Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Phạm Tấn Dũng: Kẻ vây bắt bóng mưa, ngồi lưng đồi săn gió

Phạm Tấn Dũng: Kẻ vây bắt
bóng mưa, ngồi lưng đồi săn gió

Nhật ký gió cuốn* của Phạm Tấn Dũng là tập thơ trữ tình. Ở đó không thấy các sự việc được kể theo trật tự tuyến tính mà chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc “gió cuốn” của tâm trạng, khi người thơ bị cuộc đời xô vào những “ổ gà của sóng”.
Bìa tập thơ Nhật ký gió cuốn của Phạm Tấn Dũng
Nhật ký gió cuốn cũng là tập thơ của ký ức, của những giấc mơ tiếp nối bất chợt “không đầu không cuối”, khi thì “mơ xưa võ vàng năm tháng”, khi thì “giọt giọt long lanh” như mới vừa vớt ra từ dòng trôi cuộc người. Nhật kí gió cuốn có bốn mươi mốt bài thơ. Trong đó có một bài thơ năm chữ, còn lại là thơ tự do (một bài thơ văn xuôi), với hai mảng đề tài lớn: thơ viết về quê hương và thơ viết cho mình.
Khi viết về quê hương, những thanh âm đời sống bình dị quen thuộc “lẫm vào kí ức”, từ kí ức vọng về, vang lên sâu xa trong tâm hồn người thơ: tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông/tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn giữa chiều Bàn Lãnh/tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa/tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng/tiếng bìm bịp kêu chiều rã riêng bãi dâu Tư Phú/ tiếng vạc kêu đêm rớt lại đầu vòm một bến Vân Ly, tiếng sông khóc đêm, tiếng rưng rức khóc thầm núi cháy sông khô, tiếng cười hóa cỏ, hát vang bài ca mưa nguồn chớp bể, giọng nghé ầm vang trong cơn nấc cụt…  Rất nhiều, rất nhiều tiếng gió cuốn lên từ những trang thơ: gió trung du rào rào vết xước, xông xênh gió òa tiếc muộn, tiếng gió xô tiếng cánh chim kêu đêm chỗ nằm không ấm,… Hình ảnh quê hương trong tập thơ “sẫm màu kí ức” nên thường trộn lẫn thực với mơ, xáo trộn không gian thời gian, “phi lí” đến lạ nhưng giàu sức gợi:
– những hạt mưa trôi theo sóng nước
những nếp nhăn tròng trành
giữa đại ngàn vừa vút bóng thiên di…
những chiếc lá vàng rã mục chiều thu
những cánh tay lượm hạt mưa đêm bỏ quên vào tóc
những giọng khàn gọi ước mơ như lần dúi mơ ước vào ngực
những ngọn đèn không biết sáng về đâu
những bọt bèo không lách nổi ổ gà của sóng
những hòn than đỏ còn hâm nóng màu rêu…
– Thu Bồn Thu Bồn
từ thượng nguồn đến sóng xô Cửa Đại
những mưa ướt dấu chân
hửng tiếng hát chật lên nắng gió
những nụ hôn đất nâu ngẩn ngơ vội vàng
đèo truông bóng đổ sông đục ao trong
đền xưa tháp cũ đường hút bụi mờ
vườn chanh bãi bắp giếng cũ đình làng
nhịp nhịp thời gian
Viết về quê hương, người ta quen với cách biểu đạt của ca dao: ngợi ca phong cảnh hữu tình, làm nổi lên những con người quê hương: mẹ, cha, chị, người thương, cô em gái “dịu dàng ngây thơ”, cái cò cánh vạc hóa thân… Trong Nhật kí gió cuốn, ít có những hình ảnh ấm áp, kiểu như: “cây duối ven đường khẽ mọc cánh tay ôm” mà xuất hiện khá dày đặc những hình ảnh của kí ức, chở nặng nỗi đau của một hồn thơ:
con sông xưa một bên đã âm thầm tự tử
bãi dâu xanh rì đã khoác lên lớp áo trắng cỏ lau
Hình ảnh yêu thương bỗng chốc trôi ngược về xưa, gầy guộc, xa vắng, tan lìa:
– nước mắt mẹ thì dâng theo ngấn lụt
thân cha gầy bám củi khô với vớt cơi trầu
chị xắn quần đếm thời gian đã khô nước mắt
– những chàng trai sông Thu
đã ra đi
đã quay về và không về
đã quay cuồng trong gió lốc
– và em thì cũng đã vai gầy tóc ướt
