Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Tản mạn lúa hát ở Hội An

Tản mạn lúa hát ở Hội An

Tôi đến An Mỹ ở Cẩm Châu cách biển Cửa Đại, Hội An khoảng 4 cây số; một ngày đạp xe đạp đi làng rau Trà Quế, chỉ để nhìn các vòi phun nước tưới rau và từng đoàn khách châu Âu thi nhau chụp ảnh. Dọc đường gặp rất nhiều ao bèo tây tím và những đầm sen hoa nở rực rỡ rồi héo tàn, vẻ đẹp của sen tàn vẫn bị bỏ quên; những đầm nước trong ngắt vô tình cứ để từng bầy ngan soi mình dưới nước. 
Tôi đã say nắng ở cánh đồng lúa chín, chờ vài tiếng đồng hồ cũng không thấy ai đi qua; đành ngả mình bên ruộng lúa và kéo lúa che nắng. Khi tỉnh dậy thấy một bầy ngan nằm vây xung quanh người, con rỉa cánh, con tròn mắt ngó nghiêng tôi, lần đầu tiên tôi thấy mình được bình đẳng như ngan. Thì ra ở An Mỹ có thể  đi nửa ngày không gặp một  bóng người ngoài lúa và những lều nuôi ngan vắng người. Tôi đã lý giải để thở được trở lại, có thể nhờ hương lúa và đầm nước trong kia. Hơi thở có vị đất, vị lúa, và hơi nước. Nó rất khác với hơi thở trong nhà kính có điều hòa.
Cũng lâu lắm người thành phố bị say nắng mới nằm trên cỏ, nằm bệt xuống rệ đồng nhìn thấy nắng gay gắt mà mây thì như những chiếc nong xòe bông trắng trên đầu.
Mới hôm qua còn ở Đà Nẵng, lên chùa Linh Ứng, bị mấy vị khách Trung Quốc “hảo, hảo lơ”, chen vai thích cánh chụp ảnh. Họ quay phim và họ lớn tiếng cả với người Việt như họ đi trên đất Trung Hoa chứ không phải trên đất nước mình. Phía trong tầm tay là bán đảo Sơn Trà, muốn đi xem voọc cũng phải đi từ 5 giờ sáng. Bán đảo Sơn Trà giống như những ô ăn quan, lam nham những trụ bê tông vượt qua móng, và điều đáng sợ nhất là tiếng máy đổ bê tông, máy cắt sắt, phá nát không gian thanh tĩnh vốn có của eo biển Quảng Nam này; những lớp đất đào bới tàn phá cây không tính xuể. Có chỗ nhuôm nhoam như những ô ăn quan; những dự án, dự tính gói bao tham vọng tiền bạc của con người; họ sẽ xẻ đất của ông bà ta ra để đổ bê tông trên đảo.
“Phật bà ở chùa  Linh Ứng đang ngự lãm trên cao kia, xin người cho biết dân thường chúng con làm sao đây để giữ được màu xanh cho Sơn Trà?”. Tôi đã lắng nghe lời cầu nguyện bên tai giữa trưa nắng quái. Lại nghĩ mình phận con ong cái kiến, bình đẳng cả với đàn ngan, người biết gì, mà từ Hà Nội vào đây có ý kiến.
Lại thấy dòng sông Hoài, đèn lồng đỏ ở phố đèn lồng Hội An, vẫn sáng trên cầu và những người phụ nữ trong xế bóng hoàng hôn, vai áo thẫm bạc vẫn chèo thuyền kiếm ăn với tư cách đò dọc du lịch đến khuya.
Lại thấy những người phụ nữ trẻ, hăm hở làm du lịch tươi cười, niềm nở ở Cẩm Thanh, cách Cẩm Châu quãng 5 cây số, họ  đang đổi thay cuộc sống từng ngày chính là xứ Vạn dừa Bẩy mẫu; một năm dân Cẩm Thanh có một vụ gom lá dừa bán đi cho người dân vùng Cái Nước, Bến Tre, ở phía “trỏng” cần lợp nhà. Thu hoạch lá dừa một năm cũng ngót nghét gần trăm triệu đồng,còn dịch vụ chở khách thuyền thúng và xem múa thúng ở “xẻo dừa” cũng sướng mắt lắm. Ở đây có trò giải trí múa thúng. Hai cái thuyền dựng đứng múa tưng bừng trên mặt nước. Hai chàng trai múa thuyền da đỏ đắn mà mặc áo xanh. Họ như những nghệ sĩ làm xiếc trên thuyền. Du lịch ở Cẩm Thanh lại thấy những phụ nữ chèo thuyền thúng và kể về đời sống khấm khá lên nhờ miệt dừa. Những con ốc lát và tôm đất đã làm nên đặc sản xứ dừa vừa lạ miệng và vừa có vị đặc biệt của dân xứ Quảng.
Xứ dừa có những khách châu Âu vẫn lướt thuyền Kayak, trong kênh lạch, và họ biết tận hưởng những món đặc sản nướng trên than hoa ở xứ này.
Ở Cẩm Thanh nhìn đâu cũng thấy dừa, món ăn cũng vị dừa, tôm hấp nước dừa, ốc hấp dừa, cá nướng trên que dừa, thì ở Cẩm Châu chỉ có hương cau và hương lúa. Những quán uống nằm thỏm trong ruộng lúa, và khách châu Âu tìm chốn nghỉ cả ngày chỉ để uống nước dừa và nhìn lúa. An Mỹ tràn ngập cau và hương cau.  Mở  mắt ra thấy hoa cau và hương đã phủ khắp nhà, nhìn đâu cũng thấy lúa. Cả ngày không có một tiếng động của động cơ xe máy nào lọt vào nhà.
Ở An Mỹ người phụ nữ vẫn cúi xuống với đồng cỏ và lúa; con gái hoặc con trai lớn đi làm ở khách sạn, hoặc biệt thự. Khác hẳn với làng gốm Thanh Hà , người phụ nữ đi làm thuê, họ nặn vại, chậu và nồi đất với giá công 100 ngàn đồng cho 50 cái chậu sành, làm khoán và trả công khoán. Những người thợ gốm Thanh Hà, đi làm thuê cho chủ lò gốm cũng chỉ đủ ăn, chủ lò gốm Nguyễn Văn Xê cho hay: “Chủ lò hay thợ làm thuê cũng nương tựa vào nhau để sống vì sản phẩm bán cho khách du lịch vẫn còn nhỏ giọt, lò gốm vẫn nung thủ công bằng củi”. Nếu đem so sánh với lò gốm ở Bát Tràng – Hà Nội và gốm Chu Đậu – Hải Dương thì gốm Thanh Hà phải còn lâu mới tiến kịp.
Nghe lúa vẫn đang chín từng ngày, những người phụ nữ ở Hội An, bằng nhiều nghề trồng rau, làm gốm, chở đò, đến bán hàng  rong dạo phố… gương mặt phụ nữ xứ Quảng, cái thắt lưng của eo biển miền Trung, họ vẫn cần kiệm, khắc khổ và chân thật lắm. 
Họ có đủ vẻ đẹp lung linh, thâm trầm trong gian hàng hội họa hay gian hàng mặt nạ phổ cổ; họ bước ra cuộc đời chân thật và cần lao, làm nên một gương mặt Hội An cổ kính đáng sống nhất trong nhiều thành phố của nước Việt hôm nay. 
26/9/2017
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...