Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Nghèo cho sạch, rách cho thơm qua truyện ngắn Khuấy động cõi chết

Nghèo cho sạch, rách cho thơm qua
truyện ngắn Khuấy động cõi chết

Đọc truyện ngắn Khuấy động cõi chết, chúng ta thấy được một quan niệm sống hết sức có ý nghĩa. Đó là nghèo cho sạch, rách cho thơm. Quan niệm ấy được nhà văn gởi gắm và thể hiện xuyên suốt thông qua nhân vật chính trong truyện là cậu bé Phú.
Nguyễn Thị Mây là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh. Cô vốn là giáo viên đã nghỉ hưu. Với lập trường sáng tác của cô là văn xuôi, cô đã xuất bản khá nhiều tác phẩm được đọc giả tỉnh nhà đón nhận một cách nồng nhiệt. Người viết trân trọng giới thiệu sáng tác của nhà văn Nguyễn Thị Mây qua một truyện ngắn có nhan đề Khuấy động cõi chết. Tác phẩm này được in trong sách Ngữ văn địa phương Trà Vinh khối trung học cơ sở được nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2012.
Đọc truyện ngắn Khuấy động cõi chết, chúng ta thấy được một quan niệm sống hết sức có ý nghĩa. Đó là nghèo cho sạch, rách cho thơm. Quan niệm ấy được nhà văn gởi gắm và thể hiện xuyên suốt thông qua nhân vật chính trong truyện là cậu bé Phú.
Phú là cậu bé không được hưởng hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Phú sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, thiếu trước hụt sau, lại thêm những đứa em nhỏ dại nheo nhóc. Cái nghèo đeo bám cuộc đời Phú và gia đình Phú nữa: “Những khó khăn về ăn mặc, ở đã quá quen thuộc. Riết rồi Phú cũng chẳng thấy khó chịu, buồn bã đi nữa. Phú xem nghèo như một người bạn thân ở bên mình. Nó làm cho Phú nổi bật giữa đám bạn cũng nghèo nhưng chưa bằng Phú”.
Cái nghèo của gia đình Phú lại chồng chất những khó khăn, vất vả hơn. Mẹ Phú ốm nặng, không còn dủ sức lao động để nuôi những đứa con tội nghiệp, sống thua thiệt với mọi người. Phú là người con hiếu thảo, biết yêu thương mẹ, không để mẹ ưu phiền mà yên tâm dưỡng bệnh. Phú đúng thực là một đứa con ngoan của gia đình nghèo này: “Người ta bảo mẹ Phú bị lao phổi. Đêm nào bà cũng ho ằng ặc từng hồi. Phú thương mẹ lắm! Phú xót cả ruột khi thấy mẹ nằm bộ xương khô, nằm dán chiếu, thở hổn hển tựa vượt dốc. Những lúc ấy, Phú tưởng mình như nghẹt thở, ứa nước mắt”.
Thương hoàn cảnh gia đình nghèo túng, Phú cam chịu đựng. Cậu bé không bao giờ học thói đua đòi. Sinh ra trong kiếp nghèo, Phú vẫn ý thức được nghèo phải cho sạch, rách phải cho thơm. Phú là người không gục ngã số phận, biết vượt lên hoàn cảnh. Dù là con nhà nghèo nhưng Phú lại rất chăm chỉ học tập, lúc nào cũng được cô giáo yêu thương, khen ngợi: “Bạn Phú dù nghèo chúng cũng ít nhất hai cái áo thay đổi khi đến trường, dăm ba quyển vở để ghi chép, còn Phú, không có gì hết. Quanh năm đến lớp chỉ đồng bộ cái áo quằng quện như hoa văn. Cô chủ nhiệm tội nghiệp Phú, về nhà lấy áo cũ của em út mình cho Phú mấy cái. Ruốt cuộc Phú hóa giàu. Còn sách vở, cũng cô lo. Tụi bạn bảo: cô mắc nợ Phú. Nghèo, nghỉ học thây kệ. Đằng này, cô tới nhà năn nỉ ba mẹ Phú cho Phú tới trường. Mọi thứ cô hứa sẽ có cách giúp đỡ. Vì vậy, Phú thương cô như mẹ, nó ráng học để cô vui. Tháng nào Phú cũng đứng nhất”.
Một bi kịch tinh thần xảy ra đối với Phú khi nó nghe tin ba mình là người xấu, là kẻ ăn trộm gạch của mả người chết để bán kiếm tiền lo cuộc sống gia đình trong lúc khốn đốn. Cái tin dữ này làm Phú như bị một cú sốc quá lớn. Phú như bị giằng xé và không chấp nhận vào sự thật phủ phàng về hình ảnh một người cha đẹp đẽ trong lòng Phú: “Nỗi đau vẫn còn oằn nặng bên lòng Phú. Nó làm Phú biếng ăn, buồn bã và không ngủ được. Phú lăn qua trở lại nhưng không sao dỗ giấc. Nước mắt đã ướt đẫm một mảng gối. Các bạn đánh Phú, Phú sẵn sàng nhịn. Các bạn mắng Phú, Phú sẵn sàng giả điếc, làm ngơ. Nhưng nói nặng ba, xúc phạm người mà Phú kính yêu, Phú không sao chịu nổi”.