Tự tha hương trên chính quê hương mình đó là cách Phạm Tấn Dũng thể hiện nỗi quê. Điều này không mới nhưng cách viết vẫn có sắc vị riêng. Những câu thơ “thương khóc” quê dù có hình thức tân kì đến đâu, người đọc vẫn cảm nhận được cái hồn của một vùng quê “từ thượng nguồn đến sóng xô Cửa Đại” và cái tình của một “thằng tôi Quảng Nam thứ thiệt”:
– ôi quê hương quê hương quê hương
những lần khóc
có người tha hương ngay trên quê mình
– ai tha hương mà không nhớ tiếng ểnh ương
sông níu thân đêm bật khóc dây đàn
lục bình trổ bông tím phía chiều quê
Chao ôi! “Câu thơ buồn trắng bệch tháng năm đau”:
Đọc đến trang cuối Nhật kí gió cuốn, thấy dường như người thơ viết cho riêng mình. Thi sĩ ra với sông, với biển, với rừng, đi vào mơ, hay nói với “em” cũng là để lắng nghe chính mình, đi tìm chính mình. Đi tìm chính mình là cuộc tìm kiếm nhọc nhằn, có lẽ suốt đời thơ cũng chẳng vẽ nổi gương mặt chính mình. Biết vậy, người thơ vẫn mải miết đi:
– tôi đi hái chân ngày
ngôi nhà mẹ nẻo về xa lạ
rải nắng vào mênh mông
nắng trổ bóng tôi chiều trên bến
mơ một ngày tôi hóa sông quê
– tôi bỏ tôi lững thững thung ngàn
em hạt nắng đi ngang khung trời cũ
khát mặt trời em khơi lửa trong tôi
em lấm tấm lung linh vang trời ký ức
nắng theo tôi đi hái chân ngày
– nhiều khi
nhiều khi đi về
thổi chiếc kèn lá chuối
thằng bé năm mươi năm nhặt tiếng chim rơi.  
Trốn vào hình hài “thằng bé Thu Bồn/ru gió mồ côi/ôm ghi ta hát” cho nhẹ lòng. Có khi chủ thể trữ tình hóa thân vào “con trâu kéo nắng”, vào “trời giông thả tấm lưới” chỉ để “vây bắt bóng mưa”; cuối cùng gặp một cái tôi – “tôi vô hình”:
tôi con trâu kéo nắng
xa quá tiếng thở ra
trời giông thả tấm lưới
vây bắt bóng mưa hoa
và tìm đâu tiếng gọi
khi em không là em
trước em tôi vô hình
để ngóng về tôi cũ
Thi sĩ là “người đàn ông ngồi lưng đồi săn gió”, mang cái “bản năng lạc đường hoang dại” cho nên dù “tôi có lê lết trong tôi” thì “bản lai diện mục” vẫn chỉ là “bóng trôi phía trước”:
nhiều khi hình dung những lần thấy mặt
nghiêng về phía tây chếch về phía đông
mặt trời đầy cát
mặt mình cũng hoang sơ hoang vu hoang dại
vuốt tóc lúc nào không biết tóc ướt tóc khô tóc hoa râm tóc bạc
chỉ thấy bóng trôi phía trước
Đành trở về “xếp gọn những loay hoay” để “lưu dấu mối tình” với đời, với thi ca:
thôi về
xếp gọn những loay hoay
lưu dấu mối tình 
Và mơ. Thi sĩ “neo giấc mơ vào sóng”. Đâu là chỗ để tâm hồn trú đậu? Giấc mơ nối tiếp giấc mơ, cơn khát nối dài cơn khát:
– giấc mơ trầm hương trôi về trên sông
giấc mơ cánh đồng sen vỡ ối
– tôi khát em
cơn khát sông thăng trầm
tôi làm thơ không dấu chấm
tôi đi hái chân ngày
tôi mơ dấu son trổ dại bên thành giếng
Trả lời câu hỏi: “Ông định nói gì trong thơ?”, một nhà thơ viết: “Nếu nói gì thì nói chứ làm thơ để làm gì!”. Có lẽ Phạm Tấn Dũng không nói điều gì rõ ràng trong thơ mình. Không phải là anh cố tỏ ra khó hiểu mà anh cố diễn tả, cố phơi bày ra những góc khuất tâm tư, nói ra nỗi mơ hồ vẹn nguyên trong trái tim thơ (Vẫn nguyên vẹn trong anh là nỗi mơ hồ – thơ Hoàng Trung Thông); cả những tàng thức, linh giác, thâm cảm khó nói nên lời. Điều này không hề vô ích. Đọc thơ Phạm Tấn Dũng cũng là cách để bạn đọc “đọc mình”, khám phá chiều sâu tâm hồn mình. Tôi nghĩ người đọc rất dễ đồng cảm với nhận định của Huy Phương: “Người nghệ sĩ là kẻ dọn đường cho con người tìm gặp chính mình”.
