Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Mở một cánh cửa

Mở một cánh cửa

Nhân đọc tập nghiên cứu phê bình “Hồ Xuân Hương - tài năng và bí ẩn” của Mai Ngọc Phát - Nxb Hội Nhà văn & Nhà sách Tao Đàn, 2020
Thơ Hồ Xuân Hương là kho báu không khóa cửa, ai cũng có thể vào trong đó, kiếm cho mình một báu vật. Mai Ngọc Phát đi sau rất nhiều nhà thám hiểm tài ba, nhưng ông vẫn tìm được cho mình những viên ngọc nhỏ mà độ lấp lánh không hề thua sút. 
Bìa sách “Hồ Xuân Hương – tài năng và bí ẩn” của nhà phê bình Mai Ngọc Phát
Sẽ có người giật mình khi nghe ai đó gọi Hồ Xuân Hương là “Đại thi hào có một không hai của Việt Nam”. Đây là chi tiết khiến tôi chú ý ngay lập tức khi đọc tập nghiên cứu phê bình “Hồ Xuân Hương – tài năng và bí ẩn” của nhà phê bình “tay ngang” Mai Ngọc Phát. Sẽ có người phản đối, sẽ có người dẫn ra một bảng xếp hạng những tác giả được xếp vào hàng “Đại thi hào” mà không có tên Hồ Xuân Hương. Nhưng bạn của tôi, xin hãy bình thản, mọi sự xếp hạng chỉ có giá trị đối với người trong hiện thế. Và mọi sự xếp hạng đều huyễn mộng như nhau. Đừng nói với tôi rằng đây là xếp hạng của đấng bậc nào trong giới nghiên cứu. Một người đọc có trách nhiệm chỉ nên tin vào chính mình. Bạn không thể yêu nhờ vào cảm xúc người khác thì không thể vì sự xếp hạng của bất cứ ai mà tạo “định mức khuây khỏa” (Quantum of Solace) cho mình.
Tôi không thích cách người ta phân biệt nhà phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghiệp dư. Một người đọc bất kì, ngay khi bắt đầu thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đã đồng thời là người phê bình. Cũng như thế, một nhà phê bình “chuyên nghiệp” trước tiên là người đọc thưởng thức. Ranh giới của thưởng thức và phê bình tưởng sâu mà hóa ra khá mơ hồ, bởi nó xảy đến cùng một lúc, như hai cánh của một con chim cùng đập khi nó lao vào không trung. Không thể tồn tại một tôn ti trật tự nào trong tiếp nhận văn học. Chúng ta bình đẳng trước mọi cơ hội sống và chết, bởi thế chúng ta công bằng với chính mình và người khác trên đất đai của nghệ thuật.
Mai Ngọc Phát nguyên là kỹ sư xây dựng, một chuyên gia về tiền cổ. Và ông mê thơ Hồ Xuân Hương. Mà cái sự yêu này đến như một mặc khải: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã sang làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Một cơn sang chấn tinh thần đã tác động vào tôi lúc bấy giờ. Đương lúc trầm cảm, gần như bi phẫn, tôi vô tình được một người bạn tặng cho cuốn vở chép tay những bài thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương. Tôi giữ mãi cuốn vở đã ố màu ấy, có vài trang đã nhòe nhoẹt vì nước mưa. Lúc ấy tôi cũng đương đọc mấy cuốn sách của nhiều tác giả khác, nhưng những bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thực sự đã soi rọi tâm trí, thay đổi tâm trạng tôi. Bà làm tôi bừng tỉnh, bình tĩnh và kiên nhẫn vượt qua cơn “bĩ cực”, dạy tôi biết yêu thiên nhiên, yêu đồng loại chân thành bằng những câu thơ giàu tính dân gian, tinh nghịch, hóm hỉnh và rất phụ nữ của bà”. Vậy đó, chúng ta không thể biết trước sẽ nương tựa vào điều gì trong những khúc quanh đắng chát của đời mình. Với Mai Ngọc Phát, thơ của một người phụ nữ cách biệt cả trăm năm và hai cõi giới lại đem đến sự đắc ngộ. Trong cõi tinh thần con người đang vật lộn với bế tắc đó, mở ra một nguồn sống dồi dào, như mầm cây mới bung ra trên gốc cũ. Đó là một tình thế cách mạng khó mà lý giải cho rốt ráo. Nhưng một trong những hệ quả của nó thì kéo dài đến hết cuộc đời Mai Ngọc Phát: niềm say mê sưu tầm các ấn bản về thơ Hồ Xuân Hương. Có thể khẳng định, cho