Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Thân thể như tinh thần và thế giới

Thân thể như tinh thần và thế giới

Có thể nói mà không sợ quá lời, rằng sự khám phá tính ẩn dụ của thân thể và mọi thứ thuộc về hay liên quan của thân thể chính là đặc tính bao trùm thơ Hoàng Thụy Anh ở tập này, là chất thơ của những bài thơ này...
Tập thơ này của Hoàng Thụy Anh có nhiều câu thơ mang thông điệp tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả một cách hiển nhiên minh bạch. Và đây là điều hiếm thấy trong thơ ca xứ mình từ rất lâu nay. Như bốn câu thơ sau đây:
chữ tôi
ý niệm tôi
phiên bản tôi
cơn khát tự do không bao giờ vô sinh
(khát)
Có hơn một cách để diễn giải mấy câu thơ trên. Nhưng hãy để ý trước hết đến âm hưởng và nhịp điệu. Những từ rơi vào nhịp định âm đều là thanh không, với một thanh bằng tạo đà cho nhịp cuối: tôi – tôi – tôi – do – giờ – sinh. Âm hưởng của các câu và ngữ đoạn như thế hướng thượng, căng và chắc. Chúng là những khẳng định, bằng cả ngoại diên và nội hàm, tự nhiên, nhất quán, và chân thành.
Thông điệp đó nói rằng nhà thơ thức nhận thơ như trọn vẹn thân thể với tinh thần mình. Thơ là mình. Và vì thế cũng là thế giới, bởi lẽ thân thể đối với người đàn bà chính là thế giới. Như ở hai câu thơ khác, chị viết:
sáng sáng bên vòi ký ức
em kỳ cọ đánh răng làm mới nỗi đau 
(nỗi đau chưa hề biết ngủ bao giờ)
Hình ảnh tươi mới và chất thơ tuyệt hảo. Một người đàn bà “kỳ cọ” và “đánh răng” đấy ư? Nhưng phải hình dung thế nào về một cái “vòi ký ức” dẫu rằng nó đã được giải thích ở vế sau, đăng đối ngầm ẩn, là để “làm mới nỗi đau.” Và thế là tính siêu thực của cái “vòi ký ức” đã phát lộ cái thân thể đang ý nhị giấu mình vào “kỳ cọ,” “đánh răng, “nỗi đau,” đồng thời cũng phát lộ tính ẩn dụ của cái thân thể ấy.
Trong thơ Hoàng Thụy Anh, thân thể đàn bà, cũng như thân thể con người nói chung, là nguồn ẩn dụ thơ ca chủ yếu và vô tận.
Và chẳng nên vội cho rằng nhà thơ chỉ mải đuổi theo trò chơi chữ thi vị hóa thân xác hay ham muốn. Bởi thân xác là thế giới, Hoàng Thụy Anh nhìn thấy thế giới trong thân xác như là thân phận. Đó là cái nhìn phê phán sắc bén, độc đáo. Chẳng hạn, chị thấy:
khi mọi thứ khỏa thân và tìm cách độn mông bằng lớp giấy nhàu nhĩ
bên cạnh những con chuột cống bận trò chơi ái ân
mưa chiều đái ra tràng ho tanh máu như bản năng của kẻ có quyền hoán đổi vị trí đêm ngày
bầu vú thành phố ngập ngụa trong thứ sữa lắc lư
đen & đen & đen
(trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa)
Trong bức hoạt kê đầy âm hưởng chua chát soi rọi vào cái thế giới bên ngoài bằng một cảnh ngổn ngang những thân thể điệu bộ kỳ quặc như thế, ngữ đoạn đầy tính biểu hình với mưa chiều đái ra tràng ho tanh máu là một trong những ví dụ nổi bật cho thấy nhãn quan và thái độ của nhà thơ về tính trừu tượng và tính siêu thực của thân xác như là thân phận, chứ không phải, hoặc hơn là, thân xác như cái biểu đạt của ham muốn.
Nhưng, tựa như quy luật, phần chủ yếu những bài thơ trong tập này  xoay quanh những khám phá trữ tình về con người thi sĩ – nơi mà cái thân thể trở nên trừu tượng mỗi khi nó tự nhận thức mình trong ánh sáng của cái tinh thần dường như nhục thể: chúng đổi chỗ với nhau, một cách ẩn dụ. Sự khám phá như thế  tất nhiên luôn luôn mở sang sự khám phá con người xa rộng hơn một cá thể.
Tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thuỵ Anh
Bài thơ được lấy tên đặt làm tên cho tập thơ này cho thấy điều ấy rất nổi trội; và đồng thời quy tụ cả hai tập hợp hình ảnh ví von đa nghĩa nhất, đa dạng nhất và gặp được nhiều nhất trong những bài thơ ở đây: tập hợp “mưa” và tập hợp “đêm”. 
