Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Nhận diện phê bình văn học vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Nhận diện phê bình văn học vùng
Đồng bằng Sông Cửu Long

Có một nhà phê bình văn học nhận định: “Đội ngũ phê bình văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa thiếu vừa yếu…”. Câu nói của nhà phê bình văn học dù mang tính chủ quan nhưng đã phần nào cho thấy thực trạng của đội ngũ phê bình văn học ở một vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa và văn học nghệ thuật.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự giao thoa về các luồng văn hóa giữa các quốc gia vùng Đông Nam Á và thế giới. Nơi đây đã ra đời và phát triển nhiều loại hình văn học nghệ thuật, trong đó có loại hình ca nhạc tài tử và cải lương độc đáo. Thế nhưng, từ xưa đến nay, con người ở vùng đất này lại không có truyền thống phát kiến những tư tưởng thẩm mỹ và các hệ hình, phương pháp phê bình văn học nghệ thuật. Nhìn ở góc độ phẩm chất nghề nghiệp, phê bình văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Suốt nhiều thập niên qua, trên các trang phê bình văn học của các tạp chí Văn học Nghê thuật ở các địa phương chủ yếu đăng tải các bài phê bình văn học theo phong cách phê bình báo chí. Các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp hầu như vắng bóng trong các diễn đàn đối thoại về văn học nghệ thuật và các hoạt động thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học.
Sự vắng bóng của các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp dẫn đến hiện trạng mối quan hệ giữa hoạt động sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn học chưa có sự tương tác, giao hòa và xảy ra tình trạng bất cập, tác phẩm văn học xuất bản không có sự đánh giá và thẩm định đúng mức. Nhiều tác phẩm của các nhà văn nhà thơ có giá trị về nghệ thuật tư tưởng được xuất bản nhưng lại chìm vào quên lãng. Một số hiện tượng văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa được các nhà phê bình văn học quan tâm, đánh giá. Cụ thể như tiểu thuyết lịch sử về những biến động dữ dội của triều đại Lý Trần ở Thăng Long và vùng đất Bắc của Trương Thị Thanh Hiền và tiểu thuyết Nam chí toàn đồ truyện viết về vùng đất Hà Tiên của Nguyễn Thị Diệp Mai. Hai tác phẩm này dù tạo được sự quan tâm của bạn đọc cả nước nhưng vẫn chưa có sự thẩm định, đánh giá của các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Sau thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ tài năng, nhất là các tác giả trẻ như: Vương Huy, Huỳnh Thúy Kiều, Vũ Thiên Kiều, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thị Việt Hà, Lê Quang Trạng, Nguyễn Đức Phú Thọ… Các tác phẩm của họ vừa mang vẻ đẹp bản sắc văn hóa của một vùng đất vừa mang nhịp điệu, hơi thở của thời đại, hòa nhập cùng các trào lưu, khuynh hướng sáng tác của các nhà văn nhà thơ trong cả nước nhưng chưa được các nhà phê bình văn học quan tâm, đánh giá và thẩm định.
Trước thực trạng vừa thiếu vừa yếu của phê bình văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan văn hóa văn nghệ và các Hội VHNT các địa phương cần có những giải pháp phối hợp đồng bộ và chặt chẽ. Xin kiến nghị một số giải pháp như sau:
- Hiện nay, xã hội chúng ta đang thừa hưởng tinh thần dân chủ của thời đại mới nên phê bình văn học có được một nền tảng tinh thần vững vàng. Việc tạo ra các diễn đàn văn học nhàm trao đổi, đối thoại và đánh giá về các hiện tượng, các tác phẩm văn học là rất cần thiết. Thông qua các diễn đàn, mọi độc giả đều có quyền phê bình đánh giá tác phẩm của nhà văn nhà thơ. Nơi đây sẽ tạo điều kiện để các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp trao đổi, đối thoại bình đẳng, phát huy tài năng của mình trong việc giải mã, khám phá và đánh giá tác phẩm văn học.
