vật tác động đến trạng thái của con người và đến lượt con người tương giao với vạn vật bằng mọi giác quan, bằng trái tim chân thành, mãnh liệt. Hay nói cách khác, chính các động từ đã làm nên cuộc dịch chuyển tâm thế: chuyển từ bên ngoài vào bên trong và ngược lại. Cuộc dịch chuyển tự nhiên, hiện sinh như xuất phát cùng một điểm nhìn, cùng một tâm thế, cùng một nhịp thở.
Tâm thức hoài vọng là khoảng thời gian đồng hiện, bộc bạch, ước mong trở về, sống lại những ngày xưa đẹp. Trần Quang Quý cũng hoài vọng nhưng hành trình quay về của ông rất riêng, lạ, ấy là “đi ngang”: Tôi đi ngang bước chân em thời nhí nhảnh thiếu nữ/ con đường sỏi tung tẩy tóc đuôi gà trong trò chơi trốn tìm/ đi ngang một mỉm cười/ đựng trong chiếc vại sành giấu kỷ vật/ giấc mơ hồi hộp dậy thì (Ở Xuân Lũng giờ này). Và xuất hiện ở một số câu thơ khác như: thị xã đứng nhìn tôi bằng con mắt xưa quệt ngang cổ tích, có dải mây vàng bắc ngang ký ức, đếm những bước chân dắt ký ức ngang qua hè phố. Những từ đi ngang, ngang qua, quệt ngang, bắc ngang… có nhiệm vụ như là chiếc cầu nối bai bờ, hiện tại và kí ức. Nhưng ngang qua, nghĩa là không dừng lại lâu. Nó cho thấy tâm thức ngóng vọng không bắt đầu từ nỗi xót xa hay bi lụy và cũng không phải từ sự hời hợt, nông cạn. Nhà thơ ngóng vọng để thấy dòng chảy kí ức mãi mãi là phù sa bồi đắp, nâng đỡ vẻ đẹp tâm hồn: Đêm nay Việt Trì đang trằn trọc điều gì/ gió sông Lô có dắt về những bước chân khuya/ bước chân từng rón rén vào cuộc đời nhau/ thì bây giờ ta bước vào giấc mơ còn găm lại ở bờ kia ký ức/ vào đôi mắt như hai giọt sương còn treo bình minh/ vào miền tự do của tinh thần/ để tình yêu ta mãi ở trong miền tự do ấy được cất giọng/ giọng của riêng ta trong mỗi giọt sương! (Những giọt sương lãng mạn). Ngóng vọng để ôm về một mùa hoa ướp hương ký ức. Ngóng vọng để dẫn tôi về những viên sỏi trọc đầu rúc rích trong trò chơi Ô ăn quan. Do vậy, những thổn thức thuở đồng ấu ùa về không phải níu thêm buồn đau, nuối tiếc mà chỉ là ngân lên từng tế bào yêu thương của bảo tàng ký ức tâm hồn. Trông ngóng âm vọng của cuộc đời cũng là trông ngóng lòng mình vậy. Nói cách khác, chính những động từ đã tô đậm nỗi buồn, khoác cho nỗi buồn chiếc áo lộng lẫy. Đấy là nốt lặng đẹp khi ta chạm được chính cõi lòng mình.
Ga sáng thắp ánh sáng tình yêu nhưng cũng đắng đót phận người. Ở thể tài thế sự, động từ phát huy được thế mạnh khi thể hiện cảm xúc, tư tưởng và thái độ của tác giả. Đoạn thơ sau khai thác những động từ tác động khá sắc, sâu:
những bước chân mưu sinh vắt ngược dốc đồi
cắm sâu bùn đất
những bước chân dẫm nhòe hoàng hôn
chưa qua nổi phận sương khuya đèn sớm
lặng lẽ bước vào đời nhau mà sinh nở
mà hoa trái thơm mùa, mà đắng lòng ngậm ngải?
những dấu chân nghẹn góc nhà quê
(Dấu chân) 
Sự xuất hiện liên tiếp các động từ vắt ngược, cắm sâu, dẫm nhòe, bước vào, nghẹn khiến những nhọc nhằn cuộc đời cứ gồ lên như vết thương lâu năm không liền da, đeo bám, dai dẳng. Đói nghèo vá víu, cắm sâu, hằn ngang dọc trên gương mặt thời gian: Những đứa trẻ ngóng manh áo mới/ vá cái nghèo thế hệ/ chiều cuối năm, mẹ còn mãi lui cui đồng trũng/ cấy phận mình vào giá lạnh mùa đông/ gặp những đồng xu nhảy nhót phập phồng trên lỗ đáo/ hồi hộp giấc mơ kẹo bột (Ngược Tết). Nét vẽ của đời, của phận người chuyển động trong thế giới nội cảm của nhà thơ. Vá rồi cấy, nỗi buồn thân phận gieo đi gieo lại mãi. Biết đến khi nào hái được quả ngọt dù chỉ hiện tồn trong giấc mơ? Hi vọng đổi thay số phận, thèm khát một cuộc đời bình dị gương mặt giữ nhau đầy an lành như đất nước Ấn Độ ở nơi bao thân phận gieo trên cánh đồng số phận, nơi tâm hồn bị nhốt trong đô thị như con dế bị nhốt trong hộp kí ức căng chật trái tim của thi sĩ: Tôi lại thèm bước chân thả rông trên đất đai bình dị/ dắt hoàng hôn chạy ào con đường cỏ/ thả áo phong phanh gió/ ngửa mặt giữa trời hứng một làn sương… (Trên bức tường rào gạch). Các động từ thèm, thả, dắt, chạy, ngửa, hứng đã phản ánh thần thái, tâm trạng, vọng khát của tác giả trong cuộc hòa giao với đất trời. Tiếng gọi đời sống khuấy lên, dấy lên kéo không gian đời xích lại không gian tâm tưởng của thi sĩ. Tất cả thể hiện một tinh thần, một niềm tin, một hi vọng nhập cuộc hết sức thao thiết.