đến nay, Mai Ngọc Phát là người sở hữu bộ sưu tập ấn phẩm giá trị nhất về thơ và nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương ở Việt Nam. Số lượng đầu sách lên đến hơn trăm bản (tiếng Việt và các ngôn ngữ khác). Những ấn bản quý giá từ  đầu thế kỉ XX như Hồ Xuân Hương thi tập – Nhà in Xuân Lan (1913, 1914)/ Văn Minh Ân tự quán (1927); Giai nhân di mặc – Sự tích và thơ từ Xuân Hương của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1916); Nữ lưu văn học sử của Lê Dư (Sở Cuồng) – Đông Phương học xã (1927). Các ấn bản hiếm thập kỉ 50 – 60 (thế kỉ XX) của Đỗ Thúc Vịnh, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Nguyễn Kế Nghiệp, Trương Tửu, Đỗ Long Vân… Giá trị của bộ sưu tập đương nhiên rất lớn, nhưng đó chỉ là một giá trị. Yêu và chung thủy với thơ Hồ Xuân Hương đến thế, Mai Ngọc Phát đã trưởng thành trong cõi tinh thần theo cách của một người bình thường làm được điều phi thường. Trong mấy chục năm sống với thơ Hồ Xuân Hương, Mai Ngọc Phát tỉ mẩn ghi chép từng suy nghĩ và cảm xúc vào sổ tay để rồi mỗi khi mở lại trang nhật kí “tôi thấy mình trưởng thành hơn khi suy ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của bà”. Thú thực, một tình yêu sâu đậm và bền bỉ đến thế với thơ của một người, tôi ít khi gặp. Tình yêu thi ca thực sự chỉ nảy sinh khi người ta quay vào trong bản thể. Hạnh phúc này không giống như bất kì tình yêu nào khác, bởi nó là năng lượng tích cực không dễ có được với tất thảy.
Thơ Hồ Xuân Hương là kho báu không khóa cửa, ai cũng có thể vào trong đó, kiếm cho mình một báu vật. Mai Ngọc Phát đi sau rất nhiều nhà thám hiểm tài ba, nhưng ông vẫn tìm được cho mình những viên ngọc nhỏ mà độ lấp lánh không hề thua sút. Tôi thích cái cách Mai Ngọc Phát nâng niu những “viên ngọc” bé bỏng của mình. Như một người tình chưa bao giờ vơi cạn yêu đương, Mai Ngọc Phát chi chút và cẩn trọng trong từng bài viết nhỏ. Viết phê bình, nếu hướng tới sự công nhận của ngoại giới tức là làm chính trị, nhưng cũng không phải ‘tự sướng’ trong đơn độc bệnh hoạn. Viết phê bình cũng như yêu, đơn giản là bộc lộ niềm biết ơn với người đọc và hưởng thụ hạnh phúc tối thượng của sự dấn thân vào nghệ thuật. Điều ấy, tôi cảm nhận được khi đọc “Hồ Xuân Hương – tài năng và bí ẩn”. Mười bài phê bình trong tập sách được viết một cách điềm đạm, lời văn giản dị, chân thành nhưng hàm lượng tri thức, chiều sâu cảm xúc rất cuốn hút. Sức hút đến từ từ qua từng trang viết, càng về sau càng đậm đà, cho đến khi gấp sách lại, tôi có thể có được một ấn tượng khá trọn vẹn về hành trình của nó.
Tôi không biết tác giả Mai Ngọc Phát có chủ ý xây dựng một cấu tứ cho tập sách hay chỉ là sự sắp xếp tình cờ. Nhưng trừ bài mở đầu “Thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương”, chín bài còn lại dường như là cái nhìn từ bên ngoài vào bên trong thế giới nghệ thuật của Hồ Xuân Hương. Từ việc nhận diện các “mẫu gốc ám gợi” đến “biểu đạt âm thanh”, “hình tượng cỏ” và “cảnh vật phát sáng”. Nếu coi đây là hình tướng thì sau đó là một bản thể trữ tình độc đáo. Bản thể ấy bắt đầu ngay từ chỗ của hình tướng. Từ  hai mẫu gốc “thiên nhiên Bắc bộ” và “phụ nữ Việt xưa”, nhà phê bình tìm ra những biến thể của chúng trong thơ Hồ Xuân Hương. Đó là những liên văn bản tinh vi, khó truy nguyên nhưng tính “ám gợi” rất mạnh. Từ đặc điểm biểu đạt âm thanh trực tiếp, tác giả dẫn người đọc đến với “tâm thế của một kẻ du ca, luôn muốn phá vỡ cái nghiêm trang, giả tạo chốn cung đình khuê các, mà hồn nhiên ăn nằm, cười khóc với nhân gian lấm láp nhọc nhằn”. Mai Ngọc Phát cũng nhận ra hình