- Các Hội VHNT vùng đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm và có mục tiêu trong việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ phê bình văn học có trình độ chuyên môn sâu, có khả năng cảm thụ và đánh giá về ý nghĩa, tầm tư tưởng nghệ thuật của các tác phẩm văn học.
- Đối với người đam mê đeo đuổi công việc phê bình văn học cần phải có sự nghiên cứu, học tập và rèn luyện về cả cái tâm và cái tài. Nhà phê bình văn học, ngoài năng khiếu cảm thụ tác phẩm và nỗ lực tự thân, cần phải có sự trang bị những kiến thức, hiểu biết sâu rộng về văn hóa, triết học, văn học nghệ thuật và các hệ hình, phương pháp phê bình văn học. Tôi cho rằng nhà phê bình văn học có tâm phải là người tôn trọng cá tính sáng tạo của nhà văn và tôn trọng độc giả, công chúng văn học. Cái tâm của nhà phê bình văn học biểu hiện ở thái độ, quan điểm phê bình nhằm mục đích khám phá, phát hiện giá trị tư tưởng, thẩm mỹ trong tác phẩm của nhà văn. Sự vụ lợi trong phê bình văn học chứng tỏ cái tâm của nhà phê bình không trong sáng. Phê bình giáo điều, kẻ cả giữ giọng điệu phán xử hoặc tâng bốc, xu phụ, ca ngợi quá đáng tác phẩm văn học đều không thể hiện được cái tâm trong sáng của nhà phê bình. Cái tài của nhà phê bình văn học hình thành trên cái phông văn hóa sâu rộng và sự hiểu biết về lý luận, lý thuyết mỹ học sáng tạo để vận dụng vào quá trình phê bình văn học. Nhà phê bình văn học có tài là người có kỹ năng đọc và giải mã, thẩm định giá trị nghệ thuật tư tưởng của tác phẩm văn học. Nhà phê bình văn học phải là người đọc “chuyên nghiệp” và có tầm đón nhận cao hơn người đọc bình thường. Tầm đón nhận của nhà phê bình văn học là cơ sở để nhà phê bình chiếu rọi cái nhìn, quan điểm thẩm mỹ vào chiều sâu tác phẩm văn học để khám phá, khai mở những chiều kích khác nhau của tác phẩm.
Cái tâm và cái tài của nhà phê bình văn học có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhà phê bình văn học có tâm là người biết phát hiện, nhận biết và đề cao, ủng hộ cái mới trong tác phẩm của nhà văn. Nhà phê bình văn học có tâm là người đam mê công việc phê bình văn học và đeo đuổi đến cùng công việc phê bình văn học. Cái tâm có tác dụng soi sáng cho lý trí của nhà phê bình văn học trong quá trình vận dụng các lý thuyết hệ hình phê bình văn học để khám phá, giải mã giá trị tác phẩm văn học. Nhà phê bình văn học có tài là người đồng sáng tạo với nhà văn trong việc giải mã, khám phá tác phẩm.
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy trong tác phẩm: “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” có viết: “Phê bình văn học Việt Nam, cũng như sáng tác văn chương, thường chậm hơn thế giới, ít nhất là một nhịp. Nó phải đi trên chuyến tàu tốc hành để đuổi bắt thế giới…”. Nhận định của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy giúp các nhà phê bình văn học tỉnh thức, nhìn lại công việc của chính mình để chuẩn bị thêm hành trang trên hành trình khám phá và giải mã tác phẩm và các hiện tượng văn học. Hiện nay, sự tiến bộ, đổi mới của ngành lý luận phê bình văn học Việt Nam đã giúp nhà phê bình văn học (vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước) tiếp cận được những phương pháp phê bình mới trên thế giới. Các nhà phê bình văn học Việt Nam đã vận dụng và tiến hành công việc của mình với những hệ hình phê bình phức tạp và hiện đại. Dù thế nào thì nhà phê bình văn học cũng cần có cái tâm và cái tài như hành trang cần thiết và quan trọng trong quá trình phê bình tác phẩm văn học. Khi ấy, nhà phê bình văn học vừa là người đồng hành vừa là người khai phóng, định hướng cho công việc sáng tạo của nhà văn, nhà thơ.
28/8/2019
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...