Bài thơ như sau:
người đàn bà sinh ra từ mưa
người đàn bà sinh ra từ mưa
ăn mùi hoàng hôn rớt lại của mùa đông trước
ăn nhánh khô gầy trên môi gió
ăn chồi buồn vừa nở trong đôi mắt ngập nước
người đàn bà rướn mình vào bóng tối
thấy đêm không thể thoát ra ngoài gương mặt bồ hóng cũ kỹ
giống hệt sợi đau mãi nằm co ro giữa vùng trũng
người đàn bà vẫn cần mẫn vá lỗ đêm bằng đường chỉ tự do
khép cơn khóc rỗng giọng sau tiếng thở dài
người đàn bà giao ước với đêm
chia đều mớ mưa
chẳng phải để mua chẳng phải để bán chẳng phải làm quà
chỉ để nhận diện và gọi tên từng vết thương đang chảy tràn qua nhau
cuộc đời người đàn bà đan cơn mưa cơn mưa đan người đàn bà
như đốm buồn này luồn đốm buồn khác
như kẹt đau này chồng kẹt đau khác
giấc ngủ nào mới đến đã cạn cuối bấc đêm
Không nghi ngờ gì: bài thơ này biểu đạt một tấm chân dung tinh thần của con người thi sĩ. Ta thấy rõ rằng thân thể hay thân xác không phải là đích đến của biểu đạt thơ ca, bởi ta thấy cái phần nhục thể ấy trở nên không chỉ trừu tượng mà còn rất nhạt nhòa trong tương quan “tuy một mà hai” với cái tinh thần của chính nó – cuộc đời người đàn bà đan cơn mưa cơn mưa đan người đàn bà/ như đốm buồn này luồn đốm buồn khác/ như kẹt đau này chồng kẹt đau khác…
Nhà thơ quả quyết ngay từ đầu: tinh thần ở vào vị thế cái có trước/đến trước – “mưa”; và cái thân xác “người đàn bà” là cái “sinh ra từ mưa.”
Một câu hỏi cắc cớ về “mưa” – vì sao có thể được nhìn nhận như một ví von/ biểu trưng cho “tinh thần”? – sẽ đưa ta lập tức trở lại những cội nguồn truyền thống và dân gian, nơi “mưa” là một trong mấy gương mặt đại diện cho/đến từ “Trời”, từ thẩm quyền cao vọi bí ẩn của “Ông Trời.”
Còn nữa: cái tính nữ, như là “đêm” – tuân theo một quy ước cổ xưa coi “đêm” mang “âm tính” – chỉ là một quy ước mà thôi và rất có vẻ không hay ho gì lắm nếu cứ mặc nhiên chấp nhận nó như thân phận tiền định; bởi thi sĩ đã thấy, một cách tỉnh táo, rằng đêm không thể thoát ra ngoài gương mặt bồ hóng cũ kỹ; và cái bóng “đêm” ấy sẽ không thể cản ngăn một  người đàn bà vẫn cần mẫn vá lỗ đêm bằng đường chỉ tự do…
Cho nên, cái biểu đạt mang tính ẩn dụ then chốt của bài thơ này nằm vào chỗ mà nhà thơ quả quyết mô tả: người đàn bà giao ước với đêm…
Có thể nói mà không sợ quá lời, rằng sự khám phá tính ẩn dụ của thân thể và mọi thứ thuộc về hay liên quan của thân thể chính là đặc tính bao trùm thơ Hoàng Thụy Anh ở tập này, là chất thơ của những bài thơ này. Mà chị cho thấy niềm say mê chân thành, dồi dào ý tưởng và tưởng tượng trong việc khai phá chủ đề lớn đó. Và đấy là nỗi say mê rất có ý thức: chị nhiều lần gắn cảm giác nhục thể với những biểu đạt hình tượng hóa cho những “ký tự,” “mẫu tự,” “chữ cái”; và ở một đoạn đỉnh điểm, đã viết rằng:
trên chỏm đau
những con chữ của em có thể bị xước bên này hoặc xước bên kia
thậm chí bị giẫm bẹp rúm
chúng vẫn tiếp tục chức năng sinh sản
vẫn phơi phới nhũ hoa dậy thì
quyến rũ núm đời đêm đêm
(những con chữ của em)
Trong những tương quan hình ảnh thơ ca như thế, các “con chữ” hay “ký tự” và “chữ cái” chính là các biểu tượng. Giản dị thôi: “chữ” là một biểu tượng của tri thức, và do đó, của ý thức, của sự tỉnh táo.
Vào một thời buổi mà, trong chừng mực nhất định, ý niệm về cái-bản-năng nơi con người  bị lạm dụng bị đề cao bị vuốt ve nuông chiều quá đáng; và còn bị mang khoác lấy cái áo mỹ miều hào nhoáng của trò ảo thuật hiện đại xưng xưng là biết-tuốt về con người; thì liều thuốc giải độc phải là ý thức tỉnh táo.
Không mảy may chữ thừa câu sáo, đây là một tiếng thơ đương đại giàu tưởng tượng, độc đáo và chân thành một cách quả cảm. 
19/8/2017
Nguyễn Chí Hoan
Nguồn: Văn Nghệ số 29, 22.7.2017
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...