tượng “cỏ” trong thơ nữ sĩ họ Hồ khác biệt thế nào với thơ các thi sĩ trung đại khác. “Cỏ” trở thành nhân vật chính trong thơ Hồ Xuân Hương với đầy đủ danh phận, thân phận của nó. Với “Cảnh vật phát sáng nơi động Phật thâm u”, người viết trở lại với những nghi vấn về sự tương phản giữa một Hồ Xuân Hương am tường Phật pháp, thành kính và trong sáng với một Hồ Xuân Hương khinh bỉ, nhạo cợt, đả phá cay độc giới tăng sĩ trong thơ Nôm. Sau nhận diện là cuộc du hành sâu hơn vào một vài nét nghĩa khác, là những tâm đắc nho nhỏ của nhà phê bình. Khám phá “Nỗi cô đơn vô vọng trong “Nỗi niềm gối lẻ”, Mai Ngọc Phát nhìn con người trữ tình Hồ Xuân Hương với hai nét tính cách Nhu và Cương cùng tồn tại song hành. Tìm hiểu “tấm lòng son” trong bài thơ Bánh trôi nước, nhà phê bình đã viết rất xúc động “Nó xóa nhòa mọi ấn tượng về tính dục trong “tay kẻ nặn” trước đó. Theo cảm nhận cá nhân, giữa ba câu thơ đầu và câu thơ cuối cùng xuất hiện một khoảng trống, đúng hơn là một ranh giới. Đặt chân lên ranh giới này tức là vượt qua mảnh đất u tối của “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát”, “tay kẻ nặn” để đến với miền nhân văn, đạo đức, lòng ngay thẳng. Biểu tượng “tấm lòng son” của Hồ Xuân Hương đã làm cho những “tấn trò đời” phía bên kia ranh giới bị đẩy lùi, lu mờ trong tâm thức bạn đọc”. Tôi rất thích cảm nhận của Mai Ngọc Phát về nhịp chuyển động tạo nên vũ điệu tình ái trong bài thơ “Đá ông chồng, Bà chồng”. Nhà phê bình nhìn nhận đặc tính phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương như một ngôn ngữ đa trị, vừa biểu đạt thực tại, vừa biểu đạt chính nó. Trong thơ Trung đại Việt Nam, hiếm nhà thơ nào có thể đi xa đến như Hồ Xuân Hương ở địa hạt này.
Là một nhà phê bình “tay ngang” nhưng Mai Ngọc Phát viết về thơ Hồ Xuân Hương bằng tất cả sự lịch duyệt của mình. Mỗi trang viết như máu thịt, như hơi thở. Bởi thế, đọc cuốn nghiên cứu phê bình này, tôi xúc động như khi nghe một bài hát qua giọng ca mộc với cây guitar gỗ trong một chiều xuân nào đó, trong một ngõ nhỏ nào đó vắng và trong. Cuốn sách không hàn lâm, không uyên áo. Nó đạm mà không sơ, bác mà không hiểm. Nó chân tình và chân chất. Nhưng nó tinh, cái tinh tế được tạo thành từ một tình yêu bền bỉ với thơ Hồ Xuân Hương, ngấm sâu đến độ mỗi lời viết ra như đang thủ thỉ. Nếu bạn muốn tìm một phát kiến động trời nào đó ở cuốn sách này, có thể bạn thất vọng. Nhưng điều đó cũng không sao. Phê bình là diễn ngôn về một diễn ngôn khác, một ngôn ngữ thứ sinh ra đời trên ngôn ngữ trước đó. Vậy nên, đọc phê bình, có thể thích hay không thích, tâm đắc hay nhạt nhẽo, đều tốt cả.
Một điều nữa, tôi không biết duyên lành nào đã đưa nhà phê bình Mai Ngọc Phát và họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đến với nhau trong cuốn sách này. Những bức minh họa tuyệt đẹp cho cuốn sách khiến tôi ngơ ngẩn. Hình và màu là sự tan thấm của tranh dân gian trong cảm thức nghệ thuật hiện đại. Cái phóng khoáng và nét nhuần nhị như hồn vía nữ sĩ họ Hồ xui khiến. Lành thay!
“Phê bình tác phẩm bao giờ cũng là sự tự phê bình” (R.Barthes – Phê bình là gì?) Mai Ngọc Phát đã tự thấy điều gì ở chính mình qua thế giới thơ Hồ Xuân Hương? Câu hỏi đó không bao giờ có lời đáp. Đọc cuốn “Hồ Xuân Hương – tài năng và bí ẩn”, tôi có bao điều muốn trao đổi cùng nhà phê bình. Nhưng Mây đã bay về khung trời khác, Giáng hương chỉ còn lại hương thơm. Nhưng bằng cách nào đó, một cánh cửa mới lại mở ra với tôi từ những trang viết còn thơm mùi mực in tháng Sáu.
Hà Nội, 2/6/2020
Yên Nguyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...