Nhưng Phú chua xót, đau đớn hơn khi nhận ra điều bạn nói xấu về ba mình có lẽ là đúng. Ba Phú đi về thất thường, lại hay quạu quọ, nằm cả ngày và thở dài: “Khi ấy, những buổi ăn chỉ thường có tương chao qua quýt. Đã vậy, mấy ngày nay mẹ Phú trở bệnh, bà ho dữ dội. Một lần ho bà khạc ra một nhúm nước bọt đỏ quạch rồi ngất đi. Ba định đưa mẹ đi bệnh viện nhưng chẳng có tiền. Thêm vào, lúc tỉnh, mẹ Phú kiên quyết ở nhà, chờ chết. Cả nhà như ốm nặng vì cơn đau của mẹ. Lạ làm sao, liền đó vài ngày, ba vui vẻ đem về một con cá lóc khá to, tự tay nấu cháo cho mẹ rồi hào phóng cho mỗi đứa con một đồng ăn bánh”.
Và sự thật đau lòng đã hiện ra trước mắt Phú. Ba Phú định lén lút đi ăn trộm gạch ở mả người đã mất để bán lấy tiền. Đó làm một việc làm dơ bẩn, làm khuấy động người chết. Phú không chấp nhận được hành động này của ba nên đã can ngăn và khuyên bảo ba mình từ bỏ tật xấu này mà quay về với đường ngay, lẽ phải, sống có đạo lý: “Phú chạy nhanh hơn. Nó ôm choàng lấy ba vừa khóc vừa van xin: Ba đừng nạy gạch nữa ba ơi. Ngày mai con sẽ nghỉ học luôn. Thoáng ngỡ ngàng, ba Phú bỗng hiểu, chợt nói: Sao lại nghỉ học? Phú kể lại câu chuyện ban sáng ở lớp cho ba nghe rồi kết luận: Tại con, tại mẹ mà ba khổ. Kể từ mai con sẽ nghỉ học để kiếm việc làm giúp đỡ gia đình. À, con sẽ đi bán vé số, bán báo ban ngày. Còn ban đêm, con sẽ đi bán bánh mì như bác Tư bên nhà mình. Đừng ăn cấp nữa ba ơi”.
Chính sự khuyên nhủ chân tình và tha thiết của Phú mà ba Phú đã thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm mình đã làm bấy lâu nay và hứa với con trai là sẽ sống tốt hơn: “Người đàn ông ôm lấy con nghẹn ngào: Ừ, thì không ăn cắp nữa nhưng con phải đi học. Ráng đi con. Chẳng lẽ con muốn sau này cũng khổ như ba. Thôi để ba lo. Ừ, sao ba lại không nghĩ ra đi bán bánh mì hay bán vé số trong lúc chưa có việc làm. Con đừng lo, ba làm bất cứ việc gì để con được đi học”.
Cậu bé Phú là một người dễ thương, hiền lành, biết thương yêu gia đình, là con ngoan trò giỏi. Phú có một hoàn cảnh đáng thương, là con nhà nghèo nhưng lại hiếu học. Phú có đức tính tốt, biết giữ gìn đạo lý nghèo cho sạch, rách cho thơm. Đó là phẩm chất đẹp được thắp lên từ một cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng nhân phẩm dã trưởng thành như người lớn. Nhân vật Phú chính là linh hồn của tác phẩm này.
Truyện ngắn Khuấy động cõi chết là một câu chuyện nhỏ viết về cảnh nghèo túng của gia đình Phú để rồi trong lúc khó khăn, ba Phú đã trở thành kẻ ăn trộm nhưng được Phú van xin, thuyết phục ba và ông ấy đã quay về sống lương thiện được nhà văn Nguyễn Thị Mây truyền tải bằng giọng văn nhẹ nhàng, mượt mà mà sâu lắng. Qua câu chuyện, chúng ta cảm nhận được cái nghèo rất dễ làm người ta tha hóa, đánh mất chính mình. Và nhà văn đã muốn gởi thông điệp dến người đọc là hãy giữ tấm lòng thanh sạch của mình dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là nghèo phải cho sạch, rách phải cho thơm. Đạo lý ấy là điều quý giá cần được lưu giữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
25/6/2020
Trần Thanh Xem
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mất việc - Truyện ngắn của Lệ Hằng

Mất việc Truyện ngắn của Lệ Hằng Tôi vừa mất việc. Trên giấy tờ là tôi nộp đơn xin nghỉ việc nhưng tôi thấy mình giống bị sa thải hơn. Dù ...