Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Đối thoại và chuẩn mực của thi ca

Đối thoại và chuẩn mực của thi ca

Giữa thời đại vi tính với sự bùng nổ thông tin và đầy biến động hiện nay thì việc đi tìm một chuẩn mực thi ca tiêu biểu, đại diện cho sự tiếp nhận của bạn đọc, hòng xác định thông số sự đồng điệu của cộng đồng sẽ chỉ là huyễn hoặc và ảo vọng. 
Nhà phê bình Võ Tấn Cường
Sự tiếp nhận thi ca đang mở ra những chiều hướng và những cuộc đối thoại rộng mở, bình đẳng, phù hợp với xu thế của thời đại. Sự hình thành những nhãn quan mới và những hệ qui chiếu mới trong quá trình thưởng ngoạn và thẩm định thi ca đã tạo ra diện mạo và sắc thái mới của phê bình. Những chuẩn mực thi ca dựa trên lý luận phản ánh, nhận thức và ý thức hệ cùng với quá trình phát triển của xã hội đã làm cho việc phê bình không còn giữ giọng điệu độc tôn làm lấn át những giọng điệu và chuẩn mực phê bình mới của thời đại. Mảnh đất của phê bình thi ca hiện đại sẽ không còn chỗ dành cho những nhà phê bình quyền uy với giọng điệu kẻ cả và phán xử. Giữa thời đại vi tính với sự bùng nổ thông tin và đầy biến động hiện nay thì việc đi tìm một chuẩn mực thi ca tiêu biểu, đại diện cho sự tiếp nhận của bạn đọc, hòng xác định thông số sự đồng điệu của cộng đồng sẽ chỉ là huyễn hoặc và ảo vọng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chính sự đối thoại bình đẳng, giao hòa và tương phản giữa các giọng điệu, các hệ qui chiếu của phê bình sẽ là những tiền đề cơ bản để hình thành những chuẩn mực thi ca của thời đại.
Mối quan hệ và sự đồng điệu giữa nhà thơ và bạn đọc đã và đang trở nên lỏng lẻo, lạnh lùng do sự chi phối, ảnh hưởng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Con người đang có nguy cơ bị trơ lì về cảm xúc do thường xuyên bị động và choáng ngợp trước sự khủng hoảng thừa của thông tin. Đó chính là trở ngại đáng sợ trong quá trình tiếp nhận thi ca của người đọc.
Thi ca vốn thuần khiết nên nó dễ bị lẫn giữa thế giới đa tạp. Tuy vậy, thi ca vẫn hiện diện trên mọi bình diện của đời sống. Nhà thơ hiện đại đang tự thám hiểm cõi mông lung và mê đắm của bản ngã mà bỏ quên sự tiếp nhận, sự phản hồi và tiếng vọng thi ca từ phía bạn đọc. Thi ca như những chú lạc đà đang băng qua sa mạc của sự thờ ơ, lạnh lùng để hướng về những ốc đảo phì nhiêu, tươi tốt của hồn người. Tất nhiên, không phải người đọc và nhà phê bình nào cũng có thể tiếp nhận thi ca một cách trọn vẹn, khám phá được tầng sâu ý nghĩa và cảm xúc của nhà thơ trong thế giới ngôn từ. Tuy vậy, quá trình tiếp nhận thi ca sẽ tạo ra sự va đập, chiếu rọi giữa các góc nhìn và cách cảm thụ, góp phần mở rộng không gian sống và sự tồn tại của tác phẩm thi ca.
Thi ca được sáng tạo theo khuynh hướng, trường phái nào cũng đều hướng về sự vén mở cõi thăm thẳm của hồn người và vũ trụ. Sứ mệnh của thi ca và nhà thơ là tạo nên “cơn địa chấn” thẩm mỹ và niềm hứng khởi trong tâm hồn người tiếp nhận để làm nảy sinh, hình thành những hạt mầm niềm tin giữa muôn vàn sự đổ vỡ, bất hạnh.
Nhà thơ vừa đối thoại với bản ngã của mình vừa phải hòa nhập vào tâm hồn người đọc. Sự đối thoại giữa nhà thơ, bạn đọc và nhà phê bình sẽ gây ra sự va đập, thanh lọc lẫn nhau để hình thành vẻ đẹp, ý thức thẩm mỹ mới và giọng điệu chung của thời đại. Bằng giọng điệu của riêng mình hòa với giọng điệu của thời đại, nhà thơ còn đối thoại với quá khứ, hiện tại và cả tương lai cùng với sự bất tận của thời gian của vũ trụ.
Sự đối thoại giữa nhà thơ, thi ca và bạn đọc, nhà phê bình cần phải hướng đến sự tương ngộ và đồng điệu với những tần số rung cảm sâu xa của tâm hồn. Sự phê bình, đánh giá và tiếp nhận thi ca sẽ bị rối loạn và biệt lập nếu nhà phê bình và bạn đọc chỉ dựa trên tư duy duy lý, trên văn bản hoặc chỉ căn cứ vào tu từ, cú pháp học mà không biết đến năng lượng tâm hồn của nhà thơ ẩn hiện sau ngôn từ. Đối thoại thi ca cần phải đặt trong sự tương tác giữa mọi chiều kích của không gian, thời gian và trong bề mặt bề sâu của thể xác, tâm hồn con người và môi trường văn hóa chung của thời đại…
Mấy thập kỷ qua thi ca vẫn giữ vẻ đẹp bi tráng dù phải gánh vác trọng trách nặng nề và vẻ vang phản ánh cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Thi ca vừa vượt khỏi chặng đường của chiến tranh thì lại rơi vào trận chiến mới đó là: cuộc – chiến – phê – bình của một ít cây bút phê bình hiếu chiến, thô bạo. Các cây bút phê bình này đã mượn danh nghĩa đối thoại và đưa ra chuẩn mực của riêng mình dựa trên một hệ qui chiếu tu từ học và xã hội học để phán xử, phê bình thi ca và số phận nhà thơ. Oái oăm thay, trong cuộc – chiến – phê – bình này chẳng có ai “chết” cả mà chỉ làm tổn hại đến vẻ đẹp huyền bí của thi ca và sự mong manh dễ tan vỡ của hồn người. Thật buồn thay, trong khi thế giới đã và đang hướng phê bình văn học về các hệ qui chiếu như: hiện tượng luận, bản thể luận, ký hiệu học, phân tâm luận, hậu hiện đại và đề cao vẻ đẹp tâm linh của con người thì phê bình thi ca của chúng ta vẫn chỉ quẩn quanh với kiểu phê bình tu từ học và xã hội học. Buồn hơn nữa, đó là giọng điệu độc tôn và kiểu phê bình phán xử vẫn còn độc chiếm diễn đàn gây nhiễu loạn và tạo ra sự hoang mang đối với bạn đọc trong quá trình tiếp nhận thi ca…
Xu thế chung của thời đại đã đem đến cho quá trình sáng tạo của nhà thơ và sự tiếp nhận của bạn đọc, nhà phê bình sự đối thoại bình đẳng cùng với cái nhìn xuyên suốt, vượt qua không gian, thời gian và những định kiến về sự khác nhau giữa các khuynh hướng, trường phái nghệ thuật. Cuộc đối thoại thi ca hướng đến những chuẩn mực mới phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người sáng tạo và người thưởng ngoạn cái đẹp.
19/7/2020
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió"

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió" Vào quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Hòa Bình viết bài thơ “Sơn Tây m...