Với một tâm hồn nhập cuộc như thế, với một cái nhìn đầy trìu mến, hi vọng như thế, thì ở đề tài tình yêu, dễ hiểu vì sao trái tim của thi sĩ luôn trào sôi sợi chỉ nhiệt thành, khát bỏng. Ông trải lòng, gửi gắm nụ hôn đến người mình yêu nhẹ nhàng, chân tình làm sao! Bao hy vọng ngóng chờ đêm khóa chặt môi đêm/ nếu sáng mai thức dậy em ra mở cửa/ có làn gió ban mai ùa vào má em, mắt em, môi em/ thì đấy là cái hôn anh/ nó trằn trọc suốt đêm theo gió! (Trong gió ban mai). Nhà thơ sử dụng cấu trúc điều kiện nếu… thì ở đây một mặt vừa làm cho lời tâm tình lịch sự hơn, mặt khác hướng đến em bằng tất cả lòng trân trọng. Nỗi trằn trọc ấy rất đáng ngưỡng mộ. Tình yêu êm ru, mát rượi, gần kề và ngày một đầy thêm: Mình yêu nhau không mùa, em bảo/ yêu như sông kiệt dòng, yêu như núi vỡ giọng/ yêu như là em thở/ vừa đầy lên ngực nhau (Hỏi mùa). Thơ ca có tư duy riêng. Nếu nhìn từ hiện thực, từ sự chỉn chu của câu chữ mà phán xét tất yếu chúng ta sẽ đánh đổ và phá nát cấu trúc cả bài thơ. Yêu mà rót cơn em/ vào lụt miền anh (Những cơn mưa) thì chỉ có Trần Quang Quý. Em chính là nguồn nước thanh lương, tinh khiết ngấm xuống đời anh, anh được ngập tràn trong em. Chính nét dư nghệ thuật này đã giúp thơ Trần Quang Quý phóng chiếu những đường bay của cảm xúc, của tình yêu.
Cũng như Trịnh Công Sơn, Trần Quang Quý là kẻ du ca đi qua những miền đất lạ, cất lên lời yêu thương đắm say. Mỗi bài ca là một cuộc kết nối tương giao giữa vũ trụ và con người. Bài ca nào cũng giàu hình ảnh, tạo biểu cảm mạnh bởi lối liên tưởng khá bất ngờ, đầy ẩn dụ. Không khó gặt ra nhiều câu thơ hay. Ví như câu thơ Bóng con đò nằm lép ngực đêm. Ở đây không còn đơn thuần là sự đối lập giữa cái nhỏ nhoi với cái mênh mông, giữa cái cụ thể và cái trừu tượng nữa mà đã có sự hướng về một phía. Nỗi cô đơn, lẻ bóng được bóc tách đến kiệt cùng. Câu thơ tự thân là một bức tranh quá ấn tượng! Hình ảnh bầu ngực xuất hiện khá nhiều với những góc nhìn mới, những điểm di chuyển mới, xóa bỏ sự nhàm chán. Hai câu thơ em áp ngực mùa thu đầy lên vai anh/ chiều áp ngực lõm cả ngày thu rỗng, vẻ đẹp của nỗi buồn sâu thẳm, trống vắng cứ mênh mang vời vợi lồng xoắn giữa khuông ngực mùa, khuông ngực thời gian.
Quả đúng là “chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt)! Lớp động từ như lõm, áp, cấy, nhốt, thắt, lép, rỗng, cuộn,… đã làm nên thương hiệu rất riêng, lối đi riêng của Trần Quang Quý. Khi đi vào thơ Trần Quang Quý, chúng không đơn thuần là nghĩa tự thân mà còn được đẩy lên cao hơn, bồi đắp những trường nghĩa mới, xóa bỏ sự rỗng mòn ngữ nghĩa, tạo dựng những thi ảnh độc và lạ. Từ nhịp chữ, Trần Quang Quý tạo sinh nhịp lòng. Sự cộng hưởng này không theo một quy luật nào. Tùy theo tính chất tự phát nghĩa của chữ trong mỗi ngữ cảnh mà người đọc có những cảm thụ, khám phá riêng.
Với tập Ga sáng, những con-chữ-bay của Trần Quang Quý bung tỏa hơn khi cài bện vào đó lớp áo động từ độc lập. Lớp động từ là luồng tín hiệu làm nên trọng lượng, âm vang cho Ga sáng, làm nên những con-chữ-bay, những thực-thể-chữ-tạo-sinh, làm nên những cuộc dịch chuyển từ ngôn ngữ cho đến tư tưởng, từ ngoại cảm đến nội cảm cũng như minh chứng khả năng tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới của nhà thơ trong chặng đường sáng tạo nghệ thuật đầy gian nan. Có thể xem, chuỗi động từ này là chủ âm, là mạch ngầm biệt lạ, là chìa khóa giải mã Ga sáng.
Chú thích: 
(1) Hoàng Thụy Anh, Trần Quang Quý và nỗi quê “không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”, Tạp chí Thơ, số tháng 8, 2016.
(2)Trần Quang Quý, Ga sáng, NXB Hội Nhà văn, 2016.
Nhật Lệ, 14/11/2016
Hoàng Thụy Anh
Nguồn: Tạp chí VNQĐ số 858, tháng 12.2016 đã in dưới tên: Những con chữ tạo sinh nghĩa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...