Nhật kí gió cuốn là tập thơ không dễ đọc. Nó là những kí ức rời được “lắp ghép” bằng chất kết dính của cảm xúc. Đọc tập thơ, người đọc không khỏi có cảm giác bề bộn. Đó là điều… đương nhiên, khi tác giả chọn lối viết “soi vào tâm thức” và thường sử dụng  thủ pháp đồng hiện, kết cấu phi tuyến tính. Vì vậy, tập thơ dành khoảng trống rộng rãi cho người đọc đồng sáng tạo. Điểm mạnh của tập thơ là hệ thống thi ảnh: phong phú, đa sắc, phần nhiều mới mẻ ít có dấu ấn của thói quen. Có những câu thơ đẹp không ngờ:
– con chim tha bóng mình bay về phía núi
– tôi vãi lên trời quê mênh mông hoa nắng
thương lắm cánh cò bật sáng đồng xưa
– những hơi thở dài không chịu tàn phai
những quàng vai nhặt nắng
những lần hái hạt sương đêm
– đôi ngực thanh xuân như hai nấm mộ gió
biển lặng lâu rồi và sóng cứ đâu đâu
Cũng có thể nhặt ra trong tập thơ những cách nói ấn tượng, diễn tả rất khéo trạng huống lơ lửng đến khổ đau của tâm hồn:
– còn tôi
với tháng ngày không sinh nở
– gió thóc mách
buổi chiều không nhớ không quên
– nhiều khi mơ không ra mơ
những giấc mơ không đi không ở
– để rêu xanh chạm nắng mái đầu
sau những giấc mơ không quên không nhớ
– quất vào anh
quất vào cánh cửa chẳng cài chẳng mở
Nhưng có nên lặp lại như thế không? Vì thương hoa tiếc ngọc mà lưu luyến bịn rịn, trở đi trở lại mãi một lối hoa thì có mắc lỗi với tinh thần sáng tạo nghệ sĩ không?
Nhật ký gió cuốn là tập thơ in riêng thứ hai của Phạm Tấn Dũng**. Hai tập thơ đã định hình một lối viết khó lẫn với ai. Ở lần thơ này, tác giả gieo những con chữ “lấm tấm lung linh vang trời ký ức”, theo cách của riêng anh. Trung niên thi sĩ xứ Quảng Bùi Giáng, trong một tiểu luận viết: “Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”. Mỗi bài thơ là cái đẹp mang tính chỉnh thể, mổ xẻ phân tích có khi làm hại cái đẹp. Mà nếu phải bình giá thì giỏi lắm người viết cũng chỉ ra được những nét nghĩa hàm ẩn; khó mà đi tới chỗ “vô ngôn” của thi phẩm. Bài viết này không phải là “hướng dẫn sử dụng”, có thể xem như là chỉ dấu ban đầu giúp bạn đọc đi vào cõi thơ Phạm Tấn Dũng…
Chú thích:
* Nhật ký gió cuốn, NXB Văn Học, 2018
** Tập thơ trước: Phía sóng, NXB Văn học, 2008.
27/8/2019
Nguyễn Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...